CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
3.1 Thực trạng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom
3.1.3 Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
3.1.3.1 Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom cũng tồn tại hạn chế như đã phân tích trong từng lĩnh vực, từng công tác cụ thể. Có thể tổng hợp lại những tồn tại, hạn chế đó như sau:
• Hạn chế về năng lực tổ chức quản lý dự án
Bộ máy quản lý dự án không chuyên nghiệp. Thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn dẫn đến công tác quản lý chất lượng chưa cao, tiến độ bị chậm. Đôi khi không chủ động rà soát hồ sơ ngay từ khâu phát hành hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình cấp nước dẫn đến phát sinh khối lượng, phát sinh điều chỉnh giá trị hợp đồng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý dự án cần được đào tạo, bồi dưỡng thêm để nâng cao trình độ của một số cán bộ quản lý dự án.
Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thiếu, chưa đồng bộ, còn kiêm nhiệm và thuyên chuyển nhiều. Công tác tuyển dụng nhân sự chất lượng chưa cao, chưa tuyển dụng được người đúng vị trí, đúng chuyên môn.
Quản lý chất lượng công tác khảo sát thiếu tính chính xác, chưa được đầu tư kỹ lưỡng và coi trọng, đơn vị tư vấn khảo sát trình độ còn hạn chế, điều chỉnh thiết kế tác động đến quá trình thi công và chất lượng công trình về sau. Ngoài ra chất lượng công tác nghiệm thu cũng cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo việc đưa dự án vào hoạt động và khai thác đúng so với kế hoạch đề ra.
Quản lý tiến độ vẫn tồn tại những hạn chế làm chậm tiến độ như công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, bổ sung khối lượng phát sinh, bị trì hoãn thi công do thay đổi phương án thiết kế.
• Hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu
Công tác lập kế hoạch đấu thầu, chất lượng hồ sơ mời thầu còn thấp dẫn đến phải chỉnh sửa nhiều lần làm chậm tiến độ; năng lực một số nhà thầu được chọn còn yếu.
Bên cạnh đó, công tác quản lý hợp đồng còn bộc lộ khá nhiều yếu điểm.
Công tác đấu thầu hiện nay tại một số dự án đầu tư còn thiếu lành mạnh, còn phổ biến hình thức “quân xanh - quân đỏ” trong đấu thầu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Một số nhà thầu bỏ giá rất thấp so với giá được duyệt để được trúng thầu, cách làm này rất phổ biến làm rối loạn các khâu tiếp theo sau khi thực thi dự án dẫn đến không đảm bảo về chất lượng và tiến độ của dự án.
Chưa tạo được hiệu quả thực sự trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, có những dự án đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, nhưng trên thực tế danh sách nhà thầu tham gia dự thầu chỉ là 3 hoặc 4 nhà thầu, tình trạng thông thầu cũng có thể xảy ra.
Thời gian chấm thầu, trình thẩm định kết quả đấu thầu chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công bị chậm.
• Công tác quản lý chi phí
Quản lý chi phí lập tổng mức đầu tư phát sinh khối lượng làm điều chỉnh tổng mức đầu tư, năng lực đơn vị tư vấn lập dự toán còn ít kinh nghiệm, đo bóc khối lượng nhiều thiếu sót, giá hợp đồng tư vấn thường có giá trị tăng do thời gian thực hiện các công việc tư vấn kéo dài, thủ tục, hoàn tất hồ sơ trong công tác thanh quyết toán còn chậm.
Tồn tại một số hạn chế trong công tác quản lý rủi ro trong xác định chi phí dự phòng, công tác lập nhiệm vụ khảo sát,… Sự phối hợp thiếu đồng bộ và thiếu chặt chẽ của các bên trong quá trình thực hiện dự án.
3.1.3.2 Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
• Về cơ cấu tổ chức và nhân sự quản lý dự án
Hoạt động đầu tư là một tổ hợp những công việc rất phức tạp và diễn ra trong thời gian dài. Công tác quản lý, theo dõi và giám sát đòi hỏi phải được thực hiện bởi một bộ máy có trình độ chuyên môn nhất định của cán bộ tham gia quản lý dự án.
Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thiếu, chưa đồng bộ, còn kiêm nhiệm và thuyên chuyển nhiều. Công tác tuyển dụng nhân sự chất lượng chưa cao, chưa tuyển dụng được người đúng vị trí, đúng chuyên môn. Các quy định, quy chế áp dụng trong Công ty đặc biệt trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước còn thiếu hoặc sơ sài chưa cụ thể.
Đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia quản lý dự án chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ. Cách thức quản lý về công việc cũng như con người còn nhiều bất cập.
• Về việc thực hiện các hoạt động quản lý dự án
Hoạt động xây dựng là lĩnh vực đa dạng, phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước thường xuyên thay đổi cụ thể như các thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định của Chính phủ và các quyết định, hướng dẫn của địa phương liên quan đến xây dựng. Đòi hỏi các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia quản lý dự án phải chủ động, thường xuyên cập nhật thông tin đáp ứng yếu cầu nhiệm vụ.
Việc cập nhật thông tin và điều tra ban đầu trong quá trình nghiên cứu đầu tư chưa kịp thời, chưa đầy đủ thông tin và chưa chính xác.
Các chính sách về bồi thường, GPMB thường xuyên thay đổi.
Do việc giám sát của cơ quan chức năng và các biện pháp bảo đảm an toàn cho dự án sau khi được đưa vào khai thác sử dụng chưa được thực hiện tốt.