Cơ sở khoa học về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước của công ty vietcom (Trang 35 - 40)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

2.1 Cơ sở khoa học về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước

Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm nhiều phần việc và nhiều công đoạn khác nhau, các văn bản quy phạm pháp luật xuất phát từ thực tế khách quan, từ đường lối chính trị của đất nước đồng thời thể hiện ý trí và lợi ích của nhà nước, nhân dân thể hiện qua sự điều chỉnh văn bản pháp luật qua các thời kỳ khác nhau. Dưới đây là một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ở nước ta, có thể thống kê như sau:

Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18/6/2014, một số nội dung của luật đã bổ sung thêm nhiều điều khoản mới như: “Điều 7: Quy định năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng”, “Điều 40: Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên”, “Điều 40a (bổ sung vào điều 40):

Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình”, “Điều 54: Các bước thiết kế xây dựng công trình” [4].

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2014 đã có nhiều thay đổi như: cải cách thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đảm bảo kinh doanh bình đẳng, tự do, tạo cơ hội nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đầu tư trong nước. “Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định” [3].

Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị định có vai trò quyết định trong việc tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng nói chung và cho công tác quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng nói riêng [5].

Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng [10].

Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính về quản lý sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác công trình được đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau cũng như trình tự giao nhận, thanh lý công trình [11].

Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tạo cơ chế mở cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực cấp nước nông thôn, đây là xu hướng phát triển chung của nhiều quốc gia trên thế giới [12].

2.1.2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

Theo “thông lệ quốc tế”: QLDA xây dựng công trình xây dựng là việc “quản lý” một

“dự án xây dựng” cụ thể; Bao gồm việc quản lý các giai đoạn khác nhau được thực hiện bởi các tổ chức khác nhau; Quản lý xây dựng không chỉ là quản lý các vấn đề nội bộ mà còn liên quan đến việc điều phối và điều chỉnh tất cả các yếu tố cần thiết để hoàn thành công việc [13].

Theo lý thuyết hệ thống thì: “Quản lý dự án là điều khiển một quá trình hoạt động của hệ thống trong một quỹ đạo mong muốn, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là tạo ra các sản phẩm như mục tiêu đề ra”. Như vậy, theo cách này quản lý dự án là điều khiển một hệ thống đã có trước, với một loạt các điều kiện ràng buộc, các nguyên tắc, các phát sinh xảy ra trong quá trình sản xuất [14].

2.1.2.1 Đặc thù công trình cấp nước tập trung

Việc phân cấp công trình xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng đối với công trình cấp nước sạch tập trung thuộc dự án công trình hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó các hạng mục: nhà máy nước, công trình xử lý nước sạch (bao gồm cả công trình xử lý bùn cặn); trạm bơm nước thô, nước sạch hoặc tăng áp (bao gồm cả bể chứa) được phân cấp theo công suất thiết kế (m3/ngày.đêm) [15].

Khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phải tuân thủ theo các quy định chung của pháp luật, đối với tiêu chuẩn về kỹ thuật áp dụng theo TCXDVN 33:2006 cấp nước - mạng lưới đường ống và công trình tiêu chuẩn thiết kế [16].

Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng nhà máy xử lý nước sạch tập trung với dây chuyền công nghệ xử lý phù hợp có thể tạo ra sản phẩm nước sạch đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng và các mục đích khai thác khác.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch có mục đích cung cấp một kết cấu hạ tầng vững chắc về cấp nước để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các khu vực có dự án, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp giảm nghèo đối với các hộ nghèo và làng nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam:

+ Đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho các hộ gia đình

+ Nâng cao sự chấp thuận của cộng đồng về thực tiễn vệ sinh nhằm cải thiện sức khỏe gia đình và sức khỏe trẻ em.

Tạo cho người dân có ý thức sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, từ đó có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và cải tạo vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Làm giảm các dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong vùng dự án.

Góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong khu vực dự án và các khu vực lân cận. Giảm thiểu các tác động, bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra.

2.1.2.2 Mục tiêu và yêu cầu của quản lý dự án

Mục tiêu cơ bản của Quản lý dự án nói chung là hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng, trong phạm vi nguồn lực được duyệt và theo tiến độ thời gian cho phép. Ba mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Công thức dưới đây sẽ thể hiện mối quan hệ này:

C=ƒ (K,T,S)

Trong đó:C là chi phí; K là mức độ hoàn thành công việc (kết quả, chất lượng); T là yếu tố thời gian; S là phạm vi dự án.

• Chất lượng (kết quả) của dự án:

Mỗi dự án luôn hàm chứa một hay nhiều mục tiêu cần đạt được như mục tiêu kỹ thuật công nghệ, mục tiêu kinh tế tài chính, mục tiêu kinh tế xã hội, mục tiêu môi trường...

Tùy theo loại dự án khác nhau, mà mục tiêu được đặt ra ở các cấp độ khác nhau.

• Nguồn lực (chi phí) sử dụng (Nhân lực, vật lực, tiền vốn, đất đai, tài lực,...)

Trong bước lập dự án, mỗi dự án đều dự trù chi phí nguồn lực huy động cho dự án và các dự tính này đã được thẩm định, phê duyệt. Thực tế triển khai do những biến cố rủi ro làm cho chi phí, nguồn lực thực tế thường có xu hướng và nguy cơ vượt quá dự tính ban đầu dẫn đến việc phải điều chỉnh, thay đổi lại mục tiêu so với dự kiến ban đầu,...đây là những khó khăn cho việc quản lý mục tiêu dự án.

• Thời gian:

Một dự án có quy mô bất kỳ, khi triển khai đều đòi hỏi phải có một thời gian nhất định và thường bị khống chế do nhiều lý do (cạnh tranh thị phần, giành cơ hội,...). Ngay trong từng giai đoạn của vòng đời dự án cũng có khống chế về thời gian thực hiện.

Thông thường, vòng đời một dự án chia ra 3 thời kỳ: Khởi đầu, triển khai và kết thúc.

Trong thực tế, giai đoạn khởi đầu và thời kỳ kết thúc dự án thường được tiến hành với tốc độ chậm hơn so với thời kỳ triển khai thậm chí có dự án không triển khai được, hay bị bỏ dở trong quá trình triển khai không đi đến thời kỳ kết thúc, hoặc kéo dài...

Một dự án được thực hiện và đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến: Trong một khoảng thời gian khống chế; với một nguồn lực đã xác định thì dự án được xem là đã hoàn thành “mục tiêu tổng thể”. Tuy nhiên, trên thực tế “mục tiêu tổng thể” thường rất khó, do đó trong quản lý dự án người ta thường phải tìm cách kết hợp dung hòa 3 phương diện chính của một dự án bằng cách lựa chọn và thực hiện phương án kinh tế nhất theo từng trường hợp cụ thể. Có thể xem mục tiêu tổng thể của một dự án cũng chính là mục tiêu tổng thể của quản lý dự án, bởi vì mục đích của quản lý dự án chính là dẫn dắt dự án đến thành công. Ba yếu tố cơ bản: Thời gian, chi phí và kết quả là những mục tiêu cơ bản của quản lý dự án và giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Sự kết hợp 3 yếu tố này tạo thành mục tiêu tổng thể của quản lý dự án (có thể mô tả mục tiêu quản lý dự án như ở Hình 2.1.

Hình 2.1 Mục tiêu tổng thể của một dự án đầu tư 2.1.2.3 Chức năng quản lý dự án đầu tư xây dựng

• Chức năng lập kế hoạch

Mục đích của lập kế hoạch là đảm bảo thực hiện mục tiêu của dự án và chỉ ra phương pháp để đạt các mục tiêu đó một cách nhanh nhất. Các hoạt động lập kế hoạch bao gồm lập chương trình, dự toán chi phí, thời gian dự tính thực hiện các công việc của dự án. Lập kế hoạch là giai đoạn xây dựng mục tiêu, xác định công việc, dự tính nguồn lực cần thiết để thực hiện dự án, có thể được biểu diễn dưới dạng các sơ đồ hệ thống hoặc theo các phương pháp lập kế hoạch truyền thống.

• Chức năng tổ chức, điều hành thực hiện

Tổ chức thực hiện dự án nhằm phối hợp hiệu quả giữa các bên tham gia, phân định rõ vai trò và trách nhiệm cho những người tham gia dự án nhằm hoàn thành các công việc theo đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra bằng cách phân phối nguồn lực bao gồm tiền vốn, lao động, thiết bị và quản lý tiến độ thời gian. Giai đoạn này chi tiết hóa thời gian, lập lịch trình cho từng công việc và toàn bộ dự án, trên cơ sở đó bố trí tiền vốn, nhân lực và thiết bị phù hợp.

• Chức năng kiểm tra, kiểm soát

Đây là quá trình theo dõi kiểm tra tiến độ dự án, phân tích tình hình thực hiện, tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Chức năng này bao gồm:

Kiểm soát tình hình thực hiện dự án đầu tư;

Kiểm soát tình hình quản lý thực hiện dự án;

Cập nhật tình hình xử lý, phản hồi thông tin, kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra với các nội dung sau:

Tổ chức thực hiện và QLDA. Chấp hành các quy định liên quan đến quản lý đầu tư.

Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; tổ chức thực hiện các vấn đề đã xử lý.

• Chức năng điều chỉnh

Chức năng điều chỉnh là việc đưa ra các thay đổi về kế hoạch, các hành động cụ thể, các tiêu chuẩn… cho phù hợp với những thay đổi giữa thực tế thực hiện dự án so với kế hoạch đã định. Trong thực tế khi thực hiện dự án, do tác động từ nhiều yếu tố nên dự án khó đảm bảo luôn diễn ra đúng như kế hoạch đã định. Do đó người quản lý luôn phải linh hoạt trong việc điều chỉnh các yếu tố của dự án, đảm bảo dự án diễn ra thuận lợi, nhịp nhàng, đạt được mục đích đề ra.

Một phần của tài liệu Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước của công ty vietcom (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)