Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của Hội Nông dân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm thực tiễn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên thế giới
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy phát triển đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chính phủ các nước quan tâm
đặc biệt với vai trò là thành tố chính trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện song song theo hai hướng là đào tạo để chuyển dịch cơ cấu lao động (là chủ yếu, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa) và đào tạo nghề để nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp phổ thông cơ sở để có định hướng học nghề ngay sau khi học hết PTTH. (Phạm Bảo Dương, 2008).
2.2.1.1. Kinh nghiệm đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Liên Bang Nga Với diện tích trên 17 triệu km2, Liên bang Nga không chỉ là quốc gia lớn nhất thế giới mà còn là nước có diện tích đất nông nghiệp cũng lớn nhất thế giới (trên 210 triệu héc-ta, chiếm 7% đất nông nghiệp toàn cầu), có khả năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp nuôi sống toàn bộ dân số trên trái đất. Vì thế, Chính phủ Nga đặc biệt quan tâm đến hoạt động dạy nghề cho nông dân, để họ có thể khai thác tốt nhất tiềm năng sẵn có và làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trước hết, chú trọng cung cấp những kiến thức cơ bản về nghề nông cho học sinh trung học năm cuối phổ thông, gọi là hình thức đào tạo chuyên nghiệp sơ cấp, tại các trường cao đẳng chuyên nghiệp. Học sinh có nhu cầu học nghề phải làm đơn nhập học theo Quy chế đào tạo chung của nhà nước. Những người được tuyển thường là học sinh đã tốt nghiệp phổ thông. Sau khi được tuyển vào học, các em sẽ được học nghề từ 1 đến 3 năm tùy thuộc vào trình độ học vấn phổ thông của mình. Có hai hình thức đào tạo: chính quy (ban ngày) và không chính quy (ban đêm).
Thời gian gần đây, ở Nga phát triển mạng lưới rộng khắp các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp sơ cấp để đào tạo công nhân nông nghiệp có tay nghề cao cho tổ hợp công - nông nghiệp với 280 ngành nghề khác nhau, từ kỹ năng nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp, tới thương mại, dịch vụ, kỹ thuật, giao thông trong nông nghiệp v.v.
Chính phủ Liên bang và ở Chính phủ các nước cộng hòa đặc biệt chú ý phát triển hình thức đào tạo nghề cho nông dân tại các trung tâm thông tin - tư vấn. Với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, trước hết là mạng Internet, hình thức đào tạo nghề cho nông dân thông qua hoạt động thông tin - tư vấn đã phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng tạo ra đội ngũ nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Quá trình đào tạo nghề tại các trung tâm thông tin - tư vấn bao gồm hai nhóm. Nhóm bảo đảm thông tin và nhóm bảo đảm tư vấn.
Nhóm bảo đảm thông tin nhằm cung cấp cho những người làm ra sản phẩm nông nghiệp những tri thức và thông tin cần thiết, và cập nhật nhất về sản xuất nông nghiệp; quản lý nông nghiệp; tiếp cận thị trường; thông tin về cơ sở pháp lý và thương mại để thực hiện toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hình thức đào tạo nghề nông cho nông dân thông qua hoạt động bảo đảm bao gồm: xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin về những người sản xuất nông nghiệp trong vùng, khu vực hoặc trên quy mô quốc gia; phát hiện nhu cầu thông tin của những người sản xuất hàng hoá nông nghiệp trong toàn bộ tổ hợp công - nông nghiệp và của những cụm dân cư nông nghiệp ở cấp cơ sở; hoàn thiện hệ thống tương tác giữa các cơ quan thông tin - tư vấn với các tổ chức nghiên cứu khoa học nông nghiệp, giáo dục và những cơ quan và cá nhân khác sở hữu các nguồn thông tin khác nhau; kết hợp các nguồn thông tin khác nhau để đưa ra các chỉ định thực tiễn nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc của những người làm ra sản phẩm hàng hóa nông nghiệp; tổ chức hoạt động bảo đảm thông tin cho các trung tâm thông tin - tư vấn; tổ chức mạng lưới Internet để người nông dân có thể tiếp cận thông tin tại các trung tâm thông tin - tư vấn của vùng, khu vực và liên bang; xây dựng mạng lưới thu thập và xử lý thông tin về thị trường ở cấp khu vực; tổ chức thu thập, xứ lý và phổ biến thông tin về thị trường nông sản cũng như các hàng hóa khác liên quan tới sản xuất nông nghiệp...
Các hình thức phổ biến thông tin cho người nông dân cũng rất đa dạng, như bản tin tổng hợp (do các cơ quan thông tin cung cấp dưới dạng các ca-ta-lô và sách tra cứu thông tin); bản tin nhanh nhằm cung cấp kịp thời những thành tựu khoa học và kỹ thuật nông nghiệp và thông tin về thị trường nông sản; ấn phẩm giới thiệu các kinh nghiệm sản xuất của người nông dân; giáo trình và tuyển tập thông tin về nghề nông do các viện nghiên cứu và các trường đại học biên soạn.
Nhóm thông qua hoạt động tư vấn trợ giúp cho người nông dân những kỹ năng cần thiết nhất về nghề nông trong điều kiện nền kinh tế của Nga đã chuyển sang phát triển theo cơ chế thị trường dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để người nông dân có thể làm tốt việc chuẩn bị, ra quyết định cũng như thực hiện các quyết định đó trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sao cho có hiệu quả nhất.
Hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho nông dân tại các trung tâm thông tin - tư vấn được thực hiện theo các hình thức: Tư vấn tại chỗ, ngay tại nơi làm việc, trên cánh đồng, của những người làm ra sản phẩm và hàng hóa nông nghiệp; tư vấn thông qua điện thoại, thông qua thư từ gửi bằng đường bưu điện; tư vấn ngay tại văn phòng của các trung tâm thông tin - tư vấn; tư vấn theo yêu cầu của từng cá nhân và tập thể nông dân theo nhu cầu thông tin của họ (Hương Ly, 2010).
2.2.1.2. Kinh nghiệm đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thái Lan Thái Lan có điều kiện tự nhiên và khí hậu tương tự miền Nam Việt Nam với nền nông nghiệp tiên tiến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện có khoảng 60% lực lượng lao động phục vụ cho ngành nông nghiệp.
Thái Lan có kinh nghiệm trong hình thành hệ thống đào tạo nghề và hướng nghiệp với 8 chương trình đào tạo với nội dung, thời gian và yêu cầu cần đạt là khác nhau, ứng với từng đối tượng lao động trong các ngành kinh tế. Đào tạo người lao động nông thôn được xếp vào loại ngắn hạn, các trường đại học và trung cấp về nông nghiệp có trách nhiệm thực hiện các khóa đào tạo nông dân theo chương trình này. Trong 4 năm 1984 - 1988 số nông dân tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn này đã tăng từ 49,4 ngàn người lên trên 75,6 ngàn người.
Cuộc khủng hoàng tài chính năm 1997 đã làm sụt giảm mạnh việc làm và thu nhập ở khu vực phi nông nghiệp, làm cho một số lượng lớn lao động mất việc làm phải trở lại vùng nông thôn. Chính phủ Thái Lan đã ban hành chính sách mới, trong đó đặt trọng tâm vào đào tạo lại lao động cho sản xuất nông nghiệp, cụ thể là lao động cạo mủ cao su, sửa chữa máy móc phục vụ nông nghiệp, trồng và thu hoạch nấm, nuôi ong lấy mật, nuôi tằm, chăm sóc, tỉa cành ở các vườn cây ăn quả; đào tạo lao động cho một số nghề phi nông nghiệp mới hình thành trong giai đoạn này như chế biến, bảo quản thực phẩm, nghề thủ công mỹ nghệ…; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp nông thôn quy mô vừa và nhỏ nhằm thu hút lực lượng lao động quay về nông thôn. Bên cạnh đó nhiều hoạt động như cung cấp thông tin việc làm, hội trợ viêc làm, hỗ trợ đào tạo, hội thảo về việc làm…cũng được tổ chức nhiều hơn.
Công tác đào tạo kỹ thuật, nâng cao nhận thức cho người nông dân được coi trọng. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học mở các khóa học tại chỗ về kỹ thuật canh tác, chuyển giao công nghệ nhằm thu hút và nâng cao trình độ nguồn nhân lực nông nghiệp. Nhờ những hướng đi đúng đắn trong đào tạo nghề cho lao
động nông thôn nên những vùng đất hoang, địa hình đồi núi dốc và cả những vùng khô cằn cũng được khai thác, sử dụng có hiệu quả (Chu Tiến Quang, 2009).
2.2.2. Cơ sở thực tiễn về vai trò của Hội Nông dân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương
2.2.2.1. Vai trò của Hội Nông dân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã có những chương trình thiết thực, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội và các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện và các Hội Nông dân huyện ký kết 27 chương trình phối hợp và triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác phối hợp đạt kết quả tốt. Đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp đào tạo được 29.760 lao động, trong đó đào tạo trình độ dưới 3 tháng là 22.585 người, đào tạo trình độ sơ cấp là 7.175 người.
Nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hình thành các hình thức kinh tế hợp tác, chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với trường Cao đẳng nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ mở được 11 lớp trung cấp nghề cho hơn 500 lao động nông thôn về các nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y, nông nghiệp tổng hợp; đã tổ chức 16 lớp dạy nghề may công nghiệp, cấp chứng chỉ cho 412 lao động nông thôn; liên kết đào tạo nghề ngắn hạn được 12 lớp cho 950 học sinh.
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã được UBND tỉnh và TW Hội giao chỉ tiêu trực tiếp đào tạo 37 lớp dạy nghề cho 1.213 lao động.
Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã trực tiếp mở lớp dạy nghề ngắn hạn trong thời gian 3 tháng cho nông dân. Trung tâm đã lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng và gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc nhu cầu sử dụng lao động của thị trường như: Nghề may công
nghiệp, trồng trọt nông, lâm nghiệp; chăn nuôi thú y, tiểu thủ công nghiệp, do vậy số lao động trên sau khi học xong đều được Trung tâm giúp tìm việc làm ổn định ở trong nước và đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài.
Về tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp và phối hợp mở được 20.908 buổi cho 1.468.893 lượt người; xây dựng 22 mô hình trình diễn khuyến nông cho hội viên, nông dân học tập, ứng dụng; tổ chức hàng trăm cuộc tham quan học tập kinh nghiệm mô hình mới trong, ngoài tỉnh cho hàng ngàn lượt người (Phương Bình, 2015).
2.2.2.2. Vai trò của Hội Nông dân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã chủ động và tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ và đào tạo nghề cho hội viên nông dân. Trong giai đoạn 2010 - 2015, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức 829 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 25.000 lao động nông thôn với các nghề như trồng trọt, chăn nuôi - thú y, nuôi trồng thủy sản, nấu ăn, tin học, may công nghiệp….Đồng thời lồng ghép việc đào tạo với tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Tỷ lệ các học viên sau đào tạo có việc làm đạt hơn 70%. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, các lớp nghề được tổ chức tại địa phương, giúp người dân vừa học, vừa ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Đối với nghề nông nghiệp, các lớp học nghề do Hội Nông dân tham gia tổ chức đã gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu mở rộng kiến thức KHKT của học viên. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa thu hoạch bận rộn của nông dân nhưng trùng với thời vụ sản xuất. Dựa trên quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi, các lớp nghề đã xây dựng các mô hình trình diễn để học viên thuận tiện trong quá trình thực hành. Gắn việc giảng dạy của giảng viên có kinh nghiệm với việc lấy “nông dân dạy nông dân” như mời các chủ trang trại, chủ mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho học viên; thường xuyên bổ sung và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo sát nhu cầu học viên.
Bên cạnh nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp cũng được các cấp Hội Nông dân tích cực tham gia phối hợp tổ chức như may công nghiệp, nấu ăn, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ…Đa số các học viên học nghề xong được các đơn vị sử dụng lao động tuyển chọn hoặc nhận gia công bao tiêu đầu ra cho sản phẩm cho
các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua việc đào tạo nghề phi nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp cũng thành lập được 181 tổ hợp tác, có hơn 1.500 hộ nông dân có được thu nhập khá và gần 400 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững (Việt Anh, 2016).
2.2.2.3. Vai trò của Hội Nông dân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái
Trung bình hàng năm ở tỉnh Yên Bái có từ 11.000 - 14.000 người lao động nông thôn cần phải học nghề. Trong 5 năm (2010-2014) các cấp Hội Nông dân đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, các chủ trương, cơ chế chính sách về đào tạo nghề cho trên 85.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở được 31 lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho 1.551 học viên là cán bộ, hội viên nông dân, có kỹ năng và kinh nghiệm làm nòng cốt tuyên truyền viên tư vấn học nghề, việc làm, tích cực vận động nông dân học nghề.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các Trường, Trung tâm dạy nghề, UBND cấp xã trong khâu rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề cho phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, đã tổ chức dạy nghề cho 39.876 lao động (trình độ Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng). Trong đó:
Sơ cấp nghề: 12.735 người chiếm 32 %, đào tạo nghề dưới 3 tháng: 27.141 người chiếm 68 %. Tỷ lệ lao động nông thôn làm đúng với nghề được đào tạo bình quân toàn tỉnh đạt gần 70 % (Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, 2014).