CHƯƠNG 1. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA – BỐI CẢNH, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ
1.1. Toàn cầu hóa – Đặc điểm và bản chất
1.1.2. Đặc điểm và bản chất
Từ việc xác định các nội hàm của toàn cầu hóa, cũng như trong quá trình xem xét các nội dung của nó trên các lĩnh vực cụ thể như kinh tế, chính trị và văn hóa – xã hội, chúng tôi rút ra những đặc điểm chính của tiến trình/hiện tượng này như sau:
Thứ nhất, ngay trong nội hàm của khái niệm toàn cầu hóa mà chúng tôi đã phân tích ở phần trước cũng đã cho thấy nó là một tiến trình/hiện tượng biểu hiện rất đa dạng. Sự đa dạng ấy thể hiện trên hai khía cạnh chủ đạo – đó là sự đa dạng trong các tầng cấp, cấu hình và trong các bề chiều, góc độ.
Đầu tiên, chúng ta xem xét sự đa dạng về tầng cấp, cấu hình. Toàn cầu hóa có các tầng cấp hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng điều chỉnh và các mối quan hệ cụ thể
6 Michalet, Charles – Albert (2005). Suy nghĩ về toàn cầu hóa. Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng. Tr.16.
21
mà sự phân cấp được biểu hiện ra bên ngoài, thông qua các thiết chế kinh tế - tài chính kết hợp với sức mạnh của các cơ cấu quyền lực khác nhau. Trong đó, sự khác biệt của các cấp độ chủ yếu nằm ở phạm vi điều chỉnh và giới hạn của sự điều chỉnh. Cụ thể, với cấp độ khu vực – chúng ta có các tổ chức như ASEAN, EU, NAFTA, …, với cấp độ toàn cầu – chúng ta có IMF, WB, WTO, … Tuy nhiên, trên bình diện của quan hệ kinh tế quốc tế, sự phân cấp của toàn cầu hóa còn được hiểu là tình trạng liên kết của các chủ thể với nhau, mà biểu hiện của nó là sự hình thành các cam kết thúc đẩy tự do thương mại và tự do tài chính. Trong cách phân cấp này, khu vực mậu dịch tự do là hình thức liên kết thấp nhất (đặc trưng bởi việc các nước thành viên áp dụng một biểu thuế quan thống nhất hay dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa và dịch vụ tự do giữa các nước), sau đó đến đồng minh thuế quan (thiết lập luôn cả với các nước ngoài khối), thị trường chung (vốn, lao động được tự do di chuyển) và cao nhất hiện nay là liên minh kinh tế.
Các cấp độ của toàn cầu hóa hay sự phân tầng liên kết trong kỷ nguyên toàn cầu hiện nay cho thấy một thực tế là: Toàn cầu hóa có cấu hình chính là cấu hình liên quốc gia.
Logic điều tiết chủ đạo của cấu hình (hay còn được hiểu là nguyên tắc điều tiết) được tạo lập trên cơ sở của chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế. Nguyên tắc này dựa trên những khác biệt về năng suất trong các ngành sản xuất giữa các lãnh thổ quốc gia. Sự chênh lệch về trình độ giữa từng nước đã sinh ra hiện tượng này. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ có cấu hình liên quốc gia, toàn cầu hóa sẽ không thể được hiểu một cách đủ đầy và trọn vẹn, do đó, quan niệm của Charles A. Michalet tỏ ra hợp lý hơn khi chỉ ra các cấu hình khác, bổ sung và hỗ trợ cho cấu hình liên quốc gia, đó là cấu hình đa quốc gia và cấu hình tổng thể. Trong đó, cấu hình đa quốc gia có bề chiều chủ đạo là tính lưu động của sản xuất hàng hóa và dịch vụ, được duy trì bằng logic tranh đua và các tập đoàn đa quốc gia (hay xuyên quốc gia) là những tác nhân chủ yếu của toàn cầu hóa; còn cấu hình tổng thể được đặc trưng bởi sự chủ đạo của bề chiều tài chính, tồn tại nhờ vào logic về sự sinh lời tài chính và các định chế tài chính tư nhân (quỹ trợ cấp, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm,
…) trở thành những tác nhân chủ chốt7.
Tiếp theo, chúng ta xem xét tiếp đến sự đa dạng về bề chiều, góc độ. Tùy thuộc vào vị trí, địa vị và mục đích của mỗi cá nhân hay tập thể, toàn cầu hóa hiện lên với những mức độ, góc độ và bề chiều khác nhau. Trên góc độ kinh tế, toàn cầu hóa được hiểu là quá trình gia tăng của tự do hóa về thương mại, tài chính và đầu tư. Trên góc độ chính trị, toàn cầu hóa gắn liền với các thiết chế kinh tế - tài chính và những chính sách tân tự do của các chính phủ. Ở góc độ văn hóa – xã hội, người ta nhìn thấy một sự đồng dạng có tính toàn cầu của các lý tưởng và tri thức. Với bề chiều của quân sự và an ninh, toàn cầu hóa được nhìn nhận thông qua sự gia tăng chạy đua vũ trang, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa
7 Michalet, Charles – Albert (2005). Sđd. Tr.35-38.
22
phương về quốc phòng, mối quan hệ biện chứng giữa các tập đoàn vũ khí ở phương Bắc và các cuộc chiến tranh ở phương Nam, …
Như vậy, sự đa dạng về tầng cấp, cầu hình, bề chiều và góc độ như đã phân tích cho thấy toàn cầu hóa là một tiến trình/hiện tượng rất đặc biệt. Nó đặc biệt không chỉ bởi quy mô toàn cầu, cũng không phải bởi sự phức tạp, đan xen giữa các bối cảnh và điều kiện hình thành, mà còn bởi các cấp độ biểu hiện, các bề chiều vận động và phát triển bên trong nó.
Chính từ sự đặc biệt này đã quy định thái độ ứng xử rất khác nhau khi con người đối diện trước toàn cầu hóa, có người ủng hộ nhưng cũng có người từ chối, có người khuyến khích nhưng cũng có người tẩy chay. Phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới ra đời từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước có nguyên nhân trước nhất từ những phản ứng mâu thuẫn như thế.
Thứ hai, toàn cầu hóa có tính tất yếu khách quan. Bước sang nửa sau thập niên 1970, trên cơ sở của những thành tựu đạt được về tự động hóa, cách mạng khoa học – kỹ thuật (vốn ra đời từ nhu cầu trực tiếp của Chiến tranh thế giới thứ hai) đã chuyển đổi sang một định dạng mới – Cách mạng khoa học và công nghệ. Chính những thành tựu của cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là “công nghệ tính toán, công nghệ viễn thông, kỹ thuật số (Digitalisation) và Internet/WWW”8, … cũng như việc áp dụng phổ biến các công nghệ đó trong mọi hoạt động kinh tế và xã hội đã tạo điều kiện, tiền đề trực tiếp thúc đẩy các thay đổi về lực lượng sản xuất. Những chuyển biến của lực lượng sản xuất đã quy định và chi phối quan hệ sản xuất. Nói cách khác, quan hệ sản xuất thay đổi trong thời đại mới là sự phản ánh, biểu hiện của những thay đổi của lực lượng sản xuất, mà đầu tiên và trên hết là sự xuất hiện của chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế (vốn là hệ quả của sự gia tăng quyền lực, vai trò của các tập đoàn đa quốc gia). Tức là, mỗi quốc gia, hay rộng hơn là mỗi khu vực, sẽ được hoặc bị định hình vị trí của mình trong sự phân công lao động của quốc tế. Không những thế, sự ra đời của các định chế kinh tế, thương mại và tài chính, từ cấp độ khu vực như ASEAN, NAFTA, EU, … cho đến cấp độ quốc tế như WTO, WB, IMF, … cũng là một biểu hiện của sự thay đổi trong quan hệ sản xuất của kinh tế thế giới.
Chúng ta có thể hiểu một cách khái quát như sau: Để khai thác tất cả những lợi thế của mỗi quốc gia, quy trình công nghệ được phân chia thành những công đoạn và phân công cho xí nghiệp, chi nhánh đóng tại các nước trên thế giới tùy theo điều kiện cụ thể về trình độ lao động, nguyên liệu và thị trường. Không có gì là lạ khi “xe hơi được sản xuất ở Hoa Kỳ có những chi tiết được làm ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Mexico và bất cứ nơi nào khác. Xe hơi Nhật Bản thường có nhiều chi tiết sản xuất tại Mỹ hơn là những sản phẩm ở Detroit”9. Điều đó cho thấy một thực tế là: các công ty mẹ và các công ty chi nhánh ở các nước phát triển thường đảm nhiệm những quy trình đòi hỏi trình độ khoa học – công nghệ
8 Trần Quốc Hùng & Đỗ Tuyết Khanh (2002). Nhận diện nền kinh tế mới toàn cầu hóa. TPHCM: NXB Trẻ. Tr.17.
9 Tạ Quang Hưng (chủ biên, 2013). Sđd. Tr.943.
23
cao, phức tạp, trong khi đó, các công ty chi nhánh hay các xí nghiệp địa phương ở các quốc gia đang phát triển đảm nhận nhiệm vụ gia công là chính, với các khâu ít phức tạp hơn và đơn giản hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ và Trung Quốc trong 20 năm trở lại đây đã trở thành những “công xưởng” của thế giới, 2 quốc gia này (với lợi thế về nhân công và nguyên liệu) đã đánh bật các nhà máy ở những nước Mỹ Latinh như Mexico, Argentina, Brazil, … trong việc thu hút vốn đầu tư và nhận gia công thiết bị cho phần còn lại của hành tinh.
Tất cả những điều vừa nêu về kinh tế - kỹ thuật đã cho thấy vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của sức sản xuất, đồng thời, cũng chính khoa học và công nghệ, với tư cách là lực lượng sản xuất đặc thù đã trở thành động lực và tiền đề có tính chất quyết định cho một hiện tượng, tiến trình sẽ là xu thế tất yếu, chi phối mạnh mẽ mọi mặt của đời sống trong những thập kỷ tiếp theo, mà chúng ta quen gọi là “Toàn cầu hóa” (Globalization). Như vậy, quá trình chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế, về cơ bản, là “một tiến bộ có tính chất lịch sử”10. Nó khai thác tối đa sức mạnh tiềm tàng và lợi thế của từng quốc gia, từng khu vực. Cho nên, toàn cầu hóa, với tư cách là một hiện tượng, một tiến trình là tất yếu của lịch sử. Do đó, chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế quy định tính chất khách quan của toàn cầu hóa.
Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa bị chi phối bởi các nước tư bản lớn và các TNCs.
Mặc dù toàn cầu hóa đề cập đến sự hội nhập của các hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, nhưng nó không đồng đều và tương xứng ở mọi nơi và mọi lúc. Điều đó có nghĩa là toàn cầu hóa không thể mang lại lợi ích như nhau cho các quốc gia. Cho nên, có lẽ, theo chúng tôi, vấn đề của các thiết chế toàn cầu như IMF, WB và WTO nằm ở vấn đề về quản trị (governance) – tức ai quyết định những gì chúng thực hiện, hay ta gọi đó là những chủ thể chi phối quá trình vận hành toàn cầu hóa là ai?
Chủ thể chi phối, kiểm soát toàn cầu hóa, chắc chắn không thể là những quốc gia đang phát triển, những dân tộc kém may mắn bởi định mệnh nghiệt ngã của tự nhiên, hay các cộng đồng bản địa thiếu vắng hỗ trợ từ chính phủ, mà nó đến từ những nước tư bản phát triển nhất và các ông lớn đến từ các tập đoàn xuyên quốc gia (nắm trong tay nguồn của cải khổng lồ). Trong đó, các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia là “kiến trúc sư” chính của công cuộc toàn cầu hóa, vì vậy, nhiều người vẫn gọi toàn cầu hóa hiện nay là toàn cầu hóa doanh nghiệp – lợi ích phần lớn thuộc về các doanh nghiệp, do các doanh nghiệp khởi xướng và chỉ đạo, thông qua bộ máy nhà nước và hệ thống kinh tế hiện hành. Về bản chất, các công ty, tập đoàn này là hình thức tổ chức chủ yếu của nền sản xuất thế giới trong kỷ nguyên mới, là hệ quả tất yếu của quy luật cạnh tranh gay gắt trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, họ phải không ngừng đổi mới và cải tiến sản xuất. Vì thế, các công ty này luôn tạo ra một
10 Hồ Bá Thâm & Nguyễn Thị Hồng Diễm (2011). Toàn cầu hóa – Hội nhập và phát triển bền vững. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.Tr.199.
24
khối lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn hơn, với số lượng nhân công ngày càng ít đi, để thu về lợi nhuận độc quyền ngày càng cao nhất có thể. Đó là chưa kể đến nguyên nhân chính trị - xã hội, khi mà các mô hình quản trị doanh nghiệp trước đó không còn phù hợp, nhà tư bản không thể duy trì cách thức bóc lột như cũ được nữa, cũng như không thể thực hiện hợp tác như cũ được nữa, … những điều ấy đặt ra yêu cầu cho sự thay đổi và mô hình công ty xuyên quốc gia hiện đại ra đời – vừa là sự kế thừa của mô hình độc quyền trước kia, vừa là sự sáng tạo trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa. Các công ty này, cùng với các chính phủ trở thành hai mắt xích chính duy trì và phát triển toàn cầu hóa, đẩy tiến trình này trở thành một xu thế không thể đảo ngược.
Thực tế cho thấy hay một thỏa thuận ngầm của các bên liên quan, Chủ tịch của IMF thường là người châu Âu và Chủ tịch WB là người Mỹ. Chưa kể, sau khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, các vị lãnh đạo này thường trở về công việc của họ ở các tập đoàn tài chính hay các ngân hàng lớn. Những cá nhân này, do đó, “sẽ nhìn thế giới bằng con mắt của cộng đồng tài chính”11, tức là quan điểm của những kẻ “bề trên” về tiền tài và quyền lực, không có chỗ cho những “mối quan tâm về môi trường, dân chủ, quyền con người và công bằng xã hội”12. Cho nên, chính sách của chúng đương nhiên phản ánh những lợi ích của những nhóm đó. Do vậy, ngay từ đầu, chúng ta không thể mong cầu sự công bằng khi tham gia vào toàn cầu hóa, dù thật sự các chính phủ và quốc gia không thể làm khác đi được.
Thông qua các tổ chức quốc tế được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai như WB, IMF và WTO, các chủ thể trên nắm quyền lực vô hạn, với các quyết định mau lẹ của một số người trong những phòng họp kín mà ảnh hưởng của chúng đã thay đổi sinh kế, phong tục và lối sống của hàng triệu con người trên khắp hành tinh.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, sự triển khai toàn cầu hóa không nằm ngoài quá trình phát triển có điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản từ sau năm 1945 đến nay. Chủ nghĩa tư bản từ sau 1945 mang trong mình một định dạng mới, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác với chủ nghĩa tư bản thuở sơ khai (thế kỷ XIV – XV) và chủ nghĩa tư bản giai đoạn độc quyền13 (cuối thế kỷ XIX – đầu XX), người ta gọi đó là chủ nghĩa tư bản nhà nước hay chủ nghĩa tư bản hiện đại. Trong đó, nhà nước tư sản đã chuyển từ vai trò gián tiếp, bên ngoài, tạo môi trường sang vai trò trực tiếp, bên trong, quyết định sự vận động của các quá trình kinh tế - xã hội và cũng chính sự điều chỉnh về đường lối cũng như chính sách của chủ nghĩa tư bản trong điều kiện chuyển từ cổ điển sang hiện đại là một trong những nguyên nhân chính trị - xã hội thúc đẩy toàn cầu hóa. Mối tương tác giữa nhà nước tư sản và thị trường tư bản, cũng như giữa nhà nước và các tập đoàn tư nhân độc quyền đã trở thành rường cột quan trọng chi phối, điều khiển hành vi của nhà nước đó trong không gian toàn cầu hóa.
11 Stiglitz, Joseph E. (2002). Toàn cầu hóa và những mặt trái. TPHCM: NXB Trẻ. Tr.27.
12 Stiglitz, Joseph E. (2002). Tr.28.
13 Ở đây chỉ hình thức độc quyền tư nhân tư bản.
25
Thứ tư, toàn cầu hóa là “con dao hai lưỡi” – vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho nhân loại. Kỷ nguyên toàn cầu hóa chính thức được thừa nhận rộng rãi kể từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX nhưng những tranh cãi về nó thì đến nay vẫn chưa có hồi kết, bởi lẽ cùng một hiện tượng, một tiến trình nhưng những “người thành công” nhờ nó và những
“kẻ thất bại” do nó cũng đồng thời xuất hiện.
Với những “người thành công”, toàn cầu hóa tỏ ra là một cơ hội tốt cho sự phát triển.
Thông qua toàn cầu hóa, mọi thứ đều trở nên “tự do” (kể cả đó là hàng hóa, dịch vụ, vốn hay con người) và chính sự “tự do” ấy mang lại thịnh vượng và vinh quang cho những ai, những nơi tiếp nhận nó một cách toàn diện và không toan tính. Trên lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hóa tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, thúc đẩy sản xuất với năng xuất cao hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh hơn, … và những điều đó cho phép những lực lượng ủng hộ toàn cầu hóa có thể tự tin nói rằng: Toàn cầu hóa giúp giải quyết tất cả nhu cầu và vấn đề của con người. Vì sản xuất nhiều hơn có nghĩa là nhiều hàng hóa hơn và nhiều hàng hóa hơn có nghĩa là mức sống cao hơn và tốt hơn. Trên lĩnh vực chính trị, toàn cầu hóa gắn liền với những thiết chế kinh tế - tài chính quốc tế như IMF, WB, WTO và những hiệp định đa quốc gia như FTAA. Việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách này tạo thành toàn cầu hóa chính trị14 và đến lượt mình, toàn cầu hóa chính trị xác lập một bộ “quy chuẩn” về cách ứng xử trong quan hệ quốc tế, trong mối quan hệ giữa nhà nước với công dân. Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, toàn cầu hóa kiến tạo nên một nền văn hoá đồng dạng cho toàn nhân loại, nó liên quan đến việc hình thành các chuẩn mực và kiến thức chung – nơi mà mọi người từ nhiều nơi, nhiều nền văn hóa khác nhau cùng liên kết với nhau trong một bản sắc tập thể, có tính toàn cầu. Những tác động của toàn cầu hóa kinh tế, chính trị và văn hóa – xã hội, với những mặt tích cực của mình, đã mang lại thành công và làm nên những bước phát triển thần kỳ cho một số quốc gia và khu vực, cũng như làm cho không gian của toàn cầu hóa thực sự mang tính “toàn cầu”. Chính những thành công của một số quốc gia cũng như các số liệu minh chứng cho điều đó đã làm nổi bật hơn nữa “hào quang” của toàn cầu hóa, làm cho toàn cầu hóa trở thành câu trả lời duy nhất cho sự phát triển.
Tuy nhiên, với những “kẻ thất bại”, toàn cầu hóa lại hiện ra là một thách thức to lớn, không những không tạo ra động lực cho phát triển mà còn có nguy cơ kéo cả quốc gia, khu vực vào vòng xoáy của tụt hậu, khủng hoảng và rối loạn. Các chính sách của WB, IMF và WTO tại nhiều nơi tỏ ra không mấy khả quan, nếu không muốn nói là chính chúng gây ra khủng hoảng. Bong bóng bất động sản vỡ tung, thị trường chứng khoán hỗn loạn, tình trạng bần cùng hóa ở mức cao, … là những hậu quả của quá trình tư nhân hóa một cách ồ ạt mà nguyên nhân là từ sự chỉ đạo của các thiết chế tài chính kể trên nếu các quốc gia đang gặp khủng hoảng (hoặc có nguy cơ lâm vào khủng hoảng) muốn một gói hỗ trợ từ các tổ chức ấy. Rõ ràng, IMF và WB đều được ra đời trên cơ sở của niềm tin cho rằng thị trường thường
14 Fernandez, Luis A. (2008). Policing Dissent: Social Control and the Anti-Globalization Movement. USA: Rutgers University Press. P.47.