CHƯƠNG 2. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN
2.2. Tại các nước đang phát triển
2.2.4. Phong trào Khoa học Nhân dân (2004)
Lịch sử của phong trào chống toàn cầu hóa ở các nước đang phát triển nói riêng và trên toàn thế giới nói chung ghi nhận một sự kiện đặc biệt quan trọng, chưa từng có trong diễn trình tranh đấu cho công bằng và bình đẳng trong kỷ nguyên mới – đó là Diễn đàn Xã hội Thế giới năm 2004 tại Mumbai (Ấn Độ). Sở dĩ chúng tôi cho rằng đó là một sự kiện đặc biệt vì đây là lần đầu tiên người ta được nghe nói tới một nguồn cảm hứng đấu tranh, một bộ phận tích cực nhất và sớm nhất trong các hành động toàn cầu chống lại toàn cầu hóa tân tự do mà trước đây chưa từng được biết đến, một mô thức đấu tranh đặc trưng và duy nhất cho tiểu lục địa Ấn Độ - Phong trào Khoa học Nhân dân (People’s Science Movement – PSM).
Ban đầu, PSM không phải là một bộ phận của phong trào chống toàn cầu hóa, càng không phải là một phong trào có tính quốc tế. Nó đơn giản chỉ là một sản phẩm của xã hội Ấn Độ thời hậu thuộc địa kết hợp với những trải nghiệm của quốc gia này trong bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh lạnh và những phản ứng tiêu cực trước di sản thực dân đã ăn sâu bám rễ trong nhận thức của người dân. M. P. Parameswaran – Người được xem là “cha đẻ” của mạng lưới phong trào xã hội tiến bộ này, luôn xem các PSM như là niềm “hy vọng lớn lao trong giới trí thức trên toàn thế giới”, khi họ có thể “sử dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho sự tiến bộ của xã hội”137. Điều mà Parameswaran mong mỏi vào lúc đó trùng khớp với ý niệm của Nehru về một quốc gia phát triển, bởi lẽ họ đều tin rằng nếu không bắt kịp với những tiến bộ của khoa học và công nghệ phương Tây, Ấn Độ sẽ vẫn là một nước yếu và dễ bị nước ngoài thống trị. Thậm chí, cụ thể hơn, Nehru còn nhấn mạnh:
“Người Ấn Độ phải học cách suy nghĩ và cư xử khoa học để vượt qua lối sống truyền thống, thần bí, siêu nhiên, phi lý luận và hướng nội để họ có thể thích nghi với thời hiện đại”138. “Thời hiện đại” theo cách hiểu của vị Thủ tướng ấy không gì khác hơn ngoài lý thuyết về hiện đại hóa theo mô hình phương Tây, với các đặc trưng như công nghiệp hóa, đô thị hóa, xóa mù chữ, gia tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm, sự chuyển dịch xã hội và thế tục hóa văn hóa. Chính trong những bối cảnh và điều kiện đó, các PSM đã ra đời và bước đầu chấp nhận tiền đề cơ bản của quá trình hiện đại hóa Ấn Độ. Chúng bắt đầu được định vị vào những năm 50 và 60 của thế kỷ XX với những hoạt động đầu tiên của Kerala Shashtra Sahitya Parishad (KSSP) và tiếp tục phát triển thành một mạng lưới các phong trào nhỏ hơn, chuyên biệt hơn và địa phương hơn.
137 Sahoo, Subhasis & Pattinaik, Binay Kumar (2012). “Understanding People’s Science Movement in India: From the Vantage of Social Movement Perspective”. Sociology of Science and Technology.Vol.3. No.4. P.12.
138 Varm, Roli (2001). “People's Science Movements and Science Wars?”. Economic and Political Weekly. P.4797.
81
Một số tổ chức và phong trào đại diện cho PSM có thể kể đến là Diễn đàn chống đế quốc toàn Ấn Độ (All India Anti-Imperialist Forum - AIAIF), Mạng lưới khoa học nhân dân toàn Ấn Độ (AIPSN), Azadi Bachao Andolan139 (ABA), Bharat Jan Andolan (BJA), Hội phụ nữ lao động bị ảnh hưởng bởi khí đốt Bhopal (Bhopal Gas Affected Working Women's Union), Chilka Bachao Andolan140, Phong trào Chipko141, Eklavya142, Những người bạn của xã hội nông thôn143(Friends of Rural Society), Kerala Sastra Sahitya Parishad (KSSP), Phong trào Giải trừ vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ (Movement in India for Nuclear Disarmament - MIND), Liên minh Toàn quốc các Phong trào Nhân dân (National Alliance of People's Movement - NAPM), Narmada Bachao Andolan144cùng những hội nhóm khác.
Sự đặc biệt của PSM đến từ sự đa dạng về quy mô, chiến lược, trọng tâm và lịch sử của chính nó. Trong khi một số tổ chức, hội nhóm mới xuất hiện gần đây, thì một số khác đã có từ hơn 40 năm trước. Trong khi một số tập trung vào một vấn đề duy nhất, thì những nhóm khác đã chọn mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều lĩnh vực hơn. Trong khi một số tổ chức, hội nhóm tiến hành các nghiên cứu để giảm bớt sự chênh lệch về trình độ học vấn, kiến thức khoa học cho người dân, thì một số khác lại đang thúc đẩy một mô hình phát triển thay thế, dựa trên khoa học và công nghệ của từng địa phương. Dù vậy, tất cả các nhóm ấy, đều kết nối với nhau thông qua một mạng lưới các PSM, giúp cho PSM có tiếng nói trên các phương tiện truyền thông và chính trường Ấn Độ. Chưa kể, từ những năm 1990, một số nhóm PSM đã được mời thuyết trình tại các phiên họp thường niên của Đại hội Khoa học Quốc gia Ấn Độ, đây là điều kiện quan trọng và là nền tảng để các nhà khoa học chân chính xuất thân từ phong trào có thể tham gia vào việc hoạch định các mục tiêu quốc gia về ứng dụng khoa học cho nhân dân.
Trong nửa thế kỷ qua, các PSM đã đóng góp cho xã hội Ấn Độ và thế giới những thay đổi to lớn và những thay đổi ấy được đúc rút thành ba giai đoạn với các nội dung cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (1962 – 1991): hình thành và phát triển các mạng lưới ở cấp độ địa phương; xây dựng các mô hình vận động xã hội phù hợp; xác định mục tiêu, bản chất và hình thức đấu tranh thông qua việc ký kết các Công ước Trivandrum (1978, 1983); trọng tâm là phổ biến tri thức khoa học, bác bỏ những luận điệu phản khoa học, những niềm tin
139 Còn được gọi là Phong trào Cứu rỗi Tự do (Save Free Movement), ra đời đầu thập niên 1990, nhằm chống lại sự tấn công của các công ty đa quốc gia nước ngoài và văn hóa phương Tây lên người Ấn Độ, giá trị của họ và nền kinh tế Ấn Độ nói chung.
140 Còn được gọi là Phong trào Cứu lấy Chilika (Save the Chilika Movement) – một phong trào của người dân (chủ yếu là ngư dân) phản đối thành công dự án trang trại nuôi tôm tích hợp tại vùng Chilika (Orissa) vào đầu thập niên 1990.
141 Một phong trào bảo tồn rừng nổi tiếng ở Ấn Độ, bắt đầu từ năm 1973 ở Uttarakhand.
142 Một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục từ 1982.
143 Một tổ chức phi chính phủ ra đời năm 1984, các hoạt động chủ yếu bao gồm cải thiện đời sống của những người nghèo ở nông thôn và những người có hoàn cảnh khó khăn, mang lại cho họ hỗ trợ dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển kinh tế.
144 Phong trào bảo vệ sông Narmada, bắt đầu năm 1991.
82
mù quáng. Giai đoạn 2 (1991 – 2004): phát triển các mạng lưới ở cấp độ quốc gia; chuyển trọng tâm từ phổ biến khoa học sang phong trào khoa học cho nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nhà ở, môi trường, y tế và giáo dục. Giai đoạn 3 (2004 – nay): trở thành một mạng lưới ở cấp độ quốc tế, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho sự ra đời của các PSM ở nhiều nơi trên thế giới; trọng tâm là thay đổi hiện trạng bất công và bất bình đẳng đang diễn ra ở Ấn Độ và thế giới, thực hiện những hành động cải thiện nhân sinh hiệu quả, thúc đẩy đối thoại liên quốc gia về các vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay và đề xuất các giải pháp thay thế.
Xét về mục tiêu, PSM hoàn toàn có thể được xếp vào các biểu hiện khác nhau của phong trào chống toàn cầu hóa. Bởi nó không hướng tới mục tiêu phá hủy các cấu trúc chính trị hiện có cũng như không phải là những cấu trúc mới được xây dựng sau chiến thắng, trong đó việc bóc lột kinh tế của một giai cấp này đối với một giai cấp khác bị loại bỏ. Thay vào đó, PSM làm việc về các vấn đề đa dạng như phát triển khoa học và công nghệ cho con người, bảo vệ môi trường tự nhiên, phản đối các dự án lớn của các tập đoàn toàn cầu và Ngân hàng Thế giới, cải thiện điều kiện sống và sức khỏe cho người nghèo, xây dựng bản sắc văn hóa cho cộng đồng, quảng bá kiến thức khoa học trong dân chúng và đổi mới trong truyền thông khoa học. Một loạt các vấn đề kể trên chỉ ra mức độ đa dạng của PSM, cũng như cho thấy phạm vi hoạt động của nó là cực kỳ rộng lớn, với nhiều tổ chức, nhóm tình nguyện, phong trào xã hội trên khắp Ấn Độ và thế giới. Điểm chung duy nhất kết nối các hội nhóm ấy là họ “cùng nằm trên giao diện của khoa học – công nghệ” và họ “không phải là một bộ phận làm việc cho các chính phủ”145.
Xét về tổ chức, PSM là điển hình cho các “phong trào xã hội mới” (mà hầu hết trong số này đã trở thành một bộ phận của phong trào chống toàn cầu hóa, hoặc chí ít là chịu ảnh hưởng từ phong trào này) khi cấu hình của nó không phải là cấu hình truyền thống của các công đoàn hoặc các đảng chính trị, thay vào đó, PSM tập trung vào các hoạt động cơ sở bằng cách hình thành các hội nhóm lỏng lẻo. Cơ cấu tổ chức của mạng lưới các PSM khá phi tập trung, thiếu ràng buộc và không phân cấp. Các nhà hoạt động xã hội và thành viên của PSM bao gồm chủ yếu là những trí thức và người lao động, tình nguyện tham gia vào các chương trình và dựa vào các khoản quyên góp trên danh nghĩa. Họ công khai các chiến dịch hành động của mình và phản đối các chính sách của chính phủ một cách trực tiếp.
Biểu tình đã trở thành một hình thức phản đối công khai và phổ biến trong việc nêu lên các bất bình của họ, nhưng không chỉ có biểu tình, nhiều hội nhóm khác còn sử dụng cả nghệ thuật và văn chương để tiến hành các cuộc đấu tranh. Điều đó làm cho những ai đã từng theo dõi diễn biến của J18, N30, J20, … trước đây nhớ lại về những thời khắc sôi động nhất của đường phố phương Tây trong một chuỗi các sự kiện chống toàn cầu hóa trên thế giới.
145 Varm, Roli (2001). Id. P.4796.
83
Xét về tư tưởng, cũng giống như PGA, WSF hay nhiều diễn đàn, nhiều phong trào xã hội chống toàn cầu hóa trên thế giới, PSM không đi theo một ý hệ rõ ràng nào và đặc biệt là, họ không nhìn những gì họ đang làm dưới giác độ giai cấp. Hầu hết các nhà hoạt động chủ yếu xuất thân từ tầng lớp trung lưu, có học thức và có công việc đàng hoàng như những nhà khoa học, kỹ sư, nhà công nghệ, nhà phân tích chính sách, nhà báo hoặc giáo viên.
Nhiều người là sinh viên khoa học hoặc kỹ thuật. Với họ, nền tảng trung lưu ấy không quyết định đến những hành động vì người khác bởi họ có thể thay mặt cho những người nghèo, tiểu nông, thợ thủ công, thổ dân và thị dân. Do đó, họ tự cho rằng phong trào mà họ là đại diện mang bản chất phi giai cấp. Tuy nhiên, dù họ cố gắng phủ nhận bản chất giai cấp đến đâu thì cũng không thể thay đổi đi một thực tế rằng PSM có những mối liên hệ đặc biệt với chính trị cánh tả. KSSP – một trong những nhóm lớn nhất trong PSM, đã sớm có liên kết với Đảng Cộng sản Ấn Độ (theo chủ nghĩa Marx)146. Tương tự, nhiều nhà hoạt động trong PSM có định hướng đi theo tư tưởng của Marx hoặc Mao. Chính thuật ngữ “con người” (hay “nhân dân”) trong PSM là một cách phân loại của chủ nghĩa Marx về những người lao động và nông dân bị tước đoạt tư liệu sản xuất. Dẫu vậy, chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ dựa vào quan niệm về giai cấp mà vội đánh giá bản chất của PSM thì chưa thật sự toàn diện. Mạng lưới các PSM xem cấu trúc giai cấp là quan trọng nhưng vẫn không đủ để phân tích xã hội Ấn Độ. Theo chúng tôi, PSM còn chịu nhiều ảnh hưởng hơn từ triết lý bất bạo động, tinh thần khoan dung và sự tự cường của Mahatma Gandhi. Do đó, các PSM ở Ấn Độ còn mang bản sắc dân tộc.
Như vậy, từ 2004 trở đi, PSM thực sự đã trở thành một bộ phận của phong trào chống toàn cầu hóa, không chỉ bởi những điểm tương đồng về mục tiêu, tổ chức và tư tưởng mà chúng tôi vừa phân tích ở trên, mà còn vì sự chuyển biến từ cấp độ quốc gia sang cấp độ quốc tế của nó đã tạo ra động lực thúc đẩy cho phong trào chống toàn cầu hóa tiến lên những bước cao hơn. Chưa dừng lại ở đó, sự thay đổi trọng tâm của phong trào từ “phổ biến khoa học” lên “phong trào khoa học cho nhân dân” được chúng tôi đánh giá là một bước chuyển cấp tiến, nếu không muốn nói rằng bước chuyển ấy đã đưa PSM vào vị trí của những phong trào xã hội cấp tiến nhất trong “đại gia đình” các phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới hiện nay. Nếu như “phổ biến khoa học” là phi chính trị về mặt bản chất, thì “phong trào khoa học cho nhân dân” lại mang bản chất chính trị rất mạnh mẽ. Mặc dù cả hai đều “nhấn mạnh đến việc sử dụng phương pháp khoa học”, nhưng cái đầu tiên
“quan tâm hơn đến việc phổ biến nội dung, thông tin và sự kiện khoa học”, trong khi cái thứ hai “quan tâm nhiều hơn đến phương pháp khoa học và sử dụng khoa học như một sự phê bình chính trị - xã hội đương đại”147, tức cái thứ hai nhấn mạnh đến việc xem khoa học như là một công cụ, một phương tiện, không chỉ dừng lại ở việc hiểu về nó, biết về nó,
146 Sau ngày độc lập, ở Ấn Độ, Đảng Cộng sản nước này bị phân hóa thành 3 dòng chính: Đảng Cộng sản Ấn Độ, Đảng Cộng sản Ấn Độ (theo chủ nghĩa Marx), Đảng Cộng sản Ấn Độ (theo chủ nghĩa Marx – Lenin).
147 Sahoo, Subhasis & Pattinaik, Binay Kumar (2012). Id. P.13.
84
mà còn cao hơn, dùng nó để phê phán tình trạng bất công đương thời, cải tạo xã hội theo hướng dân chủ và công bằng hơn.
“Khoa học cho một cuộc cách mạng xã hội” (Science for Social Revolution) trở thành khẩu hiệu chính thức của phong trào này từ đó cho đến nay đã luôn chứng minh cho tầm nhìn dài hạn của nó. Khẩu hiệu ấy cho thấy chương trình nghị sự của PSM có thể khái quát thành hai việc chính, bao gồm: Tận dụng tiềm năng giải phóng của thế giới quan khoa học để cải thiện đời sống mọi người và đấu tranh chống lại các biểu hiện phản khoa học, phản phát triển đang tồn tại trong xã hội. Đối với các PSM, “giành quyền kiểm soát về khoa học, kinh tế và xã hội khỏi bá quyền của giới tinh hoa và giải phóng những người bị gạt ra bên lề khỏi trật tự xã hội truyền thống bị áp bức”148 là nhiệm vụ đi liền với một cuộc cách mạng xã hội. Nếu không có cuộc cách mạng xã hội, Thế giới thứ ba hoặc những người bị thiệt thòi trong Thế giới thứ ba không thể hưởng lợi đầy đủ từ những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại. Các giải pháp không thể đến từ bên trong chủ nghĩa tư bản hoặc hệ thống xã hội đầy tinh thần phân biệt trong quá khứ; cách mạng xã hội là giải pháp thay thế duy nhất. Bên cạnh đó, khẩu hiệu này còn cho thấy tầm nhìn theo chủ nghĩa hậu phát triển của PSM, đó là tầm nhìn đầy tính nhân văn về phát triển con người. Nó không đóng khung trong lăng kính bảo thủ về sự phủ định tính tiến bộ của khoa học và nhu cầu tự do chủ nghĩa, nó không phải là sự “trở về với tự nhiên” và chối bỏ mọi “tiện nghi vật chất”, mà là lời kêu gọi về một xã hội bình đẳng trong tương lai, trong đó toàn bộ tiềm năng của khoa học và công nghệ có thể được triển khai vì một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người, mà không nhất thiết phải đầu độc và phá hủy hành tinh149.
Như vậy, với các nước đang phát triển, phong trào phản kháng trật tự toàn cầu hóa tân tự do, nhìn chung, có tính đa dạng cao hơn so với các nước phát triển. Ở các nước phát triển, phong trào chủ yếu là các hành động trực tiếp và bất tuân dân sự. Đôi khi, bạo lực cũng được sử dụng và trở thành động lực thúc đẩy phản kháng xã hội bước lên những bậc thang cao hơn, đưa cuộc đấu tranh rơi vào bế tắc hoặc ngược lại. Tuy nhiên, chúng tôi không nhìn thấy điều này trong hầu hết các phong trào, sự kiện ở các nước đang phát triển.
Chúng tôi đã bắt gặp gần như tất cả các cấp độ và trạng huống khác nhau, với đầy đủ những cung bậc tranh chấp không giống nhau ở từng quốc gia, từng khu vực thuộc nhóm nước này. Một cuộc nổi dậy vũ trang chuyển dần sang một phong trào quần chúng như Zapatista ở Mexico, một chiến dịch vì sự tiến bộ, công bằng và dân chủ như Không gian Thay thế cho Công dân ở Niger, một diễn đàn xã hội quy tụ hàng nghìn người ở Mali, hay chỉ đơn thuần là một cuộc vận động quần chúng bằng cách phổ quát các giá trị của khoa học và công nghệ như Phong trào Khoa học Nhân dân ở Ấn Độ, … tất cả, dù không thực sự đầy
148 Venkateswaran, T. V. (2020). “ ‘Science for social revolution’: People’s Science Movements and democratizing science in India”. Journal of Science Communication. Vol.19. N.6. P.5.
149 Venkateswaran, T. V. (2020). Id. P.6.