CHƯƠNG 1. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA – BỐI CẢNH, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ
1.1. Toàn cầu hóa – Đặc điểm và bản chất
1.2.2. Nguyên nhân và điều kiện
1.2.2.1. Nguyên nhân.
• Nguyên nhân kinh tế.
34 Trần Duy Thùy Dương (2014). Sđd. Tr.22.
35 Fuchs, Christian (2007). “Antiglobalization – Social Movement”. Encyclopaedia Britannica. Dẫn theo www.britannica.com, truy cập ngày 18/04/2021.
36 Trần Duy Thùy Dương (2014). Sđd. Tr.23.
37
Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng của mình, The Shock Doctrine: The Rise of Disaster Capitalism (2007), Naomi Klein đã đặt cho toàn bộ quá trình phát triển của lý thuyết và thực tiễn áp dụng tư tưởng tân tự do trong các xã hội trong kỷ nguyên toàn cầu hóa là “Chủ nghĩa tư bản thảm họa” (Disaster Capitalism) và thứ học thuyết tạo nên nó, là học thuyết Shock (Shock Doctrine). Bằng cách dẫn người đọc đi từ những ý tưởng ban sơ nhất về chữa trị tâm thần trong những năm 50 và 60 cho tới những ứng dụng trong thực tế của các kinh tế gia Chicago ở những nước Mỹ Latinh, châu Á và Đông Âu, … Naomi đã cho chúng ta thấy một bức tranh khủng khiếp của chủ thuyết thị trường tự do – thứ còn đáng sợ hơn chủ nghĩa phát xít gấp bội lần trông khi các chính phủ trên thế giới vẫn ngày ngày kiến tạo. Từ đó, bà ta bóc trần bản chất thật sự của toàn cầu hóa hiện nay là toàn cầu hóa doanh nghiệp, rằng chủ nghĩa tập đoàn trị đang dần thắng thế và tạo ra những bất ổn ở mọi nơi trên khắp hành tinh. Đó cũng chính là căn nguyên quan trọng nhất làm xuất hiện các phong trào chống toàn cầu hóa hiện nay, vì như đã nói ở những phần trước – phong trào chống tòan cầu hóa không hoàn toàn chống lại tất cả các khía cạnh của tiến trình này, nó là tiếng lòng chung của những người chịu tác động từ chủ nghĩa tập đoàn, nó đi tìm một hướng đi dân chủ hơn, hội nhập hơn cho tất cả mọi người. Chính vì thế, nhiều nhà hoạt động xã hội chống lại toàn cầu hóa tuyên bố rằng họ “phản đối chủ nghĩa tân tự do (một biến thể của chủ nghĩa tư bản theo định hướng thị trường tôn sùng tự do thương mại, tự do cá nhân)”37 và những thiết chế toàn cầu củng cố chủ thuyết đó. Các thiết chế ấy bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Khu vực Thương mại Tự do Châu Mỹ (FTAA), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đa phương về đầu tư (MAI) và Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), … cũng như các nhóm không chính thức như G8 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nơi giới tinh hoa gặp gỡ để thảo luận về các chính sách kinh tế toàn cầu.
Trong con mắt của các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước có nguy cơ hoặc đang xảy ra khủng hoảng, IMF là một tổ chức gây nhiều tranh cãi. Bởi vì các tổ chức như IMF vừa là những “vị cứu tinh”, nhưng cũng vừa là những “bầy thú săn mồi” sẵn sàng
“vồ” lấy các quốc gia trong cơn “hấp hối”; bởi thái độ trịnh thượng và có phần coi thường các nước đang phát triển vẫn luôn là một phần quan trọng trong văn hóa chính trị của các tổ chức này; nhưng có lẽ, quan trọng nhất vẫn là bởi một thực tế rằng, IMF và các tổ chức ấy đã không thể thay đổi tình hình tồi tệ của các nước Đông Âu đầu thập niên 90, không cứu được Malaysia trong cuộc khủng hoảng năm 1997, lúng túng trong sự đổ vỡ của thị trường tài chính Mỹ Latinh đầu thập niên 2000, tuyên bố sự thất bại của mình trong nỗ lực cứu Hy Lạp và Tây Ban Nha trong khủng hoảng năm 2008, … tất cả đã cho thấy sự áp đặt của họ không mang lại kết quả khả quan và căn nguyên của chúng đến từ tư tưởng tân tự do của các tổ chức này. IMF luôn “cố gắng tỏ ra là đứng ngoài chính trị”, nhưng rõ ràng,
37 Trần Duy Thùy Dương, Sđd, tr.28.
38
“chính sách cho vay của IMF bị điều khiển phần nào bởi chính trị”38. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này trong thực tế, khi mà họ viện đủ lý do để không cho Kenya tiếp tục vay, trong khi lại sẵn sàng đổ hàng tỷ USD vào Nga và Trung Quốc. Chính điều này đã tạo nên tiêu chuẩn kép của IMF và cũng chính nó đã làm cho họ trở thành “cái gai” trong mắt các nhà hoạt động xã hội, những người lao động nghèo - nạn nhân của thị trường tự do và rộng ra, là toàn bộ phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới.
Bên cạnh IMF, WTO cũng là một đối tượng thường xuyên của các phong trào chống toàn cầu hóa. Tổ chức này ra đời trên cơ sở của GATTs nhưng là một cơ chế mở rộng của GATTs cả về số lượng thành viên, quy mô hoạt động và các biện pháp điều chỉnh. Hơn 25 năm đã trôi qua kể từ khi ra đời vào năm 1994, WTO đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, nhưng không vì thế mà nó được miễn trừ trách nhiệm trước những khó khăn mà các nước, chủ yếu là những nước đang phát triển, phải gánh chịu trong cuộc chơi thương mại. Vì bản chất của tiến trình gia nhập vào WTO là không công bằng. Bởi “chẳng những một quốc gia muốn trở thành thành viên phải tuân thủ tất cả các luật lệ của WTO, mà từng quốc gia thành viên còn được phép đòi hỏi nước xin gia nhập phải có thêm những nhân nhượng khác, được gọi là “WTO-cộng””39, tức là sự nhượng bộ không chỉ đối với tập thể mà còn là với từng cá thể trong tập thể đó, để đổi lại sự ủng hộ. Không có sự ủng hộ của các thành viên WTO có vai trò then chốt, chẳng nước xin gia nhập nào có thể được chuẩn y. Từ đó, chúng tôi nhận định rằng: ngay từ đầu, bất bình đẳng đã diễn ra và các nước nhỏ, đang phát triển đã ở vào một vị trí rất bất lợi trong tổ chức này. Những điều kiện do các nước giàu đặt ra bao gồm mở cửa nhanh chóng cho các nhà đầu tư quốc tế thâm nhập các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo, bỏ hàng rào nhập khẩu, thậm chí còn bán nông phẩm với giá rẻ mạt, nhưng tuyệt nhiên, không bao gồm những nội dung về nhân quyền như bảo vệ lao động và môi trường.
Nếu như tiến trình gia nhập tỏ ra không công bằng, thì quy trình ra quyết định của WTO cũng không thể khác, “thiếu minh bạch, thiếu công bằng và không rõ ràng về phương diện chịu trách nhiệm”40 là những từ khóa mà các nhà nghiên cứu về nó chỉ ra được. Biểu hiện rõ nhất cho điều này không gì cụ thể hơn là các cuộc họp của WTO với số lượng hạn chế người tham dự. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng lo lắng nhất đối với các nước đang phát triển, bởi còn một thứ đáng lo hơn thế - chính là sự bành trướng thẩm quyền của WTO trên các lĩnh vực được cho rằng “có liên quan đến thương mại”. Cụm từ này tạo cho WTO lợi thế rằng nó có thể can thiệp sâu vào hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vượt qua mọi đường biên giới quốc gia, trông “chẳng khác gì một ‘chính phủ toàn cầu’”41. Thực
38 Stiglitz, Joseph E. (2002). Sđd. Tr.64.
39 Oxfam Quốc tế (2004). Gia nhập WTO. Tr.1.
40 Nguyễn Văn Thanh (2000). Từ diễn đàn Seattle – Toàn cầu hóa và Tổ chức Thương mại thế giới. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. Tr.29.
41 Nguyễn Văn Thanh (2000). Sđd. Tr.34.
39
tế cho thấy, ngày càng có nhiều nội dung phi thương mại được đưa vào khung điều chỉnh của WTO.
Sự hỗ trợ của WTO và IMF hay rộng ra là các định chế khu vực và quốc tế khác cho thương mại tự do, mà thực chất là các tập đoàn xuyên quốc gia, đã trở thành mạch chính trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Điều đó đã góp phần làm cho thế và lực của các tập đoàn này tiếp tục phát triển. Xu hướng nhất thể hóa trở nên phổ biến với nhiều thương vụ xác nhập hàng trăm tỷ USD trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng như truyền thông, ngân hàng, tài chính và giao thông vận tải. Vai trò của các tập đoàn đối với các quốc gia và quan hệ quốc tế cũng vì thế mà tăng lên không ngừng, đó chính là “động lực chính thúc đẩy toàn cầu hóa nhưng cũng gây ra sự bành trướng quyền lực và bóc lột, khai thác triệt để các nguồn lực bên ngoài”42. Thậm chí, người ta còn không thể ngờ rằng, các cuộc khủng hoảng lại có thể kéo theo mức độ tư nhân hóa, tập đoàn hóa ngày một nhanh hơn. Trước đây, chiến tranh và thảm họa chỉ đem đến cơ hội cho một khu vực hẹp của nền kinh tế (như các nhà sản xuất máy bay chiến đấu, hay các công ty xây dựng xây lại những cây cầu bị đánh bom), thế nhưng, ngày nay, các cuộc chiến tranh và hành động ứng phó với thảm họa được
“tư nhân hóa triệt để đến độ bản thân chúng chính là một thị trường mới; người ta không cần phải đợi đến sau chiến tranh mới có thịnh vượng: bản thân phương tiện đã là thông điệp”43.
Như vậy, về bản chất, các tập đoàn là nguyên nhân chính thúc đẩy toàn cầu hóa, cũng như là căn nguyên quan trọng nhất tạo nên nguyên nhân kinh tế của phong trào chống toàn cầu hóa. Tư tưởng về thị trường tự do của Trường phái Chicago và sự hỗ trợ của các thiết chế kinh tế - thương mại là lớp “giáp” bảo vệ các tập đoàn dưới danh nghĩa của hiện đại, phát triển và phồn vinh. Như cách nói của Klein: “Những người marxist đưa đến miền đất hứa cho người lao động, còn các kinh tế gia của Trường phái Chicago lại mở ra miền đất hứa cho các doanh nhân. […] Thứ họ muốn không phải chính xác là một cuộc cách mạng, mà là một cuộc cải tổ tư bản chủ nghĩa: quay lại với hình thái chủ nghĩa tư bản chưa bị nhiễm bẩn (bẩn ở đây được hiểu là mọi sự can thiệp của nhà nước hay bất kể chủ thể nào vào thị trường)”44.
Tóm lại, trên khía cạnh kinh tế, phong trào chống toàn cầu hóa ra đời từ sự bất bình đẳng và không cân sức trong cạnh tranh thương mại giữa các nhóm nước, từ những thiệt thòi trong chính sách do bị áp đặt bởi các tập đoàn xuyên quốc gia, các tổ chức quốc tế, với những hậu quả không hề nhỏ, … đã tạo nên làn sóng bất bình ở khắp nơi trên thế giới.
Nguyên nhân kinh tế là nguyên nhân quan trọng nhất và cũng từ nguyên nhân kinh tế mà xuất hiện các bất bình khác liên quan đến chính trị và văn hóa – xã hội.
42 Trần Duy Thùy Dương (2014). Sđd. Tr.31.
43 Klein, Naomi (2007). Id. P.22.
44 Klein, Naomi (2007). Id. P.68.
40
• Nguyên nhân chính trị
Nhiều người cho rằng toàn cầu hóa kéo theo sự đổ vỡ của các mô hình quản trị truyền thống và buộc các xã hội phải tự điều chỉnh hoặc bị điều chỉnh sao cho phù hợp nhất đối với sự phát triển và hội nhập. Tức là, họ đã vẽ lên những viễn cảnh bi đát cho sự tiêu vong của các quốc gia dân tộc trên đà tiến của toàn cầu hóa. Khi chúng ta không biết hoặc không hiểu hết một điều gì đó, tâm lý đầu tiên là nỗi sợ. Với toàn cầu hóa cũng thế, nhân loại đối diện với nó với những nỗi sợ thường trực và nỗi sợ đầu tiên chính là chủ quyền quốc gia bị đe dọa. Kể cả những người mới hôm qua còn công kích dữ dội sự tồn tại của nhà nước,
“coi đó là bọn quan liêu vô dụng chỉ biết ngốn ngân sách, hoặc đó là cỗ máy lố lăng nhằm tạo ra bất bình đẳng”45, thì giờ đây đang tập hợp lại để bảo vệ chính quyền và quân đội, chống lại sự chèn ép của các tập đoàn đa quốc gia. Tính độc lập của mỗi quốc gia sẽ bị thách thức bởi sự gia tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia và chính những lo lắng đó gây ra tâm lý lo sợ và tâm lý chống đối với toàn cầu hóa46. Đó là chưa kể đến bá quyền đế quốc ngày càng được củng cố một cách ngang ngược của nước Mỹ đã gây nên những lo ngại chính đáng cho không chỉ là các quốc gia Á – Phi – Mỹ Latinh, mà kể cả những nước vốn là đồng minh hoặc cùng chia sẻ các giá trị phương Tây với người Mỹ.
Những biểu hiện mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ấy vừa là di sản của hàng trăm năm thực dân bòn rút và bóc lột các thuộc địa, vừa là kết quả của tự do hóa thương mại và đầu tư trên quy mô toàn cầu (vốn không chịu đựng các trở ngại của những đường biên truyền thống). Trên một bình diện khác, đó còn là sản phẩm của nền chính trị hiện thực, khi lợi ích quốc gia là tối thượng thì những gì đe dọa đến nó đều bị xem là mối đe dọa đến sự tồn vong.
Điểm đặc biệt ở đây là, chính các nhà nước ấy, ở những nước đang phát triển, cũng tham gia vào mặt trận chống toàn cầu hóa. Họ đại diện cho chính người dân của họ, trên một mức độ nhất định, cho lợi ích quốc gia của họ. Bởi sự cạnh tranh khốc liệt của bối cảnh mới, bởi “luật chơi” đã không còn như trước. Toàn cầu hóa cũng có nghĩa là phải mở cửa thị trường, dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, loại bỏ các hạn chế đầu tư. Do đó, nó vừa là thời cơ cho các doanh nghiệp trong một nước có thể tiếp cận với một thị trường thế giới rộng lớn hơn, tiếp cận được các nguồn cung nguyên liệu phong phú, đa dạng hơn, cũng như ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, … nhưng, nó cũng vừa là một thách thức trực tiếp đối với các ngành kinh tế còn non yếu của quốc gia, vốn không có khả năng chống chọi lại sức cạnh tranh khủng khiếp từ bên ngoài. Hậu quả tệ hại nhất có thể sẽ xuất hiện: nền sản xuất trong nước bị điêu đứng, hàng hóa ngoại quốc ngập tràn và thưa thớt hàng nội địa. Những lúc như thế, vai trò của nhà nước được thể hiện, bằng các biện pháp bảo hộ ưu tiên, họ duy trì
“sự sống” cho các ngành kinh tế ấy, hỗ trợ các ngành này trong cuộc chơi thương mại. Như
45 Michalet, Charles – Albert (2005). Sđd. Tr.7.
46 Trần Duy Thùy Dương (2014). Sđd. Tr.34.
41
vậy, có vẻ như các quốc gia, dù muốn dù không, cũng đã trở thành một tác nhân cản trở toàn cầu hóa.
Suy cho cùng, các biện pháp bảo hộ của chính phủ một mặt xuất phát từ lợi ích của giới tư bản trong nước, mặt khác, là chiêu bài để nhận được sự ủng hộ từ các nhóm chống toàn cầu hóa mang tinh thần dân tộc vốn đang ngày càng phát triển trong chính trường các nước thuộc Thế giới thứ ba trong vài chục năm gần đây. Các nhóm bảo thủ này cho rằng thứ gọi là “chủ nghĩa tư bản dân tộc” trong mỗi một nước bao giờ cũng tốt, trong khi bên còn lại là chủ nghĩa tư bản thế giới, vô tổ quốc, tự bản thân nó đã là xấu. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu bản chất quốc tế của chủ nghĩa tư bản ngay từ khi nó được ươm mầm trong lòng chế độ phong kiến, nên những phản ứng của họ - từ lập luận cho đến hành động, đều thật giả tạo. Nhưng nếu bỏ qua họ, thì chúng ta không thể hiểu một cách toàn diện động lực của các phong trào chống toàn cầu hóa. Dù cho những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ có cực đoan đến đâu, họ vẫn là bộ phận trong cuộc chiến chống lại bất công từ toàn cầu hóa, nếu xét từ góc độ lực lượng.
Nói tới nguyên nhân chính trị là ta nói đến câu chuyện về quyền lực và tranh giành quyền lực, ở đây là quyền lực công. Do đó, phong trào chống toàn cầu hóa có căn nguyên từ sự bất cân xứng trong phân bổ quyền lực chính trị, giữa quyền lực công của nhà nước đang bị thách thức bởi sức mạnh và vị thế của các tập đoàn. Các công ty xuyên quốc gia nắm độc quyền về kinh tế, nhưng cũng đồng thời nắm độc quyền về chính trị. Những công ty này được củng cố thêm sức mạnh nhờ vào các tổ chức quốc tế, đã khiến cho các quốc gia đang phát triển bị đặt dưới quyền lực của họ47. Ngay khi WTO ra đời, người ta đã xác định được ai là kẻ thắng người thua trong kỷ nguyên toàn cầu hóa: Đó là những người nghèo nhất ở các nước nghèo nhất thuộc Nam Sahara châu Phi, Nam Á, Mỹ Latinh và Caribean, là những người thất thế ở các nước phát triển, họ không được gì hoặc thậm chí là mất mát trong khi kinh tế tăng trưởng đi kèm với bất bình đẳng ngày một sâu sắc thêm48. Đó cũng chính là kết quả của quyền lực tập trung vào các tập đoàn xuyên quốc gia, áp lực từ các tập đoàn đã làm cho nhà nước phúc lợi xã hội dần dần bị thu hẹp, nhà nước ngày càng có xu hướng xích lại gần các tập đoàn và từ đó, mâu thuẫn sinh ra.
Tóm lại, trên khía cạnh chính trị, quyền lực ngày càng lớn của các tập đoàn tư bản đã trở thành căn nguyên của phong trào chống toàn cầu hóa. Chính sự thiếu công bằng và dân chủ trong cách tiếp cận các nguồn lực cần cho sự phát triển, ở các nước thuộc Thế giới thứ ba hoặc ngay trong lòng các quốc gia tư bản phát triển nhất, đã tạo nên chất xúc tác cho các hành động chống lại toàn cầu hóa. Dù những người đó ý thức rất rõ toàn cầu hóa có lợi
47 Guillochon, Bernard (2004). Toàn cầu hóa – Duy nhất một hành tinh, nhiều dự án khác nhau. (Ngân Điệp – Thu Trang dịch). TP.HCM: NXB Trẻ. Tr.84.
48 Nguyễn Văn Thanh (2000). Sđd. Tr.144.