Diễn đàn Nhân dân (2002)

Một phần của tài liệu ĐẠI HỌC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY (Trang 75 - 80)

CHƯƠNG 2. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN

2.2. Tại các nước đang phát triển

2.2.3. Diễn đàn Nhân dân (2002)

Mặc dù Nam Phi và Bắc Phi là những nơi mà làn sóng đầu tư tư bản, tự do thương mại tác động mạnh mẽ hơn hẳn các khu vực khác trong lục địa châu Phi, nhưng các nước thuộc châu Phi Hạ Sahara (vùng Sahel, vùng Sừng châu Phi, …) lại là khu vực gánh chịu hầu hết các mặt trái của tiến trình, hiện tượng này. Sự xuất hiện của các phong trào dân chủ hóa, phong trào nữ quyền và phong trào của người bản địa như là những phản kháng có tính công khai đầu tiên trước tình trạng bất công, bất bình đẳng và thiếu dân chủ do toàn cầu hóa mang lại ở khu vực này trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1980 đã chỉ ra thực tế đó. Ở Kenya, chúng ta có những làn sóng của phong trào Mungiki đòi gìn giữ văn hóa bản địa trước ảnh hưởng của phương Tây; ở Senegal, chúng ta có phong trào nữ quyền Yewwu Yewwi và ở Niger như vừa phân tích, chúng ta có các hoạt động tích cực của “Không gian Thay thế cho Công dân”, …Tuy nhiên, nếu muốn đề cập đến một chương trình hành động chống toàn cầu hóa toàn diện và lâu dài nhất, chúng ta không thể bỏ qua Mali.

Mali là một quốc gia Tây Phi bước vào sân chơi toàn cầu hóa từ khá sớm, nếu không muốn nói là sớm nhất khu vực – ngay từ năm 1988, nước này đã bắt đầu trải qua cải cách

126 Mayol, Philippe (2011). “Les mouvements sociaux africains”. Terre Solidaire. Dẫn theo www.ccfd- terresolidaire.org, truy cập ngày 28/06/2021.

76

kinh tế với các thỏa thuận đạt được từ IMF và WB. Chính phủ Mali cũng thi hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài, bao gồm thương mại và tư nhân hóa. Từ 1988 đến 1996, nước này đã tư nhân hóa hoàn toàn 16 doanh nghiệp, tư nhân hóa một phần 12 doanh nghiệp và 20 doanh nghiệp bị giải thể. Kể từ năm 1996, nước này tiến hành cải cách nền kinh tế một cách sâu rộng hơn nữa và điều này đồng nghĩa với việc tư nhân hóa và tự do hóa sẽ được củng cố và cường độ còn cao hơn trước. Ngoài ra, Mali cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài tương đối lớn từ nhiều nguồn, bao gồm các tổ chức đa phương (đáng kể nhất là WB) và các chương trình song phương được tài trợ bởi EU, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan và Đức127. Gần đây, nước này còn trở thành một trong những đối tượng nhận viện trợ ở mức cao từ Trung Quốc, các công ty liên doanh Trung Quốc – Mali đã trở nên nhiều hơn trong vòng ba năm qua. Nhân công Trung Quốc chiếm số lượng lớn trong ngành dệt may và trong các dự án xây dựng quy mô lớn của Mali, bao gồm cầu bắc qua sông Niger, đường cao tốc ở thủ đô Bamako, trung tâm hội nghị và sân vận động quốc gia128.

Sau nhiều năm tích cực tham gia vào toàn cầu hóa, nước này vẫn không có nhiều thay đổi. Bộ mặt kinh tế vẫn không khá hơn mà cái giá phải trả thật quá đắt: khai thác vàng tạo ra thu nhập lớn nhưng hầu hết những người làm công việc này đều đến từ bên ngoài Mali, lao động trẻ em được sử dụng rộng rãi và thường xuyên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhiều làng mạc và vùng nông nghiệp biến mất để phục vụ cho các dự án liên doanh với nước ngoài129.Kết hợp với các bất cập tồn đọng trong cơ cấu, chính sách của quốc gia như tình trạng tham nhũng cao với nền tư pháp kém hiệu quả, thủ tục hành chính rất chậm chạp và thất bại trong giáo dục kéo theo hiện tượng “chảy máu chất xám” liên tục, …càng làm cho khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước này ngày một thêm sâu sắc. Rõ ràng là, bằng một loạt các chương trình cải cách có bàn tay của tư bản ngoại quốc, chính phủ Mali đã đẩy hàng triệu người dân của mình vào cảnh thất nghiệp, bần cùng và đói ăn vì giá cả tăng cao. Bởi nguồn lực của nước này không đủ để giữ cho nền kinh tế ổn định, khi hàng rào bảo hộ được tháo ra cùng với hội nhập, thì cũng đồng nghĩa với việc nước này chấp nhận những rủi ro khổng lồ từ cạnh tranh quốc tế. Từ tất cả các bất ổn và khủng hoảng kể trên, cùng với những chuẩn bị và kinh nghiệm từ các hoạt động chống toàn cầu hóa đang diễn ra sôi nổi ở nước láng giềng Niger và nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là sự thành công của WSF tổ chức ở Porto Algre (Brazil), Diễn đàn Nhân dân đã ra đời ở Mali vào tháng 06/2002.

127 “U.S. Relations with Mali: December 04 2020”. US State Department. Dẫn theo www.state.gov, truy cập ngày 01/07/2021.

128 Strange, Austin, Parks, Bradley C., Tierney, Michael J., Fuchs, Andreas, Dreher, Axel & Ramachandran, Vijaya, (2013). China’s Development Finance to Africa: A Media-Based Approach to Data Collection. CGD Working Paper 323. USA: Center for Global Development.

129 International federation for Human Rights (2007). Mali: L'exploitation minière et les droits humains – Mission internationale d'enquête.

77

Diễn đàn Nhân dân (People’s Forum) là một sự kiện thường niên của phong trào chống toàn cầu hóa tại Mali, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2002 và cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo 8 quốc gia quyền lực nhất thế giới (G8). Nó ra đời trước hết trên cơ sở của hiện thực xã hội Mali, sau đó rộng ra là của cả khu vực Tây Phi và mọi nơi trên thế giới xuất hiện các bất ổn và bất công do toàn cầu hóa mang lại. Nó được tạo ra như một không gian mở nhằm xây dựng những đề án thay thế cho toàn cầu hóa hiện nay, đồng thời, là một cuộc đối thoại song song, bình đẳng trước các lãnh đạo nhóm G8 (những quốc gia chịu trách nhiệm vận hành toàn cầu hóa), buộc họ chú ý và lắng nghe “tiếng nói của người nghèo”. Gần 200 nhà hoạt động từ Mali, Niger, Senegal, Burkina Faso, Guinea, Côte d'Ivoire cũng như các thành viên của các nhóm chống toàn cầu hóa khác nhau đã tập hợp lại tại Siby (cách thủ đô Bamako gần 50 km) từ ngày 25 đến ngày 28/06 để thảo luận về các vấn đề liên quan đặc biệt đến toàn cầu hóa, nợ nần của Thế giới thứ ba, an ninh lương thực và thương mại bất bình đẳng.

Hai phiên bản đầu tiên của Diễn đàn Nhân dân được tổ chức tại Siby vào năm 2002 và 2003, phiên bản năm 2004 được tổ chức tại Kita (cách Bamako 180km về phía Tây), phiên bản năm 2005 được tổ chức tại Fana (cách Bamako 100km về phía Đông) và phiên bản năm 2006 diễn ra tại Gao (thành phố lịch sử, từng là kinh đô của đế chế Mali từ thế kỷ XIII), … nói chung đều tập trung vào hai việc chính:

Một là, nhận diện ra thực trạng hiện tại của châu Phi (mà ở đây là Tây Phi) trước làn sóng toàn cầu hóa, bao gồm: Sự phá hủy kết cấu kinh tế và xã hội dưới tác động của nợ xấu, việc áp dụng các kế hoạch điều chỉnh cơ cấu và xâm nhập thị trường địa phương bằng các quy tắc bất công, cưỡng ép của WTO và IMF, quá trình tư nhân hóa toàn bộ các công ty và xí nghiệp nhà nước, … đã đẩy hàng triệu lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, phá hủy mô hình gia đình truyền thống, thúc đẩy bần cùng hóa ngày càng tăng và đặc biệt là làm xuất hiện hiện tượng nữ giới hóa đói nghèo130, … Chưa dừng lại ở đó, các phiên báo cáo và thảo luận trong gần 20 năm qua của Diễn đàn Nhân dân cũng đã đưa ra những kiến giải về nguyên nhân và bản chất của thực trạng, trong đó không thể không kể đến các bất cập do thiếu vắng tầm nhìn chiến lược trên quy mô toàn cầu cho các chính sách phát triển, cũng như trong các mối liên kết giữa các nhóm dân cư, cộng đồng với chính quyền trong việc thiết kế các chính sách phát triển mà không tính đến các mối quan tâm và quyền lợi cơ bản của những lớp người, nhóm cộng đồng đó131. Đồng thời, diễn đàn cũng cho rằng, một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng gây ra khủng hoảng đó là sự bất cẩn hay lòng tham của các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi trong quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài sản công cộng (như đất đai, rừng và hầm mỏ, ...). Từ những hệ quả, tác động và nguyên nhân trên, tuyên bố của diễn đàn đi đến kết luận: về bản chất, toàn

130 “Déclaration du forum des peuples” (2004). Gresea. Dẫn theo www.gresea.be, truy cập ngày 01/07/2021.

131 Le Forum des Peuples (2004). Déclaration du Forum des peuples. CADTM. Dẫn theo www.cadtm.org, truy cập ngày 01/07/2021.

78

cầu hóa tư bản chủ nghĩa tân tự do là nguyên nhân trực tiếp nhất gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa ở lục địa châu Phi.

Hai là, yêu cầu, đòi hỏi những giải pháp cần thiết để khắc phục khủng hoảng, thay thế toàn cầu hóa hiện nay vốn bất công, bất bình đẳng bằng một toàn cầu hóa khác dành cho tất cả mọi người. Trong một số tuyên bố chính thức ở nhiều phiên bản khác nhau của Diễn đàn Nhân dân, chúng tôi nhận thấy điểm chung rằng, hầu hết những người tham dự diễn đàn (chủ yếu đến từ châu Phi), đã chủ trương “Xóa bỏ các thiết chế thương mại và tài chính quốc tế như IMF, WB, ...”; thành lập các thiết chế mới đặt dưới sự quản lý của các quốc gia và xã hội dân sự toàn cầu nhằm tìm kiếm một trật tự kinh tế, thương mại và tài chính dân chủ, công bằng, vì sự phát triển thực sự và bền vững cho tất cả mọi người; kêu gọi các chính phủ “chấm dứt tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước”; “xóa bỏ toàn bộ và vô điều kiện các khoản nợ của các nước Thế giới thứ ba, vì nó ngăn cản các khoản đầu tư hiệu quả vào các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và y tế”132. Ngoài ra, những người tham gia diễn đàn, trong một vài thời điểm cũng đã bác bỏ và chỉ trích mạnh mẽ “chính sách nhập cư có chọn lọc và tình trạng đàn áp, trục xuất” người di cư đến châu Âu, kêu gọi giải quyết nhanh chóng các cuộc xung đột ở Darfur (Sudan), Côte d'Ivoire, Trung Đông và nhiều nơi khác.

Có thể thấy, về bản chất, Diễn đàn Nhân dân Mali là một không gian mở để phổ biến, giáo dục, truyền thông và xây dựng các hành động, giải pháp cần thiết chống lại sự khốn cùng trong tình thế mà các dân tộc trên thế giới đang phải đối diện hằng ngày. Diễn đàn này là biểu hiện của một phong trào xã hội năng động, phản ánh ý chí của nhân dân trong việc khoanh vùng các cuộc đấu tranh của họ dưới góc độ các phản ứng chống lại trật tự tân tự do và giải phóng con người cho phát triển. Nó được mở cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về nguồn gốc, tư tưởng và giai cấp. Diễn đàn Nhân dân tập hợp tất cả các thành phần tham gia vào sự phát triển của địa phương, quốc gia, châu lục và quốc tế như các tổ chức nông dân, công đoàn, các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông, công chức, học giả, các tổ chức thanh niên và phụ nữ, các giáo phái tôn giáo, đại biểu quốc hội, dân cử địa phương, …Nguyên tắc của diễn đàn này cũng thật đơn giản nhưng gói trọn trong đó tất cả những gì thực sự cần và đủ, đó là: tự do tiếp cận và tự do ngôn luận. Mong muốn của những nhà hoạt động chống toàn cầu hóa ở diễn đàn này trong suốt hai thập kỷ qua là tìm kiếm và tạo điều kiện giao lưu giữa những người có nguồn gốc khác nhau nhưng giống nhau ở hoàn cảnh bi đát của hiện tại, để làm sâu sắc thêm những suy tư và lập luận cho việc xây dựng một thế giới khác bao quát hơn, đoàn kết hơn và công bằng hơn những gì mà chủ nghĩa tân tự do áp đặt lên thế giới133.

132 IRIN News (2006). “Le Forum des peuples critique les politiques des pays du G8”. New Humanitarian. Dẫn theo www.thenewhumanitarian.org, truy cập ngày 01/07/2021.

133 Beaudet, Pierre (2005). “4e édition du Forum des Peuples”. Alternatives International. Dẫn theo www.alterinter.org, truy cập ngày 02/07/2021.

79

Đây có thể được coi là một diễn đàn dân sự công khai đầu tiên chống lại toàn cầu hóa ở Tây Phi Hạ Sahara, quy tụ hàng trăm tổ chức, hiệp hội và phong trào quần chúng từ Mali, sau đó dần dần từ các tiểu khu vực khác trên toàn lục địa. Triết lý chung của nó, là sự huy động tối đa tiềm năng của các tổ chức, hội nhóm và đoàn thể ở mọi nơi chịu bất công từ toàn cầu hóa, đoàn kết trong hành động và thống nhất trong mục tiêu, xây dựng các phương án thay thế và đấu tranh đến cùng cho sự tiến bộ. Tính chất cấp tiến của diễn đàn này nằm ở chỗ: Không có bất kỳ một không gian mở cho các cuộc đối thoại nào tương tự từng được tổ chức trước đây ở châu Phi Da Đen134 (đặc biệt là sự có mặt của hàng nghìn người từ nhiều nơi như thế cho một sự kiện lần đầu tổ chức tại Mali), cũng như không có bất kỳ một hội nghị hay cuộc tụ họp nào mà phạm vi các vấn đề cần giải quyết đều rộng lớn và mang tính chiến lược nhiều như vậy (chẳng hạn như nợ nần của Thế giới thứ ba, các hiệp định đối tác song phương và đa phương, vấn đề đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen bản địa,

…) được tổ chức với tần suất tương tự ở những vùng khác của Châu Phi. Vì vậy, nếu chúng ta xem xét về sự huy động đáng kinh ngạc của các tổ chức cơ sở, phong trào nông dân, hội phụ nữ, các nhóm thúc đẩy hòa bình, môi trường, hay các liên đoàn lao động, … trong Diễn đàn Xã hội Thế giới Đa trung tâm ở Bamako năm 2006 (WSF – 2006), thì chúng ta có thể coi rằng sự kiện WSF đầu tiên ở lục địa Châu Phi này đã thành công tốt đẹp135. Thành công ấy chỉ có được nhờ vào sức sống của các phong trào xã hội chống toàn cầu hóa ở Mali và sự neo đậu hoàn hảo của các phong trào đó trong các lãnh thổ và trong các cộng đồng, với công đầu thuộc về Diễn đàn Nhân dân – nơi tập hợp, triển khai và củng cố các hoạt động phản kháng trật tự thế giới của toàn cầu hóa tân tự do một cách lâu dài và bền bỉ nhất.

Ngoài Diễn đàn Nhân dân, Mali còn có nhiều phong trào và sự kiện khác thể hiện rất rõ cuộc đấu tranh chống toàn cầu hóa, diễn ra từ đầu thập niên 2000 đến nay, có thể kể đến như: Các cuộc vận động chống lại việc tư nhân hóa đường sắt vào năm 2005 của Tổ chức Công dân về Giải pháp Đường sắt (Collectif citoyen pour la restitution du rail), các động thái đấu tranh cải thiện điều kiện lao động ở mỏ vàng Sadiola, Liên minh Bảo vệ Di sản Di truyền Mali (COPAGEN-Mali) kết hợp với phong trào nông dân nước này trong việc phản đối ứng dụng thực vật biến đổi gen vào nền nông nghiệp quốc gia (2006), nâng cao nhận thức của nông dân về một chủ đề phức tạp như Hiệp định Đối tác Kinh tế với Liên minh Châu Âu và việc huy động Điều phối Quốc gia của các Tổ chức Nông dân Mali về một chính sách nông nghiệp thuận lợi cho nông nghiệp gia đình và thị trường bảo hộ (Luật định hướng nông nghiệp)136, …Như vậy, rõ ràng là, quốc gia Tây Phi này có thể thực sự được coi là một “phòng thí nghiệm” của người châu Phi trong các hoạt động chống toàn cầu hóa tân tự do và xây dựng các mô hình thay thế cho thế giới. Bởi lẽ từ đầu thập niên 2000 đến nay, quốc gia này đã cho thấy tính sống động, tính sáng tạo và tính cấp tiến trong

134 Tên gọi khác của Tây Phi Hạ Sahara.

135 Mayol, Philippe (2011). Id.

136 Mayol, Philippe (2011). Id.

80

hành động của các phong trào xã hội sâu rộng, thu hút đông đảo không chỉ là người dân của quốc gia mình, khu vực mình vào cuộc đấu tranh, mà còn nhân rộng ra và là tấm gương cho toàn châu lục cũng như toàn thế giới.

Một phần của tài liệu ĐẠI HỌC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)