Không gian Thay thế cho Công dân (2001)

Một phần của tài liệu ĐẠI HỌC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG 2. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN

2.2. Tại các nước đang phát triển

2.2.2. Không gian Thay thế cho Công dân (2001)

Từ lâu, nhiều học giả về các phong trào xã hội và phản kháng toàn cầu hóa đã bỏ quên các phong trào xã hội ở châu Phi, bởi trông bề ngoài, các xã hội ở khu vực này phần lớn còn quá nông thôn, quá ràng buộc về truyền thống hay sắc tộc, hoặc thiếu các hình thức phát triển giai cấp mang tính cấp tiến. Cho đến trước năm 2000, các học giả phương Tây chỉ tập trung thảo luận về phong trào lao động của Nam Phi và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thậm chí, họ còn không xem xét đến các phong trào xã hội ở các vùng khác nhau của lục địa đã ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào trong bối cảnh của phong trào xã hội ở Nam Phi121. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử các phong trào xã hội ở châu Phi không hề mờ nhạt như những gì mà nhiều người vẫn nghĩ về nó, bởi lẽ kể từ khi các phong trào dân tộc giải phóng ở châu lục này thành công trong việc mang lại độc lập – tự chủ, thì cũng là lúc nhân dân lục địa đen bước vào một loạt các khó khăn khác của công cuộc xây dựng kinh tế – xã hội, khắc phục những di sản của quá khứ thuộc địa hàng trăm năm và đối mặt với toàn cầu hóa tân tự do ngày càng mạnh mẽ. Với Niger, một quốc gia Tây Phi nằm sâu trong lục địa, thì những biến động kể trên càng đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết.

Xã hội Niger phản ảnh sự đa dạng rất lớn bắt nguồn từ lịch sử độc lập lâu dài của các nhóm chủng tộc và tôn giáo đặt trong một lịch sử chung sống tương đối ngắn dưới cùng một nhà nước duy nhất đầu thế kỷ XX. Theo dòng lịch sử, phần lãnh thổ mà giờ đây có tên

121 Aidi, Hisham (2018). Africa’s New Social Movements: A Continental Approach. Maroc: Policy Center for the New South. P.1.

73

là Niger vốn là một phần của nhiều quốc gia cổ đại trước kia. Kể từ khi độc lập, Niger đã trải qua năm lần sửa đổi hiến pháp và ba lần được điều hành bởi các chính quyền quân sự.

Phần lớn dân số sống ở các vùng nông thôn và ít có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến. Chưa kể, cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, Niger đã tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và bắt đầu chấp nhận những điều kiện của các tổ chức ấy để đổi lấy những khoản vay cho phát triển. Ngoài những thay đổi trong quản lý ngân sách và tài chính công, chính phủ nước này đã theo đuổi chính sách tự do hóa kinh tế, bao gồm tư nhân hóa các cơ sở cấp nước, viễn thông, loại bỏ quy định về giá dầu, cho phép giá cả được thiết lập theo thị trường thế giới và xa hơn nữa, đó là việc tư nhân hóa các tập đoàn nhà nước122.

Chỉ trong vòng 5 năm đầu tiên áp dụng tư nhân hóa và tự do hóa kinh tế, nước này lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng và hàng loạt các bất ổn khác có liên quan. Toàn cầu hóa, rõ ràng, không những không làm cho một nước nghèo như Niger thoát nghèo, mà nó còn khiến cho các nước nghèo ngày càng nghèo hơn và phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn vốn của các nước giàu. Tự do hóa kinh tế đã trực tiếp ảnh hưởng đến những thành viên nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất của xã hội Niger, khiến nhóm dân cư dưới cùng của bậc thang xã hội càng thêm điêu đứng. Trước những tác động tiêu cực đó của toàn cầu hóa tân tự do, cũng như trước những đòi hỏi phải cải thiện đời sống của người dân nước này trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, “Không gian Thay thế cho Công dân”

(Alternative Espaces Citoyens) đã được thành lập vào tháng 09/2001 bởi một nhóm các nhà báo, nhà hoạt động xã hội và trí thức cấp tiến.

Đây là một hiệp hội dân sự có mục tiêu là vì sự ra đời của một xã hội dựa trên sự bình đẳng về quyền con người và bình đẳng giới, khuyến khích các quyền tự do chính trị (đặc biệt là quyền tự do ngôn luận), đấu tranh chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử và kỳ thị (đặc biệt là đối với phụ nữ), góp phần phát triển trí tuệ và ý thức đấu tranh cho giới trẻ, thúc đẩy tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc ở Phi châu với nhau và trên toàn thế giới, nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường123. “Không gian Thay thế cho Công dân” hành động dựa trên 05 nguyên tắc sau: 1. Bác bỏ chủ nghĩa đặc thù dân tộc, khu vực, tôn giáo và tất cả các hình thức bè phái chính trị – tư tưởng khác; 2. Chủ trương duy trì tính độc lập của các mục tiêu đấu tranh; 3. Tham gia, hỗ trợ thường xuyên đối với các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi; 4. Hỗ trợ cho các hành động góp phần bảo tồn dịch vụ công; 5. Cởi mở với tất cả các thể nhân và pháp nhân theo đuổi các mục tiêu giống nhau trên tinh thần hợp tác124.

122 “Background Notes for Niger: January 2009 Bureau of African Affairs”. United States State Department. Dẫn theo www.state.gov, truy cập ngày 28/06/2021.

123 “Alternatives Espaces Citoyens”. Alternatives International. Dẫn theo www.alternatives.ca, truy cập ngày 28/06/2021.

124 “L’Association Alternative Espace Citoyen (Alternative)” (2015). Peace Insight. Dẫn theo: www.peaceinsight.org, truy cập ngày 28/06/2021.

74

Để đạt được những mục tiêu này, “Không gian Thay thế cho Công dân” sử dụng tất cả các phương tiện trong khuôn khổ của pháp luật, bao gồm các buổi diễn thuyết công khai, tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển lãm, biểu diễn trên các sân khấu đường phố, đào tạo điều phối viên và tạo ra các ấn phẩm khác nhau (chiếu phim) với những nội dung về giáo dục ý thức chính trị và môi trường125, … nhằm tối đa hóa việc thúc đẩy các giá trị dân chủ trong quần chúng. Cũng cần phải lưu ý rằng, điều làm nên sự khác biệt của phong trào xã hội do tổ chức này khởi xướng so với các cuộc vận động quần chúng khác cùng tồn tại trong xã hội Niger đó là ngay từ khi mới ra đời, tổ chức này đã nỗ lực thúc đẩy, quan tâm và tập trung vào lĩnh vực truyền thông. Họ công nhận vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng trong việc thúc đẩy quyền con người và các giá trị dân chủ. Trọng tâm của họ trong các nỗ lực truyền thông là trong một tờ tuần báo và một chương trình phát thanh.

Về báo chí, tuần báo Alternative Weekly một mặt góp phần vào sự thức tỉnh chính trị và kiến tạo nên một nền văn hóa đại chúng đích thực trong cộng đồng, mặt khác, nó phản bác và tranh luận về các chính sách áp đặt bởi các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, …).

Ngoài ra, tuần báo này còn nổi bật bởi sự ủng hộ thường xuyên của nó đối với tất cả các cuộc đấu tranh xã hội và tất cả các sáng kiến nhằm thúc đẩy quyền con người. Các cam kết kiểu như thế đã không ít lần khiến các nhà báo của tòa soạn bị trả đũa với nhiều hình thức khác nhau, từ đe dọa, bắt bớ, bắt cóc và thậm chí là trả giá bằng cả tính mạng của mình.

Dù vậy, bất chấp nguy hiểm, tuần báo vẫn đảm bảo tiến độ hoạt động của nó, duy trì đến tận ngày nay, với nhiều thứ tiếng khác nhau dành cho những bộ phận dân chúng không biết đọc tiếng Pháp và những bản sao này đã được phân phát ở các thành phố và làng mạc để góp phần bảo tồn ngôn ngữ quốc gia. Họ cũng đã tung ra các phiên bản đặc biệt để mở rộng phạm vi xuất bản ra các nước lân cận như Mali, Burkina Faso, Benin, ...

Về phát thanh, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đài phát thanh cộng đồng của tổ chức đã được tiếp quản bởi một đội ngũ tình nguyên viên trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết và sở nguyện cống hiến dồi dào. Đài phát thanh này phát sóng ở Niamey và các vùng lân cận, nơi nó được hàng ngàn thính giả lắng nghe và đánh giá cao về nội dung và hình thức. Đến năm 2015, một nhóm các thính giả trẻ của chương trình phát thanh này đã tập hợp lại với mong muốn duy trì và phát triển hơn nữa hoạt động phát thanh của “Không gian Thay thế cho Công dân” để bảo vệ các quyền dân sự và chính trị chính đáng của người dân, cũng như các quyền xã hội, kinh tế và văn hóa khác. Câu lạc bộ thanh niên này là một khuôn khổ để đoàn kết, kiểm soát, thúc đẩy văn hóa công dân và các sáng kiến khác để phát triển con người.

Từng chút một, tổ chức này đã trở thành trung tâm của những hoạt động chống toàn cầu hóa ở Niger, với các cuộc tuần hành chống tư nhân hóa ồ ạt giáo dục đại học (2001), chống giá cả tăng vọt (2002), chống chiến tranh ở Iraq (2003), chống đánh thuế trên một số nhu

125 Xem thêm tại website chính thức của tổ chức này: www.alternativeniger.net

75

yếu phẩm quan trọng (2004), … Đến năm 2005, Liên minh vì công bằng, chất lượng và cuộc chiến chống chi phí sinh hoạt cao (Coalition équité, qualité et lutte contre la vie chère) đã ra đời trên cơ sở của những đóng góp bước đầu của “Không gian Thay thế cho Công dân”. Liên minh này được thành lập bởi một cơ sở xã hội rất mạnh được cấu trúc bởi khoảng 30 tổ chức xã hội dân sự, từ công đoàn, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhân quyền đến các tổ chức tham gia vào các dự án phát triển, …Và một trong những động thái đầu tiên của liên minh này là các hoạt động phản đối cải cách kinh tế của chính phủ, vốn đã và đang đẩy quốc gia Tây Phi này vào vòng xoáy của bất ổn và khủng hoảng ngày một trầm trọng hơn126.

Bên cạnh các hoạt động tự thân, “Không gian Thay thế cho Công dân” cũng đã khởi xướng việc tổ chức Diễn đàn Công dân lần thứ nhất vào năm 2002 và Diễn đàn Xã hội Niger vào năm 2003, quy tụ nhiều tổ chức phi chính phủ, hiệp hội dân sự và phong trào xã hội khác của quốc gia này vào việc nói lên tiếng nói về bình đẳng, dân chủ và công bằng cho các nhóm dân cư bên dưới, xây dựng các đề án phát triển thay thế cho một toàn cầu hóa thân thiện, bền vững. Các hoạt động tham vấn và phản ánh thực trạng xã hội đã quy tụ hàng trăm người từ Niger và các nơi khác, là bước phát triển cao hơn của “Không gian Thay thế cho Công dân” về mục tiêu, hoạt động và số lượng thành viên tham gia, cũng như đã ghi dấu vào lịch sử của nước này nói riêng và cả khu vực Tây Phi Hạ Sahara nói chung về những biểu hiện đầu tiên của công cuộc phản kháng toàn cầu hóa tân tự do đang thành hình trên toàn lục địa.

Một phần của tài liệu ĐẠI HỌC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)