Hành động Nhân dân Toàn cầu (1998)

Một phần của tài liệu ĐẠI HỌC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY (Trang 85 - 88)

CHƯƠNG 2. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN

2.3. Trên cấp độ thế giới

2.3.1. Hành động Nhân dân Toàn cầu (1998)

Ý tưởng cho một mạng lưới toàn cầu chống lại chủ nghĩa tư bản tân tự do lần đầu tiên được nêu lên trong Đại hội quốc tế lần thứ nhất do EZLN tổ chức tại Chiapas năm 1996.

S. Marcos – người phát ngôn và là thủ lĩnh trên thực tế của EZLN đã khẳng định mục đích tối quan trọng của cuộc đấu tranh quy mô toàn cầu này là vì “Một thế giới mới”“Một thế giới đủ lớn…”150 để mọi người ở mọi nơi đều được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời, ông còn đưa ra chủ trương về việc xây dựng và phát triển một mạng lưới (có vai trò như một mặt trận thống nhất) vận động các tác nhân trên thế giới cùng chống lại toàn cầu hóa. Xuất phát từ chủ trương ấy cùng với nhu cầu của thực tiễn cuộc đấu tranh ngày càng cần có một tổ chức trung gian đứng ra huy động mọi nguồn lực cần thiết cho cuộc chiến lâu dài và bền bỉ, từ ngày 23 đến 26/02/1998, trong khuôn khổ của Đại hội quốc tế lần thứ ba của các nhóm chống đối toàn cầu hóa tại Geneve, Hành động Nhân dân Toàn cầu (People’s Global Action - PGA) đã chính thức ra đời.

Sự xuất hiện của PGA trên bản đồ chính trị - xã hội của thế giới đương đại đã bổ sung thêm một đối lực cho toàn cầu hóa tân tự do, đánh dấu một bước phát triển của phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới – đi từ các phản kháng có tính chất cục bộ, địa phương sang các cuộc vận động quần chúng và xã hội quy mô quốc tế. Có thể không sai khi chúng ta khẳng định rằng: PGA là công cụ, là phương tiện để giao tiếp và phối hợp hành động (thông qua công nghệ) cho tất cả những cá nhân và tổ chức chống lại sự hủy diệt của chủ nghĩa tư bản tân tự do, xây dựng các giải pháp thay thế ở cấp độ địa phương và quốc tế cho toàn cầu hóa. Hơn nữa, PGA không có trụ sở chính, không có kinh phí trung ương, không có tổ chức hoặc cá nhân nào đại diện cho PGA, cũng như PGA không đại diện cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào151. Do đó, PGA không có chức năng của một tổ chức, một thiết

150 Nguyên văn: “All we want is a new kind of world. All we want is a world big enough to include all the different worlds the world needs to really be the world”. Xem chi tiết tại: Warner, Adam (2005). Id. P.267.

151 Trần Duy Thùy Dương (2014). Sđd. Tr.57.

86

chế quốc tế và vì thế cho nên nó không có thành viên (cũng như tư cách thành viên). Các cá nhân, tổ chức và phong trào xã hội kết nối và duy trì quan hệ với PGA cho các hành động phản kháng toàn cầu hóa của họ, đến lượt mình, PGA cung cấp cho họ những nguồn lực mà nó huy động được để các hành động phản kháng ấy trở nên hiệu quả hơn.

Nếu không là một tổ chức thì PGA là gì? Theo chúng tôi, xét về bản chất, PGA có chức năng của một diễn đàn và một tổ tư vấn cho các cá nhân, tổ chức và phong trào xã hội trong hoạt động của mình. Nhận định trên của chúng tôi xuất phát từ những nguyên tắc hoạt động của PGA, vốn đã được thông qua bởi những người có mặt trong Hội nghị lần thứ ba của PGA (tổ chức năm 2001 ở Cochabamba), với 11 điểm chính. Trong đó, quan trọng hơn cả là các quan điểm về mục tiêu, thái độ và triết lý đấu tranh:

Thứ nhất, về mục tiêu, PGA mong muốn: 1/ Truyền cảm hứng cho một số lượng lớn nhất các cá nhân và tổ chức để chống lại sự thống trị của các tập đoàn thông qua bất tuân dân sự và các hành động xây dựng hướng tới con người. 2/ Cung cấp một công cụ để phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau ở cấp độ toàn cầu cho những người tham gia chống lại sự thống trị của các tập đoàn và mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa. 3/ Đưa ra nhiều dự đoán quốc tế hơn về các cuộc đấu tranh chống lại tự do hóa kinh tế và chủ nghĩa tư bản toàn cầu, cũng như các cuộc đấu tranh của người bản địa và các nền văn hóa truyền thống”.

Thứ hai, về thái độ, PGA bác bỏ “chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến”, cũng như mở rộng ra ở tất cả các biến thể và biểu hiện của chúng – trong đó có toàn cầu hóa, các hiệp định thương mại, các thể chế và chính phủ thúc đẩy toàn cầu hóa mang tính hủy diệt. Chưa hết, PGA còn bác bỏ “tất cả các hình thức thống trị và phân biệt đối xử bao gồm chế độ gia trưởng, chủ nghĩa chủng tộc thượng đẳng và chủ nghĩa tôn giáo chính thống”. Rõ ràng là, điều khiến chúng tôi chọn PGA và những hoạt động của nó vào nội dung của phong trào chống toàn cầu hóa ở cấp độ quốc tế không chỉ vì nó là ý tưởng của tất cả các phong trào xã hội ở mọi nơi, mọi nhóm nước, mà còn vì thái độ và những đối tượng mà nó hướng đến – đả phá những trật tự hủ bại, cản trở sự phát triển, nhưng vẫn không quên bảo tồn, lưu giữ những nét riêng, tiến bộ. Một thái độ “đối đầu”, tất nhiên, trở thành cốt lõi của nó vì những người tổ chức nên nó tin rằng sự thỏa hiệp hay vận động hành lang không thể mang lại thay đổi đủ lớn trong một thế giới đang đầy bất công và phi dân chủ.

Thứ ba, về triết lý, PGA dựa trên “sự phân quyền và tự chủ”. Lý thuyết về tổ chức cho chúng ta hình dung về hai logic tổ chức lý tưởng: logic mệnh lệnh (chiều dọc) và logic mạng lưới (chiều ngang). Cả hai logic tổ chức này đều có mặt ở các mức độ khác nhau và tồn tại trong bất kỳ tổ chức, phong trào và diễn đàn xã hội cụ thể nào trên thế giới và trong lịch sử. Trong khi logic mệnh lệnh dễ được trông thấy ở nhiều diễn đàn và phong trào xã hội, thì PGA lại phản ánh một cam kết mới, với các hình thức tổ chức hoạt động của nó một cách dân chủ hơn, cởi mở hơn và trực tiếp hơn – thông qua logic mạng lưới, theo chiều

87

ngang. Theo nghĩa này, một cách rõ ràng, mô hình của PGA không phải là một sự sáng tạo, có tính chất tiên phong của các trào lưu tổ chức, vận động quần chúng tham gia vào các tranh chấp trong thế kỷ XXI. Nó thực sự phản ánh tư tưởng vô chính phủ trong tổ chức và điều hành một mạng lưới xã hội cho phong trào chống toàn cầu hóa. Do đó, cấu trúc mạng lưới của PGA “cung cấp một không gian xuyên quốc gia để giao tiếp và phối hợp giữa các nhà hoạt động và phong trào của họ”152, ở bất kỳ đâu và bất kể khi nào.

Triết lý phân quyền được cụ thể hóa qua mỗi lần PGA tổ chức các hội nghị quốc tế.

Theo đó, các hội nghị của PGA được kêu gọi bởi một ủy ban gồm những cá nhân được triệu tập bởi các tổ chức và phong trào từ khắp các châu lục và đại diện cho các thành phần xã hội khác nhau. Ủy ban này xác định chương trình nghị sự của hội nghị, đưa ra các quyết định liên quan đến việc tham gia hội nghị và việc sử dụng các nguồn lực kinh tế, quyết định liệu các ấn phẩm có thể được in dưới danh nghĩa PGA hay không và kiểm tra nội dung của các công cụ thông tin. Ủy ban không thể nói nhân danh PGA. Mỗi hội nghị, PGA bầu ra những người triệu tập hội nghị tiếp theo. Trong khi đó, triết lý tự chủ của PGA chủ yếu thể hiện ở việc nó luôn nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa nó với các phong trào địa phương, cũng như giữa các phong trào địa phương với các hoạt động ở cấp độ quốc tế và do đó, nó luôn thay đổi theo thời gian.

Tuy vậy, bản thân triết lý đấu tranh của PGA nói riêng và bản sắc của toàn bộ phong trào chống toàn cầu hóa nói chung (vốn cũng dựa trên sự tự chủ, không phân cấp) có nhiều điểm bất cập. Vì chúng tạo điều kiện cho sự can thiệp từ bên ngoài và phá hoại các hoạt động từ bên trong. Vì chúng dễ dàng cho phép các luồng tư tưởng thiếu thiện chí, cực đoan len lỏi vào những hoạt động chung, chia rẽ tính đoàn kết của PGA. Để minh chứng cho nhận định của mình, chúng tôi đã xem xét những tranh luận có liên quan trong Hội nghị lần thứ hai của PGA (tổ chức ở Bangalore, Ấn Độ). Theo đó, nhằm tạo ra khoảng cách rõ ràng giữa PGA với các tổ chức cực hữu đang tìm kiếm một không gian chính trị để truyền bá chủ nghĩa bài ngoại của họ đối với toàn cầu hóa, diễn đàn đã khẳng định lại các mục tiêu của mình, xây dựng bộ quy tắc ứng xử và hành động của những cá nhân, tổ chức và phong trào xã hội tham gia PGA. Cũng tại hội nghị này, đặc điểm của mạng lưới xã hội do PGA huy động đã được xác định lại: trọng tâm trước đây của nó là vào các hiệp định thương mại tự do (và cụ thể là WTO) đã được mở rộng, vì những người tham gia thảo luận đã nhất trí rằng PGA phải là một không gian để giao tiếp và phối hợp toàn cầu, nó không thể vừa chống lại các hiệp ước và thể chế, vừa chống lại các vấn đề xã hội và môi trường liên quan đến chúng.

Kể từ khi PGA ra đời, các cuộc đấu tranh của phong trào chống toàn cầu hóa ngày càng có tổ chức hơn, nhận được sự chú ý của nhiều người hơn và đặc biệt là, nó mang tính quốc

152 Lovink, Geert (2008). “Inside Networked Movements: Interview with Jeffrey Juris”. Institute of Network Cultures.

Dẫn theo www.networkcultures.org, ngày 30/05/2021.

88

tế hơn. Sự trưởng thành của phong trào chống toàn cầu hóa, từ cấp độ địa phương, cục bộ lên cấp độ quốc tế, toàn cầu có sự đóng góp rất lớn của PGA. PGA đã mang lại một mạng lưới gắn kết các cuộc đấu tranh trên khắp hành tinh vào những đối tượng bất bình cụ thể, dù “không phải là một mặt trận, không người phát ngôn và lãnh đạo”153, nhưng nó đã thực sự khơi nguồn cảm hứng cho sự ra đời, phát triển và thành công của hàng ngàn tổ chức, phong trào xã hội ở tất cả các châu lục. Những “Global Days of Action” (tạm dịch:

“Những ngày toàn cầu cùng hành động”) được kêu gọi bởi PGA, được gửi qua email đến khắp mọi nơi, đã thực sự có tác dụng hiệu triệu mạnh mẽ, đã thu hút hàng trăm ngàn người xuống đường trong các “lễ hội chống tư bản”. Đường phố London, Washington, Melbourne, Cologne, Seattle, Prague, Calgary, Evian và Cancun, … trong nhiều năm luôn sôi động bởi các cuộc biểu tình, tuần hành chống toàn cầu hóa, là những nỗ lực không ngừng nghỉ của PGA trong việc thúc đẩy những hành động toàn cầu cho một tương lai không có bất công và áp bức.

Một phần của tài liệu ĐẠI HỌC KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)