CHƯƠNG 2. PHONG TRÀO CHỐNG TOÀN CẦU HÓA TRÊN THẾ GIỚI HIỆN
2.3. Trên cấp độ thế giới
2.3.3. Diễn đàn Xã hội Thế giới (2001)
Bên cạnh sự ra đời của PGA và ATTAC năm 1998, một tổ chức mới cũng đã xuất hiện vào năm 2001 với tư cách là sự tiếp nối của các tranh luận trong các hội nghị, đại hội quốc tế ở Chiapas và Tây Ban Nha của Zapatista, liên quan đến chống toàn cầu hóa, tìm kiếm các giải pháp thay thế cho một thế giới không có bất công và bất bình đẳng, một đối sách trước sự bành trướng của bá quyền tư bản, … đó là Diễn đàn Xã hội Thế giới (World Social Forum – WSF).
Trước hết, WSF là một hiện tượng xã hội và chính trị đặc biệt, không chỉ vì ý nghĩa thời đại của nó mà còn vì những gì mà nó đại diện. WSF có thể được coi là một biểu hiện hữu hình và là đại diện tiêu biểu nhất của xã hội dân sự toàn cầu160, nơi tập hợp các tổ chức phi chính phủ, các chiến dịch vận động quần chúng và các phong trào xã hội nhằm tìm kiếm sự đoàn kết quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề của toàn cầu hóa. Bản thân nó tự định nghĩa mình không phải là một phong trào chính trị hay một chủ thể của quan hệ quốc tế161, mà chỉ là một “không gian mở” để gặp gỡ và tư duy, tranh luận và xây dựng, trao đổi và nối kết các ý tưởng cũng như hành động thay thế cho toàn cầu hóa hiện nay, theo hướng công bằng hơn, dân chủ hơn và xã hội hơn.
Nhận định về thành phần tham gia của diễn đàn này, Boaventura de Sousa Santos (nhà xã hội học người Bồ Đào Nha) đã từng viết như sau: “Sự có mặt của nhiều nhà trí thức không vì thế mà làm cho nó trở thành một hội nghị học giả. Việc có nhiều chiến sĩ và nhà hoạt động của những chính đảng từ bốn phương trời thì cũng không thể gọi đó là một đại hội đảng hay một quốc tế của các chính đảng. Dù cho về quan niệm và tổ chức có chịu nhiều ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ thì cũng không vì thế mà coi đó là một tổ chức phi chính phủ hay một tổng liên đoàn các tổ chức phi chính phủ. Và dù có lúc tự coi là phong trào của các phong trào thì bản thân WSF cũng không phải là một phong trào xã
159 Fougier, Eddy (2003). “The French Antiglobalization Movement: a New French Exception?”. Ifri. France. P.3.
160 Heijden, Van der, Anton, Hein (2014). Handbook of Political Citizenship and Social Movements. UK: Edward Elgar Publishing. P.185.
161 Trần Duy Thùy Dương (2014). Sđd. Tr.52.
91
hội”162. Có thể thấy, quan điểm của vị học giả trên đã cho chúng ta mường tượng về WSF như là một tập hợp của những cá nhân và tổ chức hết sức đa dạng về bản sắc. Từ mọi giai tầng trong xã hội, từ mọi quốc gia trên thế giới, các đảng phái cấp tiến, các tổ chức công đoàn hay từ một loạt các mạng lưới xuyên quốc gia của các tổ chức phi chính phủ, … đều có đại diện tham gia diễn đàn này và đến lượt mình, WSF trở thành đại diện cho những bất bình, những đề xuất và các dự án chính trị được cụ thể hóa để thay thế cho toàn cầu hóa đương đại.
WSF được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 01/2001 tại thành phố Porto Alegre (miền Nam Brazil) đã thu hút hơn 5000 người tham gia đến từ 117 quốc gia và hàng ngàn nhà hoạt động xã hội trên khắp Brazil163. Đối với WSF lần thứ hai, con số này đã tăng lên đáng kể, với hơn 12.000 đại biểu chính thức của 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể nói, tác động đến các phương tiện truyền thông toàn cầu của WSF lần thứ hai đã mạnh hơn đáng kể trong năm trước và điều này sẽ còn mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo, khi các bất bình ngày một lớn và nhiều “nạn nhân” của toàn cầu hóa ngày càng nhận ra trách nhiệm phải nói lên những sự thật. WSF lần thứ ba tổ chức năm 2003 đã lên tiếng chỉ trích cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và liên kết chương trình nghị sự của diễn đàn với các hoạt động chống chiến tranh đang diễn ra tại châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Năm 2004, WSF đã được tổ chức tại Mumbai với sự tham gia rất rầm rộ của các tổ chức và phong trào xã hội trên khắp Ấn Độ. Năm 2005, nó đã quay trở lại Porto Alegre. Năm 2006, nó đã đi theo một lộ trình rộng lớn hơn – đến Caracas ở Venezuela, Karachi ở Pakistan và Bamako ở Mali.
Quan trọng hơn cả trong những năm WSF hoạt động, theo chúng tôi, chính là sự ra đời của Tuyên ngôn Porto Alegre năm 2005. Tuyên ngôn Porto Alegre được thông qua bởi những người tham dự WSF lần thứ năm, với 12 đề xuất mà các tác giả của nó tin rằng, nếu cùng nhau thực hiện, chúng sẽ mang lại ý nghĩa và định hướng cho việc xây dựng một thế giới khác, đúng như khẩu hiệu ban đầu mà WSF được tạo ra – đó là “một thế giới khác là hoàn toàn có thể” (Another World is Possible). Chỉ có 3 khía cạnh được đề cập trong tuyên ngôn, bao gồm các vấn đề về kinh tế, công lý và dân chủ. Nhưng những nội hàm bên trong từng khía cạnh ấy đã điều chỉnh rất nhiều nội dung liên quan đến hiện trạng đầy bất công và bất bình đẳng do toàn cầu hóa mang lại, từ vấn đề xóa nợ cho các nước Nam bán cầu, thực hiện thương mại công bằng, đảm bảo an ninh lương thực, ...cho đến các vấn đề chống phân biệt đối xử (giới tính, chủng tộc), thừa nhận đầy đủ các quyền chính trị, văn hóa và kinh tế của người bản địa, … Tuyên ngôn Porto Alegre đã đánh dấu một bước tiến mới của Diễn đàn Xã hội Thế giới nói riêng và của cả phong trào chống toàn cầu hóa nói chung,
162 Boaventura de Sousa Santos (2005). “Diễn đàn xã hội thế giới: tiến tới một toàn cầu hóa chống bá quyền”. Trong Trung tâm ba châu lục – Diễn đàn thế giới của các phương án thay thế (2006). Toàn cầu hóa các cuộc phản kháng:
Hiện trạng các cuộc đấu tranh 2004 – 2005. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. Tr.203.
163 Teivainen, Teivo (2002). “The World Social Forum and global democratisation: learning from Porto Alegre”. Third World Quarterly. Vol.23. No.4. P.624.
92
bởi trong chặng đường 5 năm hình thành và phát triển đầy gian truân của nó, những nhà hoạt động chống lại toàn cầu hóa, thông qua bản tuyên ngôn này, đã chứng minh cho nỗ lực không ngừng của họ trong việc tạo ra và thúc đẩy các tranh luận ở cấp độ toàn cầu về những gì thực sự đằng sau “hào quang” của toàn cầu hóa.
Với mong muốn thay đổi thế giới, thay thế chủ nghĩa tân tự do đang thống trị thế giới về mọi mặt, mưu cầu những điều tốt đẹp nhất cho mọi công dân trên trái đất này, các nhà hoạt động chống toàn cầu hóa, thông qua WSF, đã có những hành động thiết thực nhất (kể cả trên phương diện lý luận và thực tiễn) cho cuộc đấu tranh lâu dài của họ. Tuy nhiên, không phải vì những thành công mà ta bỏ qua các thất bại, không phải vì những gì đã làm được mà ta vội quên đi những hạn chế của WSF trong 20 năm qua đã bộc lộ một cách rõ ràng. Sau khi theo dõi các hoạt động của WSF từ khi nó ra đời cho đến nay (2001 – 2021), bằng việc tiếp cận trang web chính thức của nó, nghiên cứu các nội dung và chương trình nghị sự của nó, cũng như các bài phỏng vấn những người tham dự, chúng tôi rút ra các hạn chế của WSF như sau:
Thứ nhất, về tư tưởng, WSF không định nghĩa một cách rõ ràng cái gì nó phản bác và cái gì nó ủng hộ. Có một thực tế tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của WSF đó là: Diễn đàn này dung nạp rất nhiều ý hệ khác nhau, nhưng tuyệt nhiên, những người sáng lập và duy trì nên nó trong hàng chục năm, đã không chọn con đường nào như những con đường mà các phong trào xã hội trước đây đã từng đi qua. Họ chọn cho nó một con đường rất khác: Phủ nhận những trật tự tư duy của phương Tây đương đại về thay đổi xã hội theo hướng cải lương hay cách mạng, phủ nhận các mô hình tổ chức chính trị truyền thống như tập trung dân chủ, dân chủ đại diện hay dân chủ tham gia164 và trên hết, là nó phủ nhận tính phân cực của cuộc đấu tranh, vốn là tất yếu khách quan trong việc xác định chiến lược, sách lược và hình thức của phong trào chống toàn cầu hóa
Thứ hai, về lực lượng, WSF đã không thể đưa ra một quy chuẩn hay thước đo nào đối với những cá nhân, tổ chức và phong trào xã hội tham gia nó. Vì bản thân diễn đàn, nó đã tự định nghĩa là một “không gian mở”, “một bầu không khí của hội nhập và tôn trọng sự khác biệt”165, không một ai và không một tổ chức nào cảm thấy nó loại trừ mình và do đó, nó không tránh khỏi tình trạng bị phân hóa và chia rẽ bởi những cá nhân, tổ chức và phong trào xã hội ngụy tạo trên danh nghĩa của chống toàn cầu hóa, thiếu thiện chí và đầy tinh thần cực đoan, bạo lực. Trong một báo cáo của Onyango Oloo – một điều phối viên tham gia tổ chức WSF năm 2007166 tại Kenya, những bất cập trên lần đầu tiên được nhắc đến.
164 Thuật ngữ được các tổ chức phi hính phủ và xã hội dân sự vận dụng phổ biến, có nghĩa là huy động tối đa sự tham gia trực tiếp của quần chúng vào các bước của nghị trình hoặc dự án, thay vì cử người đại diện.
165 Boaventura de Sousa Santos (2005). Sđđ. Tr.209.
166 Cuộc họp thường niên của WSF được tổ chức tại công viên Uhruu Park của thành phố Nairobi (Kenya). Khẩu hiệu chính của WSF 2007 là “Sự vật lộn của con người, những lựa chọn của con người - Có thể có một thế giới khác”.
Trong con số ước tính trên 80.000 người tham dự WSF 2007, có hai nhân vật được chú ý nhất là mục sư Desmond Tutu (giải Nobel Hòa bình năm 1984) và bà Wangari Maathai (giải Nobel Hòa bình năm 2004).
93
Oloo đã phơi bày một thực tế không mấy tươi sáng cho WSF khi dung túng cho các hình thái bảo thủ và cấp tiến, cực đoan và ôn hòa cùng tồn tại trong một diễn đàn có tính quốc tế, nhưng Oloo vẫn tin tưởng và hy vọng rằng, bằng nỗ lực không ngừng của những phong trào xã hội đích thực, WSF sẽ vẫn tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo của nó, với tư cách một
“cơ quan tham mưu” cho toàn bộ phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới167. Tuy nhiên, chúng tôi lại không nhìn vấn đề một cách lạc quan như Oloo, chúng tôi cho rằng: Nếu bản thân WSF không có các cải cách tự thân, điều chỉnh cơ cấu hoạt động của mình, thì về lâu về dài, sự tồn tại của các phần tử dân tộc chủ nghĩa, vô chính phủ và ngụy tạo đến mức cực đoan trong diễn đàn, sẽ cản trở rất nhiều đến nội dung và các hoạt động của WSF. Các thành phần ấy không những làm lu mờ đi những tiếng nói bất bình chính đáng, không những không đóng góp vào diễn trình tranh đấu cho một thế giới mới mà còn có nguy cơ làm cho những hy vọng trở thành không tưởng.
Thứ ba, về tổ chức, WSF không hoàn toàn bình đẳng và dân chủ. Mặc dù WSF có thể được xem như là “một khu vực công xuyên quốc gia, (…) khuyến khích những cá nhân và tổ chức phản đối (…)sự thống trị của toàn cầu hóa kinh tế tân tự do gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề chính trị - xã hội hiện tại từ một góc nhìn mới”168. Điều này cho phép các nhóm xã hội hay các đối tượng chịu thiệt thòi trong hệ thống kinh tế - chính trị đương đại tạo ra các mối quan hệ mới và xây dựng danh tính cho họ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người tham gia vào diễn đàn này đều bình đẳng trong các cuộc thảo luận. Nguyên nhân lớn nhất cho tình trạng ấy đến từ tính độc quyền của WSF, tính cách làm việc theo chủ nghĩa tinh hoa và sự tham gia ít ỏi của các nhóm yếu thế bị gạt ra bên lề diễn đàn.
Worth và Buckley cho rằng WSF được tổ chức bởi các LOC, bao gồm các cơ quan ưu tú như các nhà hoạt động từ các tổ chức phi chính phủ và học giả hàng đầu169. Điều này dẫn đến việc lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của họ. Những người tham gia WSF đều có xuất thân đặc biệt và có trình độ học vấn cao hơn. Ví dụ, trong WSF 2005 ở Porto Alegre (Brazil), 30% người tham gia có bằng cấp sau đại học170. Đó là chưa kể đến việc WSF được cấu trúc theo chiều ngang, nói cách khác, nó được phân quyền mà không có người phát ngôn, người lãnh đạo hoặc hệ thống phân cấp rõ ràng. Vì vậy, những lời chỉ trích hướng về nó mô tả rằng có tồn tại các mối quan hệ nội bộ trong WSF và do đó, cả về lý tưởng và thực tiễn, WSF đã tự nó mâu thuẫn. Mac Lorin mô tả cụ thể hơn mâu thuẫn đó như sau:
Giữa một bên là nhu cầu cân bằng giữa tính cấp bách của việc đưa ra các quyết định về các vấn đề và bên kia là các nguyên tắc về tính ngang tầm, bình đẳng giữa các thành phần tham
167 Oloo, Onyango (2007). Critical Reflections on WSF Nairobi 2007. Committee for the Abolition of Illegitimate Debt. Dẫn theo www.cadtm.org, truy cập ngày 27/05/2021.
168 Vargas, Victoria (2020). The World Social Forum under Criticism: A literature study of its role (Bachelor Thesis).
Sweden: Sửdertửrn University. P.40
169 Worth, O. & Buckley, K. (2009). “The World Social Forum: Postmodern prince or court jester?”. Third World Quarterly. Vol.30. No.4. P.649.
170 Worth, O. & Buckley, K. (2009). Id. P.650.
94
gia của WSF171. Kết quả chính của mâu thuẫn này, đó là nó có thể không khuyến khích mọi người tham gia vào WSF. Tóm lại, theo chúng tôi, có sự tồn tại của một hệ thống phân cấp và một thái độ phân biệt nhất định ẩn tàng đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và thiếu dân chủ trong WSF trong hai thập niên qua.
Những hạn chế vừa nêu của WSF trong các lần diễn đàn này tổ chức nhóm họp, kể từ khi nó ra đời cho đến nay, cũng đồng thời là những thách thức đối với thực tiễn của phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới. Nhưng dù ra sao, thì trên bước đường tự hoàn thiện mình, WSF cũng có thể được xem là diễn đàn quốc tế lớn nhất dành cho những tiếng nói đối lập với toàn cầu hóa doanh nghiệp, nơi tiếp nhận các bất bình và đề xuất ra các giải pháp ở cấp độ toàn cầu, một đối trọng thực sự của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức thường niên tại Davos – nơi toàn cầu hóa diễn ra từ bên trên. Lý tưởng đóng góp cho một thế giới tốt đẹp và công bằng của WSF, tuy vẫn còn nhiều bất cập, nhưng phải khẳng định rằng nó đã trở thành động lực quan trọng, là cơ sở bền vững cho phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới đạt được những bước đi mới trong tương lai.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2.
Như vậy, ở chương 2 của khóa luận này, chúng tôi đã trình bày thực trạng của phong trào chống toàn cầu hóa trên thế giới, phân tích và đánh giá một số phong trào và sự kiện tiêu biểu, có tính chất bước ngoặt ở các nước phát triển và đang phát triển.
Ở các nước phát triển, với sự kiện mở đầu là cuộc đình công quy mô lớn của người lao động Pháp năm 1995, phong trào chống toàn cầu hóa đã có những bước đi mạnh mẽ đến hầu khắp những nơi mà chủ nghĩa tư bản tân tự do ghé đến. J18, N30, J20, … là những bước đi táo bạo, tấn công trực diện vào những chính sách tân tự do của toàn cầu hóa. Đặc biệt, mỗi một sự kiện và phong trào được nêu lên đều có những điểm riêng trong một phong trào chung đầy màu sắc: J18 là sự kiện đầu tiên mang đầy đủ định dạng của một phong trào chống toàn cầu hóa, N30 là sự kiện nổi tiếng nhất, J20 là sự kiện bạo lực nhất và ESF 2002 là sự kiện thành công nhất, … Ở các sự kiện ấy, sự đa dạng không chỉ đến từ các bất bình, mà còn nằm ở chính những thành phần tham gia vào cuộc đấu tranh, từ cánh tả đến cánh hữu, từ bảo thủ đến cấp tiến, từ ôn hòa đến cực đoan, … chỉ có một điểm chung duy nhất giữa họ - là chống lại mặt trái của toàn cầu hóa.
Ở các nước đang phát triển, nhờ vào những thành tựu của công nghệ thông tin và mô hình tổ chức mạng lưới, các cuộc phản kháng ở cấp độ địa phương và quốc gia đã chuyển mình thành các phong trào quốc tế, trở thành một bộ phận của phong trào chống toàn cầu hóa thế giới. Phong trào Zapatista và Phong trào Khoa học Nhân dân là hai trong số nhiều phong trào xã hội đã có những bước chuyển như thế. Chưa kể, với kinh nghiệm và tiếng
171 Lorin, C. Mac (2020). “The World Social Forum: The paradoxical quest for strength in plurality”. Globalizations:
Transformative Responses to Authoritarian Capitalism: Learning with the World Social Forum; Challenging Inequality in South Africa: Transitional Compasses. Issue 17. Vol 2. P.250 – 258.