Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tiên du

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 103 - 107)

Phần 4. Kết quả nghiên cứu

4.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tiên du

4.4.1. Sự phù hợp của cơ chế, chính sách

Thông qua chính sách, nhất là chính sách liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Nhà nước cần can thiệp để tạo môi trường thuận lợi và ổn định cho các tổ chức và các thành phần kinh tế phát huy được hết khả năng của mình, nắm bắt được các tín hiệu thị trường. Nhóm liên quan đến môi trường thể chế và chính sách đó là: Các chính sách đầu tư công của Chính phủ, của UBND tỉnh Bắc Ninh và sự vận dụng của huyện Tiên Du trong điều kiện cụ thể hóa tại địa phương; sự cung cấp các dịch vụ công và hành chính công của các cấp tỉnh, huyện và xã. Những năm qua, huyện Tiên Du được Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Ninh tập trung nguồn vốn hàng năm tương đối lớn cho đầu tư xây dựng cơ bản thông qua các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hỗ trợ có mục tiêu... Các chương trình này đã tập chung một lượng vốn khá lớn đầu tu trong nông nghiệp - thủy lợi và giao thông nói chung thông qua đầu tư cho hệ thống thủy lợi, hệ thống đường giao thông nông thôn... Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện cơ bản từ ngân sách Nhà nước.

Như vậy, các chính sách thực hiện ở địa phương đã đủ nhưng chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư ngoài NSNN đầu tư cho huyện. Vì vậy, trong thời gian tới huyện cần phải xây dựng một cơ chế chinh sách đủ mạnh để thu hút được các nguồn lực khác của xã hội thực hiện đầu tư cho xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện, trước mắt giúp giảm gánh nặng của ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, bên cạnh đó cũng tạo ra cơ chế minh bạch hóa trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giúp việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đạt được hiệu quả cao hơn.

4.4.2. Hệ thống định mức, đơn giá trong đầu tư xây dựng cơ bản

Căn cứ các Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các Luật liên quan đến xây dựng cơ bản, các Nghị định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành: đơn giá xây dựng cơ bản của tỉnh số 386/UBND-XDCB ngày 24/3/2008 theo định mức số

1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng; đơn giá về lắp đặt thiết bị; đơn giá khảo sát xây dựng; đơn giá đền bù phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh; giao cho Liên Sở Tài chính - xây dựng công bố giá vật liệu đến chân công trình hàng tháng.

Tuy nhiên, việc ban hành các đơn giá còn nhiều bất cập, một số thiết bị máy thi công chưa có trong hệ thống định mức, đơn giá do Bộ Xây dựng công bố, UBND Tỉnh chưa xây dựng kịp thời để ban hành áp dụng gây khó khăn cho các đơn vị chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước; Mặc dù đã có công bố giá vật liệu hàng tháng nhưng một số công trình lại được duyệt giá vật liệu riêng, dẫn đến tình trạng các công trình thi công trong cùng một khu vực tính với mức giá vật liệu khác nhau; đơn giá giải phóng mặt bằng chưa sát với đơn giá thị trường nên công tác giải phóng mặt bằng còn chậm làm cho nhiều dự án triển khai chậm tiến độ…

Nhìn chung, trong khoảng thời gian 3 năm 2013 đến năm 2015 là thời điểm có nhiều bộ Luật được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mơi gây nhiều khó khăn , lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, do đó UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước lĩnh vực cần phải cụ thể hóa và minh bạch hóa trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định như Quyết định số 137/2013/QĐ-UBND; 33/2015/QĐ-UBND; 77/2014/QĐ- UBND….giúp các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách đồng bộ, đơn giản và thuận tiện trong quá trình kiểm tra giám sát.

4.4.3. Cơ chế phân cấp quản lý dự án ĐTXDCB từ NSNN

Sự phân cấp triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện phần lớn diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp thủy lợi. Các công trình được phân cấp cho xã và thôn chủ yếu là chương trình hỗ trợ có mục tiêu. Tuy nhiên việc thực hiện phân cấp cơ bản còn mang tính hình thức. Qua điều tra 30 cán bộ cấp tỉnh và huyện, thì 90% cho rằng năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ cơ sở còn rất hạn chế, không có khả năng tổ chức quản lý và chiển khai các chương trình dự án đầu tư. Do vậy, chưa thể phân cấp hoặc nếu có phân cấp thì vẫn phải hỗ trợ quản lý. Vì vậy, điều kiện để phân cấp cho địa phương các chương trình, dự án đầu tư XDCB thì cần phải nâng cao năng lực của cán bộ cơ sở trong quản lý các chương trình, dự án.

Hộp 4.8. Năng lực quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các xã, thị trấn, thị tứ trong huyện còn yếu

Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được triển khai thực hiện qua rất nhiều khâu với nhiều bộ luật, nghị định của Chính phủ, phải đối chiếu với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn trong đầu tư xây dựng cơ bản, đòi hỏi người cán bộ trực tiếp quản lý về lĩnh vực trên phải có kinh nghiệm và hiểu rõ quy trình thực hiện một dự án đầu tư xây dựng cơ bản như thế nào. Tuy nhiên, đối với năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thì chưa thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Nhân Bình - Ủy viên ban thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Tiên Du, trả lời phỏng vấn ngày 27/11/2015.

Thông thường các chương trình, dự án đầu tư có Ban quản lý hoặc ban chỉ đạo, thành viên của các ban này là các lãnh đạo UBND huyện, xã và các cán bộ thuộc ban ngành UBND huyện. Theo kết quả khảo sát cho thấy nếu công trình có sự đóng góp nguồn vốn và giám sát của người dân thì chất lượng công trình tốt hơn, được sự quan tâm và quản lý của người dân tốt hơn. Vì vậy, với các chương trình, dự án có quy mô nhỏ nên phân cấp cho địa phương để huy động sự đóng góp sức người, sức của trong nhân dân. Nhìn chung, xã và cộng đồng người dân chưa thực sự được thực hiện chọn vẹn quyền làm chủ đầu tư mà mình được phân cấp.

Nguyên nhân của các bất cập trong quá trình phân cấp đầu tư một phần do tư tưởng chưa thực sự tin tưởng vào khả năng thực hiện của các cấp cơ sở, do ràng buộc của quy định pháp lý nhưng bên cạnh đó cũng có trình độ chuyên môn của cán bộ, đặc biệt là cán bộ thôn, xã và trình độ của người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Vây muốn thực hiện tốt sự phân cấp quản lý dự án ĐTXDCB từ NSNN thì bên cạnh cơ chế hành chính, cần đẩy mạnh nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở và tập huấn cho người dân kỹ năng chuyên môn trong phối hợp xây dựng kế hoạch, thực hiện và giám sát chương trình.

4.4.4. Hệ thống kiểm tra, giám sát dự án DTXDCB từ nguồn vốn NSNN

Theo Thông báo số 128 –TB/TU ngày 12.11.2013 của Ban Thường vụ huyện ủy Tiên Du, Ban Thanh tra nhân dân ở các xã thực hiện cả nhiệm vụ của Ban giám sát các dự án đầu tư XDCB. Mỗi Ban Thanh tra nhân dân bao gồm từ 5 đến 10 thành viên, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, thị trấn làm Trưởng ban, các thành viên còn lại do cụm dân cư bầu ra.

Toàn huyện hiện có 14/14 xã, thị trấn kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân với tổng số 115 thành viên. Thông qua hoạt động giám sát, các Ban Thanh tra nhân dân đã phát hiện nhiều thiếu sót, nhất là sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư thi công công trình; vi phạm về tiến độ đầu tư; vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại vật tư gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân đóng góp;

phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và chủ đầu tư để khắc phục sửa chữa, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát, đem lại niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là tránh được tình trạng “cha chung không ai khóc” của các công trình công cộng.

Chỉ tính riêng năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Ban Thanh tra nhân dân trong toàn huyện đã phát hiện được 152 vụ việc; kiến nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 09 vụ việc. Điển hính là vụ phát hiện công trình xây dựng trạm bơm tại xã Nội Duệ, ban thanh tra nhân dân đã phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bớt xén vật liệu, dùng sắt không đúng chủng loại, các mối sắt không được hàn, dùng xi măng không bảo đảm chất lượng để đổ mái công trình. Ban đã yêu cầu đơn vị thi công thay sắt, hàn nối đúng kỹ thuật và thay đổi xi măng đổ mái theo đúng thiết kế ban đầu. Đối với kênh mương thủy lợi nội đồng tại xã Đại Đồng, nhà thầu đã dùng gạch non để xây tường thành, ban thanh tra nhân dân đã phát hiện, buộc đơn vị thi công ngừng xây dựng và phá bỏ đoạn tường xây trước đó để bảo đảm chất lượng công trình. Nhờ sự giám sát chặt chẽ của Ban Thanh tra nhân dân mà có nhiều công trình, dự án xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, sửa chữa và nâng cấp các trạm bơm… trên địa bàn huyện được làm đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng như: công trình xây dựng kênh mương nội đồng tại xã Liên Bão, Phật Tích, Chi Phương…; công trình sửa chữa và nâng cấp trạm bơm các xã Tân Chi, Minh Đạo,…

Kết quả của những việc làm trên đã khẳng định hoạt động giám sát cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng các công trình tập thể tại khu dân cư. Khi huy động được người dân tại nơi đó làm “tai”, “mắt’ giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng sẽ phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân dân. Việc giám sát cộng đồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hạn chế được các sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để

“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bên cạnh đó, các nhà thầu, đơn vị thi công cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình khi đảm nhiệm thi công.

Tuy nhiên, hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân nhìn chung còn gặp khó khăn: các đối tượng chịu sự giám sát thiếu sự hợp tác, hoạt động giám sát là công việc tự nguyện, thường bị coi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

cộng thêm kinh phí hoạt động còn eo hẹp khiến ở không ít địa phương, một số thành viên ban Thanh tra nhân dân chưa thực sự "mặn mà" với trách nhiệm của mình. Do đó, trong thời gian tới, để hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân đạt hiệu quả cao hơn nữa thì rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cũng như kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w