Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Lý luận quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội thường xuyên
2.1.2. Vai trò, ý nghĩa của trợ giúp xã hội
Mục tiêu hướng tới của mỗi quốc gia trên thế giới đều là đạt được sự tiến bộ xã hội. Nghĩa là vừa phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm phát triển xã hội (Nguyễn Hữu Dũng, 2008). Thước đo của phát triển xã hội là việc giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế. Trong đó, có chăm sóc dân cư khó khăn, giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong
xã hội. TGXH là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước và có vai trò chính sau:
Thứ nhất, TGXH thực hiện chức năng bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của Nhà nước: Thông qua luật pháp, chính sách, các chương trình TGXH, Nhà nước can thiệp và tác động giữ ổn định xã hội, ổn định chính trị, phân hoá giàu nghèo và giảm phân tầng xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội giữa các nhóm xã hội trong quá trình phát triển. Kinh tế thị trường càng phát triển thì xu hướng phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội và bất bình đẳng càng gia tăng. Để tạo ra sự phát triển bền vững, đòi hỏi Nhà nước càng phải phát triển mạnh mẽ TGXH để điều hoà các mâu thuẫn xã hội phát sinh trong quá trình phát triển. TGXH sẽ giúp cho việc điều tiết, hạn chế nguyên nhân nẩy sinh mâu thuẫn xã hội, bất ổn của xã hội (Trần Đình Hoan, 1996).
Thứ hai, TGXH thực hiện chức năng tái phân phối lại của cải xã hội:
Với chức năng này TGXH sẽ điều tiết phân phối thu nhập, cân đối, điều chỉnh nguồn lực để tăng cường cho các vùng nghèo, vùng chậm phát triển, tạo nên sự phát triển hài hoà giữa các vùng, giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng; giữa các nhóm dân cư (Trần Đình Hoan, 1996).
Thứ ba, TGXH có vai trò phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu và khắc phục rủi ro và giải quyết một số vấn đề xã hội nẩy sinh: TGXH trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến giảm thiểu rủi ro, hạn chế tính dễ bị tổn thương và khắc phục hậu quả của rủi ro thông qua các chính sách và chương trình cụ thể nhằm giúp cho các thành viên xã hội ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng, bảo đảm mức sống tối thiểu cho dân cư khó khăn (Trần Đình Hoan, 1996).
Đồng thời, trong thế giới hiện đại, do khai thác tài nguyên quá mức để phát triển kinh tế, chiến tranh, bệnh dịch, tác động khách quan của các quy luật kinh tế, ảnh hưởng chủ quan trong quá trình quyết định của các chủ thể quản lý... đã dẫn đến nẩy sinh các vấn đề xã hội và gia tăng người nghèo, NKT, TEMC, NCT cô đơn....
Bộ phận dân cư này thường chịu nguy cơ tổn thương cao, không tự chủ
quyết định cuộc sống và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của xã hội, Nhà nước. Các chính sách trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục... đối với người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em mô côi, người nghèo, dân tộc thiểu số sẽ giúp cho bộ phận dân cư giảm bớt khó khăn, ổn định an ninh trật tự xã hội (Trần Đình Hoan, 1996).
Phát triển kinh tế xã hội
Phân hoá xã hội Dân cư khó khăn
Điều kiện tự nhiên
Hình 2.1. TGXH với phát triển kinh tế - xã hội
Nguồn: Bùi Thị Thanh Huyền (012) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh "cơ hội" cũng có nhiều "thách thức", "rủi ro"; khi nói đến cơ hội, đến sự thuận lợi mang lại từ hội nhập quốc tế thường là cơ hội cho phát triển kinh tế, ngược lại sự thách thức, rủi ro lại là vấn đề xã hội như bất bình đẳng gia tăng, phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội, nghèo đói, bần cùng hoá và ô nhiễm môi trường. Do vậy, kinh tế thị trường càng phát triển mạnh thì vai trò của TGXH càng lớn, có như vậy mới đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội trong từng bước đi và giai đoạn phát triển của đất nước (Bùi Thị Thanh Huyền, 2012).
TGXH tốt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; vì ngay cả các nhà đầu tư không chỉ chú ý đến các yếu tố kinh tế mà còn chú ý đến các yếu tố của an toàn, ổn định xã hội. Một xã hội ổn định giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển lâu dài, tạo cho kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, ngược lại một xã hội không ổn định sẽ dẫn đến việc đầu tư ngắn hạn, làm ăn theo kiểu "chộp giật" làm cho kinh tế tăng trưởng không bền vững. Mặt khác bản thân sự phát triển TGXH cũng là một lĩnh vực dịch vụ tạo nguồn tài chính cho phát triển kinh tế. Đồng thời tăng trưởng tạo ra nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần ổn định xã hội và tạo ra sự phát triển bền vững về kinh tế (Bùi Thị Thanh Huyền, 2012).