Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn về hoạt động trợ giúp xã hội
2.2.2. Thực tiễn hoạt động trợ giúp xã hội ở Việt Nam
a. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động TGXH Đứng trước vấn đề xã hội, mỗi chế độ xã hội, mỗi Nhà nước và Đảng cầm quyền có cách nhìn nhận và tư tưởng chỉ đạo giải quyết một cách khác nhau. Quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định các chính sách bảo trợ xã hội như sau (Nguyễn Ngọc Toản, 2011):
Đảng và nhà nước chủ trương lấy việc phát triển con người là yếu tố cơ bản cho việc phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đặt con người vào vị trí trung tâm, khơi dậy mọi tiềm năng cá nhân và cả cộng đồng dân tộc, kết hợp hài
hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa xã hội; coi phát triển kinh tế là cơ sở, là tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội vừa là động lực; vừa tạo điều kiện để ổn định chính trị, làm cơ sở cho việc tăng trưởng kinh tế (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Nền kinh tế thị trường trong những năm qua đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, của cải xã hội dồi dào hơn… nhưng mặt trái nền kinh tế thị trường cũng tạo ra sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc hơn, khiến một bộ phận dân cư rơi vào tình trạng nghèo đói. Vì thế nhà nước đã đề ra chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo nhằm giảm cách biệt giàu nghèo (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Chính sách xã hội phải thực sự là “bà đỡ” đối với bộ phận dân cư “yếu thế”, thiệt thòi, hẫng hụt trong cuộc sống
Chính sách trợ giúp xã hội phải thực sự thể hiện được vai trò nâng đỡ đối tượng, giúp đối tượng ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Ở Việt Nam số đối tượng cần trợ giúp xã hội rất lớn, cơ hội tự lo cuộc sống cá nhân và hội nhập cộng đồng của nhóm đối tượng này rất khó khăn, do đó họ cần những biện pháp trợ giúp hiệu quả từ nhiều phía trong đó vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng. Nhà nước ban hành chủ trương chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng xã hội phù hợp với hoàn cảnh đất nước, địa phương, đồng thời phát huy các hình thức trợ giúp của cộng đồng, tạo điều kiện và cơ hội để đối tượng khắc phục hoàn cảnh một cách tốt nhất (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Mở rộng và phát huy sức mạnh toàn xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Các hoạt động xã hội phải được đẩy mạnh với nhiều lĩnh vực phong phú đa dạng và theo phương châm xã hội hóa. Trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và bản thân đối tượng (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Nguồn lực trong cộng đồng vô cùng lớn cả sức người và sức của.
Nguồn lực này cần được huy động một cách hữu hiệu để tăng thêm sức mạnh giải quyết các vấn đề xã hội, muốn thế phải bằng các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để đối tượng tăng thêm khả năng tự cứu mình do đó xu hướng hiện nay là mở rộng các mô hình, mạng lưới hỗ trợ chăm sóc đối tượng xã hội tại cộng đồng là chính (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Xã hội không ngừng biến đổi, hoạt động bảo trợ xã hội phải được đẩy mạnh, phong phú, đa dạng nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Tính năng động xã hội thể hiện ở sự thích nghi với những biến đổi đó (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Bảo trợ xã hội không chỉ đơn thuần là cứu tế và trợ cấp khó khăn thuần túy, bảo trợ xã hội muốn đạt hiệu quả thì chúng ta phải kết hợp lồng ghép với nhiều chương trình khác như: xóa đói giảm nghèo; giáo dục hướng nghiệp dạy nghề; đầu tư giải quyết việc làm … gắn liền với việc đẩy lùi xóa bỏ các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm ...(Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Xã hội luôn thay đổi, đời sống ngày càng phong phú nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Các thiết chế truyền thống như gia đình, tôn giáo, ngành giáo dục chính quy không đủ khả năng đối phó, từ đó hình thành các thiết chế mới để đáp ứng do sự biến đổi đó (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
* Trách nhiệm của nhà nước
Chính quyền từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm đảm bảo bằng cơ chế chính sách, chế độ cho đối tượng phù hợp với thực tiễn.
+ Để thực hiện hỗ trợ cho đối tượng nhà nước đã giành một khoảng ngân sách nhất định đấy là nguồn tài lực quan trọng để duy trì hoạt động bảo trợ xã hội. Nguồn này để chi cho các hoạt động, các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ thường xuyên, chữa bệnh, hướng nghiệp cho các đối tượng là người khuyết tật, giải quyết hậu của của tệ nạn xã hội. Nhà nước cũng dành một quỹ dự phòng để trợ giúp đột xuất cho những vùng gặp thiên tai, các gia đình gặp rủi ro bất ngờ (Nguyễn Thị Huyên, 2011).
Ngoài việc chi ngân sách Nhà nước còn phải thực hiện các chức năng nhiệm vụ sau đây (Nguyễn Thị Huyên, 2011):
+ Ban hành các chính sách, chế độ về trợ giúp xã hội.
+ Quản lý chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động bảo trợ xã hội.
+ Thông tin tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường giáo dục truyền thống đạo đức, trách nhiệm xã hội.
+ Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp xã hội.
+ Tổ chức bộ máy nhà nước trong hoạt động trợ giúp xã hội.
* Trách nhiệm của cộng đồng xã hội
Nêu cao trách nhiệm xã hội của cả cộng đồng, nêu cao truyền thống đạo lý
dân tộc, khai thác có hiệu quả nguồn lực nhân dân, từ các tổ chức đoàn thể, hiệp hội, tổ chức kinh tế xã hội và tổ chức từ thiện (Bùi Thị Thanh Huyền, 2012).
Đây là tiềm năng rất lớn, nhân dân ta vốn giàu lòng nhân ái, sống có đạo lý, ngày càng có nhiều hoạt động trợ giúp xã hội với sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của các tổ chức, đoàn thể hiệp hội (Bùi Thị Thanh Huyền, 2012).
* Trách nhiệm của đối tượng
Bảo trợ xã hội ngoài sự cứu tế, trợ giúp, còn cần phát huy sự nỗ lực vươn lên của chính đối tượng bằng tiềm năng và ý chí để vượt qua khó khăn hòa nhập với cộng đồng (Bùi Thị Thanh Huyền, 2012).
Sự tự vươn lên của đối tượng thật sự phát huy khi đối tượng nhận ra vấn đề của chính mình hiểu rõ tác hại của vấn đề, những tiềm năng cũng như những hạn chế của bản thân đồng thời xác định niềm tin, nhu cầu để giải quyết vấn đề. Để phát huy sự vươn lên của đối tượng hội đồng trợ giúp xã hội phải tạo điều kiện giúp đối tượng nhận ra vấn đề, hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu để đối tượng tự giải quyết vấn đề của chính mình. Việc nghĩ thay và làm thay đối tượng sẽ triệt tiêu sức mạnh này (Bùi Thị Thanh Huyền, 2012).
b. Chính sách trợ giúp xã hội của Việt Nam.
Trợ giúp xã hội là hoạt động chính quan trọng của công tác bảo trợ xã hội. Chính vì vậy, chính sách TGXH đã được quy định chi tiết trong hệ thống các văn bản pháp luật ngay từ thời gian trước đổi mới kinh tế và đã được đổi mới, hoàn thiện kể từ sau đổi mới kinh tế (năm 1986) đến nay. Nhìn lại quá trình phát triển, trước năm 1994 trở về trước, chính sách TGXH được thực hiện theo quy định của Thông tư 202/CP ngày 26 tháng 11 năm 1966 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội. Từ năm năm 1994 đến trước năm 2000, TGXH được quy định trong Quyết định số 167/TTg ngày 8 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng chính phủ về sửa đổi bổ sung chế độ cứu trợ xã hội. Kể từ năm 2000, chính sách TGXH đã được quy định trong hệ thống văn bản bao gồm (Phòng Lao động - TB&XH, 2017):
Có 39 văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp xã hội được chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo; bao gồm:
05 Luật, 12 Nghị định, Quyết định của Chính phủ, 20 Thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - TB&XH và liên bộ Lao động - TB&XH, Bộ Tái chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và 03 Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc
Giang được thể hiện tại phụ lục 01 Hệ thống các văn bản, nghị định, quyết định về bảo trợ xã hội ở Việt Nam (Phòng Lao động - TB&XH, 2017).
Hệ thống các văn bản pháp luật quy định cụ thể về đối tượng thụ hưởng chính sách, mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng, các mức cụ thể đối với từng đối tượng, trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp, công tác kiểm tra giám sát, tổng hợp báo cáo... Trong đó mức trợ cấp lần đầu được xác định trong thời kỳ chiến tranh vào năm 1966, thời kỳ này kinh tế đất nước rất khó khăn, nên các chế độ chính sách đối với nhóm đối tượng BTXH chủ yếu mới tính đến nhu cầu lương thực, các chế độ quy đổi lương thực nhằm bảo đảm khẩu phần ăn cho đối tượng. Sau đó mức trợ cấp được điều chỉnh lần thứ nhất vào năm 1994 với mức 24.000đồng/người/tháng, tương đương với 12kg gạo. Lần thứ hai điều chỉnh vào năm 2000 với mức là 45.000 đồng/người/tháng và cũng chỉ tương đương với 12 kg gạo. Lần thứ 3 điều chỉnh vào năm 2005, lần này mức trợ cấp xã hội tăng 44%
so với mức trợ cấp năm 2000, cao hơn so với trượt giá; mức tăng này gần bằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vòng 5 năm từ năm 2000- 2005 (Nguyễn Ngọc Toản, 2011).
Mức trợ cấp cũng đã được tiền tệ hoá và điều chỉnh cao hơn cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2007 thực hiện theo quy định của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP thì mức TCXH thấp nhất là 120.000đồng/tháng áp dụng giai đoạn 2007 - 2009. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2010 áp dụng mức mới theo quy định tại Nghị định số 13/2010/NĐ- CP, thì mức chuyển trợ cấp thấp nhất là 180.000đ/tháng. Từ 1/1/2015 mức chuẩn hưởng trợ cấp cho nhóm đối tượng trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng và nhóm thuộc hộ nghèo tăng lên 270.000đ/mức chuẩn/tháng (đồng loạt chuyển mức chuẩn theo 270.000đ/chuẩn/tháng từ 1/6/2016. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể mỗi nhóm đối tượng có mức cụ thể theo hệ số 1;
1,5; 2; 2,5; 3 và 4 lần mức chuẩn như sau (Chính phủ, 2013):
- Hệ số 1,0 cho: (1) TEMC, trẻ em bị bỏ rơi từ 18 tháng tuổi trở lên; (2) NCT cô đơn; (3) Người từ 85 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH; (4) NKT không có khả năng lao động; (5) Người đơn thân đang nuôi con từ 18 tháng tuổi trở lên (Chính phủ, 2013).
- Hệ số 1,5 cho: (1) TEMC, bỏ rơi dưới 18 tháng tuổi; (2) TEMC, bỏ rơi từ 18 tháng tuổi trở lên bị khuyết tật, bị nhiễm HIV/AIDS; (3) NCT cô đơn bị
khuyết tật nặng; (4) Người tâm thần nghèo; (5) Người bị nhiễm HIV/AIDS thuộc diện nghèo; (6) Người đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi; (7) Người đơn thân nghèo đang nuôi con từ 18 tháng tuổi trở lên bị khuyết tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS (Chính phủ, 2013).
- Hệ số 2,0 cho: (1) TEMC, bỏ rơi dưới 18 tháng tuổi bị khuyết tật nặng hoặc bị nhiễm HIV/AIDS; (2) NKT nặng không có khả năng tự phục vụ;
(3) Cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi dưỡng TEMC từ 18 tháng tuổi trở lên; (4) Hộ gia đình có 2 NKT nặng; (5) Người đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi bị khuyết tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS (Chính phủ, 2013).
- Hệ số 2,5 cho: (1) Cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi trẻ em dưới 18 tháng tuổi; (2) Cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi TEMC trên 18 tháng tuổi bị khuyết tật hoặc bị nhiễm HIV/AIDS (Chính phủ, 2013).
- Hệ số 3 cho: (1) Cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi TEMC dưới 18 tháng tuổi bị khuyết tật và bị nhiễm HIV/AIDS; (2) Hộ gia đình có 3 NKT nặng không có khả năng tự phục vụ (Chính phủ, 2013).
- Hệ số 4 cho hộ gia đình có 4 NKT nặng không có khả năng tự phục vụ (Chính phủ, 2013).