Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Giải pháp nhằm nâng cao vai trò của hội nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Giàng
4.3.1. Hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy định đối với vai trò của hội nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vai trò của tổ chức đoàn thể nói chung và Hội nông dân ở địa phương nói riêng; xây dựng quy chế và cơ chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân và các ban ngành như:
- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của huyện với Hội nông dân để thực hiện tốt các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất,… cho hộ nông dân để thấy được vai trò quan trọng của Hội nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; quy chế phối hợp giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các hội viên, thực hiện tốt chính sách cung ứng giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể với nhau trong quá trình hoạt động để tránh chồng chéo nội dung hoạt động giữa các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Việc xây dựng quy chế hoạt động này sẽ giúp phân rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và phạm vi hoạt động của từng cơ quan đoàn thể trên địa bàn huyện. Từ đó sẽ giúp nâng cao được vai trò của Hội nông dân trong các hoạt động có liên quan đến hội viên của mình.
- Đảng và nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đối với các tổ chức đoàn thể. Các chủ trương, chính sách cần rõ ràng, cụ thể, để việc thực hiện chính
sách, chế độ hưởng đối với các hội viên được dễ dàng hơn, thúc đẩy nhanh quá trình triển khai tới cơ sở. UBND huyện và UBND xã phải có chính sách cụ thể để khuyến khích hay hỗ trợ phát triển trực tiếp tới hội nông dân.
- Các thể chế về Hội nông dân cần sát thực tế, và theo sự chỉ đạo của Hội nông dân Việt Nam, Hội nông dân tỉnh Hải Dương cũng như các quy định về tài chính, kiểm tra thuế, về vốn, đất đai,… quy chế hoạt động của hội sao cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách đã ban hành; bổ sung để hoàn thiện cơ chế chính sách hoạt động của Hội nông dân và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tạo sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế chính sách để Hội nông dân hoạt động tự chủ độc lập và thu hút các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu tham gia liên kết cùng với các hội viên nông dân, tổ chức hội viên sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các hội nông dân trên địa bàn huyện; củng cố, duy trì, phát triển các mô hình sản xuất mới với các phương thức, quy mô hoạt động, mô hình tổ chức phù hợp gắn với trình độ phát triển của các trục ngành hàng lớn theo các cấp độ sản phẩm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các vùng, miền sinh thái của cả nước.
4.3.2. Nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo hội nông dân các cấp
Cần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo hội nông dân để đối phó kịp thời, chính xác với các diễn biến đột xuất của tình hình, các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình công tác, cán bộ cơ sở Hội cần chủ động xây dựng các phương án dự phòng, các tình huống giả định để khi có tình huống xảy ra sẽ không bị động, lúng túng. Đây là một trong những biện pháp chủ động, tích cực nhất của công tác tuyên truyền. Vì vậy, cán bộ Hội cần nắm chắc tình hình, luôn đề cao cảnh giác trước những biến động, diễn biến của tình hình. Tránh xây dựng các phương án dự phòng có tính hình thức, qua loa, chủ quan; các tình huống giả định thiếu thực tế.
Chú trọng đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; đặc biệt đào tạo về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền; có chính sách đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho các tổ chức, cá nhân đội ngũ báo cáo viên nhằm sử dụng vào công tác tuyên truyền được hiệu quả.
Xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cán bộ hội phải nhạy bén, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, phải thực sự am hiểu tâm tư, tình cảm, tập quán của hội viên nông dân, có như vậy mới có thể chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, động viên sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tổ chức vận động nông dân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc “làm theo” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ trẻ có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động của hội nông dân, xây dựng Hội nông dân ngày càng vững mạnh trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải được diễn ra một cách thường xuyên và liên tục, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo và bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng đến những cán bộ chủ chốt.
Nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo Hội nông dân: Các cán bộ của Hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện cần phải nâng cao trình độ của mình để hướng dẫn các nông hộ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng dịch bệnh,…
đồng thời cần phải bố trí hàng ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao. Đặc biệt củng cố hàng ngũ các tổ dịch vụ thực sự nhiệt tình với công việc đảm bảo phục vụ hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình.
Quy hoạch phát triển cán bộ Hội nông dân: Trước hết phải xây dựng quy hoạch cán bộ lấy đó làm cơ sở thực hiện công tác cán bộ Hội nông dân trong những năm tới, hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng đội ngũ cán bộ Hội nông dân.
Sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp các ngành và trực tiếp là sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương phối kết hợp với Hội nông dân tỉnh và các cơ quan ban ngành có liên quan ở đia phương như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cẩm Giàng, các cơ quan ban ngành có liên quan ở địa phương đối với công tác cán bộ
của Hội nông dân các cấp được thể hiện thông qua các hình thức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí nói chung và trình độ văn hoá, nhận thức của cán bộ hội nông dân nói riêng; hỗ trợ tài chính cho các đơn vị và tổ chức đào tạo cho công tác cán bộ hội nông dân, phối hợp xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng… cán bộ hội nông dân trong những năm tới.
4.3.3. Nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên
Nâng cao nhận thức hiểu biết của hội viên là một bài toán khó cho các cán bộ quản lý Hội nông dân vì đa số hội viên nông dân đều có trình độ học vấn là học hết trung học cơ sở, nhiều hội viên chưa học qua trường lớp đào tạo dẫn đến việc nhận thức của hội viên càng khó khăn. Do đó các hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên tập trung vào:
- Mở rộng các lớp tập huấn với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng thành phần, đối tượng hội viên. Đây cũng là một biện pháp giúp cho các hội viên có thể tiếp nhận các thông tin một cách dễ dàng. Việc đào tạo các hội viên không phải là việc ngày một, ngày hai mà để các hội viên tiếp nhận được cần phải có nội dung tập huấn thực tế và cho người dân vào thực tế làm việc. Từ đó các hội viên có thể đúc rút kinh nghiệm và vận dụng vào cuộc sống một cách dễ dàng.
- Để việc nhận thức, hiểu biết của các hội viên cũng như thay đổi các thói quen, tập quán cũ cũng cần có thời gian tuyên truyền và đào tạo thêm để hội viên không bị chồng chất về nội dung được đào tạo và lẫn lộn các kiến thức sẵn có của hội viên từ trước tới giờ. Việc đào tạo hội viên có thể tiếp cận gần với nền kinh tế phát triển là một bước đột phá mới trong việc nâng cao nhận thức của hội viên.
Nâng cao khả năng nhận thức của hội viên tốt sẽ đảm bảo được hoạt động của Hội nông dân cũng như quá trình hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả cao.
- Công tác tuyên truyền ở cơ sở Hội có nhiều nội dung, nên không thể thực hiện được tất cả các nội dung ngay cùng một lúc. Do vậy, cán bộ cơ sở Hội cần lập ra chương trình, kế hoạch cụ thể để tuyên truyền trong từng tháng, từng quí hoặc 6 tháng hay 1 năm. Song, tuỳ theo mức độ cấp thiết, tuỳ theo tình hình, thời gian cụ thể mà cán bộ cơ sở Hội lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp và thiết thực.
- Tập trung vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nông dân như Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ Luật dân sự, Luật an toàn giao thông, Pháp lệnh dân chủ cơ sở…
Đồng thời, tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho nông dân.
- Chủ động phối hợp với các ngành liên quan, các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân bằng các mô hình thực tế trên đồng ruộng và chuồng trại.
- Tuyên truyền, phổ biến để nông dân hiểu rõ những thời cơ cũng như những thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế thế giới; con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong qui trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
- Vận động nông dân liên kết sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tập thể, phát triển quan hệ liên kết giữa các hộ sản xuất với các cơ sở chế biến, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ.
4.3.4. Tăng cường nguồn vốn và kinh phí hoạt động cho hội nông dân
Trung ương Hội nên quan tâm xây dựng phần mềm hệ thống kế toán thống nhất quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân theo hệ thống Hội; tổ chức tập huấn nghiệp vụ ngân hàng cho cán bộ làm công tác Quỹ cấp tỉnh; nhiều tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm bổ sung tăng nguồn vốn hằng năm cho các tỉnh, thành...
Đội ngũ cán bộ Hội các cấp cần quán triệt sâu sắc mục đích, hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, từ đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân, hội viên nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập thể cá nhân có điều kiện quan tâm giúp đỡ hỗ trợ để vận động tăng trưởng nguồn vốn quỹ.
Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cho phù hợp với tình hình cụ thể; Tập trung phát triển nguồn Quỹ từ các nguồn tài trợ, vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, tổ chức người nước ngoài giúp đỡ phát triển kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam; tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, đặc biệt là với hội viên, nông dân nghèo,
giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn và phí cho vay, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo Điều lệ và những quy định, hướng dẫn của các cấp; phân công cán bộ có năng lực, trách nhiệm, sâu sát cơ sở để trực tiếp quản lý; thường xuyên củng cố kiện toàn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục
ý thức trau dồi đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Quỹ ở các cấp.
Các cấp Hội tích cực phối hợp với các ngành, các đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ các tổ nhóm nông dân về dạy nghề, về hạch toán quản lý, các phương pháp kỹ năng về marketting sản phẩm và hỗ trợ về vốn. Có như vậy nguồn vốn của Quỹ mới thực sự phát huy hiệu quả là giúp hội viên nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững, đó là mục đích và ý nghĩa tồn tại của Quỹ hỗ trợ nông dân.
4.3.5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho cán bộ hội nông dân Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Hội nông dân cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc đáp ứng đủ nhu cầu của hội viên. Muốn Hội nông dân hoạt động có quy mô, bài bản nên rất cần sự quan tâm của các ban ngành, các cấp ủy. Việc thiếu thốn các trang thiết bị như máy tính, máy in khiến cho thời gian làm việc lâu hơn, việc tiếp cận với thông tin thị trường hạn hẹp hơn nên việc tăng cường các trang thiết bị sớm sẽ tốt cho việc hoạt động của Hội nông dân.
Trong thời gian tới, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hội cần được đầu tư đồng bộ; nâng cấp các thiết bị máy móc để đảm bảo được nhu cầu làm việc của các cán bộ cũng như của các hội viên.
Tăng cường mở rộng, xây mới, nâng cấp nơi làm việc đối với Hội nông dân, hiện nay có vài Hội nông dân cấp xã, thị trấn trong địa bàn huyện tuy có phòng làm việc riêng như đa phần là ở các tòa nhà cũ, phòng làm việc nhỏ, thiếu các trang thiết bị cần thiết cho làm việc.
Tăng cường các trang bị cho Hội nông dân như tủ, bàn ghế, máy tính hiện đại để nhờ đó Hội nông dân có thể mở rộng hiểu biết, tiếp cận thông tin phát triển thị trường để tư vấn, hỗ trợ cho các hội viên nếu họ có thắc mắc.
Công tác tuyên truyền ở cơ sở của Hội nông dân cũng cần sử dụng triệt để các cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện sẵn có của xã, thôn như: hệ thống loa
phát thanh, sân thể thao, câu lạc bộ, Trung tâm văn hóa, thư viện, điểm bưu điện văn hóa xã;...
4.3.6. Tăng cường phối hợp giữa hội nông dân với các tổ chức, cơ quan ban ngành khác trên địa bàn huyện
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có rất nhiều tổ chức, đoàn thể đang hoạt động. Tuy có khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động tuyên truyền ở mỗi tổ chức, đoàn thể; nhưng đều có chung mục đích nhằm tác động đến tư tưởng, tình cảm của nông dân. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, của Hội cấp trên, cơ sở Hội cần chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân.
Tăng cường sự phối hợp giữa phòng hội nông dân với các cơ quan phòng ban chuyên môn như phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - thương binh và xã hội; Trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y,… và các tổ chức đoàn thể khác trên địa bàn huyện trong việc triển khai các hoạt động của hội để trợ giúp hội viên trong quá trình phát triển kinh tế, đời sống xã hội của hội viên. Bên cạnh đó cũng tăng cường tham mưu cho UBND huyện trong việc đầu tư và quản lý phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân cả về phương thức sản xuất và định hướng ngành nghề, quan trọng là về vốn tín dụng, kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề, kỹ năng tổ chức sản xuất; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ, nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, có thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và quốc tế. Hội nông dân các cấp cần chủ động phối hợp với các ngành để tiếp thu, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, ngân hàng, nhà doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất từ khâu đầu vào đến bao tiêu sản phẩm.