Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam
Khác với tình hình nghiên cứu liên quan đến phòng ngừa THTP về môi trường trên phạm vi thế giới, trong phạm vi Việt Nam, vấn đề này chưa được nhiều nghiên cứu xem xét, đánh giá một cách trực tiếp. Có thể khẳng định, cả về số lượng và chất lượng các nghiên cứu trong nước về vấn đề này còn tương đối khiêm tốn khi so với thế giới.
1.2.1. Lý luận phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Phòng ngừa THTP về môi trường hiện nay chưa có bất kỳ công trình nào trực tiếp nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu về tội phạm môi trường và phòng ngừa tội phạm môi trường đã có một số tác giả đề cập tới.
Vấn đề lý luận tội phạm về môi trường và phòng ngừa tội phạm về môi trường được đề cập đến trong các nghiên cứu có tính chất song hành cùng những khảo sát, đánh giá thực tiễn. Nghĩa là vai trò của việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý
luận làm cơ sở để đối chiếu và đánh giá thực tiễn. Cho đến nay, có rất ít công trình nghiên cứu thuần nhất về lý luận tội phạm và phòng ngừa tội phạm về môi trường.
Theo đó, có thể kể đến một số các nghiên cứu với kết quả cụ thể như sau:
Ở cấp độ sách chuyên khảo, những vấn đề lý luận về tội phạm và phòng ngừa tội phạm về môi trường được tác giả Phạm Văn Lợi đề cập và phân tích trong công trình Tội phạm về môi trường - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn được xuất bản năm 2003 do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành [21]. Nghiên cứu bằng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích, tổng hợp đã hệ thống hoá khái niệm tội phạm và phòng ngừa tội phạm về môi trường, phân tích yếu tố ảnh hưởng đến THTP về môi trường ở Việt Nam trong điều kiện phạm vi thời gian nghiên cứu. Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng THTP về môi trường gia tăng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế và sự cởi mở của pháp luật trong việc khai thác và sử dụng môi trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích, chỉ rõ các tác động tiêu cực của tội phạm về môi trường đối với phát triển kinh tế, xã hội đất nước thời kỳ hội nhập.
Ở cấp độ luận văn, luận án một số nghiên cứu cũng phân tích một số vấn đề lý luận về tội phạm về môi trường ở dưới góc độ và mức độ khác nhau. Tiêu biểu có tác giả Dương Thanh An với luận án tiến sĩ Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường thông qua năm 2011 tại Học viện Khoa học xã hội [1] đã dành Chương 2 của luận án để phân tích các khái niệm liên quan đến trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường, trong đó có khái niệm tội phạm về môi trường.
Nghiên cứu cho thấy tội phạm về môi trường là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến môi trường tự nhiên. Môi trường được xem xét trong luận án là môi trường tự nhiên với các thành tố gồm: môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và môi trường nguyên sinh. Các hành vi tác động vào các thành tố này gây ra những hậu quả hoặc đe dọa gây ra hậu quả được pháp luật hình sự quy định được xem là tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra được các đặc điểm của tội phạm về môi trường so với các loại tội phạm khác.
Cùng cách thức tiếp cận trên, luận văn thạc sĩ Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội phạm về môi trường theo luật hình sự Việt Nam của tác giả Nguyễn Trí Chinh thông qua năm 2010 tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội [5] cũng
đã hệ thống hóa trực tiếp các vấn đề lý luận liên quan đến tội phạm về môi trường theo luật hình sự Việt Nam. Các nội dung đã được nghiên cứu trên làm rõ bao gồm:
khái niệm tội phạm về môi trường, nguyên nhân hình thành tội phạm về môi trường, các loại tội phạm về môi trường và ảnh hưởng của tội phạm về môi trường trong bối cảnh hội nhập. Các kết quả này phần nào đã làm rõ được nội hàm lý luận của tội phạm về môi trường và những vấn đề lý luận liên quan, làm đa dạng hoá góc độ tiếp cận về vấn đề này.
Bên cạnh hai quy mô nghiên cứu kể trên, vấn đề lý luận về tội phạm về môi trường và THTP về môi trường cũng được đề cập dưới dạng các bài viết đăng tải trên một số tạp chí pháp lý uy tín trong nước như: tác giả Lê Cảm với bài viết “Về vấn đề tội phạm hoá một số hành vi xâm hại môi trường trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện đại” đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2001 [4]; tác giả Võ Khánh Vinh với bài viết “Những cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường” đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 04/2002 [64]; tác giả Dương Thanh An với bài viết “Các yếu tố cấu thành tội phạm về môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 1999”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2008 [2]… đặc biệt hai bài viết của hai tác giả: Lê Cảm và Võ Khánh Vinh đề cập đến vấn đề tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại môi trường đã đề cập đến nhu cầu phải tội phạm hoá một số hành vi tại thời điểm nghiên cứu chưa được tội phạm hoá nhằm tạo lập cơ sở pháp lý góp phần nâng cao khả năng phòng ngừa THTP trong lĩnh vực môi trường.
1.2.2. Thực tiễn phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Nghiên cứu thực tiễn tình tội phạm và phòng ngừa tội phạm về môi trường là một trong những hướng nghiên cứu chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực này. Với sự đa dạng trong góc độ tiếp cận về không gian và thời gian nghiên cứu, nhiều công trình đã phản ánh, phân tích được thực trạng THTP về môi trường và dự báo xu hướng vận động của THTP về môi trường trong tương lai. Có thể kể đến một số nhóm các công trình nghiên cứu theo cấp độ như sau:
- Ở cấp độ các đề tài nghiên cứu khoa học và báo cáo công tác kiểm tra thực tiễn có hai công trình gồm: báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2009 về Kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với các cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn năm 2008 [44]. Đây là báo cáo chuyên ngành của công tác thanh tra, kiểm tra công tác BVMT tại các tổ chức, khu dân cư
và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai - Sài Gòn. Báo cáo cho thấy, tình hình xâm phạm môi trường diễn ra khá phổ biến tại các làng nghề, khu chế xuất ở cả các thành tố môi trường đất, nước và không khí, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước. Nguyên nhân là do hệ thống xử lý nước thải hay các tạp chất phế phẩm không được xây dựng đảm bảo, hoặc đã được xây dựng nhưng không được vận hành theo đúng công năng nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, vấn đề xem xét và xử lý trách nhiệm hình sự gặp khó khăn vì vấn đề tội phạm là một tổ chức chưa được hình sự hoá. Chính vì thế, mặc dù về bản chất hành vi của các tổ chức đã tác động xấu đến môi trường và là tiền đề để THTP về môi trường gia tăng tại khu vực này, song việc giải quyết triệt để khó khăn do thiếu chế tài, trong khi đó phương pháp tuyên truyền, phổ biến nhằm phòng ngừa cũng không đạt được hiệu quả do lợi ích kinh tế trước mắt của các doanh nghiệp, hộ sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo là kết quả của việc thanh tra, kiểm tra thực tiễn, mang yếu tố kết luận của các chủ thể thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra đó do vậy các yếu tố về khoa học không cao, đặc biệt tính logic và liên kết của các vấn đề theo hướng nguyên nhân - kết quả hay các dự báo đều không được đề cập trong báo cáo.
Ở mức độ nghiên cứu khoa học quy mô hơn, Báo cáo Đề tài khoa học KX.07- 06, Những vi phạm pháp luật về môi trường và giải pháp phòng chống của Bộ Công an năm 2014 [3] đã tiến hành một nghiên cứu quy mô cả về lý luận lẫn thực tiễn đối với những vi phạm pháp luật về môi trường và giải pháp phòng chống. Trong đó, vấn đề nghiên cứu của công trình bao hàm cả những vi phạm pháp luật nói chung về môi trường, trong đó có tội phạm về môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy được tình hình các nhóm vi phạm pháp luật về môi trường trên thực tế, xu hướng của từng nhóm và xác định được các nguyên nhân, yếu tố tác động đến sự vận động của từng xu hướng. Có thể nói, nghiên cứu có tính chất tổng hợp cao đối với những vi phạm pháp luật ở Việt Nam nói chung từ năm 2000 đến thời điểm nghiên cứu và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bức tranh tình hình của vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó có tội phạm về môi trường.
- Ở cấp độ luận án và luận văn, trong những năm gần đây, vấn đề tội phạm và phòng ngừa tội phạm về môi trường cũng được lựa chọn nghiên cứu. Có thể kể tới một số luận án, luận văn sau:
Nghiên cứu về thực tiễn THTP về môi trường trên sự đối chiếu giữa kết quả thực tiễn với quy định của pháp luật hình sự cũng có một số nghiên cứu đã thực hiện. Trong đó với hai công trình tiêu biểu gồm: tác giả Nguyễn Trí Chinh với luận án Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội xâm phạm về môi trường theo luật hình sự Việt Nam được thông qua năm 2010 tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội [5] và tác giả Nguyễn Hữu Hoà với luận án Các tội phạm về môi trường ở Việt Nam: tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa, được thông qua năm 2018 tại Học viện Khoa học xã hội [12]. Hai luận án được thực hiện ở hai mốc thời gian khác nhau, mỗi luận án được thực hiện gắn liền với một Bộ luật Hình sự khác nhau.
Cụ thể: luận án của tác giả Nguyễn Trí Chinh được thực hiện trong sự đối sánh thực tiễn với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), trong khi đó tác giả Nguyễn Hữu Hoà thực hiện luận án trong thời gian có hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015. Hai nghiên cứu phản ánh thực tiễn pháp luật và thực tiễn THTP về môi trường của từng thời kỳ khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy THTP về môi trường có biến đổi theo hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về hành vi. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của cả hai luận án kể trên đề cập một số hành vi xâm phạm môi trường nhưng chưa được hình sự hoá, dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm về môi trường ở Việt Nam.
Tác giả Dương Thanh An với luận án tiến sĩ Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường, thông qua năm 2011 tại Học viện Khoa học xã hội [1].
Nghiên cứu sử dụng phương pháp đối chiếu khoa học giữa các quy định của luật thực định với thực tiễn áp dụng pháp luật trên thực tế nhằm chỉ ra những điểm vướng mắc, khó khăn trong áp dụng pháp luật đối với tội phạm về môi trường. Nội dung trọng tâm này được trình bày tại Chương 3 của luận án với cấu trúc 3 mục bao gồm thực tiễn pháp luật, thực tiễn áp dụng và đánh giá thực tiễn áp dụng. Kết quả nghiên cứu của công trình mặc dù không trực tiếp đề cập đến phòng ngừa tội phạm về môi trường nhưng đã cung cấp những cơ sở thực tiễn thông qua việc đối chiếu việc áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm về môi trường, qua đó góp phần làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến phòng ngừa loại tội phạm này trên thực tiễn.
Với góc độ tiếp cận gần gũi hơn với đề tài luận án, các nghiên cứu sau đây đã xem xét, làm rõ các nội dung thực tiễn về hoạt động phòng ngừa tội phạm về môi trường ở các địa bàn và của các lực lượng khác nhau. Tiêu biểu có:
Tác giả Đinh Tiến Quân với luận án tiến sĩ Hoạt động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường theo chức năng của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thông qua năm 2013 tại Học viện Cảnh sát nhân dân
[28]. Nội dung nghiên cứu của luận án là hoạt động phòng ngừa bao gồm cả chủ thể (lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường), phương thức tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện. Đối tượng của hoạt động phòng ngừa này cũng bao gồm cả tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường. Như vậy nếu đối chiếu với nội hàm nghiên cứu của NCS, luận án của tác giả Đinh Tiến Quân có góc độ tiếp cận chủ thể thực hiện hẹp hơn (chỉ theo chức năng của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường), nhưng lại có phạm vi nội dung rộng hơn (gồm cả tội phạm và các hành vi phạm pháp luật khác). Cùng phạm vi tiếp cận song khác về phạm vi không gian với luận án của tác giả Đinh Tiến Quân còn có luận án Phòng ngừa, phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường khu vực Đồng bằng sông Hồng theo chức năng của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường được thông qua năm 2014 tại Học viện Cảnh sát Nhân dân của tác giả Nguyễn Văn Minh [24]. Luận án cũng nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực phương thức và kết quả phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trên địa bàn Đồng bằng sông Hồng. Vì phạm vi không gian nghiên cứu thu hẹp, do đó so với nghiên cứu của tác giả Đinh Tiến Quân, luận án đã phân tích được thực trạng sâu sắc hơn THTP và vi phạm pháp luật về môi trường tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng. Cùng cách thức tiếp cận này nhưng ở mức độ phạm vi không gian hẹp hơn, tác giả Đặng Thu Hiền với luận án tiến sĩ Hoạt động phòng ngừa tội phạm về môi trường tại các khu công nghiệp theo chức năng của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường được thông qua năm 2013 tại Học viện Cảnh sát Nhân dân [15] cũng đã nghiên cứu thực tiễn hoạt động phòng ngừa tội phạm về môi trường của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường nhưng ở phạm vi không gian là các khu công nghiệp.
Bốn nghiên cứu kể trên đã nghiên cứu, làm rõ các vấn đề liên quan đến xâm phạm môi trường nước, khoáng sản (cát) và đất là những nội dung chính của THTP và vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn nghiên cứu. Cả bốn nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra rằng, hoạt động phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi
trường tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều hạn chế dẫn đến THTP không có dấu hiệu thuyên giảm. Cụ thể, các nguyên nhân được chỉ ra bao gồm: sự phức tạp về địa lý; tính lợi nhuận cao nên động cơ thực hiện hành vi lớn; lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường còn mỏng, trong khi đó chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng; ý thức tố giác tội phạm của người dân còn chưa cao, đi đôi với nhận thức pháp luật nói chung và pháp luật về BVMT của người dân còn hạn chế.
Nghiên cứu phòng ngừa tội phạm ở một địa phương cụ thể có tác giả Trần Quốc Tỏ với luận án tiến sĩ Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được thông qua năm 2013 tại Học viện Cảnh sát Nhân dân [42]. Đây là luận án gần gũi trực tiếp nhất với đề tài nghiên cứu của NCS, tuy nhiên thời gian hoàn thành của luận án trước thời điểm luật hình sự hiện hành có hiệu lực, do đó những vấn đề liên quan đến thực tiễn đề cập trong luận án đã ít nhiều thay đổi theo hướng hoàn thiện hoặc được khắc phục.
Nghiên cứu đã chỉ ra được THTP và hiệu quả tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường, các hành vi vi phạm phạm pháp luật về BVMT tại thành phố Đà Nẵng.
Trong đó cho thấy vấn đề xâm phạm môi trường biển do hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển trái phép, do hoạt động xả thải của các nhà máy, khu chế xuất chưa qua xử lý trực tiếp ra biển là những vấn đề trọng tâm của Đà Nẵng. Đồng thời, trong phạm vi thời gian nghiên cứu của luận án, sự thống kê cho thấy xu hướng tội phạm về môi trường trên địa bàn Đà Năng tăng cao. Do đó, công tác phòng ngừa chủ yếu sử dụng phương pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hoạt động xử lý nước thải của các nhà máy, khu chế xuất, kết hợp cùng phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các đối tượng kể trên.
1.2.3. Các giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng THTP và hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm về môi trường, các nghiên cứu cũng đã xây dựng và đề xuất các phải pháp nhằm tăng cường phòng ngừa tội phạm về môi trường gắn với các địa bàn và các thời kỳ khác nhau. Cơ bản có thể kể tới ba công trình nghiên cứu tiêu biểu sau: Báo cáo Đề tài khoa học KX.07-06 Những vi phạm pháp luật về môi trường và giải pháp phòng chống của Bộ Công An năm 2014 [3]; tác giả Nguyễn Duy Hùng với đề tài khoa học cấp Nhà nước Những vi phạm pháp luật về môi trường - Giải