4.3.1. Hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với tình hình tội phạm về môi trường
Hoàn thiện những quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm về môi trường đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xoá bỏ THTP về môi trường. Hoàn thiện pháp luật hình sự về các tội phạm môi trường đồng thời cũng là hoàn thiện phạm vi hình sự hoá các hành vi phạm tội về môi trường, hoàn thiện cơ chế xác định THTP về môi trường và do đó tác động trực tiếp đến hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. Theo đó, NCS kiến nghị hoàn thiện bao gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm điều luật khái niệm tội phạm về môi trường. Hiện nay trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa có khái niệm tội phạm về môi trường, do đó, để thuận lợi trong việc nhận diện nhóm tội phạm này, NCS đề xuất ghi nhận khái niệm tội phạm về môi trường như sau: Tội phạm về môi trường là các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do các cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện, xâm phạm đến các quan hệ xã hội có nội dung về BVMT tự nhiên được Bộ luật Hình sự quy định. Bên cạnh đó, cũng cần khẩn trương ban hành và hoàn thiện các hướng dẫn thi hành Bộ luật này để triển khai áp dụng hiệu quả trên thực tiễn.
Thứ hai, hình sự hoá bổ sung các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hiện nay tội phạm về môi trường có 12 tội danh. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều hành vi vi phạm về môi trường khác cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, cần được hình sự hoá để được thống kê và phòng ngừa.
Bên cạnh đó, NCS cũng cho rằng không nên bố trí Điều 234 của BLHS năm 2015 tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trong chương các tội phạm về kinh tế và nên bố trí ở chương các tội phạm về môi trường bởi các hành
vi này tác động đến các quan hệ về môi trường (bảo vệ môi trường) nhiều hơn tác động đến quan hệ về kinh tế (bảo vệ trật tự quản lý kinh tế).
Thứ ba, xác định một số tội danh thuộc nhóm phân loại tội phạm đặc biệt nghiêm qua đó gia tăng các chế tài đối với các tội danh phạm tội về môi trường. Trong 11 nhóm tội danh được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, không có nhóm tội danh nào thuộc phân loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, các chế tài dành cho các tội danh cơ bản không ở khung nặng (tù chung thân, tử hình hoặc phạt tiền trên 20 tỷ đồng), mặc dù hậu quả của các hành vi phạm tội ảnh hưởng tiêu cực đến phạm vi rất rộng lớn của đời sống xã hội, gây ra nhiều hệ luỵ cho nhiều thế hệ tương lai. Trong khi đó, nguồn lợi đem lại cho những đối tượng phạm tội lớn khiến cho các chế tài thiếu tính răn đe. Vấn đề phòng ngừa THTP vì thế cũng kém hiệu quả.
Do đó, NCS đề xuất nghiên cứu đưa một số nhóm tội danh vào phân loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như: Tội gây ô nhiễm môi trường; Tôi huỷ hoại rừng;
Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, cũng tăng khung hình phạt đối với các nhóm tội danh cả đối với cá nhân lẫn pháp nhân thương mại.
Thứ tư, sửa đổi các quy định về chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại. Dự báo THTP về môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có xu hướng gia tăng của chủ thể là pháp nhân thương mại. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng trong hoàn thiện pháp luật là nội dung quy định về pháp nhân thương mại nhằm vừa tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động truy tố pháp nhân thương mại về tội phạm môi trường, vừa đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng thuộc nhóm này:
- Kiến nghị thay đổi quy định về việc xác định hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Khái niệm tội phạm như sau: Khoản 1, Điều 8, BLHS 2015 quy định về
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, …”. Theo khái niệm này, thì có 02 tội phạm do 02 chủ thể thực hiện:
một là, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý; Hai là, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình
sự, do pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Việc hiểu như thế là hoàn toàn phù hợp với quy định về nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 (quy định rõ nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội (cá nhân) và nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội).
Tuy nhiên, tại các điều luật cụ thể hóa tiếp theo như: Điều 9 quy định về phân loại tội phạm; Về yếu tố lỗi được quy định tại các Điều 10, 11; Về trường hợp không có lỗi quy định Điều 20 và các điều luật khác (đồng phạm, che giấu tội phạm, phạm tội chưa đạt…) đều chỉ quy định một chủ thể của tội phạm đó là cá nhân, vô hình dung đã bỏ sót chủ thể pháp nhân thương mại. Thực tiễn đặt ra vấn đề là khi pháp nhân thương mại phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh trong trường hợp nào là tội phạm với lỗi cố ý, trường hợp nào sẽ là phạm tội với lỗi vô ý, bởi lẽ, Bộ luật Hình sự không quy định.
Mặt khác, theo Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại: “1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”. Theo quy định này, trong 04 điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định tại Khoản 1, thì tội phạm mà pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự chỉ có thể là do cá nhân thực hiện “nhân danh pháp nhân thương mại” và “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại”. Do đó, tại Khoản 2 Điều 75 quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Điều này một lần nữa khẳng định, chỉ có cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn Khoản 1 Điều 75 thì pháp nhân thương mại phạm tội mới chịu trách nhiệm hình sự và sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Từ phân tích trên cho thấy, chỉ có một tội phạm do cá nhân thực hiện, nhưng có thể có đến 02 chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân thương mại. Do đó, cần sửa đổi Khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 theo hướng bỏ cụm từ “hoặc pháp nhân thương mại” và cần bổ sung một khoản có nội dung quy định “Đối với hành vi của pháp nhân thương mại thực hiện bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này”. Theo hướng sửa đổi
này, khái niệm về pháp nhân thương mại phạm tội sẽ hoàn toàn phù hợp với các điều luật cụ thể hóa của BLHS.
- Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề Đình chỉ hoạt động có thời hạn của pháp nhân thương mại. Tại Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế”. Theo quy định này, chúng tôi thấy có sự mâu thuẫn ngay trong nội tại của điều luật, cụ thể khi gây thiệt hại đến tính mạng con người, thì trên thực tế, sẽ không thể khắc phục được, ví dụ một người đã chết thì không khắc phục được, trong khi điều luật lại quy định là có khả năng khắc phục trên thực tế là không khả thi.
Mặt khác, điều luật quy định chỉ buộc pháp nhân thương mại phạm tội khắc phục hậu quả, thực tế đặt ra là, nếu sau khi khắc phục hậu quả và chịu hình phạt là đình chỉ hoạt động một thời gian theo Khoản 2 Điều 78 Bộ luật Hình sự 2015, pháp nhân thương mại tiếp tục được hoạt động lại và tiếp tục tái phạm gây ra hậu quả như trước đây, thì rõ ràng tác dụng của hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn của pháp nhân thương mại phạm tội không đạt được hiệu quả như mong muốn. Vấn đề đặt ra là, khắc phục nguyên nhân gây ra hậu quả hay là khắc phục hậu quả, theo NCS, phải quy định khắc phục nguyên nhân gây ra hậu quả mới đảm bảo tính triệt để. Bởi lẽ, khi bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, pháp nhân thương mại có thời gian rà soát lại nguyên nhân gây ra hậu quả và hướng khắc phục những nguyên nhân đó, chứ không phải chỉ có việc khắc phục hậu quả do mình gây ra là xong.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, cần hoàn thiện Khoản 1 Điều 78 BLHS 2015 theo hướng bỏ cụm từ gây thiệt hại đến “tính mạng” và thay cụm từ
“hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế” bằng cụm từ “nguyên nhân gây ra hậu quả đó có khả năng khắc phục trên thực tế”. Cụ thể Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi như sau:
“Điều 78. Đình chỉ hoạt động có thời hạn: Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và nguyên nhân gây ra hậu quả đó có khả năng khắc phục trên thực tế”.
- Cuối cùng, Theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Hình sự 2015 thì việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội và thời hạn cấm này được quy định từ 01 năm đến 03 năm. Xét về bản chất, thì quy định này giống về tính chất cưỡng chế so với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 78 Bộ luật Hình sự 2015, điều khác biệt ở chổ, đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình phạt chính, còn cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định là hình phạt bổ sung.
Tuy nhiên, xét về tính nghiêm khắc, thì hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định nghiêm khắc hơn hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Bởi cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm, còn đình chỉ hoạt động có thời hạn chỉ trong thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Quy định như trên thì tính cưỡng chế của hình phạt chính không bằng hình phạt bổ sung là không phù hợp. Do đó, theo NCS, cần quy định thời hạn của hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định phải thấp hơn thời hạn của hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn mới bảo đảm được tính cưỡng chế của hình phạt chính.
4.3.2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường là giải pháp đầu tiên vì đóng vai trò là tiền đề để thực hiện hiệu quả các giải pháp khác. Xuất phát từ các hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THTP về môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như đã phân tích tại phần thực trạng, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường phải được thực hiện phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và bằng việc ứng dụng nhiều phương tiện, cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới, ứng dụng công nghệ thông tin và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.
a. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường cho các cơ quan chức năng, đoàn thể, trường học.
Mặc dù đây là nhóm chủ thể thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường, nhưng không vì thế mà công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng ngừa THTP về môi trường cho nhóm đối tượng này bị xem nhẹ. Thực tế
cho thấy, với lực lượng nhân sự được đào tạo về chuyên môn bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực môi trường chiếm tỷ lệ thấp, cộng với các quy định pháp lý và các diễn biến THTP về môi trường diễn biến phức tạp, thay đổi liên tục và nội dung lớn, khó nắm bắt đã khiến cho nhu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường cho nhóm đối tượng này là cấp thiết và liên tục. Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường với các nhóm đối tượng này được thực hiện tuỳ thuộc vào từng đối tượng cụ thể như:
- Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp. Với tư cách là cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chung, vấn đề phòng ngừa THTP về môi trường là một nội dung trong rất nhiều nội dung quản lý nhà nước của nhóm chủ thể này. Biện pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường cho các thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp và người đứng đầu các cơ quan này là triển khai các lớp cập nhật kiến thức pháp lý và thực tiễn và tập huấn các kỹ năng liên quan đến việc ra quyết định và triển khai một số nội dung thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân các cấp liên quan đến phòng ngừa THTP về môi trường. Các lớp này do Sở Nội vụ và Công an tỉnh liên kết tổ chức thường niên và năm trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm của ngân sách tỉnh. Các báo cáo viên được lựa chọn bao gồm các chuyên gia pháp lý thực hiện cập nhật kiến thức pháp lý; những người làm công tác bảo vệ pháp luật ở địa phương như: Công an tỉnh, VKSND tỉnh và Toà án nhân dân tỉnh thực hiện cập nhật tình hình thực tiễn và những chuyên gia công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh có nội dung liên quan đến phòng ngừa THTP về phòng ngừa THTP về môi trường thực hiện hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ.
- Đối với các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn quản lý nhà nước trực tiếp liên quan đến công tác phòng ngừa THTP về môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền riêng như Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện phải được cập nhật nội dung pháp lý chuyên ngành và các kỹ năng thực hiện cụ thể các hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. Các lớp cập nhật kiến thức và tập huấn kỹ năng được thực hiện trong chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành môi trường hàng năm từ ngân sách nhà nước. Giảng viên và báo cáo viên bao gồm: chuyên gia pháp lý từ các trường đại học, viện nghiên cứu… và chuyên gia thực tiễn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với bồi dưỡng cấp tỉnh