Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
2.7. Các yếu tố ảnh hưởng tới phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Ngoài thể chế pháp lý là các quan điểm, chính sách, pháp luật trong nước, thể chế pháp lý về phòng ngừa THTP về môi trường ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi các quy định của pháp luật quốc tế về BVMT, các quy định về các hành vi xâm phạm môi trường bị pháp luật quốc tế nghiêm cấm hoặc các ràng buộc khác về môi trường trong các Hiệp định thương mại, Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường lấy các dự báo làm cơ sở cho việc xác định mục tiêu phòng ngừa, song lại dựa vào quy định pháp luật để lựa chọn nội dung, phương pháp và các vấn đề liên quan khác của hoạt động phòng ngừa. Điều này có nghĩa, quy định của pháp luật là yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến phòng ngừa THTP về môi trường. Sự ảnh hưởng này được thể hiện với hai chiều hướng. Ở chiều thứ nhất, hành lang pháp lý về vấn đề BVMT và tội phạm về môi trường được xây dựng đảm bảo tính đầy đủ và ổn định. Điều này sẽ giúp cho việc nhận diện tội phạm môi trường được cụ thể, không có sự khác biệt theo thời gian, do đó THTP về môi trường được bộc lộ một cách khách quan, thay vì đến từ sự chủ quan do thay đổi cách xác định tội phạm về môi trường của pháp luật. Với sự tác
động này, phòng ngừa THTP về môi trường sẽ không chỉ có được cơ sở vững chắc do dự báo chính xác xu hướng THTP mà còn có đủ khả năng xác định và lựa chọn nội dung, phương pháp và các vấn đề liên quan khác của hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường ở một định hướng lâu dài hơn. Ngược lại, các quy định pháp luật thiếu tính toàn diện và thường xuyên biến động cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. Cụ thể, với việc xác định không đầy đủ hoặc thường xuyên biến động việc nhận diện tội phạm về môi trường sẽ khiến cho THTP về môi trường có những biến động chủ quan. Điều này gây ra tình trạng khó khăn trong dự báo biến động của vấn đề này trong tương lai vì còn phù thuộc vào sự biến động tiếp theo của quy định pháp lý. Không những thế, với sự ghi nhận thiếu đồng bộ và không cụ thể sẽ khiến cho các địa phương khó khăn trong xác định nội dung, phương pháp và các vấn đề liên quan khác trong hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường.
2.7.2. Năng lực của các chủ thể
Năng lực thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường của các chủ thể. Chủ thể thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường là những cá nhân, tổ chức được giao thực hiện công tác phòng ngừa. Đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và sự phối hợp của các chủ thể có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả của công tác phòng ngừa.
Ở khía cạnh đạo đức của các chủ thể phòng ngừa THTP về môi trường, đây được xác định là vấn đề quan trọng hàng đầu của các chủ thể thực hiện phòng ngừa.
Các hành vi phạm tội về môi trường đa phần hướng đến lợi ích kinh tế. Các nguồn lợi mang lại từ hành vi phạm tội về môi trường có giá trị cao hơn rất nhiều các lĩnh vực khác, do bản thân giá trị của các sản phẩm tự nhiên hoặc do chi phí đầu tư thấp hoặc giảm thiểu được các khoản kinh phí đầu tư tốn kém để thực hiện các quy trình BVMT. Chính vì thế, xu hướng chung của tội phạm về môi trường là luôn có các hành vi đàm phán, ăn chia, móc nối… nhằm hợp tác với chính các chủ thể có chức năng phòng ngừa THTP về môi trường để có được sự bảo kê cho các hành vi phạm tội về môi trường. Chính xu hướng này cùng với sự cám dỗ từ lợi ích vật chất có được từ các đối tượng trở thành một thử thách rất lớn đối với các chủ thể thực hiện hoạt động phòng ngừa. Vấn đề giữ được đạo đức trong sạch để phân định rạch ròi ranh giới của chủ thể thực hiện phòng ngừa và các đối tượng là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng ngừa. Bởi lẽ, nếu các giá trị đạo đức bị tha hoá, thì vấn đề chuyên môn nghiệp vụ hay sự phối hợp giữa các chủ thể cũng sẽ
không còn tác dụng, thậm chí là phản tác dụng khi các chủ thể lợi dụng trình độ chuyên môn và sự phối hợp đó để gia tăng hoạt động bảo kê cho THTP về môi trường trở nên tinh vi và có hệ thống hơn.
Khía cạnh tiếp theo là vấn đề chuyên môn nghiệp vụ. Phòng ngừa THTP về môi trường cũng như phòng ngừa THTP ở các lĩnh vực khác là một tập hợp các hoạt động mang tính chuyên môn sâu. Do đó, chủ thể thực hiện càng nắm giữ chuyên môn tốt, càng tổ chức hoạt động phòng ngừa chặt chẽ, logic, hiệu quả công tác phòng ngừa từ đó sẽ đảm bảo được tính hiệu quả. Đặc biệt, với xu hướng hiện nay, các đối tượng ứng dụng nhiều thành quả của khoa học, công nghệ và thông tin vào hoạt động phạm tội, khiến cho tính chất của THTP ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và liên kết rộng rãi, đã đặt ra cho các chủ thể phòng ngừa yêu cầu cao về chuyên môn nghiệp vụ. Vấn đề mang tính nguyên tắc ở đây là, muốn hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường có hiệu quả thì trình độ chuyên môn của chủ thể phòng ngừa phải cao hơn trình độ của đối tượng phạm tội. Ngược lại, với khả năng chuyên môn yếu hơn, cộng với trang bị vật chất lạc hậu hơn sẽ khiến cho công tác phòng ngừa trở nên bế tắc. Các chủ thể vì thế không thể đạt được mục tiêu của công tác phòng ngừa THTP về môi trường.
Cuối cùng của vấn đề chủ thể phòng ngừa THTP về môi trường ảnh hưởng đến công tác này chính là tính liên kết. Phòng ngừa THTP về môi trường đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ trên phạm vi lãnh thổ và liên tục theo thời gian. Hai yêu cầu này nhằm đảm bảo: thứ nhất, tránh trường hợp khu vực này tích cực phòng ngừa, song khu vực khác lại biến động tăng mạnh dẫn đến hiệu quả phòng ngừa chung chỉ mang tính cục bộ; thứ hai, kiểu thực hiện phòng ngừa phong trào sẽ khiến cho hiệu quả phòng ngừa THTP về môi trường chỉ mang tính nhất thời, THTP về môi trường vì thế không được loại bỏ một cách triệt để. Để khắc phục hai vấn đề kể trên đòi hỏi các chủ thể phòng ngừa THTP về môi trường phải có sự phối hợp chặt chẽ cả ở vấn đề phạm vi không gian và tính liên tục của thời gian. Sự hành động đồng thời sẽ tạo ra được sức mạnh lớn, từ đó giúp phát hiện, trấn áp và loại bỏ THTP về môi trường ra khỏi đời sống xã hội một cách quyết liệt, hiệu quả và không tái diễn.
2.7.3. Nhận thức của cơ quan, cá nhân nhà nước, người dân và xã hội Nhận thức của các cơ quan, cá nhân nhà nước về phòng ngừa THTP về môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách phòng
ngừa THTP về môi trường. Điều này thể hiện qua việc, nếu một nhà nước theo xu hướng khai thác, sẽ không bận tâm đến sự phát triển bền vững, và vì vậy vấn đề BVMT bằng phòng ngừa THTP về môi trường sẽ không được đưa vào chương trình hành động của chính phủ đó. Ngược lại, một nhà nước có bản chất xây dựng, kiến tạo sẽ xem trọng những giá trị nền tảng vững chắc, do đó vấn đề môi trường là vấn đề sống còn của quốc gia. Khi đó, nhận thức về phòng ngừa THTP về môi trường của nhà nước đó sẽ được thiết lập và thúc đẩy hành động phòng ngừa. Lịch sử chứng minh rằng, ở đất nước nào hệ thống chính trị có nhận thức sâu sắc về BVMT thì công tác phòng ngừa THTP về môi trường được đảm bảo và ngược lại.
Người dân và xã hội là đối tượng thụ hưởng chính của vấn đề BVMT, họ là chủ thể thực hiện công tác phòng ngừa THTP về môi trường, song đồng thời cũng có thể trở thành đối tượng huỷ hoại môi trường. Do đó, nhận thức và thái độ của người dân đối với vai trò của môi trường và công tác phòng ngừa THTP về môi trường có ảnh hưởng tất yếu đến hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường.
Sự hiểu biết về vai trò của môi trường cũng như hậu quả của các hành vi phạm tội về môi trường của người dân cao sẽ góp phần quyết định các giá trị tuân thủ pháp luật của người dân, từ đó giúp cho THTP về môi trường tất yếu sẽ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, ngược lại, người dân với cả tư cách là pháp nhân hay cá nhân đơn lẻ nếu không có được những nhận thức đúng đắn kể trên, bất chấp các quy định của pháp luật và lợi ích cộng đồng để đạt được các lợi ích của riêng mình trên cơ sở thực hiện các hành vi phạm tội về môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng ngừa THTP về môi trường. Điều này đến từ thực tế, nhận thức thấp sẽ gia tăng các hành vi phạm tội về môi trường, đẩy THTP về môi trường biến động tăng, gia tăng áp lực lên công tác phòng ngừa.
Bên cạnh đó, với tư cách là chủ thể của công tác phòng ngừa THTP về môi trường, nhận thức của người dân về vai trò của môi trường và phòng ngừa THTP về môi trường trở thành vấn đề quyết định đến khả năng tham gia của người dân vào hoạt động phòng ngừa. Vai trò của người dân trong hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường chủ yếu đến từ việc phát giác và tố giác các hành vi phạm tội về môi trường và hoạt động tuyên truyền, duy trì ý thức tự giác BVMT trong cộng đồng.
Mặc dù mang tính chất hỗ trợ công tác phòng ngừa THTP về môi trường song lại có giá trị rất lớn đối với hoạt động này.
2.7.4. Tình hình kinh tế, xã hội
Tình hình kinh tế xã hội quyết định vấn đề THTP về môi trường cũng như tác động trực tiếp đến công tác phòng ngừa THTP về môi trường. Cụ thể, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường gia tăng áp lực về khai thác các sản phẩm từ tự nhiên cũng như các tác động tiêu cực đến môi trường từ quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh. Chính điều này đã thúc đẩy các hành vi phạm tội về môi trường.
Nhu cầu thị trường càng cao, hoạt động sản xuất càng đẩy mạnh và THTP về môi trường càng diễn biến phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô. Điều này khiến cho công tác phòng ngừa trở nên khó khăn và đòi hỏi những khoản đầu tư lớn hơn.
Mặt khác, công tác phòng ngừa THTP nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng cần đến nguồn lực tài chính lớn để có thể thực hiện đồng bộ, lâu dài và hiệu quả. Do đó, tình hình kinh tế của quốc gia hay địa phương đó phát triển, tất yếu vấn đề đầu tư cho hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường sẽ đảm bảo hơn các quốc gia hay địa phương có nền kinh tế yếu kém hơn.
Vấn đề xã hội cũng ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa THTP về môi trường
ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể, văn hoá cộng đồng có tính hài hoà, không tồn tại các hủ tục, thói quen xấu dẫn tới các hành vi xâm hại đến môi trường sẽ đảm bảo cho THTP về môi trường không phổ biến và có xu hướng gia tăng. Ví dụ vấn đề chọn đất canh tác của người đồng bào thiểu số dựa vào các tục lệ như: ném trứng, bắt đất, xem thầy… được diễn ra mỗi năm. Do đó, hoạt động đốt rừng làm nương rẫy diễn ra hàng năm và không cố định không gian. Với tình trạng dân số tăng nhanh, hoạt động này cũng có tỷ lệ thuận. THTP về môi trường càng phổ biến.
Không những thế, những hoạt động tập quán lạc hậu, những thủ tục còn gây cản trở cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT nhằm phòng ngừa THTP về môi trường trong cộng đồng dân cư. Thực tế đã chứng minh rằng, đất nước có sự đa dạng về văn hoá luôn có quá trình phòng ngừa THTP nói chung và phòng ngừa THTP về môi trường nói riêng phức tạp hơn các quốc gia có sự thuần nhất về văn hoá.
Tiểu kết Chương 2
Phòng ngừa THTP nói chung và phòng ngừa THTP về một loại tội phạm cụ thể là vấn đề không mới trong khoa học Tội phạm học ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đối tượng để phòng ngừa là THTP về môi trường lại là một loại tội phạm mới, có nhiều diễn biến phức tạp và khó nhận diện. Các mức độ ảnh hưởng của loại tội phạm về môi trường lại không để lại hậu quả ngay lập tức nên các chủ thể và biện pháp phòng ngừa thường dễ rơi vào chủ quan và khó xác định hậu quả để xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất là hình sự.
Các kết luận quan trọng trong Chương 2:
- Phòng ngừa THTP về môi trường là hoạt động của các chủ thể, sử dụng các công cụ, biện pháp và thẩm quyền được quy định bởi pháp luật, dựa trên THTP môi trường trong lịch sử, hiện tại và dự báo xu hướng trong tương lai, tác động vào các đối tượng phòng ngừa nhằm làm giảm thiểu, tiến đến loại bỏ THTP về môi trường ra khỏi đời sống xã hội.
- Khẳng định các nguyên tắc, đặc điểm và ý nghĩa của phòng ngừa THTP về môi trường (tại mục 2.2.)
- Cơ sở pháp lý của phòng ngừa THTP về môi trường là là tập hợp các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề liên quan đến công tác BVMT; tội phạm về môi trường; phòng ngừa tội phạm về môi trường và phòng ngừa THTP về môi trường (bao gồm: Hiến pháp, Luật BVMT, Luật hình sự và tố tụng hình sự, Các Nghị định liên quan đến BVMT, và rất nhiều các văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa THTP về môi trường ở một số lĩnh vực cụ thể như: Luật Đất đai; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Thủy lợi; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản.v.v...)
- Các chủ thể chuyên trách tham gia trực tiếp vào phòng ngừa THTP về môi trường gồm Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ NN&PTNT và lực lượng các cơ quan tư pháp có chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, như Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội bao gồm các tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các hộ và các cá thể đều là chủ thể trực tiếp tuyên truyền và thực hiện các công tác của phòng ngừa THTP về môi trường.
- Ngoài ra luận án cũng xác định có 8 nội dung chính trong phòng ngừa THTP về môi trường, tương ứng với 2 nhóm biện pháp phòng ngừa THTP về môi trường
gồm Nhóm biện pháp phòng ngừa chung (kinh tế, xã hội, văn hóa tư tưởng) và Nhóm biện pháp phòng ngừa riêng (tổ chức quản lý, phân tích dự báo và Biện pháp điều tra, trấn áp, xét xử và thi hành án tội phạm về môi trường)
- Các yếu tố ảnh hưởng tới phòng ngừa THTP về môi trường bao gồm:
Thể chế pháp lý về phòng ngừa THTP về môi trường; Năng lực của các chủ thể được giao nhiệm vụ phòng ngừa THTP về môi trường, Nhận thức của cơ quan, cá nhân nhà nước, người dân và xã hội, tình hình kinh tế, xã hội.
- Nhận thức của người dân về vai trò của môi trường và phòng ngừa THTP về môi trường trở thành vấn đề quyết định đến khả năng tham gia của người dân vào hoạt động phòng ngừa. Vai trò của người dân trong hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường chủ yếu đến từ việc phát giác và tố giác các hành vi phạm tội về môi trường và hoạt động tuyên truyền, duy trì ý thức tự giác BVMT trong cộng đồng.
Mặc dù mang tính chất hỗ trợ công tác phòng ngừa THTP về môi trường song lại có giá trị rất lớn đối với hoạt động này.