Thực trạng biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh hà tĩnh (Trang 95 - 122)

Chương 3: THỰC TRẠNG PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

3.3. Thực trạng biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh

3.3.1. Xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa THTP về môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chính trị, cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền chung, cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách và các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập và cộng đồng dân cư đã xây dựng những biện pháp phòng ngừa ở những mức độ và nội dung khác nhau. Cơ bản có thể chia thành hai nhóm các biện pháp đã được xây dựng và triển khai thực hiện như sau:

3.3.1.1. Nhóm các biện pháp phòng ngừa chung tình hình tội phạm về môi trường Thứ nhất, biện pháp kinh tế - xã hội. Đây là nhóm các biện pháp được xây

dựng dựa trên các tác động bằng kinh tế và tổ chức xã hội nhằm khắc phục, hạn chế và loại trừ nguyên nhân, điều kiện của THTP về môi trường trong đời sống xã hội.

Nội dung cốt lõi của biện pháp này là tập trung phát triển đời sống kinh tế, xã hội, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao dân trí và nhận thức về BVMT, xoá bỏ những tiêu cực từ thiếu thốn, nghèo đói, lệ thuộc tự nhiên và thất nghiệp. Từ đó giảm thiểu, tiến tới xoá bỏ THTP về môi trường ra khỏi đời sống xã hội.

Trên cơ sở tính chất đó, bên cạnh việc triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, hệ thống chính trị và xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều biện pháp phát triển kinh tế, xã hội như:

- Chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là chương trình lớn về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo đó, Hà Tĩnh định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo tiêu chí: khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 10% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ 45%; khu vực dịch vụ chiếm 35% thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm chiếm 10%. Đồng thời, cơ cấu xã hội cũng đạt được mục tiêu: 45% dân cư sinh sống tại đô thị và 55% sinh sống tại khu vực nông thôn [53]. Chương trình chuyển

đổi cơ cấu kinh tế, xã hội này có tác động vĩ mô rất lớn đến phòng ngừa THTP về

môi trường. Cụ thể, việc gia tăng đóng góp GRDP của các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và thuế sản phẩm đồng thời sẽ gia tăng lực lượng lao động trong các lĩnh vực này. Từ đó giải quyết được vấn đề thất nghiệp. Đồng thời, việc giảm cơ cấu của các ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp… sẽ giảm quy mô của các ngành nghề kể trên. Đây là nhóm ngành nghề có tỷ lệ tội phạm về môi trường cao nhất. Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ cấu dân cư giữa thành thị và nông thôn cũng có ý nghĩa trong giảm thiểu THTP về môi trường do trên thực tiễn, tỷ lệ tội phạm về môi trường ở nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị.

- Chương trình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn.

Đây là biện pháp phòng ngừa THTP nói chung và THTP về môi trường nói riêng vì giải quyết được vấn đề căn cơ là tình hình thất nghiệp của bộ phận thanh niên nông thôn. Biện pháp này được triển khai trên cơ sở sự phối hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn, chương trình đào tạo và đầu ra cho lao động, còn có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn và đại diện các làng nghề. Phương thức hoạt động của đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là “cầm tay chỉ việc” với tính chất miễn phí. Nghĩa là các thanh niên nông thôn thuộc đối tượng tham gia của chương trình sẽ được tài trợ tiền học, các lớp sẽ được tổ chức ngay tại địa phương hoặc ngay tại doanh nghiệp bao tiêu việc làm đầu ra. Chương trình sẽ được các đối tác biên soạn phù hợp với yêu cầu và tính chất công việc đầu ra của công ty, doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, tựu chung lại các chương trình đều đào tạo kỹ năng thực hành để người được đào tạo có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo. Thực hiện biện pháp này đảm bảo vừa giúp thanh niên nông thôn có được những kiến thức ngành nghề miễn phí mà còn đảm bảo được công việc ổn định, cải thiện được đời sống kinh tế và từ đó cải thiện được tư duy của các thế hệ sau này.

Đồng thời cũng sẽ làm giảm đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường xuống do trên thực tế đây là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu số người bị khởi tố vì các hành vi phạm tội về môi trường.

- Chương trình hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ con giống, cây giống và kỹ thuật nuôi trồng, canh tác cho phụ nữ nông thôn. Đây là biện pháp có tính chất giống với đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ đối tượng hướng tới của chương trình là phụ nữ nông thôn và mục tiêu tạo ra điều kiện làm việc tại chỗ cho họ. Biện pháp này được chủ trì thực hiện bởi Sở Lao động –

Thương binh và Xã hội và Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, nguồn lực của chương trình bao gồm vật lực, nhân lực và trí lực được tài trợ bởi Ngân hàng Châu

Á và các tổ chức phi lợi nhuận khác. Phụ nữ nông thôn sẽ được tiếp cận vay vốn với lãi suất 0% trong từ 10 đến 20 năm để đầu tư phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp. Ngoài ra, hàng năm các gói tài trợ cũng sẽ cung ứng vật nuôi giống như: gà, lợn, bò, dê… và cây trồng giống như: cỏ sữa, ngô cao sản, dâu tằm, vú sữa hoàng kim, lạc cao sản… Biện pháp này giúp cho người phụ nữ nông thôn ổn định sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống kinh tế, tư duy và hoạt động kinh tế khai thác môi trường tự nhiên từ đó cũng có xu hướng giảm đáng kể.

- Chương trình sản xuất nông nghiệp khép kín. Đây là chương trình mang đến nhiều thay đổi cho bộ mặt kinh tế nông thôn, khi đã giúp người dân giàu lên nhờ canh tác nông nghiệp, từ đó gắn bó chặt chẽ hơn với hoạt động sản xuất thay vì phụ thuộc vào đời sống kinh tế môi trường tự nhiên. Đặc biệt giảm thiểu rõ rệt một bộ phận dân cư lệ thuộc vào kinh tế rừng. Chương trình này được triển khai chủ yếu ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh với nội dung: chính quyền sẽ đứng ra làm trung gian liên kết giữa nông dân và nhà máy, theo đó nhà máy sẽ cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình canh tác. Nông dân sẽ tiến hành canh tác theo đúng quy trình và thu hoạch, bán lại cho nhà máy với giá đã ký kết mà không phụ thuộc vào giá cả thị trường tại thời điểm bán. Quy trình khép kín này giúp người nông dân không cần nguồn vốn để sản xuất, đồng thời cũng không lo đầu ra cho sản phẩm cũng như những biến động khác của thị trường. Nhà máy cũng được lợi khi có nguồn cung đầu vào ổn định và kiểm soát được chất lượng nhờ tự đề ra quy trình canh tác và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Chương trình này sẽ giúp đời sống kinh tế của nông dân được đảm bảo, đồng thời việc canh tác yêu cầu tập trung, khiến cho người dân không còn ý định về khai thác môi trường tự nhiên và cũng có ý thức BVMT canh tác nông nghiệp.

- Bên cạnh các chương trình phát triển kinh tế, xã hội nhằm phòng ngừa về lâu dài THTP về môi trường, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội còn xây dựng các biện pháp ngắn hạn, chủ yếu khắc phục những thiếu thốn vật chất của người dân trong những giai đoạn nhất định như: Chương trình “Tết vì người nghèo” được xây dựng với kế hoạch thường niên nhằm trợ giúp người nghèo về vật chất và tinh thần đón Tết Nguyên đán hàng năm. Biện pháp này có ý nghĩa giúp khắc phục được sự túng quẫn tạm thời ở thời điểm Tết Nguyên đán, tránh việc người dân khai thác môi

trường tự nhiên để tìm kiếm sinh kế; Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa;

Chương trình cứu trợ lương thực và đồ dùng cá nhân khi có thiên tai; Chương trình

“Áo ấm mùa đông”… Các chương trình mặc dù có nhiều nội dung và cách thức triển khai khác nhau, nhưng tựu chung lại hướng tới cải thiện đời sống vật chất của người dân để giảm bớt sự lệ thuộc vào môi trường tự nhiên, đồng thời cũng giúp củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền, từ đó tạo ra những tiền đề tích cực cho triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa THTP về môi trường.

Thứ hai, biện pháp văn hoá - tư tưởng. Đây là các biện pháp được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân trong phòng ngừa THTP về môi trường. Cụ thể, đối với hệ thống chính trị là các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và các cơ quan, tổ chức chuyên trách và các cơ quan bảo vệ pháp luật duy trì được nhận thức về phòng ngừa THTP về môi trường với các nội dung như: tính cần thiết, trách nhiệm phòng ngừa, nguyên tắc phòng ngừa và các biện pháp phòng ngừa. Chính những nhận thức này là cơ sở để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thực hiện phòng ngừa hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Đối với người dân là cá nhân, cộng đồng xã hội hay các tổ chức doanh nghiệp, HTX, tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh… có được những nhận thức đầy đủ về BVMT, về hậu quả của việc xâm phạm môi trường và ý nghĩa của công tác phòng ngừa THTP về môi trường để kiềm chế các hành vi tiêu cực, tích cực chấp hành pháp luật, từ đó hạn chế, đi đến loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi phạm tội về môi trường nói riêng. Các biện pháp này được xây dựng thành hai nhóm biện pháp nhỏ gồm: Biện pháp thông qua các hoạt động văn hoá, giáo dục và Biện pháp thông qua hoạt động tuyên truyền:

- Biện pháp thông qua các hoạt động văn hoá, giáo dục: các biện pháp thuộc nhóm này được xây dựng nhằm mục đích sử dụng phương tiện là các hoạt động văn hoá và giáo dục để chuyển tải các thông tin, tri thức về BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường ở nghĩa ngắn hạn. Đồng thời dài hơn, các biện pháp này hướng tới tích cực tổ chức các hoạt động văn hoá, giáo dục nhằm nâng cao dân trí nói chung, từ đó cải biến tư duy của các thế hệ công dân sau này. Sự nâng cao về dân trí sẽ đảm bảo phòng ngừa THTP nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng trở nên tự thân và hiệu quả hơn. Các biện pháp này bao gồm:

+ Tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ cộng đồng có nội dung về BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường như: các hội diễn văn nghệ tại

trường học, khu dân phố, xí nghiệp, cộng đồng dân cư… Các hoạt động này không chỉ thu hút các thành viên tham gia mà còn có ý nghĩa rất lớn khi tạo ra được hiệu ứng nhận thức rất lớn đối với người xem.

+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi sáng kiến, thi chế tạo phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới an toàn với môi trường, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường… các cuộc thi này được tổ chức trong trường học các cấp, đặc biệt là các trường đào tạo nghề như: Cuộc thi tìm hiểu về pháp luật về BVMT trong các trường Trung học trên địa bàn tỉnh, Cuộc thi Ý tưởng xe xanh được tổ chức trong khối các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; Cuộc thi viết thư về chủ đề biến đổi khí hậu trong các tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh… Các cuộc thi này có đặc điểm thu hút được nhiều người tham gia do có cơ cấu giải thưởng hấp dẫn, đồng thời cũng được thu phát sóng, đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng của tỉnh một cách khoa học, bài bản.

+ Tổ chức các lớp cập nhật kiến thức pháp lý, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước về môi trường phù hợp với từng nhóm đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, lực lượng cảnh sát, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan tư pháp…

Các lớp bồi dưỡng được tiến hành thông qua Sở Nội vụ và thông qua hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ của hệ thống ngành dọc. Các lớp này được triển khai với hai nội dung cơ bản: thứ nhất, cập nhật quan điểm, tư tưởng, nhận thức chính trị về công tác phòng ngừa THTP về môi trường và cập nhật các quy định của pháp lý về các nội dung liên quan đến phòng ngừa THTP về môi trường; thứ hai, các lớp tập huấn chuyên sâu kỹ năng nghiệp vụ về phòng ngừa THTP về môi trường cho từng nhóm đối tượng riêng biệt như: cảnh sát, kiểm lâm, kiểm sát viên… Cả hai dạng lớp kể trên được xây dựng kế hoạch thường niên và đột xuất. Trong đó các lớp đột xuất được bố trí chủ yếu là những lớp cập nhật pháp lý.

+ Tổ chức lồng ghép các kiến thức giáo dục về môi trường, BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường trong các trường học, các cấp học. Đây là phương pháp nhằm xây dựng nhận thức và ý thức của thế hệ trẻ về phòng ngừa THTP về môi trường. Việc lồng ghép được thực hiện bằng các giờ sinh hoạt công dân, ngoại khoá hoặc các hoạt động giáo dục bằng thăm quan thực tiễn. Tuỳ vào từng cấp học sẽ có những nội dung lồng ghép khác nhau, nhưng chú trọng vào các đối tượng là học sinh trung học phổ thông và sinh viên các trường đào tạo nghề.

+ Tổ chức các phiên toà lưu động tại những nơi là điểm nóng của THTP về môi trường. Đây là biện pháp giáo dục mang tính răn đe thiết thực nhất đối với nhận thức của cộng đồng. Các vụ án được lựa chọn là những vụ án mang tính “điểm” với hành vi phạm tội là hành vi phổ biến hoặc các hành vi đặc biệt nguy hiểm đối với vấn đề BVMT. Phiên toà lưu động sẽ được xét xử tại sân UBND xã, hoặc sân bãi của các nhà văn hoá thôn, bản. Tuỳ vào tính chất vụ án, thành phần dự thính phù hợp sẽ được huy động tham gia, ví dụ vụ án do người chưa thành niên thực hiện sẽ phù hợp cho việc giáo dục nhận thức của bộ phận học sinh, sinh viên và gia đình; vụ án có tội danh Huỷ hoại rừng sẽ huy động những người hoạt động kinh tế nương rẫy, có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên…

- Biện pháp thông qua hoạt động tuyên truyền. Đây là nhóm các biện pháp phòng ngừa THTP về môi trường thông qua hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, quan điểm và ý thức của người dân, của xã hội đối với vấn đề phòng ngừa THTP về môi trường. Các biện pháp cụ thể được xây dựng bao gồm:

+ Phát thanh và truyền hình thường xuyên theo kế hoạch hằng năm các bản tin, phim tài liệu về BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường. Đây là biện pháp được giao cho đài truyền hình và phát thanh của tỉnh và các huyện. Nội dung các bản tin, phim tài liệu bao gồm: các điển hình trong vi phạm pháp luật về BVMT; các tấm gương điển hình trong phòng ngừa THTP về môi trường; phim tài liệu về quá trình tố tụng một vụ án điển hình về môi trường… Trong đó, biện pháp truyền hình dựa trên kênh truyền hình địa phương HTTV (Hà Tĩnh Tivi) và biện pháp phát thanh dựa vào hệ thống phát thanh xã, phường được triển khai rộng rãi và triệt để.

Các khung giờ phát thanh cũng được lựa chọn hợp lý và được lặp lại để đảm bảo bao phủ được tối đa các đối tượng hướng tới.

+ Tổ chức hội thảo khoa học, mít tinh, cổ động về vấn đề BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường. Các biện pháp này được giao cho khối các tổ chức chính trị - xã hội và khối các trường học. Cụ thể, hàng năm các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo về BVMT nhằm tuyên truyền giá trị của việc BVMT đến các thành viên của tổ chức và cộng đồng. Đối với các trường học, tuỳ vào cấp học sẽ tổ chức mít tinh hoặc cổ động về nội dung BVMT. Cổ động thường được sử dụng nhiều với phương thức tuần hành trong khu dân cư. Các hoạt động này có giá trị tuyên truyền rộng, góp phần chuyển tải các nội

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh hà tĩnh (Trang 95 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(182 trang)
w