Chương 2: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN TỪ NĂM 2009 ĐẾN NĂM 2017
2.3. Chương trình và các hoạt động giáo dục
2.3.2. Hoạt động giáo dục
Hoạt động giáo dục bao gồm các hoạt động trong giờ lên lớp và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tự học (của học sinh) nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động. Trong đó bao gồm:
Hoạt động giáo dục trong giờ lên lớp được tiến hành thông qua việc dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình giáo dục của cấp học THCS do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Chúng ta có thể hiểu đó là quá trình dạy học, quá trình này là một hệ toàn vẹn gồm hoạt động dạy và hoạt động học luôn luôn tương tác với nhau, thâm nhập vào nhau, sinh thành ra nhau. Sự tương tác giữa dạy và học mang tính chất cộng tác, trong đó dạy học giữ vai trò chủ đạo.Quá trình dạy học phải đảm bảo cùng lúc ba sự thống nhất:
Thống nhất giữa dạy và học; thống nhất giữa truyền đạt với chỉ đạo trong giảng dạy; thống nhất giữa lĩnh hội và tự chỉ đạo trong học.
Hoạt động dạy và hoạt động học có mục tiêu rõ ràng, có nội dung nhất định, do các chủ thể là thầy cô giáo và học sinh thực hiện, với những phương pháp, phương tiện cụ thể để sau một chu trình vận động, các hoạt động dạy và học đạt tới những kết quả mong muốn.
Từ năm 2009 đến 2017, đội ngũ giáo viên THCS thành phố Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức các hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn trong giờ lên lớp theo quy định của Chương trình giáo dục THCS của Bộ GD&ĐT đề ra, đảm bảo hiệu quả, cân đối, hài hòa giữa dạy học các môn học và hoạt động giáo dục; giữa dạy học theo lớp, nhóm và cá nhân; bảo đảm chất lượng giáo dục chung cho mọi đối tượng và tạo điều kiện phát triển năng lực cá
nhân của học sinh. Đồng thời góp phần hoàn thiện, rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Giáo viên đã tích cực lựa chọn, vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, các hoạt động giáo dục phù hợp với tiết học, môn học, năng lực, trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh trong lớp, giữa các nhóm học sinh và học sinh giữa các lớp...
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là những hoạt động được tổ chức ngoài giờ học của các môn trên lớp. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là sự tiếp nối quá trình dạy - học trên lớp, là con đường gắn lí thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động của học sinh.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là việc tổ chức giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn của học sinh về khoa học - kỹ thuật, lao động công ích, hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo, văn hóa văn nghệ, thẩm mĩ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí… để giúp các em hình thành và phát triển nhân cách (đạo đức, năng lực, sở trường…).
Nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động giáo dục trong việc nâng cao chất lượng quá trình dạy và học trong sự nghiệp giáo dục. Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên THCS của địa bàn thành phố Thái Nguyên đã rất trú trọng, quan tâm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục.
Bên cạnh các hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định, giáo viên còn thường xuyên trao đổi, tìm tòi, vận dụng và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để thu hút, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Ngành còn tập trung chỉ đạo các trường THCS đẩy mạnh giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động từ thiện, thể thao, vui chơi, tham quan, du lịch, giao lưu văn hoá… và các hoạt động xã hội khác phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THCS nhằm phát triển toàn diện và bồi dưỡng năng khiếu cho các em học sinh.
Để các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao thì công tác kế hoạch tài chính, tăng cường cơ sở vật chất được quan tâm đã góp phần trạng bị đầy đủ
trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; công tác xã hội hóa đạt được nhiều kết quả góp phần chung tay cùng nhà trường tổ chức cho học sinh THCS tổ chức các hoạt động ngoại khóa về khoa học - kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao, an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội... đảm bảo an toàn, hiệu quả cao trong quá trình thực hiện, góp phần hoàn thiện kiến thức, kỹ năng sau khi được tiếp thu các hoạt động giáo dục trong lớp học.
Bên cạnh quá trình dạy - học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trường THCS và đội ngũ cán bộ, giáo viên bậc THCS Thành phố thường xuyên hướng dẫn, khích lệ hoạt động tự học của các em học sinh nhằm giúp các em nhận thức được “Tự học” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ, nhân cách của bản thân. Khả năng tự học cao góp phần quan trọng đến kết quả học tập của các em. Hoạt động tự học dưới góc độ tâm lý được biểu hiện ở các thành tố nhận thức, thái độ, kỹ năng. Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc tự học của học sinh, trong đó yếu tố giáo viên và phương pháp dạy học của giáo viên có ảnh hưởng rất nhiều đến việc tự học của các em.
Đặc biệt, để đạt được những kết quả đó, ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên đã quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng. Qua đó góp phần khích lệ, động viên giáo viên và học sinh hăng hái học tập, giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục bậc THCS.
Tiểu kết chương 2
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Bộ giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố Thái Nguyên và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ngành Giáo dục Thành phố ngày càng được củng cố và phát triển, khẳng định được vị thế, vai trò của mình là trung tâm giáo dục của vùng núi Bắc bộ.
Mạng lưới trường lớp bậc THCS thành phố được bố trí, phân bổ hợp lí, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các địa phương trên địa bàn thành phố, đảm bảo mỗi xã, phường có 01 trường THCS, đảm bảo duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn thành phố. Tính đến năm 2017, thành phố Thái Nguyên có 35 trường THCS công lập và 02 trường Phổ thông cơ sở (01 trường công lập 915 Gia Sàng, 01 trường dân lập - tư thục Nguyễn Trãi), trong đó đã có 31/37 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên bậc THCS có tổng số 1113 giáo viên, trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn, có trình độ chuyên môn, kiến thức, phẩm chất đạo đức đáp ứng với yêu cầu của ngành.
Bậc giáo dục THCS Thành phố đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Sở Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục bậc THCS do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên THCS Thành phố thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tự học, tự nghiên cứu nhằm xây dựng cho bản thân vững vàng về kiến thức, đa dạng trong phương pháp nhằm tổ chức hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao, thu hút được học sinh tham gia học tập, đảm bảo theo đúng điều kiện thực tiễn của nhà trường nơi công tác, năng lực, trình độ của học sinh trên cơ sở nhất quán thực hiện đầy đủ nội dung chương trình Bộ giáo dục và đào tạo quy định.
Chương 3