Chương 3: NHỮNG KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN (2009-2017)
3.4. Bài học kinh nghiệm và một số đánh giá, đề xuất của tác giả
3.4.2. Một số đánh giá, đề xuất của tác giả
Thực trạng chất lượng giáo dục THCS hiện nay tại thành phố Thái Nguyên có những điểm chung với giáo dục THCS cả nước, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được trong thời gian vừa qua, chất lượng giáo dục chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu đào tạo của con người và nhu cầu phát triển của xã hội. Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận và nêu ra:
Chương trình quá rộng và quá nặng cùng với chế độ thi cử nặng nề, cộng thêm bệnh thành tích vẫn còn tồn tại và cách quản lí theo kiểu cầm tay, chỉ việc đã gây ra áp lực lớn đối với thầy và trò. Chế độ làm việc của giáo viên căng thẳng, dạy và học ở trường không đủ phải tranh thủ dạy và học thêm một cách tràn lan.
Học sinh hầu như không còn thời gian để tự tư duy và tìm hiểu kiến thức, nhiều em do áp lực quá lớn của khối kiến thức nên chỉ có một cách duy nhất là học thuộc lòng để thi. Tình trạng này tạo thành thói quen không tốt cho người học.
Tình trạng học đối phó ngày càng phát triển, nó gây ra những tác hại vô cùng lớn đối với thế hệ trẻ không những khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn thâm nhập vào cuộc sống của các em sau này.
Một hệ quả mà chúng ta không lường được là với chương trình học nhồi nhét và thi cử nặng nề đã lấy đi tuổi thơ của thế hệ trẻ và tác động không nhỏ đến sức khỏe, thể chất của học sinh làm ảnh hưởng đến thái độ học tập, làm việc của các em sau này.
Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THCS thành phố Thái Nguyên trong thời gian tới, theo nhận thức, trình độ và qua quá trình nghiên cứu về giáo dục bậc THCS của thành phố Thái Nguyên, cá nhân tôi xin đề xuất một số nội dung sau:
Một là, thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ trong việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên.
Hai là, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, qua đó yên tâm công tác, đồng thời phòng chống được các hành động, hoạt động tiêu cực khác trong giáo dục.
Ba là, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới, công cuộc CNH, HĐH của đất nước, trong thời kì hội nhập, phát triển; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Bốn là, nâng cao nhận thức cho các tổ chức trực thuộc Trường, nhận thức của phụ huynh học sinh để công tác phối hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình, xã hội được hiệu quả, thiết thực.
Năm là, đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với chương trình, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, địa phương và năng lực của học sinh. Trong đó:
- Đối với đội ngũ quản lí giáo dục: Quản lí nhà trường cần đôn đốc giáo viên thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, đổi mới từ giáo án đến cách dạy; tăng cường sử dụng giáo án điện tử để thu hút học sinh, làm cho học sinh thực hiện nhiều hơn, tích cực hơn, gây hứng thú học tập cho học sinh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ quản lí, trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu trong quản lí...
- Đối với giáo viên: Không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lí luận chính trị. Nắm bắt đầy đủ, cụ thể mỗi học sinh trong lớp mình giảng dạy để kịp thời nhắc nhở những học sinh có hiện tượng chây lười trong học tập và thay đổi phương pháp giáo dục, dạy học cho phù hợp với các em học sinh; sẵn sàng phụ đạo cho những em học sinh yếu kém theo kế hoạch của nhà trường vạch ra từ đầu năm học; tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để giáo dục học sinh...
Sáu là, giáo dục, tuyên truyền cho học sinh tự xác định động cơ thái độ học tập của bản thân. Học để làm gì? để chiếm lĩnh tri thức của loài người, biến kiến thức đó thành kiến thức của mình; học tập để lập thân, lập nghiệp nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chăm lo cho gia đình. Chiếm lĩnh kiến thức để sau này các em có thể cống hiến, đóng góp công sức của mình xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng đất nước giàu mạnh...
Nâng cao ý thức tự giác, chăm chú nghe giảng, chịu khó tìm tòi, luyện tập vận dụng kiến thức và ý trí vươn lên dưới sự hướng dẫn của giáo viên...
Bảy là, học sinh THCS là độ tuổi có nhiều sự thay đổi về tâm, sinh lí do đó bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các phong trào, văn bản chỉ đạo của cấp trên để phát triển giáo dục, trang bị kiến thức cho học sinh, Nhà trường THCS cần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phổ cập giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính... tổ chức các hoạt động giáo dục thiết thực, thu hút đông đảo học sinh tham gia; phối hợp nhịp nhàng với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là gia đình để giáo dục học sinh đúng phương pháp, đúng cách...
Tiểu kết chương 3
Đến năm 2017, thành phố Thái Nguyên có 35 trường THCS công lập và 02 trường Phổ thông cơ sở (01 trường công lập 915 Gia Sàng, 01 trường dân lập - tư thục Nguyễn Trãi) với 444 lớp học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học (máy tính, máy chiếu…), đồ dùng học tập được đầu tư, trang bị do sự phát triển về kinh tế, sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác xã hội hóa trong phát triển giáo dục. 100% các trường THCS trên địa bàn Thành phố đã không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4, đảm bảo được kiên cố hóa và đầy đủ các phòng học nhà cao tầng. Nhà công vụ cho giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Tỉnh, Thành phố Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đạt chuẩn, nâng chuẩn. Do đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. Các trường THCS của Thành phố thực hiện tốt chương trình giáo dục; các phong trào thi đua; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các tổ chức xã hội trong công tác giáo dục học sinh. Tỷ lệ học sinh giỏi, khá của các trường THCS Thành phố tăng lên từng năm và từng giai đoạn;
tỷ lệ học sinh trung bình yếu ngày càng giảm. Xếp loại hạnh kiểm của học sinh THCS Thành phố đạt hạnh kiểm tốt cũng tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh THCS tốt nghiệp THCS từ 2009-2017 luôn đạt từ 98% trở lên.
Với những kết quả đã đạt được về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đội ngũ giáo viên … đã nâng chất lượng giáo dục của các trường THCS ở Thành phố.
Vì vậy, đến năm 2017, đã có 31/37 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.