Chương 3: NHỮNG KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN (2009-2017)
3.2. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
Từ năm 2009, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên như:
Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 25/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Quyết định số 1709/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 về việc phê duyệt danh mục các trường, lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố hóa giai
đoạn 2008-2012 tỉnh Thái Nguyên...; các Đề án phát triển giáo dục thành phố Thái Nguyên các giai đoạn 2006-2010; 2011-2015; 2016-2020.
Được sự quan tâm của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Thành ủy, UBND thành phố Thái Nguyên trong việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên đã phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực hoàn thành tốt các công trình, dự án được phê duyệt đầu tư, trong đó tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, đa dạng hóa và đạt chuẩn quốc gia, cụ thể:
Tổng Đề án được phê duyệt giai đoạn 2008-2012 của Thành phố Thái Nguyên là 368 phòng học, 1.242 m2 nhà công vụ cho giáo viên. Thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường THCS trực thuộc phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi trường học đặt trụ sở nghiêm túc, nỗ lực, tổ chức thực hiện Đề án.
Hằng năm, các chỉ tiêu của Đề án đề ra đều được thực hiện vượt nhanh hơn so với yêu cầu. Trong 2 năm 2008, 2009 kế hoạch được giao là 212 phòng học, 707 m2 nhà công vụ cho giáo viên với tổng số vốn đầu tư là 26.750 triệu đồng. Ngành Giáo dục Thành phố đã thực hiện được 223 phòng học đạt 105,19% so với kế hoạch, tỷ lệ hoàn thành so với cả đề án là 60,6%;
846 m2 nhà công vụ cho giáo viên đạt 119.66% so với kế hoạch và đạt 68,12%
tỷ lệ hoàn thành so với cả đề án; tổng số vốn được giải ngân 26.750 triệu đồng đạt 100%) [18].
Mặc dù việc thực hiện Đề án kiến cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 được thành phố Thái Nguyên về đích trước 01 năm, tuy nhiên tính đến năm 2013, vẫn còn 36 phòng học THCS thực hiện dở dang do thiếu vốn để hoàn thiện [22, tr2].
Giai đoạn 2014-2015, bậc THCS đã tiếp tục kiên cố hóa, xây dựng mới được 22 phòng học với tổng số vốn được phê duyệt đầu tư 7.380 triệu đồng
(trong đó: vốn trái phiếu Chính phủ: 5.680 triệu đồng; ngân sách khác: 1.700 triệu đồng). 558 m2 nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng với số vốn 100 triệu đồng [22]. Kết quả năm học 2015-2016, bậc THCS thành phố Thái Nguyên khối công trình đã được kiên cố hóa hiện có tại các trường THCS công lập là 306 phòng học, 111 phòng học bộ môn, 87 khối phòng phục vụ học tập và 210 khối phòng hành chính quản trị, 95 nhà vệ sinh các loại.
Với danh mục các dự án, công trình đã được phê duyệt bổ sung, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên tham mưu, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền phê duyệt mức kinh phí 36.960 triệu đồng để tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, trong đó dành 5.040 triệu đồng đầu tư vào bậc THCS thành phố [23].
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chủ động trong công tác thực hiện giám sát, quản lý chất lượng xây dựng các công trình theo đúng quy định;
thực hiện đầu tư, giải ngân đúng tiến độ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu sử dụng và quyết toán vốn đầu tư ngay khi đưa vào sử dụng. Tập trung huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn lực khác trong và ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án.
Như vậy đến năm 2015, 100% các trường THCS thành phố Thái Nguyên đã được kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. 100% các trường THCS không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 và đã được kiến cố hóa có nhà cao tầng. Sự thành công trong công tác kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên của thành phố Thái Nguyên đã tạo điều kiện để UBND tỉnh có thể phân bổ, ưu tiên cấp kinh phí kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên cho các địa phương có nhiều khó khăn khác trong tỉnh như: Huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa, huyện Đại Từ, huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Bình, huyện Phú Lương.
Việc xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc gia đã được Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và Phòng Giáo dục và Đào tạo
thành phố Thái Nguyên thực hiện hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thành phố. Hệ thống cơ sở vật chất xây dựng cơ bản đảm bảo đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được học bán trú tại trường.
Năm học 2016-2017, Bậc THCS thành phố Thái Nguyên có 28 trường công lập; 02 trường phổ thông cơ sở (01 trường công lập; 01 trường dân lập). Cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu học tập của 12.996 học sinh với 337 lớp học.
Đến năm 2017, mạng lưới trường lớp bậc THCS tiếp tục được củng cố, đầu tư phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Năm 2017 thực hiện Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 ngày 18/8/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng Giáo dục các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình tổ chức công tác tiếp nhận, bàn giao 23 trường mầm non, tiểu học, THCS, tiếp nhận 686 cán bộ, giáo viên và 9.938 học sinh về thành phố Thái Nguyên.
Tính đến năm học 2017-2018 Bậc THCS thành phố Thái Nguyên có 35 trường công lập và 02 trường phổ thông cơ sở nhiều cấp học (01 trường công lập; 01 trường dân lập), 444 lớp với 17.044 học sinh.
Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục triển khai các bước thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án đã được phê duyệt như: Đề án phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020; Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020; tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia hằng năm.
Năm học 2017-2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 9/2/2017 về kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2017; Quyết định số 644/QĐ-UBND ngày 31/1/2018 về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2018; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các phường, xã chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch của thành phố.
Thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”, việc củng cố, xây dựng cơ sở vật chất các trường học được thực hiện theo kế hoạch từng năm và cả giai đoạn. Mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2016-2020, bậc THCS thành phố sẽ được đầu tư, xây mới 30 phòng học với số vốn 15.000 triệu đồng; xây mới 15 phòng học bộ môn với số vốn 4.500 triệu đồng và sửa chữa 15 phòng học, phòng học bộ môn với số vốn 2.250 triệu đồng [49].
Trong năm 2017, Thành phố xây dựng được 73 phòng học, xây mới 02 bếp ăn bán trú, xây mới 3 nhà hiệu bộ, cải tạo sửa chữa 12 phòng học cho các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập với tổng kinh phí dự toán 111,494 tỷ đồng; năm 2018 tiếp tục đầu tư xây dựng 206 phòng học, 24 phòng chức năng cho các trường mầm non, tiểu học, THCS với tổng kinh phí dự toán đầu tư là 233,9 tỷ đồng [33, tr. 17-18].
Bên cạnh việc nhận được sự đầu tư từ Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, ngành Giáo dục Thành phố được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố và quần chúng nhân dân trên địa bàn đã tham gia đóng góp, huy động nhiều nguồn lực hợp pháp khác để kiên cố hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển giáo dục; duy trì được hiệu quả phân bố hệ thống cơ sở vật chất các trường công lập, đảm bảo nhu cầu học tập của con em các địa phương trên địa bàn thành phố.
Bảng 3.7. Ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục thành phố Thái Nguyên qua các giai đoạn
Năm Giai đoạn 2006-2010
Giai đoạn 2011-2015
Giai đoạn 2016-2020
(Dự kiến) (Nguồn: Các Đề án phát triển giáo dục thành phố Thái Nguyên)
Kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012; giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến 2020 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Cộng với đó là hiệu quả việc triển khai thực hiện các Đề án phát triển giáo dục của thành phố Thái Nguyên đã xóa bỏ hoàn toàn tình trạng học tăng ca, học ghép và học tạm tại các phòng học tạm, phòng học cấp 4; cơ bản giải quyết được chỗ ở, làm việc cho giáo viên. Cơ sở hạ tầng giáo dục từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, kiên cố hóa các công trình cơ sở vật chất xây dựng cơ bản. Các trường THCS của Thành phố được đầu tư thiết bị dạy học để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
Bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác từ công tác xã hội hóa, thành phố Thái Nguyên đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, chuẩn quốc gia nhằm xây dựng môi trường học tập đầy đủ cho học sinh. Ngành đã yêu cầu các trường THCS trên địa bàn thành phố đưa vào sử dụng các trang thiết bị dạy và
học hiện đại như máy vi tính, máy chiếu, các thiết bị nghe nhìn... Thiết bị dạy và học cho các môn giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hướng nghiệp dạy nghề cũng được quan tâm đầu tư. Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Các trường được đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học; xây dựng các phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa năng, vườn trường; vận động, huy động mọi nguồn lực để trang bị đầy đủ thiết bị học tập cho học sinh như máy tính, dụng cụ thể thao...
Từ năm 2009 đến 2017, tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố đã có các phòng máy, có thư viện và tủ sách giáo khoa dùng chung. 100% tất cả các trường THCS có phòng y tế học đường, tủ thuốc để cấp phát thuốc và dụng cụ y tế để tiến hành các hoạt động sơ cứu khi cần thiết. Các trường đều có giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ, có cán bộ làm công tác y tế để làm nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cứu ban đầu cho học sinh, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục và sức khỏe của học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên còn thường xuyên chỉ đạo các trường THCS đẩy mạnh tự kiểm tra, rà soát trang thiết bị dạy học tại các trường để có kế hoạch sửa chữa và bổ sung kịp thời theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đã ban hành theo Thông tư số 19/2009/TT-BGDĐT ngày 11/8/2009 và Thông tư số 01/2010/TT-BGDĐT ngày 18/01/2010. Thực hiện nghiêm túc Công văn số 7842/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 28/10/2013 về việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, học liệu các cơ sở giáo dục đào tạo. Tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015” theo Quyết định số 4045/QĐ-BGDĐT ngày 16/9/2010 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo và chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện để đảm bảo việc dạy và học có chất lượng.