Hệ thống KSNB theo Báo cáo COSO 2013

Một phần của tài liệu Nâng cao hoạt động kiểm soát nội bộ đối với công tác quản lý rủi ro trong thực hiện nghiệp vụ hải quan tại cục hải quan tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 34 - 37)

Chương 1: TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TRONG

1.1. Tổng quan về Hệ thống KSNB

1.1.4. Hệ thống KSNB theo Báo cáo COSO 2013

Từ khi ban hành vào năm 1992, sau hơn 20 năm, nội dung COSO không chỉ phục vụ cho công tác tài chính, kế toán mà còn mở rộng đối với phạm vi toàn doanh nghiệp. Những thay đối cơ bản của văn bản mới ban hành tập trung vào 7 điểm chính như sau:

Thứ nhất, COSO 2013 nêu rõ cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc khi xây dựng khuôn mẫu KSNB. Với cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc, báo cáo COSO 2013 không liệt kê các kiểm soát mà một hệ thống KSNB của đơn vị cần phải có, thay vào đó, COSO 2013 nêu ra những yêu cầu phải tuân thủ, còn việc lựa chọn những kiểm soát nào để đạt được yêu cầu là tùy vào xét đoán của nhà quản lý và những đặc điểm riêng của đơn vị. Cách tiếp cận này làm tăng tính linh động cho việc áp dụng COSO vào những tổ chức có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc này của COSO cũng phù hợp với xu thế chung hiện nay trên thế giới như IFAC với bộ Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISA ban hành năm 2009.

Thứ hai, COSO 2013 bổ sung những yêu cầu của một hệ thống KSNB hữu hiệu.

Theo đó một hệ thống KSNB hữu hiệu phải đảm bảo 5 bộ phận và các nguyên tắc tương ứng phải vận hành trên thực tế. Không thể lấy sự hữu hiệu của bộ phận này để bù đắp cho sự yếu kém hay không tồn tại của bộ phận khác. Yêu cầu này tạo thuận lợi cho việc đánh giá sự hữu hiệu của hệ thống KSNB.

Thứ ba, mục tiêu báo cáo được mở rộng. Mục tiêu báo cáo không chỉ cho bên ngoài mà cho cả bên trong, không chỉ báo cáo tài chính mà còn cả chi phí tài chính.

Điều này nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của các bên liên quan về năng lực

điều hành và trách nhiệm giải trình của nhà quản lý, trong đó có trách nhiệm báo cáo, quản trị rủi ro, ngăn chặn và phát hiện gian lận tại đơn vị.

Thứ tư, COSO 2013 làm rõ vai trò của việc xác lập mục tiêu và ảnh hưởng của các đối tượng bên ngoài đến việc xác lập mục tiêu của đơn vị. Mặc dù vẫn duy trì quan điểm xác lập mục tiêu là tiền đề của KSNB, COSO 2013 mở rộng nội dung là cụ thể hóa mục tiêu và xem xét sự phù hợp của các mục tiêu được xác lập. Ngoài ra, COSO 2013 cũng thừa nhận vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức lập quy trong việc xác lập mục tiêu của đơn vị cũng như các tiêu chuẩn đánh giá và yêu cầu báo cáo về những khiếm khuyết của KSNB.

Thứ năm, những nội dung cơ bản liên quan đến 5 bộ phận của KSNB được tổng hợp thành 17 nguyên tắc KSNB. Có thể thấy đây là thay đổi đáng kể so với báo cáo năm 1992. Trong những báo cáo trước, những nguyên tắc này nằm lẫn trong nội dung của Báo cáo và không được nêu tên một cách cụ thể. Có thể thấy 17 nguyên tắc này là bộ xương của hệ thống KSNB không chỉ để dễ dàng hơn cho nhà quản lý mà còn cho các đối tượng khác bên ngoài doanh nghiệp trong việc thiết lập và đánh giá hệ thống KSNB.

Thứ sáu, COSO 2013 mở rộng phần thảo luận về quản trị doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến hội đồng quản trị. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn của xã hội về việc quản trị doanh nghiệp, qua đó cũng cho thấy mối quan hệ giữa KSNB và quản trị doanh nghiệp.

Thứ bảy, COSO 2013 thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ thông tin tác động tới KSNB ảnh hưởng đến hoạt động và KSNB của mỗi đơn vị về năng lực của nhà quản lý, về trách nhiệm giải trình và về việc phòng chống gian lận.

Theo các điểm mở rộng dựa trên nguyên tắc chung của KSNB chính là đảm bảo cho các tổ chức đạt được những mục đích đã đề ra dưới sự đồng thuận thực hiện của toàn bộ nhân viên trong một tổ chức. Trên nền tảng bản gốc COSO 1992, dựa vào 7 khía cạnh chính mà COSO 2013 đã điều chỉnh, từ đó bản hướng dẫn đã giới thiệu 17 nguyên tắc mở rộng theo mô hình kết cấu gồm 5 thành phần cấu thành hệ thống KSNB gồm:

1.1.4.1. Môi trường kiểm soát:

Nguyên tắc 1: Đơn vị thể hiện được cam kết về tính chính trực và giá trị đạo đức.

Nguyên tắc 2: HĐQT chứng minh được sự độc lập với nhà quản lý và thực thi việc giám sát sự phát triển và hoạt động của KSNB.

Nguyên tắc 3: Nhà quản lý dưới sự giám sát của HĐQT cần thiết lập cơ cấu tổ chức, quy trình báo cáo, phân định trách nhiệm và quyền hạn nhằm đạt được mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 4: Đơn vị phải thể hiện sự cam kết về việc sử dụng nhân viên có năng lực thông qua tuyển dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 5: Đơn vị cần yêu cầu các cá nhân chịu trách nhiệm báo cáo về trách nhiệm của họ trong việc đáp ứng các mục tiêu của tổ chức.

1.1.4.2. Đánh giá rủi ro:

Nguyên tắc 6: Đơn vị phải thiết lập mục tiêu rõ ràng và đầy đủ để xác định và đánh giá các rủi ro phát sinh trong việc đạt được mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 7: Đơn vị phải nhận diện rủi ro trong việc đạt được mục tiêu của đơn vị, tiến hành phân tích rủi ro để xác định rủi ro cần được quản lý như thế nào.

Nguyên tắc 8: Đơn vị cần xem xét các loại gian lận tiềm tàng khi đánh giá rủi ro đối với việc đạt mục tiêu của đơn vị.

Nguyên tắc 9: Đơn vị cần xác định và đánh giá những thay đổi của môi trường ảnh hưởng đến KSNB.

1.1.4.3. Hoạt động kiểm soát:

Nguyên tắc 10: Đơn vị phải lựa chọn và phát triển các hoạt động kiểm soát để góp phần hạn chế các rủi ro giúp đạt mục tiêu trong giới hạn chấp nhận được.

Nguyên tắc 11: Đơn vị lựa chọn và phát triển các hoạt động kiểm soát chung với công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu.

Nguyên tắc 12: Đơn vị tổ chức triển khai hoạt động kiểm soát thông qua nội dung các chính sách đã được thiết lập và triển khai chính sách thành các hành động cụ thể.

1.1.4.4. Thông tin và truyền thông:

Nguyên tắc 13: Đơn vị thu thập, truyền đạt và sử dụng thông tin thích hợp, có chất lượng để hỗ trợ những bộ phận khác của KSNB.

Nguyên tắc 14: Đơn vị cần truyền đạt trong nội bộ những thông tin cần thiết, bao gồm cả mục tiêu và trách nhiệm đối với KSNB, nhằm hỗ trợ cho chức năng kiểm soát.

Nguyên tắc 15: Đơn vị cần truyền đạt cho các đối tượng bên ngoài đơn vị về các vấn đề ảnh hưởng đến KSNB.

1.1.4.5. Giám sát:

Nguyên tắc 16: Đơn vị phải lựa chọn, triển khai và thực hiện việc đánh giá liên tục hoặc định kỳ để biết chắc rằng liệu những thành phần nào của KSNB có hiện hữu và đang hoạt động.

Nguyên tắc 17: Đơn vị phải đánh giá và thông báo những yếu kém của KSNB một cách kịp thời cho các đối tượng có trách nhiệm bao gồm nhà quản lý và HĐQT để có những biện pháp khắc phục.

Báo cáo COSO 2013 cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa KSNB, quản trị rủi ro DN và quản trị DN. Đánh giá và quản trị rủi ro trở thành sợi chỉ xuyên suốt cả ba cấp kiểm soát trong một đơn vị. Dù gắn liền với 5 thành phần cơ bản của KSNB nhưng 17 nguyên tắc này khác biệt cơ bản với các nhân tố tạo thành những thành phần của hệ thống KSNB theo những hướng dẫn trước đây do COSO công bố, đồng thời những nhân tố này có phạm vi rộng hơn trong toàn doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Nâng cao hoạt động kiểm soát nội bộ đối với công tác quản lý rủi ro trong thực hiện nghiệp vụ hải quan tại cục hải quan tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w