Quy trình QLRR trong hoạt động nghiệp vụ Hải quan

Một phần của tài liệu Nâng cao hoạt động kiểm soát nội bộ đối với công tác quản lý rủi ro trong thực hiện nghiệp vụ hải quan tại cục hải quan tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 41 - 47)

Chương 1: TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TRONG

1.3. QLRR trong hoạt động nghiệp vụ Hải quan

1.3.2. Quy trình QLRR trong hoạt động nghiệp vụ Hải quan

QLRR áp dụng trong hoạt động nghiệp vụ hải quan được thực hiện theo quy trình gồm năm bước như sau:

1.3.2.1. Thu thập thông tin rủi ro và xây dựng, quản lý áp dụng tiêu chí QLRR

Cơ quan Hải quan xây dựng cơ chế, tổ chức thu thập thông tin phục vụ QLRR bao gồm: Tiếp nhận thông tin về hàng hóa XNK trước khi đến hoặc rời cảng, cửa khẩu; Tiếp nhận thông tin khai hải quan đối với hàng hóa XNK; kết quả thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, giám sát hải quan, kiểm soát hải quan, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động XNK;

Thông tin vi phạm pháp luật của người thực hiện XNK; thông tin vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo định nghĩa của Bộ Tài chính tại Điều 3 Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019, “Thông tin quản lý rủi ro là thông tin hải quan được thu thập, xử lý phục vụ áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan”. Cơ quan Hải quan thu thập, phân tích các thông tin rủi ro, xây dựng tiêu chí QLRR đáp ứng yêu cầu quản lý Hải quan, quản lý thuế trong từng thời kỳ; quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan để cập nhật, kết nối chia sẻ thông tin rủi ro để phục vụ việc phân tích, đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật; thống kê, phân tích xu hướng vi phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu của các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý hoạt động XNK.

Trong quy trình áp dụng QLRR vào hoạt động nghiệp vụ Hải quan, việc thu thập thông tin, xây dựng và quản lý áp dụng tiêu chí QLRR đặc biệt quan trọng, là cơ sở để xác lập các bối cảnh áp dụng QLRR. Cơ quan Hải quan thông qua thu thập, phân tích các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc áp dụng QLRR, tiến hành phân tích, đánh giá các yếu tố liên quan đến môi trường, điều kiện tác động để xác định mục tiêu, yêu cầu quản lý, từ đó xây dựng tiêu chí QLRR thực hiện các mục tiêu, yêu cầu quản lý và dự kiến các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ QLRR trong hoạt động nghiệp vụ.

Thông tin QLRR được quản lý trên Hệ thống thu thập và xử lý thông tin QLRR, hệ thống thông tin nghiệp vụ- VCIS, Hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan, Hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM), Hệ thống thông tin vi phạm, hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế, Hệ thống thông tin kế toán thuế XNK tập trung, Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp phục vụ hoạt động KTSTQ…

1.3.2.2. Phân tích, đánh giá thông tin rủi ro

Trên cơ sở các thông tin rủi ro thu thập, tiếp nhận được, cơ quan Hải quan tiến hành phân tích, đánh giá thông tin theo ba nội dung sau:

- Xem xét độ tin cậy của nguồn thông tin: thông tin thu thập từ nguồn đáng tin cậy đảm bảo độ chính xác cao hơn, với nguồn thông tin chưa chắc chắn, cơ quan HQ cần tham khảo nhiều nguồn thông tin khác có liên quan;

- Phân tích nội dung của thông tin rủi ro thu thập, tiếp nhận được để xác định tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin cũng như tính liên quan của thông tin rủi ro trong hoạt động XNK;

- Căn cứ vào nội dung thông tin đã được kiểm định tính đầy đủ, kịp thời và độ tin cậy cao, cơ quan Hải quan tiến hành phân tích, đánh giá mức độ quan trọng của thông tin rủi ro và tính cần thiết để xác lập hồ sơ rủi ro (Hồ sơ rủi ro là hồ sơ do cơ quan Hải quan xác lập về đối tượng cụ thể có nguy cơ vi phạm pháp luật trong hoạt động XNK để quản lý và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan và các biện pháp nghiệp vụ khác, hồ sơ rủi ro là cơ sở để cơ quan Hải quan thiết lập các tiêu chí QLRR).

Cơ quan Hải quan thực hiện phân tích đánh giá thông tin rủi ro để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp XNK, đánh giá điều kiện áp dụng chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp XNK, đánh giá xếp hạng doanh nghiệp XNK, đánh giá mức độ rủi ro, phân tích khả năng xuất hiện và hậu quả rủi ro để từ đó xác định, tổng hợp danh sách rủi ro trong các lĩnh vực hoạt động. Việc đánh giá rủi ro, xếp hạng mức độ rủi ro đối với hàng hóa và người thực hiện XNK dựa trên tiêu chí QLRR, và thông tin, dữ liệu có trên hệ thống thông tin của ngành Hải quan tại thời điểm đánh giá.

1.3.2.3. Phân tích, xác định trọng điểm KTSTQ, sau thông quan và giám sát HQ đối với hàng hoá XNK

Khoản 17 Điều 3 Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 thì: “Xác định trọng điểm là việc sử dụng kết quả đánh giá tuân thủ, đánh giá rủi ro để quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh”.

Trên cơ sở tổng hợp, đối chiếu kết quả đánh giá phân loại rủi ro, cơ quan Hải quan xác định mức độ quan trọng, sự cần thiết của việc kiểm soát đối với từng loại rủi ro, từ đó đưa ra các biện pháp kiểm soát rủi ro dự kiến được áp dụng. Việc đánh giá chính xác tác động ảnh hưởng của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro là

cơ sở để cơ quan Hải quan lựa chọn biện pháp phù hợp. Trọng điểm kiểm tra đối với hàng hóa XNK bao gồm ở ba khâu: trong thông quan, sau thông quan và giám sát hải quan.

Về kiểm tra trong khâu thông quan, trên cơ sở phân tích, tổng hợp các nguồn thông tin nghiệp vụ bao gồm: Thông tin, dữ liệu rủi ro trên hệ thống thông tin của cơ quan Hải quan; thông tin về các doanh nghiệp trọng điểm; thông tin doanh nghiệp có nghi vấn vi phạm pháp luật Hải quan, pháp luật thuế; kết quả phân tích thông tin về hàng hóa XNK trước khi đến hoặc rời cảng, cửa khẩu biên giới; hay các đề nghị áp dụng các biện pháp QLRR trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK của các đơn vị có thẩm quyền, cơ quan Hải quan xác định các lĩnh vực rủi ro và các đối tượng rủi ro trong từng lĩnh vực; đối chiếu với các tiêu chí và quy định QLRR để phân loại các đối tượng trọng điểm cần lựa chọn kiểm tra trong thủ tục hải quan.

Về kiểm tra sau thông quan, theo quy định hiện hành, cơ quan Hải quan áp dụng tiêu chí QLRR lựa chọn đối tượng KTSTQ để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế trong từng thời kỳ. Việc áp dụng tiêu chí QLRR, quản lý hệ thống thông tin nghiệp vụ để xác định trọng điểm KTSTQ, bao gồm: xác lập danh sách doanh nghiệp thuộc diện KTSTQ để đánh giá tuân thủ pháp luật Hải quan, pháp luật thuế theo kế hoạch hàng năm; xác định lô hàng XNK với mức rủi ro cần tiến hành KTSTQ. Việc xác lập danh sách doanh nghiệp thuộc diện KTSTQ được thực hiện bằng việc cập nhật tiêu chí QLRR (ở hai cấp Tổng cục Hải quan và cấp Cục Hải quan) trên hệ thống thông tin nghiệp vụ; hệ thống sẽ tự động đánh giá, lập danh sách doanh nghiệp KTSTQ để đánh giá tuân thủ theo kế hoạch hàng năm, trong đó đảm bảo: Tiêu chí cấp Tổng cục lựa chọn từ 80% đến 85% số lượng doanh nghiệp theo danh sách; Tiêu chí cấp Cục lựa chọn từ 10% đến 15% số lượng doanh nghiệp theo danh sách; Hệ thống tự động lựa chọn ngẫu nhiên không quá 5% số lượng doanh nghiệp theo danh sách.

Về giám sát hải quan, Cơ quan Hải quan quản lý hệ thống thông tin nghiệp vụ, áp dụng tiêu chí QLRR để xác định hàng hóa XNK rủi ro cao cần tăng cường giám

sát hải quan, tiến hành thu thập, phân tích thông tin về hàng hóa XNK trước khi đến hoặc rời cửa khẩu và các địa điểm làm thủ tục hải quan khác theo quy định để lựa chọn đối tượng trọng điểm cần tập trung giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên địa bàn hoạt động hải quan.

1.3.2.4. Thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro

Trên cơ sở danh sách trọng điểm kiểm tra trong thông quan, sau thông quan và trọng điểm giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng kế hoạch, phương án kiểm soát rủi ro, tổng hợp, phân loại, chuyển giao danh sách đối tượng rủi ro đến các bộ phận, đơn vị để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Căn cứ vào tính chất, mức độ dấu hiệu vi phạm pháp luật Hải quan của từng lô hàng, cơ quan Hải quan có thể áp dụng một trong các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát rủi ro sau đây:

- Áp dụng biện pháp dừng thông quan đột xuất trong trường hợp lô hàng đã hoàn thành việc kiểm tra hoặc hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa đưa ra khỏi khu vực giám sát của địa bàn hoạt động hải quan khi có cơ sở xác định lô hàng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại;

- Áp dụng biện pháp KTSTQ, đối với lô hàng XNK có dấu hiệu rủi ro hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng đã hoàn thành thủ tục hải quan;

- Ghi nhận, tiếp tục theo dõi đối với các lô hàng XNK có dấu hiệu bất thường nhưng chưa cần thiết phải áp dụng hai biện pháp trên;

- Tăng cường giám sát hải quan đối với hàng hóa ra, vào địa bàn hoạt động hải quan đối với các lô hàng áp dụng một trong ba biện pháp kiểm soát rủi ro được đề cập ở trên.

1.3.2.5. Theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc áp dụng QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan

Cơ quan Hải quan thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc áp dụng QLRR một cách thường xuyên, kết hợp với kiểm tra định kỳ, đột xuất tại từng cấp, từng đơn vị Hải quan nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả áp dụng QLRR, đồng thời

đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế. Các nội dung cần theo dõi, kiểm tra, đánh giá bao gồm:

- Việc thu thập, cung cấp thông tin QLRR của các đơn vị;

- Nội dung, trình tự thủ tục xây dựng, quản lý đối tượng rủi ro;

- Số lượng, tỷ lệ phân luồng, chuyển luồng, dừng thông quan đột xuất và các căn cứ áp dụng thực hiện;

- Việc thực hiện chỉ dẫn rủi ro và các quy định, hướng dẫn có liên quan trong kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa và dừng thông quan đột xuất;

- Kết quả phát hiện vi phạm và những bất cập, hạn chế được phát hiện qua hoạt động KTSTQ;

- Những vấn đề khác phát sinh trong thực hiện thủ tục hải quan.

Hình 1.2 Sơ đồ quy trình QLRR

(Nguồn: Tổ chức Hải quan thế giới – WCO)

Một phần của tài liệu Nâng cao hoạt động kiểm soát nội bộ đối với công tác quản lý rủi ro trong thực hiện nghiệp vụ hải quan tại cục hải quan tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w