CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1 Các ứng dụng GIS đô thị trên thế giới và tại Việt Nam
1.1.3 Các ứng dụng GIS đô thị tại Việt Nam
1.1.3.1 Tổng quan về tình hình sử dụng GIS trong quản lý đô thị
Thu thập dữ liệu cơ sở về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các điều kiện môi trường và KT-XH là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình quy hoạch môi trường đô thị. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là việc thiếu thông tin tổng hợp và cập nhật phục vụ công tác quy hoạch. Đồng thời, lượng thông tin ít ỏi thu thập được từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau (thuộc các ngành khác nhau), có độ tin cậy không đồng đều, lưu giữ dưới các định dạng khác nhau và thường không thống nhất để phục vụ hoạt động quy hoạch không gian và liên ngành tích hợp. Bên cạnh đó, trong khi số liệu KT-XH thường được đưa vào quá trình quy hoạch ở một mức độ nhất định, việc tích hợp các khía cạnh môi trường vào quá trình quy hoạch còn khá mới mẻ đối với các vùng đô thị Việt Nam.
Việc này thường dẫn tới quy hoạch mang tính chủ quan với các bản quy hoạch lạc hậu và ít khả thi, và kết quả là các bản quy hoạch này không phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, không thể kiểm soát được quá trình lan rộng tự phát của đô thị.
Hơn nữa, các hồ sơ quy hoạch và các thông tin môi trường đô thị hiện đang được lưu giữ trên giấy không thuận tiện cho việc quản lý quy hoạch đô thị và thường là việc quản lý cấp phép xây dựng đô thị mất rất nhiều công sức và thời gian cả với các nhà quản lý lẫn người dân và các tổ chức sử dụng dịch vụ đô thị.
21 Gần đây, áp dụng công nghệ tin học được chú trọng hơn trong quy hoạch và quản lý quy hoạch. Cách làm truyền thống trước đây (các bản vẽ trên giấy và tính toán thủ công) đã và đang được dần thay thế sang cách làm trên máy tính (số hóa bản đồ và tính toán trên các mô-đun máy tính). Các cơ quan quản lý đã yêu cầu các đơn vị tư vấn lập quy hoạch khi hoàn công phải giao nộp các hồ sơ quy hoạch cả trong bản cứng và bản mềm. Hiện tại, hầu hết các bản đồ quy hoạch thường được thể hiện trên các bản vẽ AutoCAD, còn những dữ liệu ngành xây dựng khác và các tính toán quy hoạch thường được lưu trong định dạng của MS Office. Việc áp dụng công nghệ tin học trên nền CAD (Computer-Aided Design) đã chứng minh được ưu thế rõ ràng là nâng cao chất lượng, giảm thời gian chi phí thực hiện, khai thác sử dụng và quản lý đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, các bản vẽ này thường không thể hiện toạ độ thực, đồng thời cũng lưu trữ dữ liệu thuộc tính tách rời khỏi các dữ liệu không gian. Với hai hạn chế này, các nhà quy hoạch đô thị hiện chỉ dùng những dữ liệu này chủ yếu để in ra các bản đồ in màu mà không thể thực hiện được việc phân tích không gian nhằm kết hợp các thông tin đa ngành cho quá trình quy hoạch đô thị / quy hoạch không gian. Ví dụ, việc kết hợp những yêu cầu về bảo vệ môi trường vào trong các đồ án là rất khó thực hiện được với hiện trạng sử dụng CAD như vậy.
Ngoài ra, khả năng tổ chức và khả năng tái sử dụng đảm bảo tính kế thừa và tiết kiệm chi phí cho những điều chỉnh quy hoạch trong tương lai là rất hạn chế đối với các ứng dụng CAD. Và cũng chính vì các lý do đó mà công nghệ GIS (với hệ thống ngân hàng, cơ sở dữ liệu và công cụ chuyên gia) gần đây đã được nhắc đến như một nền tảng kỹ thuật tương đối thích hợp cho các nhà quy hoạch, quản lý đô thị và môi trường.
Về cơ bản, GIS dựa trên một cơ sở dữ liệu có cấu trúc, có khả năng thể hiện một khu vực đô thị trên khía cạnh địa lý. Với cách thức quản lý tích hợp dữ liệu vị trí không gian đồng thời với các thuộc tính đi kèm cùng với những công cụ phân tích kết hợp, chồng xếp toàn diện, GIS cho phép các nhà quy hoạch kết hợp hiệu quả các vấn đề môi trường và vấn đề đói nghèo xã hội vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian đô thị. Ví dụ, GIS có thể hỗ trợ rất tốt yêu cầu kết hợp đa tiêu chí trong phương pháp luận mới về quy hoạch môi trường đô thị. Hơn nữa, khi CSDL GIS đã được xây dựng cho một khu vực đô thị thì việc khai thác phục vụ quản lý xây dựng đô thị, phục vụ lựa chọn các ưu tiên cải thiện môi trường, cải thiện đời sống dân nghèo đô thị và điều chỉnh quy hoạch trong tương lai sẽ được dễ dàng, thuận lợi hơn vì có tính kế thừa và tích lũy kiến thức. GIS cũng hỗ trợ phổ biến thông tin đến người dân một cách thuận lợi và như vậy, sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch. Phương pháp quản lý thông tin bằng GIS có nhiều
22 điểm tương đồng về khái niệm và tính chất so với công nghệ thông tin (IT) chuẩn, và có thể sẵn sàng tích hợp với quá trình quản lý nhà nước.
Hiện tại, đã có nhiều ứng dụng GIS trong quy hoạch và quản lý đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, các ứng dụng GIS chủ yếu mới chỉ dừng ở mức thí điểm nên vẫn còn khá nhiều vấn đề cần bàn. Đặc biệt trong phát triển đô thị, việc áp dụng GIS gặp một số khó khăn như: đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm sử dụng hiệu quả GIS còn thiếu; trang thiết bị có hạ tầng mạng; hệ thống lưu trữ dữ liệu các phần mềm GIS chưa đầy đủ; ngân hàng dữ liệu GIS chuyên ngành xây dựng và phát triển đô thị; liên kết đa ngành và quốc gia mới ở giai đoạn đầu…
Về mặt thông tin, số liệu tổng thể, đa ngành về các đô thị trên cả nước có các mức độ chi tiết khác nhau: (1) dữ liệu cấp toàn đô thị; (2) dữ liệu cấp phường/xã; và (3) dữ liệu chi tiết khu vực đô thị và các khu vực có vấn đề môi trường nghiêm trọng. Hệ thống thông tin dữ liệu quản lý theo từng đô thị yêu cầu chi tiết đến từng lô đất và có mối quan hệ thống nhất với ngành tài nguyên môi trường và những mục tiêu quản lý xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn đô thị. Đây là những thách thức lớn đối với việc xây dựng hệ thống GIS đô thị quốc gia một cách thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh vẫn chưa hình thành một cấu trúc thống nhất cho các dữ liệu chuyên ngành trong hệ thống GIS về đô thị và phát triển đô thị ở Việt Nam. Hệ thống GIS về đô thị hiện đang sử dụng dữ liệu từ rất nhiều ngành. Để tránh những phức tạp trong trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả phục vụ của GIS về đô thị cần phải xây dựng một cấu trúc cơ sở dữ liệu GIS quốc gia về đô thị và quy hoạch đô thị phổ biến cho các cơ quan chuyên ngành cũng như quản lý đô thị cùng áp dụng.
1.1.3.2 Một số ứng dụng GIS đô thị tại Việt Nam
Tại Việt Nam, công nghệ GIS cũng đã được tiếp nhận và nghiên cứu khá sớm với những quy mô khác nhau và mục đích khác nhau. Trong ngành xây dựng, GIS đã được đón nhận trong khoảng 10 năm qua do những ưu thế trong công tác thu thập đo đạc địa lý, quản lý, phân tích hiện trạng và dự báo xu hướng phát triển đô thị. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu lập quy hoạch, GIS đã được áp dụng trực tiếp vào một số đồ án điển hình do Bộ Xây dựng chủ trì như tập bản đồ quy hoạch các đô thị Việt Nam thời kỳ 1996 – 2020, Atlas quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam (1997 – 1999) quy hoạch xây dụng Vùng thủ đô (2005 –2008), chiến lược phát triển đô thị (2006 – 2008)… Nhiều tỉnh, thành (ví dụ như TP Hồ Chí Minh, TP Nam Định, TP Cần Thơ) đặc biệt quan tâm và đầu tư lớn và GIS đã mang lại nhiều lợi ích, kèm theo đó là những khả năng mới, giải quyết các bài toán phức tạp trong công tác quản lý địa chính, đền bù, cây xanh, hạ tầng, chiếu sáng đô thị... Đơn cử,
23 chính quyền quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) áp dụng GIS trong quản lý nhà và hộ gia đình, nhờ đó tính toán được chính xác diện tích cần giải tỏa, số tiền cần đền bù một cách nhanh chóng... Hay như Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng đã thành công trong việc ứng dụng GIS trong quản lý đô thị bằng việc nghiên cứu triển khai đề tài
“Ứng dụng GIS trong quản lý và lập kế hoạch duy tu nâng cấp, xây mới hạ tầng giao thông, triển khai thí điểm trên địa bàn Quận 1”. Việc triển khai nghiên cứu ứng dụng này vào công tác quản lý hạ tầng giao thông đô thị đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác nhiệt tình của Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 - Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh. TP Nam Định cũng đã áp dụng GIS trong xây dựng bản đồ đánh giá đất theo loại đường, bản đồ quản lý số nhà, sử dụng thông tin nhà đất để bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, cung cấp thông tin nhà đất và quy hoạch, quản lý hồ sơ sử dụng đất...
Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng Dự án GIS tổng thể như Đồng Nai, Hà Nội, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… làm định hướng cho các ứng dụng GIS phục vụ phát triển KT-XH. Một số đô thị đã và đang trong quá trình phát triển hệ thống GIS tích hợp phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nam Định, Huế, Thái Nguyên, Phủ Lý… Một số địa phương đã thành lập trung tâm GIS như Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh trực thuộc UBND thành phố. Ví dụ, Trung tâm Ứng dụng GIS trực thuộc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 và đã có khá nhiều hoạt động nghiên cứu và ứng dụng GIS. Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng GIS đã triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ GIS phục vụ quy hoạch, quản lý đô thị và đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố” với mục tiêu nhằm giải quyết những nhu cầu thiết thực trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị.
Các đô thị khác ứng dụng GIS trong quản lý đô thị hiện đang ở dạng đề tài, dự án thử nghiệm tập trung vào một vài lĩnh vực quản lý đô thị cụ thể. Đề tài “Ứng dụng GIS vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị thành phố Cần Thơ” đã được thực hiện và đạt được kết quả khả quan, cho thấy việc ứng dụng GIS trong công tác này là hết sức hiệu quả và khả thi. Hệ thống GIS cho phép người dùng truy cập các thông tin về hạ tầng như: cầu, đường, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước; thông tin về dân cư như: dân số cấp phường, mật độ dân số; thông tin quản lý nhà đất như: truy tìm theo mã số hồ sơ nhà, đất, tên chủ hộ, địa chỉ nhà...; thong tin về quy hoạch đô thị như: tính toán giải tỏa đền bù với kết quả tính toán từ cấp tổng thể (toàn dự án) đến chi tiết cấp hộ dân…
Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh đã xây dựng được một bộ chuẩn
24 dữ liệu cho toàn tỉnh để tích hợp với bộ chuẩn CSDL quốc gia đáp ứng nhu cầu về tích hợp, xử lý và khai thác một cách tốt nhất các CSDL GIS. Bộ chuẩn GISHue được Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định ban hành một cách độc lập, bắt buộc áp dụng cho toàn bộ các cơ sở dữ liệu địa lý trong khuôn khổ GIS tại Thừa Thiên - Huế theo quyết định số 2320/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2008, về việc
“Ban hành Quy chế về hành chính - kỹ thuật cho hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế”. Các quy trình, quy tắc, phương pháp, các thông tin địa lý cơ sở và các dữ liệu địa lý do các tổ chức và cá nhân xây dựng phải được chuẩn hoá theo bộ chuẩn GISHue, tức là làm cho phù hợp với bộ chuẩn GISHue. Bộ chuẩn GISHue là bộ chuẩn chính thức của tỉnh, đã được thể chế hóa và được công bố rộng rãi để tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh nên là cơ sở và tiền đề tốt để triển khai thành công các hệ thống GIS tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tham khảo “Kỷ yếu Hội thảo ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong phát triển đô thị” do Bộ Xây dựng tổ chức năm 2008 để có thêm thông tin về ứng dụng GIS đô thị tại Việt Nam.
1.1.3.3 Một số hạn chế trong sử dụng GIS đô thị tại Việt Nam
Tuy công nghệ GIS đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới và cũng đã minh chứng được những tính năng ưu việt của mình tại một số khu vực đô thị Việt Nam, quan sát cho thấy còn nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã hạn chế khả năng áp dụng thành công của GIS trong quy hoạch và quản lý hạ tầng đô thị tại Việt Nam, ví dụ:
Các chính quyền đô thị và cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng trong nhìn nhận khả năng thực tiễn của công nghệ GIS trong quản lý và phát triển đô thị;
Dữ liệu đô thị và hạ tầng đô thị chưa được đầy đủ, thiếu tổng hợp và cập nhật, không thống nhất giữa các nguồn dữ liệu;
Công tác quy hoạch hiện tại còn riêng biệt, không có sự kết nối giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, giữa quy hoạch KT-XH và quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch môi trường;
Sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan ban ngành chưa nhiều;
Năng lực quy hoạch, năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm về công nghệ GIS trong ngành xây dựng còn nhiều hạn chế. Thiếu ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, biết kết hợp nhiều công nghệ bổ trợ;
Trang thiết bị hiện có gồm hạ tầng mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu các phần mềm GIS cũng chưa được đầu tư một cách đầy đủ và đồng bộ;
25
Sự cam kết của địa phương trong việc áp dụng công nghệ mới như GIS chưa cao, đặc biệt là từ phía các cấp lãnh đạo, những người có quyền ra quyết định trong chính quyền đô thị;
Công tác sử dụng con người sau đào tạo chưa được lưu tâm và phân công hợp lý, dẫn đến có những trường hợp người được đào tạo sau khi kết thúc khoá học lại chuyển sang công tác khác, hoặc không được tiếp tục làm việc với hệ thống. Hệ thống GIS sau khi bàn giao còn thiếu cán bộ chuyên trách trong việc quản lý, duy trì, cập nhật và khai thác…
Ngành xây dựng đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng GIS nhằm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 09/2008/CT-TTg ban hành ngày 28/2/2008 trong việc quản lý và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Hiện nay Cục Phát triển đô thị đang xây dựng đề án nhằm chuẩn bị dự thảo nghị định và các thông tư để có quy định chung cho việc quản lý đô thị trên toàn quốc nhằm đưa ra những chế tài và hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng GIS đồng bộ và hiệu quả. Một số dự kiến áp dụng bước đầu là “Xây dựng khung CSDL đô thị quốc gia phục vụ công tác quản lý nâng cấp, phát triển đô thị” và việc quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị là một trong những trọng tâm chính cần được ứng dụng công nghệ GIS.
Nói đến áp dụng GIS trong quản lý đô thị tức là phải có tính hệ thống và đồng bộ, việc áp dụng phải có những thể chế thống nhất và có chế tài áp dụng. Việc ứng dụng GIS là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đô thị và quy hoạch đô thị tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những năm gần đây, khi mà một số vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu bị ảnh hưởng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... Thực tế khoảng 20 năm nay đã có sự phát triển của GIS, nhưng việc áp dụng thực sự hiệu quả đối với công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn rất bất cập và khó khăn. Do đó, để nghị định và các thông tư hướng dẫn áp dụng GIS đối với quản lý phát triển đô thị đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có nhiều chính sách và cơ chế đồng bộ như tăng cường năng lực đồng bộ từ trung ương đến địa phương; đầu tư phần cứng và phần mềm thích hợp; thống nhất bộ chỉ số thông tin; tích hợp thông tin; cập nhật thông tin theo hàng quý và hàng năm; duy trì cơ chế đầu tư cho công tác nâng cấp hàng năm; trao đổi thông tin đa chiều đa cấp theo các mục tiêu quản lý cụ thể.