CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại
1.1.3 Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng
Hoạt động tín dụng là hoạt động đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho ngân hàng nhưng đây cũng là nghiệp vụ phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc phân tích các nguyên nhân dẫn đến RRTD là việc làm cần thiết để từ đó có các biện pháp hoàn thiện hệ thống quản trị RRTD cho các ngân hàng. Có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản sau đây:
1.1.3.1. Nguyên nhân thuộc về phía Ngân hàng:
❖ Chính sách và quy trình tín dụng của Ngân hàng
Chính sách tín dụng còn có những điểm chưa chặt chẽ, phù hợp với thực tế, làm cho hoạt động tín dụng lệch lạc, dẫn đến việc cấp tín dụng không đúng đối tượng, tạo ra khe hở cho người sử dụng vốn có những hành vi lợi dụng, chiếm đoạt vốn vay.
Quy trình tín dụng chưa đầy đủ, không chặt chẽ và chưa được cập nhật sửa đổi kịp thời dẫn đến xét duyệt cấp tín dụng không đúng, và dẫn đến các sai sót nghiệp vụ trong quá trình cho vay, quản lý khoản vay.
Do sức ép tăng trưởng tín dụng dẫn đến việc nới lỏng các quy định, quy trình trong việc cấp tín dụng, hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá khách hàng, thiếu kiếm soát quản lý tín dụng trước, trong và sau cho vay dẫn đến RRTD là rất lớn.
❖ Trình độ yếu kém và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng Rủi ro do cán bộ tín dụng tính toán không đúng hiệu quả đầu tư dự án vay vốn, không nắm rõ đặc điểm của ngành mà mình đang cho vay, hoặc do chính cán bộ tín dụng cố ý cho vay, dù đã tính toán được dự án đề nghị vay không có hiệu quả, tính khả thi thấp, điều này sẽ gây ra rủi ro lớn cho ngân hàng. Rủi ro do đánh giá chưa đúng mức về khoản vay, về doanh nghiệp, chủ quan tin tưởng vào khách hàng thân thiết, coi nhẹ khâu kiểm tra tình hình tài chính, khả năng thanh toán hiện tại và trong tương lai, nguồn trả nợ.
Đạo đức của cán bộ là một trong các yếu tố tối quan trọng để giải quyết vấn đề hạn chế RRTD. Một cán bộ kém về năng lực có thể bồi dưỡng thêm, nhưng một cán
11
bộ tha hóa về đạo đức mà lại giỏi về mặt nghiệp vụ thì vô cùng nguy hiểm khi được bố trí trong công tác tín dụng.
❖ Thiếu giám sát và quản lý các khoản vay
Các ngân hàng thường có thói quen tập trung nhiều công sức cho việc thẩm định trước khi cho vay mà nới lỏng quá trình kiểm tra, kiểm soát đồng vốn sau khi cho vay.
Việc kiểm tra sau cho vay, vừa nắm được sự tuân thủ các điều khoản đề ra trong hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng, vừa để nắm bắt được thông tin về khách hàng để kịp thời nhận diện được những dấu hiệu cảnh báo rủi ro (nếu có) hoặc có định hướng cho vay phù hợp, vừa tìm ra những cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên trong thời gian qua các ngân hàng thương mại chưa thực hiện tốt công tác này.
❖ Lỏng lẻo trong công tác kiểm tra nội bộ các ngân hàng
Kiểm tra nội bộ có điểm mạnh ở tính thời gian vì nó nhanh chóng, kịp thời ngay khi vừa phát sinh vấn đề và tính sâu sát của người kiểm tra viên, do việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên cùng với công việc kinh doanh. Nhưng trong thời gian qua, công tác kiểm tra nội bộ của các ngân hàng chưa thật sự chặt chẽ, khách quan và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ còn có điểm chưa phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay.
1.1.3.2. Nguyên nhân thuộc về phía doanh nghiệp vay vốn:
❖ Năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp
Năng lực quản trị, điều hành của Ban lãnh đạo có tính chất quyết định đến hiệu quả sử dụng vốn vay, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện cam kết với ngân hàng. Nhiều khách hàng vay vốn không tính toán kỹ, mở rộng đầu tư quá mức, hoặc không có khả năng tính toán những bất trắc có thể xảy ra, không có khả năng thích ứng và khắc phục những khó khăn trong kinh doanh.
Hầu hết các doanh nghiệp vay vốn để tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào tài sản cố định chứ ít có doanh nghiệp đầu tư nâng cao khả năng quản lý, bộ máy vận hành và đặc biệt là về ý thức và trình độ của con người. Khi quy mô kinh doanh mở rộng quá nhanh so với kỹ năng quản lý và khả năng vận hành của doanh
12
nghiệp là nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của các phương án kinh doanh đầy khả thi mà lẽ ra nó sẽ thành công trên thực tế.
❖ Tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch
Năng lực tài chính của doanh nghiệp là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng ngân hàng bởi nếu doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định, có uy tín thì khi có biến cố xảy ra, doanh nghiệp có khả năng chống đỡ rủi ro bằng vốn chủ sở hữu và hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng.
Cập nhật đầy đủ, chính xác, rõ ràng sổ sách kế toán vẫn chưa được các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm chỉnh và trung thực. Do vậy, sổ sách kế toán mà các doanh nghiệp cung cấp cho ngân hàng nhiều khi chỉ mang tính chất hình thức hơn là thực chất. Khi cán bộ ngân hàng lập các báo cáo phân tích tài chính của doanh nghiệp dựa trên số liệu do các doanh nghiệp cung cấp, thường thiếu tính thực tế và xác thực. Đây cũng là nguyên nhân vì sao ngân hàng vẫn luôn xem nặng phần tài sản thế chấp như là chỗ dựa cuối cùng để phòng chống RRTD.
❖ Sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ vay Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng. Khách hàng sẵn sàng chấp nhận đầu tư mạo hiểm cho các mục đích khácvới phương án vay vốn ban đầu với kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao, tuy nhiên kết quả không như ý muốn như: kinh doanh thua lỗ, dòng tiền đầu tư không thu hồi như dự kiến,... Cũng có trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ vay ở ngân hàng khác nên đã cố tình tìm mọi cách vay ở ngân hàng này và mang đi đảo nợ là nguyên nhân dẫn đến khách hàng không có nguồn trả nợ để thanh toán nợ đúng hạn và đầy đủ cho ngân hàng.
❖ Rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp bị hạn chế hoặc giá các nguyên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp; công nghệ sản xuất lạc hậu,
13
năng suất lao động giảm sút, trình độ quản trị yếu kém dẫn tới hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Thị trường đầu ra gặp khó khăn như có quá nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường, xuất hiện sản phẩm thay thế, thị hiếu khách hàng thay đổi...
Các nguyên nhân khác như chính doanh nghiệp bị lừa đảo, chiếm đoạt vốn hoặc bị các tác động trực tiếp từ môi trường khách quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
1.1.3.3. Các nguyên nhân khách quan khác
❖ Nguyên nhân từ môi trường chính trị và pháp lý
Môi trường chính trị có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Tình hình chính trị xã hội không ổn định thì không chỉ riêng các khách hàng sản xuất mà cả các ngân hàng cũng khó có thể yên tâm tập trung vào đầu tư, mở rộng kinh doanh, đặc biệt là mở rộng tín dụng. Hơn nữa, sự bất ổn về chính trị xã hội sẽ dẫn đến sự mất lòng tin của dân chúng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Môi trường pháp lý: xác lập một khuôn khổ pháp luật đồng bộ, nhất quán điều chỉnh các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế thị trường được xem như là điều kiện tiên quyết đảm bảo thị trường hoạt động có hiệu quả. Chính vì vậy, nhân tố pháp lý có vị trí rất quan trọng đối với hoạt động cho vay của ngân hàng. Các quy định phù hợp sẽ tạo điều kiện phát triển hoạt động của các ngân hàng an toàn nhưng nếu các quy định không phù hợp sẽ dẫn đến sự kìm hãm phát triển, trong đó bao gồm cả việc ảnh hưởng đến mức độ an toàn trong hoạt động của các ngân hàng.
❖ Nguyên nhân từ môi Trường Kinh tế, Xã hội
Môi trường kinh tế được phản ánh qua chu kỳ kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và tác động của xu thế toàn cầu hóa, cụ thể:
Chu kỳ phát triển kinh tế có tác động đến hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng. Khi nền kinh tế tăng trưởng và ổn định thì hoạt động tín dụng sẽ tăng trưởng và ít rủi ro hơn. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái và khủng hoảng thì
14
hoạt động tín dụng gặp khó khan và rủi ro cao. Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển với tốc độ chậm, biểu hiện tính suy thoái, sản xuất kinh doanh của các khách hàng bị thu hẹp, không hiệu quả và gặp nhiều khó khan, nhiều khách hàng bị thua lỗ và bị phá sản.
Nếu ngân hàng lúc này vẫn tiếp tục tăng trưởng tín dụng ở mức cao thì khả năng rủi ro, không thu được nợ sẽ tăng lên.
Chính sách kinh tế của Chính phủ thông qua những quy định như về thuế, chính sách xuất nhập khẩu… sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng bởi các chính sách này tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các khách hàng của ngân hàng. Khi chính phủ có chính sách ưu đãi như giảm thuế, bảo hộ hàng sản xuất trong nước của một ngành nào đó bằng cách đề ra hạn ngạch xuất khẩu, hoặc cấm nhập hay tăng thuế nhập khẩu và ngược lại, đưa ra chính sách giữ giá hay phá giá đồng nội tệ thì cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng. Một đất nước mà các chính sách kinh tế thường xuyên thay đổi, khó dự đoán sẽ gây tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của các khách hàng và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng.
❖ Môi trường tự nhiên
Những biến động lớn về thời tiết, khí hậu gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên là yếu tố khó dự đoán, nó thường xảy ra bất ngờ với thiệt hại lớn ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì vậy khi có thiên tai dịch hoạ xảy ra khách hàng cùng các ngân hàng cho vay sẽ có nguy cơ tổn thất lớn, phương án, dự án kinh doanh không có nguồn thu … Điều đó đồng nghĩa với các ngân hàng cho vay phải cùng chia sẽ rủi ro với khách hàng của mình.
1.1.4. Tác động của rủi ro tín dụng đến hoạt động của Ngân hàng và nền kinh tế xã hội
Ngân hàng thương mại được coi là trung gian tài chính, có vai trò điều tiết dòng vốn cho nền kinh tế. Hoạt động của ngân hàng bất ổn sẽ gây hậu quả nặng nề đến bản thân ngân hàng đó, hệ thống ngân hàng và rộng hơn đó là sự bất ổn của nền kinh tế.
15
1.1.4.1. Tác động của rủi ro tín dụng đến hoạt động của ngân hàng
Như phân tích trên đây, hoạt động tín dụng luôn đem lại thu nhập chủ yếu cho một ngân hàng, do vậy RRTD cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, cụ thể các tác động của RRTD như sau:
❖ Giảm lợi nhuận của ngân hàng
Khi ngân hàng phát sinh các khoản nợ xấu thì ngân hàng phải mất nhiều các chi phí xử lý nợ có vấn đề như chi phí đi lại, chi phí nhân viên, các chi phí gặp gỡ để xử lý nợ và ngoài ra ngân hàng còn mất chi phí cơ hội như cho vay món mới, giảm uy tín, chậm vòng quay tín dụng và từ đó làm giảm hiệu quả chi phí của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi cho các khoản tiền huy động trong khi một bộ phận tài sản của ngân hàng không thu được lãi cũng như không chuyển được thành tiền cho người khác vay và thu lãi. Kết quả là giảm khả năng sinh lời của ngân hàng.
❖ Giảm khả năng thanh toán của ngân hàng
Ngân hàng thường lập kế hoạch cân đối dòng tiền ra (trả lãi và gốc tiền gửi, cho vay, đầu tư mới.) và dòng tiền vào (tiền nhận gửi, tiền thu nợ gốc và lãi cho vay) tại các thời điểm trong tương lai. Khi các hợp đồng vay không được thanh toán đầy đủ và đúng hạn sẽ dẫn đến sự không cân đối giữa hai dòng tiền. Một thực tế diễn ra, các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng vẫn phải thanh toán đúng kỳ hạn trong khi các khoản tiền vay của khách hàng lại không được hoàn trả đúng hạn. Nếu ngân hàng không đi vay hoặc bán các tài sản của mình thì khả năng chi trả của ngân hàng sẽ bị suy yếu, dẫn đến rủi ro thanh toán.
❖ Giảm uy tín của ngân hàng
Tình trạng mất khả năng chi trả tái diễn nhiều lần, hay những thông tin về RRTD của ngân hàng bị tiết lộ ra công chúng, uy tín của ngân hàng trên thị trường tài chính sẽ bị giảm sút, đây là cơ hội tốt cho các đối thủ cạnh tranh giành giật lấy thị trường và khách hàng.
16
❖ Phá sản ngân hàng
Nếu nhiều khách hàng vay vốn ngân hàng gặp khó khăn trong việc hoàn trả, nhất là những khoản vay lớn thì có thể dẫn đến khủng hoảng trong hoạt động của chính ngân hàng. Khi ngân hàng không chuẩn bị trước các phương án dự phòng, không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu rút vốn quá lớn, sẽ nhanh chóng mất khả năng thanh toán, dẫn đến sự sụp đổ của chính ngân hàng, nghiêm trọng hơn có thể gây nên “phản ứng dây truyền” đe doạ đến an toàn và ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng, gây hậu quả rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.
1.1.4.2. Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với nền kinh tế xã hội:
NHTM là một tổ chức trung gian tài chính chuyên huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế để cho các tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay lại. Do đó, khi RRTD xảy ra, thì không những ngân hàng chịu thiệt hại mà quyền lợi của người gửi tiền cũng bị ảnh hưởng.
Khi một ngân hàng gặp RRTD với mức độ lớn, sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền làm cho họ hoang mang, lo sợ và đua nhau đến rút tiền trước thời hạn không chỉ ở một ngân hàng mà còn ở những ngân hàng khác. Điều này làm cho toàn bộ hệ thống ngân hàng gặp phải khó khăn, khủng hoảng thanh khoản sẽ xảy ra có thể dẫn đến phá sản hàng loạt các ngân hàng và sẽ tác động xấu đến nền kinh tế. Khi các ngân hàng phá sản sẽ kéo theo một bộ phận, các doanh nghiệp, dân cư mất vốn làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống
Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị gián đoạn do thiếu vốn, người gửi tiền không lấy lại tiền được. Những hậu quả này còn giảm lòng tin của công chúng vào sự vững chắc và lành mạnh của hệ thống tài chính, cũng như hiệu lực của các chính sách tiền tệ của nhà nước.