4.6. Thảo luận kết quả hồi quy
4.6.1. Nhóm biến cơ cấu vốn
Đối với nhóm biến cơ cấu vốn, bài nghiên cứu tiến hành kiểm định các giả thuyết 1, 2 và 3 cụ thể như sau:
Giả thuyết 1: Cơ cấu vốn có sử dụng nhiều nợ sẽ tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ta sử dụng mô hình có biến độc lập là tổng nợ trên tổng tài sản TDTA để làm rõ giả thuyết này, bảng 4.19 cho thấy một cách tổng quát tác động của nợ lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ kết quả bảng 4.19 ta thấy biến tổng nợ trên tổng tài sản TDTA có ý nghĩa thông kê với mức ý nghĩa 1% và có tác động cùng chiều trong mô hình mà ROE đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa: Nếu các yếu tố
khác không đổi và khi tỷ số tổng nợ trên tổng tài sản tăng thêm 1% thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng 0,2672675% và ngược lại. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu của Abor (2005), Zeitun và Tian (2007), đã tìm thấy tổng nợ có mối tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Điều này cũng
có thể được giải thích rằng các doanh nghiệp Logistics nhóm ngành vận tải và kho bãi với quy mô vốn vừa và nhỏ (chiếm 70%) thường hoạt động có hiệu quả, đạt được những kết quả hoạt động kinh doanh tích cực (Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 của Bộ Công Thương).
Đồng thời, ta cũng thấy P-value của biến độc lập tổng nợ trên tổng tài sản TDTA và biến phụ thuộc hiệu quả hoạt động doanh nghiệp được đo lường bằng ROA không có ý nghĩa thống kê trong mô hình của bài nghiên cứu này, điều này cho thấy chưa đủ cơ sở để kết luận TDTA có ảnh hưởng đến ROA hay không, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Ghafoor Khan (2012).
Nhìn chung, ta có thể thấy được tỷ lệ tổng nợ trung bình là 36,27% theo đó tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 63,73% cao hết rất nhiều so với nợ, chứng tỏ rằng các doanh nghiệp Logistics tự chủ về nguồn vốn, không bị phụ thuộc vào các khoản vay, hơn thế nữa giai đoạn từ năm 2014 đến 2019 là giai đoạn tăng tốc phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung khi vừa vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế dẫn đến đến việc lãi suất cho vay ở mức phù hợp, do đó, các doanh nghiệp không bị gánh nặng trong việc sử dụng vốn và áp lực bởi thời hạn thanh toán, từ đó, các doanh nghiệp trong nước đã tiến hành đầu tư chiều sâu, tiến hành mở rộng thêm các dịch vụ Logistics, tham gia vào các công đoạn trong chuỗi cung ứng, giúp xác lập uy tín với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình.
Vậy nên, với kết quả trên khi đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bằng ROE thì sẽ chấp nhận giả thuyết 1 về mặt số liệu kế toán trên báo cáo tài chính.
Giả thuyết 2: Nợ ngắn hạn có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ta sử dụng mô hình có biến độc lập là tỷ số nợ ngắn hạn trên tổng tài sản STDTA để làm rõ giả thuyết 2, bảng 4.20 cho thấy một cách tổng quát tác động của nợ ngắn hạn lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ kết quả bảng 4.20, ta thấy biến độc lập nợ ngắn hạn trên tổng tài sản STDTA có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa là 1% ở mô hình ROE đo lường hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Điều này có nghĩa: Nếu các yếu tố khác không đổi và khi tỷ số
tổng nợ ngắn hạn trên tổng tài sản tăng thêm 1% thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng 0,3058899% và ngược lại. Với kết quả nghiên cứu này, ta có thể chấp nhận giả thuyết 2 về khía cạnh báo cáo tài chính, kết quả này giống với các kết quả nghiên cứu của Abor (2005), Sohail Amjed (2007), Trần Hùng Sơn và Trần Viết Hoàng (2008) và Sheikh và Wang (2013).
Ta cũng thấy trong bảng 4.20, P-value của biến độc lập nợ ngắn hạn STDTA và biến phụ thuộc hiệu quả hoạt động doanh nghiệp được đo lường bằng ROA không có ý nghĩa thống kê, điều này cho thấy chưa đủ cơ sở để kết luận STDTA có ảnh hưởng đến ROA hay không. Kết quả này giống kết quả nghiên cứu của Ghafoor Khan (2012), tuy nhiên bài nghiên cứu này lấy mô hình có biến phụ thuộc ROE là mô hình căn cứ dùng để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu trên phương diện báo cáo tài chính, còn biến phụ thuộc còn lại ROA được bổ sung nên việc chấp nhận giả thuyết 2 là hợp lý.
Giả thuyết 3: Nợ trung dài hạn có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.
Ta sử dụng mô hình có biến độc lập là tỷ số nợ dài hạn trên tổng tài sản LTDTA để làm rõ giả thuyết 3, bảng tóm tắt 4.21 cho thấy một cách tổng quát tác động của nợ trung dài hạn lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.
Từ kết quả bảng 4.21 ta thấy biến độc lập nợ trung dài hạn trên tổng tài sản LTDTA có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, tác động cùng chiều với ROE. Điều này có nghĩa: Nếu các yếu tố khác không đổi và khi tỷ số tổng nợ dài hạn trên tổng tài sản tăng thêm 1% thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng 0,2041562% và ngược. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Trần Hùng Sơn và Trần Viết Hoàng (2008), nghiên cứu của Zuraidah Ahmad và các cộng sự (2012) và nghiên cứu của Sheikh & Wang (2013).
Từ bảng kết quả 4.21, ta thấy P-value của biến độc lập nợ trung dài hạn LTDTA và biến phụ thuộc hiệu quả hoạt động doanh nghiệp được đo lường bằng
ROA không có ý nghĩa thống kê, điều này cho thấy chưa đủ cơ sở để kết luận LTDTA có ảnh hưởng đến ROA hay không. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Sheik & Wang (2013).
Vậy tăng nợ trung dài hạn lên thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đo lường bằng ROE cũng tăng lên. Kết quả này cho thấy giả thuyết 3 được chấp nhận.