Cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong Toà án nhân dân

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Cải cách thủ tục hành chính tư pháp Từ thực tiễn Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình (Trang 26 - 32)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP - TỪ THỰC TIỄN TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH

1.2. Cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong Toà án nhân dân

Đến nay, khái niệm cải cách thủ tục HCTP chưa có trong hệ thống thuật ngữ pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, có thể xem xét về khái niệm này dưới góc độ sau:

Theo Từ điển Tiếng Việt, cải cách là “sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới” [22]. Theo nghĩa chung nhất, cải cách là một biện pháp được thực hiện để giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn với mục tiêu rõ ràng, chương trình cụ thể và yêu cầu phải hoàn tất trong một thời gian nhất định.

Cải cách hành chính, theo đó, được hiểu là những thay đổi có tính hệ thống, lâu dài và có mục đích nhằm làm cho hệ thống HCNN hoạt động tốt hơn, thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ quản lý xã hội của mình. Như vậy, cải cách hành chính nhằm thay đổi và làm hợp lý hóa bộ máy hành chính, với mục đích tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Cải cách thủ tục hành chính là cải cách các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của các cơ quan HCNN, người có thẩm quyền; cải cách các quy định và cải cách việc thực hiện các loại TTHC.

Thủ tục HCTP như đã phân tích ở trên chính là các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Toà án và các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Toà án nhân dân các cấp.

Từ các lý luận trên, có thể đưa ra khái niệm cải cách thủ tục hành chính tư pháp là quá trình tiến hành sửa đổi các trình tự, thủ tục trong quản lý công tác xét xử và các hoạt động liên quan đến xét xử sao cho phù hợp với tình hình mới của hệ thống tư pháp nói riêng và phù hợp với công cuộc cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay của đất nước ta nói chung. Cụ thể hơn, cải cách thủ tục HCTP tại TAND là cải cách hệ thống quản lý công tác xét xử và các hoạt động liên quan đến xét xử mà trọng tâm là công tác tiếp

18

dân, tiếp nhận và xem xét đơn khởi kiện, các hoạt động tiền tố tụng, thụ lý các loại vụ, việc tại TAND và phân công thẩm phán xét xử.

1.2.2. Nội dung cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân Chỉ thị số 03/2016/CT-CA ngày 04/4/2016 của Chánh án TAND tối cao“V/v tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân” đã nêu rõ nội dung cải cách thủ tục HCTP tại TAND tập trung thực hiện tốt các công việc cơ bản sau:

Thứ nhất, trên cơ sở các mô hình cải cách thủ tục HCTP đã được tổng kết (mô hình JUDGE), từng bước xây dựng mô hình, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ phận hành chính tư pháp (Tổ Hành chính tư pháp hay bộ phận “một cửa”) tại từng cấp Tòa án và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của hệ thống TAND để lấy ý kiến của các Tòa án trước khi ứng dụng mô hình thống nhất.

Thứ hai, các Tòa án cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng từng quy trình xử lý công việc đảm bảo đơn giản, tiện ích, khâu trước phải là tiền đề để chuẩn bị cho khâu sau; rút ngắn, đơn giản hóa các bước, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có việc liên hệ với Tòa án. Trước mắt cần rà soát các thủ tục HCTP hiện hành để hủy bỏ các thủ tục không còn phù hợp và tiến tới xây dựng Bộ tiêu chí về thủ tục HCTP trong TAND.

Thứ ba, trên cơ sở các mô hình tổ chức bộ phận HCTP và quy trình xử lý công việc đã được xác định cần tiến hành tổ chức sắp xếp cán bộ phù hợp, đồng thời xây dựng các phần mềm ứng dụng tin học thực hiện thống nhất trong các Tòa án, nhằm nâng cao hiệu quả của từng bộ phận, từng hoạt động.

Thứ tư, cùng với việc chú trọng tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng thì cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng các trang thông tin điện tử, các “ki ốt” điện tử cho các Tòa án thường xuyên cập nhật, công bố công khai các thủ tục HCTP để mọi cá nhân

19

và tổ chức biết. Thiết lập các đầu mối, địa chỉ, đường dây nóng để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tất cả các Tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Tòa án. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án Tòa án điện tử, trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà đề án đưa ra để có thể tiến tới triển khai Tòa án điện tử trước năm 2020.

Vụ Pháp chế và quản lý khoa học nghiên cứu, hướng dẫn quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ Luật Tố tụng dân sự và Điều 119 Luật Tố tụng hành chính về việc gửi và nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử; trên cơ sở đó triển khai thực hiện thí điểm việc này tại một số Tòa án có đủ điều kiện.

Cục Kế hoạch Tài chính bố trí kinh phí trong kế hoạch trung hạn để phục vụ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng cần chủ động báo cáo cấp ủy địa phương để hỗ trợ các nguồn lực cho Tòa án triển khai việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức Tòa án nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác HCTP nói riêng nhằm nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân trong quá trình thi hành công vụ; trong đó, cần đặc biệt quan tâm việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quyết định của Chánh án TAND tối cao về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án và Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của TAND tối cao quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND. Cụ thể là:

- Luôn vui vẻ, cởi mở, hòa nhã, nhiệt tình, trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan, đảm bảo tính công khai, dân chủ trong quá trình tiếp xúc với

20

người dân, khi thực thi công vụ và kể cả khi tiếp dân trên điện thoại; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân.

- Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đối với các trường hợp khiếu nại hoặc yêu cầu xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm gay gắt, bức xúc cần báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị để giải quyết.

- Tận tình hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân để họ thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo luật định. Học viện Tòa án xây dựng giáo trình môn học cải cách thủ tục HCTP, tư cách, tác phong, thái độ ứng xử của người cán bộ Tòa án khi tiếp công dân và thi hành công vụ.

Thứ sáu, xây dựng và thực hiện thống nhất hệ thống chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với CBCC thực hiện hoạt động HCTP tại các Tòa án.

Nâng cao trình độ tin học, thường xuyên tập huấn sử dụng các phần mềm ứng dụng và kỹ năng vận hành thành thạo các phương tiện điện tử cho các CBCC Tòa án, nhằm chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực để thực hiện chủ trương tin học hóa và vận hành có hiệu quả “mô hình Tòa án điện tử” trong tương lai.

Thứ bảy, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để học hỏi kinh nghiệm về cải cách thủ tục HCTP; làm tốt công tác hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm của các nước trong cải cách HCTP.

Thứ tám, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các bài học kinh nghiệm tốt trong thực hiện cải cách thủ tục HCTP; việc đánh giá hiệu quả cải cách HCTP phải thông qua việc lượng hóa các quy trình, thủ tục giải quyết từng loại công việc. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục HCTP; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

21

1.2.3 Vai trò của cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án

Cải cách thủ tục HCTP góp phần trong tiến trình xây dựng hướng tới xây dựng Chính phủ phục vụ - một nền hành chính tư pháp trong sạch, vững mạnh; là khâu đột phá trong chiến lược cải cách nền tư pháp. Cải cách thủ tục hành chính là điều kiện cần thiết để tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, tăng cường sự tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân. Thủ tục HCTP là một bộ phận pháp luật hành chính, do đó nắm vững và thực hiện các quy định về thủ tục HCTP sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình cải cách nền tư pháp và xây dựng NNPQ XHCN. Thủ tục HCTP là phương tiện chuyển tải chính sách, pháp luật Nhà nước, là cầu nối giữa Toà án với người dân. Thủ tục HCTP không chỉ liên quan đến công việc nội bộ của các đơn vị Toà án, mà còn liên quan đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền và nghĩa vụ của công dân tại Toà án được quy định trong Hiến pháp hay ở các văn bản pháp luật khác có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào, về cơ bản đều phải thông qua thủ tục HCTP do Toà án các cấp trực tiếp giải quyết hoặc uỷ quyền giải quyết. Cũng cần nhấn mạnh rằng thủ tục HCTP có ý nghĩa như một công cụ điều hành cần thiết không thể tách rời khỏi hoạt động tư pháp trong hệ thống TAND. Chính vì vậy, cải cách thủ tục HCTP trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của hệ thống TAND. Như vậy, có thể khẳng định rằng thủ tục HCTP là chiếc cầu nối quan trọng giữa cơ quan Toà án với nhân dân và các tổ chức, có khả năng làm bền chặt mối quan hệ đó, làm cho nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, làm cho Tòa án thực sự “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Cải cách thủ tục HCTP không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần tích cực xây dựng bộ máy TAND các

22

cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng lòng tin của nhân dân. Cải cách thủ tục HCTP thực chất là cắt bỏ những quyền lực gây nên cản trở, nhũng nhiễu nhằm hướng tới mục tiêu là xây dựng hệ thống Tòa án công khai minh bạch, vô tư, công bằng, hiệu quả, xây dựng hình ảnh “Tòa án thân thiện, gần dân”.

“Đổi mới thủ tục HCTP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý…” [13], giúp người dân dễ dàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định. Cải cách thủ tục HCTP có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nền công vụ tư pháp nói chung và quản lý trong hoạt động Toà án nói riêng: thủ tục HCTP đảm bảo cho các quyết định HCTP được thi hành. Nếu không thực hiện các thủ tục HCTP cần thiết thì một quyết định HCTP sẽ không được đưa vào thực hiện hoặc bị hạn chế tác dụng. Thủ tục HCTP đảm bảo cho việc thi hành quyết định được thống nhất và có thể kiểm tra được tính hợp Hiến, hợp pháp, hợp lý cũng như các hệ quả do việc thực hiện các quyết định HCTP tạo ra. Khi thủ tục HCTP được xây dựng và vận dụng một cách hợp lý, sẽ tạo ra khả năng sáng tạo trong việc thực hiện các quyết định quản lý, đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động quản lý trong TAND, giảm sự phiền hà, chống được tệ quan liêu, tham nhũng, củng cố được mối quan hệ giữa Toà án và nhân dân. Nếu thủ tục HCTP được tiến hành cải cách một cách phù hợp theo hướng thuận tiện, đơn giản hóa và dễ thực hiện thì sẽ góp phần rất lớn vào việc thống nhất quản lý hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của TAND. Tránh tình trạng gây khó khăn cho người dân và làm mất nhiều thời gian của họ khi có yêu cầu liên quan đến Tòa án. Ngược lại, nếu các thủ tục này rườm rà, phức tạp không chỉ gây ra tổn phí về sức người (kể cả của các cán bộ, công chức đang làm việc tại các Tòa án cũng như những người dân khi đến làm việc tại cơ quan này), sức của (ngân sách nhà nước cho hoạt động của TAND cũng như chi phí, thời gian của người dân

23

phải bỏ ra trong thời gian yêu cầu TAND giải quyết) mà còn kìm hãm sự năng động trong hoạt động của hệ thống TAND.

Trên một phương diện nhất định, thủ tục HCTP biểu hiện trình độ văn hoá, văn hoá giao tiếp, văn hoá điều hành, mức độ văn minh của nền hành chính pháp đình. Vì vậy, cải cách thủ tục HCTP không đơn thuần liên quan đến pháp luật, mà còn là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước về chính trị, văn hoá, giáo dục và mở rộng giao lưu hợp tác tư pháp quốc tế. Cải cách thủ tục HCTP là một bộ phận quan trọng của cải cách tư pháp với mục tiêu “Phục vụ nhân dân và tiếp cận công lý”, việc cải cách thủ tục HCTP tại các Tòa án hoàn toàn phù hợp, góp phần hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu của cải cách nền tư pháp, thiết thực thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Cải cách thủ tục hành chính tư pháp Từ thực tiễn Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)