Tình hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp từ thực tiễn Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Cải cách thủ tục hành chính tư pháp Từ thực tiễn Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình (Trang 48 - 60)

Chương 2. THỰC TRẠNG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP-TỪ THỰC TIỄNTÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

2.2. Tình hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp từ thực tiễn Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại TAND tỉnh đã được thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực công tác, trong đó chú trọng

40

hoạt động cải cách thủ tục HCTP, từng bước triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

2.2.1 Về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và tố tụng tư pháp.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 và có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Tòa án tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình tổ chức thực hiện và áp dụng các bộ luật mới được ban hành, chắc chắn sẽ có nhiều bất cập, vướng mắc, do đó hàng năm Tòa án tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác xét xử và tổng hợp những vướng mắc nãy sinh trong quá trình áp dụng pháp luật để báo cáo TAND tối cao và các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương để được hướng dẫn.

Mặt khác, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình là cơ quan thực thi pháp luật, do đó việc thực hiện yêu cầu của các các cơ quan ở trung ương và địa phương về việc lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng các chính sách pháp luật đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, đảm bảo quy định trong thời gian qua. Qua đó, góp phần hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật trong lĩnh vực HCTP.

2.2.2. Về xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức bộ máy.

Thực hiện thẩm quyền xét xử mới về hình sự và dân sự, qua tổng kết đánh giá việc thực hiện thẩm quyền mới, các đơn vị đều thể hiện có đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ được giao. Các đơn vị mặc dù không được tăng

41

thêm biên chế nhưng không để án tồn đọng, tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án đảm bảo. Trong thời gian tới, cần chú trọng hơn nữa công tác giải quyết các vụ án đảm bảo chất lượng, thời hạn luật định, giảm hơn nữa tỷ lệ các vụ án bị hủy, cải sửa.

Đổi mới việc tổ chức các phiên tòa xét xử theo hướng đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm minh; xác định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, “việc phán quyết của Toà án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo để ra những bản án đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn luật định ….Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn.

Hoàn thiện cơ chế đảm bảo để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà, đồng thời xác định rõ trách nhiệm đối với Luật sư” [24] Thực hiện nghiêm túc việc mời luật sư tham gia đối với các vụ án bắt buộc có luật sư tham gia do Tòa án chỉ định và chi trả kinh phí. Tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư do bị cáo hoặc các đương sự mời bảo vệ quyền lợi cho họ tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Phiên tòa phải được diễn ra một cách dân chủ trong tranh luận, tạo điều kiện để các bên đưa ra các tài liệu, chứng cứ bảo vệ cho quan điểm của mình.

2.2.3. Tình hình hoạt động xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình

Trong 12 năm (từ năm 2005 đến năm 2017) thực hiện cải cách tư pháp kể từ khi có Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/ 2005 của Bộ Chính trị về

“Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Bình đã thụ lý tổng số 24.402 vụ án các loại và đã giải quyết được 23.505 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,3%. Riêng năm 2017, tổng thụ lý 2.489 vụ việc, đã giải

42

quyết 2.334 vụ việc đạt tỷ lệ 93.8%; Trong đó, TAND tỉnh Quảng Bình giải quyết 2.662 vụ việc/2.761 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 96,4%; không có án oan sai, không có vụ việc tiêu cực nào liên quan đến các hoạt động xét xử của Toà án. Nếu tính năm 2005 toàn ngành TAND tỉnh Quảng Bình đã thụ lý 1.295 vụ án các loại, đã giải quyết 1.130 vụ án các loại, so với năm 2017 toàn hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã thụ lý 2.489 vụ án các loại, tăng 1.194 vụ, việc; đã giải quyết 2.334 vụ, việc; tăng 1.204 vụ, việc[29].

Nguyên nhân số lượng các vụ án hình sự, dân sự tăng qua từng năm do: Thứ nhất, Những tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường là một trong những nguồn gốc làm phát sinh hoặc tạo điều kiện cho các loại tội phạm phát triển, tình trạng này đã tác động trực tiếp vào tâm lý, lối sống ích kỷ, hẹp hòi của một bộ phận nhân dân, làm cho họ biến chất, coi thường pháp luật. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do nhận thức pháp luật, nhận thức xã hội mà đặc biệt là ý thức cá nhân về đạo đức, trách nhiệm của công dân trong cộng đồng dân cư còn thấp, vì vậy tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều. Thứ hai, do nhu cầu sử dụng đất trong nhân dân ngày càng tăng dẫn đến đất đai ngày càng có giá trị. Giá đất do Nhà nước quản lý cũng tăng thường xuyên và xuất phát từ vấn đề kinh tế, đồng tiền đã đưa chuẩn mực đạo đức, đạo lý gia đình, dòng tộc trở nên thứ yếu, có thể dẫn chứng nhiều vụ việc: sau khi người có tài sản (cha, mẹ, ông, bà…) qua đời, thế hệ con cháu, những người thân thích trong gia đình, dòng tộc sẵn sàng huỷ bỏ thoả thuận dân sự về tài sản đất đai trước đó liên quan đến thừa kế, tất cả cũng vì tranh chấp, tranh giành nhau về đất đai; một nguyên nhân nữa làm gia tăng số vụ án dân sự đó là do trình độ dân trí ngày một nâng lên, các mâu thuẫn trong cuộc sống xảy ra ngày càng nhiều.

43

Biểu đồ 2.2 Số liệu các vụ án được thụ lý, giải quyết của Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Bình (từ năm 2005 - 2017)

(Nguồn: Tác giả) Ghi

chú:

- Năm 2005: Thụ lý 1.295 vụ việc, giải quyết 1.130 vụ việc = 87,2%

- Năm 2006: Thụ lý 1.375 vụ việc, giải quyết 1.325 vụ việc = 96,36%

- Năm 2007: Thụ lý 1.503 vụ việc, giải quyết 1.418 vụ việc = 94,34%

- Năm 2008: Thụ lý 1.485 vụ việc, giải quyết 1.438 vụ việc = 96,83%

- Năm 2011: Thụ lý 1.768 vụ việc, giải quyết 1.730 vụ việc = 97,8%

- Năm 2012: Thụ lý 1.901 vụ việc, giải quyết 1.841 vụ việc = 96,8%

- Năm 2009: Thụ lý 1.887 vụ việc, giải quyết 1.842 vụ việc = 97,6%

- Năm 2010: Thụ lý 1.810 vụ việc, giải quyết 1.769 vụ việc = 97,73%

- Năm 2013: Thụ lý 2.155 vụ việc, giải quyết 2.103 vụ việc = 97,58%

- Năm 2014: Thụ lý 2015 vụ việc, giải quyết 1.968 vụ việc = 97,66%

- Năm 2015: Thụ lý 2.281 vụ việc, giải quyết 2.241 vụ việc = 98,2%

- Năm 2016: Thụ lý 2.438 vụ việc, giải quyết 2.366 vụ việc = 97%

- Năm 2017: Thụ lý 2.489 vụ việc, giải quyết 2.334 vụ việc = 93,7%

Đến nay, TAND tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, được dư luận đồng tình. Bằng những biện pháp thiết thực phù hợp, TAND tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả công tác xét xử các loại án nói chung và nhất là công tác

44

xét xử các vụ án trọng điểm nói riêng. Để nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án trọng điểm và chủ động xử lý, kiểm soát được mọi tình huống diễn biến tại phiên toà này, TAND tỉnh đã chú trọng khâu nghiên cứu hồ sơ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi xác định án trọng điểm để có sự thống nhất trong chỉ đạo liên ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Từ năm 2016 đến nay, hàng năm, TAND tỉnh đã chủ động tổ chức gần 10 phiên toà có sự tham gia của ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban nội chính, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cùng các cơ quan có liên quan. Sau mỗi phiên toà, lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm cho các thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên giữ quyền công tố, thư ký ghi biên bản phiên toà về tổ chức, điều hành phiên toà, nhất là phần tranh tụng tại phiên Toà[24].

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong những năm qua Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiều giải pháp trên cơ sở Kế hoạch của TAND tối cao về cải cách tư pháp, đặc biệt là các giải pháp về tranh tụng tại phiên toà, trong đó đáng chú ý là Chỉ thị số 01/CT-CA ngày 16/01/2017 của Chánh án TAND tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 của các Toà án, đặt ra các yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp;

đồng thời giao chỉ tiêu mỗi Thẩm phán trong hệ thống TAND trong năm công tác chủ toạ xét xử ít nhất một phiên toà rút kinh nghiệm.

Việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, phiên toà rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp phải đảm bảo yêu cầu, đó là: Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy

45

định trong Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật tố tụng nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật, chỉ tính riêng năm 2017 Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Bình tổ chức hơn 30 phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp

Phòng xét xử, trang phục của các thành viên Hội đồng xét xử, cách xưng hô tại phiên toà, vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng; đảm bảo tính uy nghiêm của pháp đình. Khi Nghị án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phán quyết của Hội đồng xét xử phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bên tranh tụng và những người tham gia tố tụng

Sau mỗi phiên toà xét xử, Toà án tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm có sự tham gia của Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, Kiểm sát viên, thảo luận và chỉ ra những hạn chế (nếu có) của Chủ toạ phiên toà, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên trong quá trình điều hành phiên toà. Một số kinh nghiệm thường được rút ra tại mỗi phiên toà như: Hội đồng xét xử nên dành thời gian cho kiểm sát viên hỏi để làm rõ bản cáo trạng, tình tiết nào chưa rõ thì Hội đồng xét xử mới hỏi để làm rõ; công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt tại phiên toà trong trường hợp bản án có viện dẫn lời khai để giải quyết nội dung vụ án.

2.2.4. Về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình

Xác định nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CBCC Tòa án giữ vị trí quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ nhằm đảm bảo đội ngũ CBCC Tòa án có đủ tiêu

46

chuẩn về chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, “vừa hồng vừa chuyên” để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác quy hoạch cán bộ: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 42- NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX); Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI); Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 16/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Hướng dẫn số 09- HD/BTCTU ngày 02/01/2013 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã triển khai đầy đủ các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, trọng tâm là việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. TAND tỉnh Quảng Bình đã tiến hành rà soát xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020 thuộc diện ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và diện Ban cán sự Đảng quản lý theo đúng hướng dẫn của Tỉnh ủy và TAND tối cao. Hàng năm đều tiến hành rà soát và bổ sung quy hoạch.

Công tác bổ nhiệm cán bộ: Chú trọng tới những cán bộ được đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm phải cơ bản phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy được năng lực trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chức danh Thẩm phán ở TAND hai cấp tỉnh đều phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng TAND tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự phối hợp giữa Ban cán sự Đảng TAND tỉnh với Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc tỉnh.

Công tác tuyển dụng cán bộ: Đã thực hiện một cách nghiêm túc, tuân thủ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của TAND tối cao về công tác thi tuyển, tuyển dụng CBCC. Đảm bảo các chức danh thư ký được tuyển dụng đều phải có trình độ cử nhân luật; các chức danh chuyên viên, kế toán đều có

47

trình độ đại học phù hợp với vị trí, việc làm; tất cả đều có trình độ B tiếng Anh trở lên và đều sử dụng thành thạo máy vi tính.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Trong năm 2017, Tòa án tỉnh đã cử hàng chục lượt cán bộ đi tập huấn nghiệp vụ, tham gia hội thảo do TAND cao và các cơ quan Trung ương tổ chức. Ngoài ra, TAND tỉnh cũng đã tổ chức 02 đợt tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, chuyên viên TAND hai cấp tỉnh; đã tổ chức các buổi rút kinh nghiệm xét xử, tổ chức 03 đợt tập huấn cho Hội thẩm nhân dân về nghiệp vụ xét xử và những điểm mới của các Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và Hội thẩm nhân dân. Có 25 Thẩm phán được cử đi tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ;

đã cử 02 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị và cử hàng chục lượt cán bộ tham gia dự thi Cao học Luật, tính đến nay TAND hai cấp tỉnh có 13 cán bộ có trình độ Thạc sỹ Luật và 28 cán bộ đang theo học Thạc sỹ tại các cơ sở đào tạo trong nước[6]

- Thực hiện thường xuyên công tác điều động, luân chuyển cán bộ có chức danh tư pháp từ Tòa án tỉnh đến các Tòa án cấp huyện và ngược lại, nhằm kiện toàn về công tác tổ chức cán bộ của Tòa án hai cấp, tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, thử thách ở nhiều vị trí công tác khác nhau.

- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đối với cán bộ, công chức:

Quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức Tòa án tỉnh. Đồng thời, đã xây dựng các quy định, quy chế tăng cường kỷ luật công vụ, cơ chế giám sát việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức, nhất là trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Cải cách thủ tục hành chính tư pháp Từ thực tiễn Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình (Trang 48 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)