Kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về thời hạn

Một phần của tài liệu Thời hạn trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (Trang 83 - 86)

Chương 2: Thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về thời hạn trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

2.3 Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thời hạn trong điều tra,

2.3.2 Kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về thời hạn

Thời hạn trong điều tra.

- Thứ nhất, giữa các quy định về thời hạn của Điều 111, Điều 119, Điều 319 chưa có sự đồng bộ trong kỹ thuật lập pháp nên cần sửa đổi theo hướng sử dụng “thủ tục rút gọn” là bắt buộc chứ không phải tùy nghi.

- Thứ hai, về thời hạn điều tra trong vụ án có nhiều tội danh thì thời hạn điều tra tính theo loại tội danh nào; Điều 119 quy định chưa rõ ràng nên dẫn đến việc áp dụng trên thực tế còn nhiều vướng mắc. Do đó, cần phải quy định thời hạn điều tra trong trường hợp này được tính theo tội nặng nhất. Và kéo theo thời hạn điều tra bổ sung trong trường hợp khởi tố bổ sung phải được tính theo tội nặng nhất.

- Thứ ba, về mối tương quan giữa thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra: Theo quan điểm tác giả, không nên thay đổi một cách máy móc ở đây là phải quy định thời hạn tạm giam bằng hay tương xứng với thời hạn điều tra cho dễ áp dụng trên thực tế, mà cần phải tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Điều nên thay đổi chính là việc quy định rõ ràng thời hạn tạm giam để truy tố, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử như Điều 120 đã làm chứ không nên quy định chung chung là “không được quá” như Điều 166, 176 BLTTHS.

- Thứ tư, về thời hạn phục hồi điều tra chưa được “phân tầng” một cách rõ ràng, cụ thể đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Thời hạn gia hạn để điều tra trong trường hợp này cũng chưa phân định rõ cho tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; bên cạnh đó, điều luật hiện hành (khoản 1, Điều 121) chưa quy định thời hạn gia hạn đối với tội ít nghiêm trọng nhưng có tính chất phức tạp. Do đó, cần phải quy định một cách chi tiết hơn khi sửa đổi, bổ sung điều luật này.

- Thứ năm, về thời hạn trong trường hợp điều tra bổ sung, khoản 2, Điều 121 quy định theo cơ quan trả hồ sơ điều tra bổ sung (VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; và thời hạn này là không quá một tháng khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung) là chưa hoàn toàn hợp lý; mà cần phải quy định thời hạn này dựa trên sự kết hợp giữa yếu tố chủ thể trả hồ sơ điều tra bổ sung và yếu tố phân loại tội phạm.

- Cuối cùng, tại khoản 2, Điều 143, cần phải thay đổi thuật ngữ “lâu ngày” thành

“nhiều ngày” (từ hai ngày trở lên) để có cơ sở dễ dàng hơn trong việc áp dụng.

78

Thời hạn trong truy tố.

- Thứ nhất, cần phải phân loại thời hạn quyết định việc truy tố theo sự phân loại tội phạm một cách rõ ràng và chi tiết hơn; không nên chỉ chia thành hai cụm là hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cần phải sửa đổi thời hạn quyết định truy tố theo từng loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) tương ứng là 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày và 45 ngày. Cụ thể như sau:

“Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố

1. Trong thời hạn mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hai mươi ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây: [...]”.

- Thứ hai, thời hạn gia hạn đề quyết định truy tố cũng cần xét theo thang bậc của sự phân loại tội phạm; theo đó, thời hạn quy định hiện nay là mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; cần phải được sửa đổi đối với khoảng thời gian là 05 ngày, 10 ngày, 15 ngày và 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng một cách tương ứng. Do đó, đoạn 2, khoản 1, Điều 176 có thể sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố

1. [...] Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá năm ngày đối với tội ít nghiêm trọng; không quá mười ngày đối với tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Thứ ba, về thời hạn tạm giam để truy tố, khoản 2, Điều 176 nêu rõ: “Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này”, tức thời hạn tạm giam để truy tố không được quá thời hạn truy tố và thời hạn gia hạn truy tố. Quy định đó chưa được cụ thể và chi tiết nên cần phải quy định một thời hạn thật cụ thể để có thể áp dụng một cách trực tiếp, tránh trùng lắp, đồng nhất với thời hạn tạm giam để truy tố và thời hạn gia hạn để truy tố. Có thể quy định thời hạn tạm giam để truy tố là

79

10, 20, 30 và 45 ngày trong trường hợp không gia hạn và thời hạn này sẽ được cộng thêm tương ứng là 03, 07, 10 và 20 ngày trong trường hợp gia hạn, tương ứng với sự phân loại tội phạm.

Thời hạn trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

- Thứ nhất, thời hạn chuẩn bị XXST phải được tính từ ngày Tòa án nhận hồ sơ thay vì quy định hiện nay, tính từ ngày Thẩm phán nhận hồ sơ. Thời hạn quy định phải có sự thống nhất về đơn vị thời gian được tính để tạo sự đồng bộ với các thời hạn khác được quy định trong khoản 2, Điều 176.

- Thứ hai, thời hạn gia hạn để chuẩn bị XXST chỉ quy định thành hai cụm (không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) là chưa thật hợp lý và cụ thể; cần phải điều chỉnh theo hướng gia hạn đối với bốn loại tội phạm với thời hạn tương ứng là 10, 15, 30, 45 ngày. Cụ thể như sau:

“Điều 176. Thời hạn chuẩn bị xét xử

2. [...] Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá mười lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.”

- Thứ ba, về khoảng thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi mở phiên tòa (tạm gọi là thời hạn mở phiên tòa như đã phân tích ở phần 2.1.4) phải được quy định riêng và hoàn thiện ở một điều luật khác với “lượng công việc” nhất định, với thời điểm bắt đầu và kết thúc. Có thể tham khảo như sau:

“Điều 176a. Thời hạn mở phiên tòa sơ thẩm

1. Thời hạn mở phiên tòa sơ thẩm được tính từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi mở phiên tòa. Thư ký và Thẩm phán được phân công chủ tọa có nhiệm vụ tiến hành những việc cần thiết cho việc mở phiên tòa.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn ba mươi ngày.”

80

Do đó, khoản 1, Điều 176 cần bỏ đoạn “và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa”. Và, cần bổ sung tại đoạn 2, khoản 1, Điều 177 như sau: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176, Điều 176a của Bộ luật này.”

- Thứ tư, thời hạn hoãn phiên tòa là thời hạn áp dụng cho mọi loại tội phạm; khi quy định, loại thời hạn này chỉ dựa vào các nguyên nhân dẫn đến phải hoãn phiên tòa – đó là sự vắng mặt của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; chứ chưa dựa vào mức độ phức tạp của vụ án hay theo sự phân loại tội phạm. Không thể hoãn phiên tòa đến 30 ngày vì một vụ án ở mức độ ít nghiêm trọng được khi so với vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cần phải “phân bậc” lại đối với thời hạn hoãn phiên tòa (quy định tại Điều 194) để bảo đảm quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng nhất là bị can, bị cáo.

- Cuối cùng, về thời hạn nghị án, chưa được quy định tại Điều 222. Trên thực tế cho ta thấy, do luật không quy định về thời gian nghị án nên dẫn đến sự tùy tiện khi áp dụng. Do đó, cần phải bổ sung về thời hạn nghị án theo hướng mở – tức thời hạn này do HĐXX quyết định tại phiên tòa, và phải được thông báo tại phiên tòa khoảng thời gian nghị án trước khi HĐXX vào nghị án.

Một phần của tài liệu Thời hạn trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)