CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRANH TRỤNG TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ
1.2. Vấn đề tranh tụng tại phiên tòa hình sự trong các mô hình tố tụng
1.2.1. Mô hình tố tụng tranh tụng
Mô hình tố tụng tranh tụng xuất hiện đầu tiên tại Hy Lạp cổ đại, sau đó được đưa vào sử dụng ở La Mã và được biết đến với tên gọi “Thủ tục hỏi đáp liên tục”
(Procedure des questions perpetuelle)17. Hiện nay, chủ yếu các nước theo hệ thống luật án lệ như Anh, Mỹ,... áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng. Trong mô hình tố tụng này, vấn đề tranh tụng được thể hiện một cách rõ ràng, đậm nét chính bởi những đặc điểm sau:
17 Ban cán sự Đảng VKSNDTC, Đề án mô hình TTHS Việt Nam, 2012
Thứ nhất, Mô hình tố tụng tranh tụng cho rằng: Sự thật sẽ được tìm ra thông qua sự tranh luận một cách công bằng giữa hai bên dựa trên những dữ liệu chính xác về vụ án đó mà các bên thu thập được. Chính vì vậy, một trong những đặc điểm nổi bậc của mô hình tranh tụng đó là sự phân chia rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng. Theo đó, công tố viên, người bị hại (hoặc luật sư đại diện của người bị hại) thực hiện chức năng buộc tội. Luật sư bào chữa, bị cáo là các chủ thể thực hiện chức năng bào chữa. Các bên trong tranh tụng được cung cấp những điều kiện, phương tiện và cơ hội ngang nhau để thực hiện chức năng tố tụng của mình, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời bác bỏ, phản đối những gì bất lợi bằng cách: đặt ra những câu hỏi nhằm kiểm tra nhân chứng cũng như chứng cứ mà bên đối thủ trình bày. Ngoài ra, họ còn có quyền phản đối, ngắt lời khi nhận thấy bên kia có sự vi phạm tố tụng. Nói cách khác, chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chủ thể thực hiện chức năng gỡ tội chính là đối thủ của nhau tại phiên tòa. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn là các chủ thể thực hiện chức năng xét xử. Tòa án chính xác là trọng tài trung lập. Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn không được tiếp xúc hoặc có bất cứ hiểu biết nào về vụ án, điều quan trọng là họ phải lắng nghe những lý lẽ, bằng chứng mà các bên trình bày để có thể đưa ra phán quyết đúng đắn công bằng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiểm soát việc tranh tụng giữa các bên tại phiên tòa. Nếu Công tố viên có thể chứng minh tội phạm một cách thuyết phục, Thẩm phán và bồi thẩm đoàn sẽ kết án tội phạm. Nhưng ngược lại, luật sư có thể bảo vệ thành công cho bị cáo trước sự buộc tội của công tố viên, có khả năng bị cáo sẽ
được tuyên trắng án. Thẩm Phán và Bối thẩm đoàn không có nhiệm vụ phải chứng minh tội phạm, xác định sự thật vụ án. Phán quyết của Tòa án chỉ dựa trên những chứng cứ, lý luận được trình bày trước tòa. Vai trò của thẩm phán và bồi thẩm đoàn tại phiên tòa hình sự khá thụ động. Chính sự phân định rạch ròi quyền và nghĩa vụ các chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng trong mô hình tố tụng này đã thúc đẩy sự tranh tụng diễn ra một cách rõ nét và mạnh mẽ.
Thứ hai, Tranh tụng chỉ thật sự xuất hiện rõ nét và ở mức độ cao nhất tại phiên tòa. Phiên tòa được diễn ra như một cuộc điều tra công khai với sự hiện diện đầy đủ các bên trong tố tụng. Chỉ những chứng cứ được trình bày, kiểm tra tại phiên tòa tuân theo những quy định nghiêm ngặt về chứng cứ, nguyên tắc tranh tụng và được Thẩm phán chấp nhận đó là chứng cứ thì mới có giá trị chứng minh. Vì vậy, những tài liệu, chứng cứ được thu thập trước khi mở phiên tòa chưa được xem là chứng cứ, không nói lên được điều gì về sự thật khách quan của vụ án. Nhưng đây
là những chứng cứ, tài liệu mà các bên chuẩn bị để chứng minh sự buộc tội hoặc bào chữa của mình, đồng thời dùng để phản bác, đặt nghi vấn đối với những lập luận, chứng cứ của bên đối thủ. Vì vậy, tính tranh tụng thể hiện rõ ràng nhất tại phiên tòa phần lớn là do các bên phải đối trọng nhau đưa ra những lập luận, quan điểm để bảo vệ hoặc bác bỏ lời khai của nhân chứng, chứng cứ.
Mặc dù ưu điểm lớn của mô hình tố tụng tranh tụng đó là sự tranh tụng thể hiện rất rõ nét, đảm bảo được các quyền con người trong suốt quá trình tố tụng.
Nhưng mô hình tố tụng này vẫn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế cần phải xem xét. Thứ nhất, trong mô hình tranh tụng, các bên được tự tạo hồ sơ cho riêng mình.
Các Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn không được tiếp xúc với hồ sơ của bất cứ bên nào trước khi mở phiên Tòa. Ưu điểm lớn nhất của việc này là Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn sẽ không có bất cứ một định hướng, quan điểm cá nhân nào làm ảnh hưởng đến quyết định của mình mà họ phải lắng nghe cả hai bên trình bày các vấn đề của vụ án, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn. Đồng thời, điều này cũng buộc các bên tranh tụng tích cực đưa ra quan điểm, lý luận, chứng cứ có tính thuyết phục nhất.
Tuy nhiên, chính vì Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn không có nghĩa vụ xác định sự thật, chỉ có nhiệm vụ lắng nghe các bên trình bày “sự thật của vụ án” dựa trên những vật chứng, lời khai của nhân chứng tại tòa nên “sự thật của vụ án” mà Thẩm phán cùng Bồi Thẩm đoàn quyết định có thể là “sự thật” đã được trình bày một cách thuyết phục hơn chứ không hẳn là “sự thật khách quan của vụ án”. Thứ hai, chính vì toàn bộ sự thật khách quan của vụ án được làm rõ thông qua tranh luận giữa các bên tại phiên tòa nên thông thường một phiên tòa xét xử sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiêu hao nhiêu sức người, sức của.
1.2.2. Mô hình tố tụng thẩm vấn
Thế kỷ 13, Tố tụng thẩm vấn được áp dụng như một hình thức kỷ luật được thiết lập bởi Giáo Hoàng đệ tam (Pope Innocent III). Cuối thế kỷ 15 và suốt thế kỷ 16, nhắc đến “tố tụng thẩm vấn” người ta nhớ đến những hình ảnh tra tấn tán ác, dã man nhằm đạt được lời nhận tội. Có thể nói, người bị bắt luôn bị suy đoán có tội cho tới khi chứng minh được họ vô tội. Ngày nay, hình thức tố tụng thẩm vấn không còn sự tra tấn, ngược đãi nhưng tầm quan trọng của lời nhận tội vẫn tồn tại.
Khác với mô hình tố tụng tranh tụng, vấn đề tranh tụng trong mô hình tố tụng thẩm vấn hiện lên mờ nhạt bởi những đặc điểm sau của kiểu tố tụng này:
Thứ nhất, mô hình tố tụng thẩm vấn coi trọng việc kiểm soát và trấn áp tội phạm. Mục đích tìm ra sự thật của vụ án chính là vấn đề quan trọng nhất. Vì vậy
quá trình giải quyết vụ án là một cuộc điều tra, kể cả phiên toà cũng được xem như sự tiếp tục điều tra làm rõ, xem xét tính hợp pháp và có căn cứ của các chứng cứ đã
được thu thập trong các giai đoạn trước. Công tố viên không đại diện cho người bị hại mà đại diện quyền lực nhà nước thực hiện chức năng buộc tội. Cơ quan nhà nước tiến hành các hoạt động điều tra bằng hình thức viết, bí mật và không trực diện nhằm thu thập chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Chính vì vậy, vai trò của luật sư bào chữa tương đối mờ nhạt. Ngoài ra, mô hình tố tụng thẩm vấn đòi hỏi sự hợp tác của người tham gia tố tụng trong khi mô hình tranh tụng không đòi hỏi sự hợp tác này. Người tham gia tố tụng có nghĩa vụ phải khai báo khi bị thẩm vấn, họ không có quyền im lặng và thậm chí là người tham gia tố tụng bị tra tấn, ngược đãi nhằm lấy được lời khai, lời nhận tội.
Thứ hai, đó là vai trò tích cực của Thẩm phán. Trong tố tụng thẩm vấn, chức năng chính của thẩm phán là xét xử. Tại phiên tòa xét xử theo mô hình tố tụng thẩm vấn, Thẩm phán trực tiếp và tích cực thẩm vấn nhân chứng, kiểm tra chứng cứ buộc tội lẫn chứng cứ gỡ tội. Công tố viên và luật sư bào chữa có vai trò rất thụ động và hầu như không tranh tụng với nhau tại phiên toà hình sự. Điều này tạo nên cảm giác rằng thẩm phán thực hiện cả chức năng buộc tội. Mặc dù, chức năng buộc tội của Thẩm phán có phần mờ nhạt hơn so với chức năng xét xử. Đồng thời, mô hình tố tụng thẩm vấn cũng không chú trọng tạo cho những người bị buộc tội những quyền để họ bảo vệ mình trước cơ quan tư pháp. Điều này khiến cho phiên toà hình sự theo mô hình tố tụng thẩm vấn hoàn toàn khác với phiên toà theo mô hình tố tụng tranh tụng. Trong khi phiên toà theo mô hình tranh tụng diễn ra sôi nổi bởi sự tranh tụng giữa công tố viên và luật sư bào chữa thì phiên toà theo mô hình tố tụng thẩm vấn diễn ra như sự tiếp tục điều tra, thẩm vấn.
Ưu điểm lớn nhất của mô hình tố tụng thẩm vấn là kiểm soát tốt tội phạm.
Bởi vì các hoạt động tố tụng đều do cơ quan đại diện quyền lực nhà nước trực tiếp thực hiện. Nếu có sự bóp méo, che giấu sự thật từ những người tham gia tố tụng đều dễ dàng bị cơ quan tiến hành tố tụng nhận ra. Đồng thời, với quyền lực của mình, cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn khi thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ, lấy lời khai. Bên cạnh đó, mục đích tìm ra sự thật của vụ án là mục đích tối quan trọng nên mô hình tố tụng thẩm vấn không đặt nặng về hình thức: Các vi phạm thủ tục tố tụng không đáng kể có thể sẽ được bỏ qua nếu mục đích tìm ra sự thật vụ án vẫn đạt được. Từ đó, việc giải quyết vụ án, phiên toà xét xử diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều so với mô hình tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên, mô hình tố tụng thẩm
vấn vẫn tồn tại những khuyết điểm. Tình trạng bức cung, nhục hình, ép cung xảy ra thường xuyên khi mà lời nhận tội là “chứng cứ vua”, các cơ quan tiến hành tố tụng kể cả thẩm phán cũng phải chịu áp lực chứng minh tội phạm trong khi luật sư với vai trò bào chữa mờ nhạt, sự tranh tụng không được chú trọng, từ đó thiếu đi sự phản biện cần thiết trong hoạt động chứng minh tội phạm mà dẫn đến sự phiến diện, suy nghĩ một chiều từ cơ quan tiến hành tố tụng. Quyền con người, quyền công dân không thể bảo đảm khi mà quyền và nghĩa vụ các bên trong tranh tụng không được cân xứng. Người thực hiện chức năng buộc tội có hầu hết các quyền lợi thuận tiện cho việc thực hiện chức năng của mình, trong khi quyền và lợi ích của chủ thể thực hiện chức năng bào chữa mờ nhạt, không được chú trọng, quan tâm.
Mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng thẩm vấn đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng của chúng. Chính vì vậy, ngày nay hầu như không còn quốc gia nào theo một mô hình tố tụng thuần tuý. Xu hướng các quốc gia hiện nay là chọn lọc những yếu tố tích cực, điểm mạnh trong từng mô hình tô tụng sao cho phù hợp với truyền thống pháp luật cũng như điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội của nước mình. Việt Nam cũng vậy, chúng ta đã khẳng định Việt Nam là mô hình tố tụng thẩm vấn nhưng vẫn tiếp thu có chọn lọc những nhân tố tích cực từ mô hình tố tụng tranh tụng phù hợp với truyền thống pháp luật và văn hoá xã hội của Việt Nam nhằm hoàn thiện mô hình tố tụng của nước nhà.