Trình tự, thủ tục tại phiên tòa hình sự theo quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam và Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu Tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm nghiên cứu so sánh pháp luật tố tụng hình sự hoa kỳ và kinh nghiệm cho việt nam (Trang 48 - 62)

CHƯƠNG 2. TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ LIÊN BANG HOA KỲ VÀ VIỆT NAM

2.2. Trình tự, thủ tục tại phiên tòa hình sự theo quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam và Hoa Kỳ

Trong những bộ phim về luật sư Hoa Kỳ, ta thấy phiên tòa diễn ra như một trận đấu đầy kịch tính, nhanh chóng và đầy mạo hiểm. Các luật sư dễ dàng tranh luận để đạt đến tuyên bố trắng án cho thân chủ. Tuy nhiên, thực tế lại không giống như vậy. Các phiên tòa diễn ra một cách chậm rãi, từ tốn và trang nghiêm hơn. Cả

luật sư bào chữa và công tố viên đều thận trọng trong các giai đoạn của phiên tòa, cân nhắc và phân chia thời gian trình bày một cách hợp lý nhất để có thể truyền đạt một cách hiệu quả nhất những lập luận của mình. Phiên tòa được diễn ra theo các bước cụ thể như sau:

Những tuyên bố mở đầu

Trước hết, tất cả các nhân chứng kể cả người bị hại sẽ không được vào phòng xử án, họ sẽ phải được cách ly hoàn toàn bằng cách đợi ở ngoài, cho đến khi được triệu tập lên Tòa. Điều này giúp cho các nhân chứng không thể nghe lời khai của nhau gây ảnh hưởng đến lời trình bày của họ tại phiên tòa. Đồng thời, Tòa án sẽ

hướng dẫn sơ bộ cho Bồi thẩm đoàn – những người chưa quen thuộc với luật pháp – các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của bồi thẩm viên tại phiên tòa hình sự, giải thích qui trình xét xử và nhắc nhở họ không được nói với bất cứ ai về vụ án dù là trong hoặc ngoài phòng xử án…

Sau khi hướng dẫn sơ bộ, công tố viên và luật sư sẽ trình bày tuyên bố mở

đầu trước bồi thẩm đoàn. Trong phiên tòa có bồi thẩm đoàn, các tuyên bố này sẽ dài dòng và chi tiết hơn nhằm giúp bồi thẩm đoàn định hướng đi của hai bên, những bằng chứng sẽ được xuất trình, những nhân chứng sẽ được triệu tập, mỗi bên sẽ tìm cách chứng minh điều gì. Sau lời trình bày của công tố viên, Luật sư bào chữa có

quyền trình bày lời mở đầu của mình. Thông thường, luật sư sẽ bảo lưu quyền này cho tới khi bên bào chữa biết chính xác các chứng cứ mà bên buộc tội sẽ đưa ra. Sau phần trình bày tuyên bố mở đầu, phần lấy chứng cứ (phần chất vấn) sẽ bắt đầu61.

61 Tô Văn Hòa (2012), tlđd (34), tr. 425

Tương tự Hoa Kỳ, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định trước khi hỏi người làm chứng, chủ tọa phiên tòa quyết định biện pháp để những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau. Trong trường hợp lời khai của bị cáo và

người làm chứng hoặc lời khai của bị cáo này và các bị cáo khác trong cùng một vụ án có ảnh hưởng với nhau thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ (điều 304, 309 BLTTHS 2015). Tuy nhiên, trong thực tế việc cách ly vẫn chưa được chú trọng.

Những người làm chứng và bị cáo ngồi cùng nhau trong phòng xét xử. Họ có thể nghe được lời khai của nhau. Nguyên nhân là do hầu hết các trụ sở tòa án vẫn chưa được bố trí phòng cách ly cách âm. Điều này dẫn đến lời khai của bị cáo này bị ảnh hưởng bởi lời khai của bị cáo khác hoặc lời khai của người làm chứng. Trong một số trường hợp, việc cách ly không được đảm bảo có thể ảnh hưởng đến mặt tâm lý

cho người làm chứng, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Lời khai của những người làm chứng và vật chứng giống như là những “nguyên liệu” để công tố viên (kiểm sát viên) và luật sư bào chữa có thể thực hiện chức năng buộc tội, gỡ tội một cách hiệu quả. Một khi lời khai đã không thể cung cấp sự thật khách quan thì

việc chứng minh sự thật vụ án, việc bào chữa sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề cách ly người làm chứng, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cần được chú trọng thực hiện. Ngoài ra, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam chỉ mới chú trọng đến việc cách ly những người làm chứng, những bị cáo, giữa bị cáo và người làm chứng chứ chưa nhắc đến việc những người được xét hỏi khác như bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng cần được cách ly. Hiện nay, hầu như như người này đều ngồi cùng một phòng xét xử, nghe được toàn bộ lời khai của người khác. So sánh với Hoa Kỳ, ta thấy rõ là có sự khác biệt rất lớn. Tại phiên tòa xét xử, tất cả nhân chứng đều ở bên ngoài phòng cách ly, chỉ khi được triệu tập theo yêu cầu của công tố viên hoặc luật sư bào chữa thì họ mới bước vào phòng xét xử. Họ không được nghe lời khai của những người khác mà chỉ có thể khai những gì họ biết. Chính vì vậy lời khai của họ ít bị ảnh hưởng bởi những lời khai của người khác đồng thời dễ dàng nhận ra những điểm mâu thuẫn giữa lời khai của những nhân chứng. Bên cạnh đó, việc cách ly như vậy có lợi cho tâm lý của nhân chứng. Bởi vì họ có thể yên tâm cho lời khai mà không phải lo sợ hoặc kích động khi nhìn thấy thái độ, sắc mặt của những người bị lời khai của họ làm ảnh hưởng. Đây là điểm tiến bộ mà Việt Nam cần quan tâm để có sự điều chỉnh thích hợp trong việc cho cách ly không chỉ đối với người làm chứng mà phải cách ly tất cả những người được triệu tập đến phiên tòa để xét hỏi.

Lấy chứng cứ (phần chất vấn)

Sau những tuyên bố mở đầu, phần chất vấn sẽ bắt đầu bằng sự trình bày lập luận cáo buộc của bên buộc tội. Theo đó, công tố viên sẽ gọi các nhân chứng hoặc đưa ra các vật chứng đã được xác thực trước theo quy tắc chứng cứ (như viên đạn, mẫu xét nghiệm máu, dấu vân tay,…) mà ông ta cho rằng đó là những chứng cứ thuyết phục Thẩm phán và các bồi thẩm viên về hành vi phạm tội của bị cáo. Những nhân chứng này sẽ được kiểm tra trực tiếp tại tòa bởi công tố viên, kiểm tra chéo bởi luật sư bào chữa, tái kiểm tra trực tiếp bởi công tố viên và sau đó tòa án có thể hỏi họ một vài câu hỏi62. Lúc này, công tố viên sẽ làm việc độc lập, tự quyết định triệu tập nhân chứng nào, thứ tự nhân chứng xuất hiện khai báo và vật chứng. Thẩm phán thường sẽ không can thiệp quá nhiều vào việc thẩm vấn nhân chứng. Nhiệm vụ của Thẩm phán là kiểm soát một cách hợp lý cách thức, trình tự kiểm tra nhân chứng và trình bày chứng cứ để việc xác định sự thật đạt hiệu quả, tránh lãng phí

thời gian và bảo vệ nhân chứng khỏi sự bối rối63 . Bị hại (nạn nhân) và luật sư của nạn nhân trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ không có vai trò gì đặc biệt trong phiên tòa xét xử ngoài việc cung cấp lời khai như một nhân chứng nếu họ được một trong các bên triệu tập đến phiên tòa. Thông thường, công tố viên sẽ triệu tập nạn nhân làm nhân chứng truy tố trong phần này nhưng trong một số trường hợp công tố viên sẽ

không làm như vậy. Có thể đó là chiến thuật của công tố viên, hoặc có thể nạn nhân không thích hợp để làm nhân chứng tại tòa. Nạn nhân và luật sư của nạn nhân không được phép đặt câu hỏi cho bất cứ ai trong suốt phiên tòa. Bị cáo có quyền từ chối cho lời khai, không đưa ra chứng cứ để chứng minh mình vô tội, không cần phải trả lời bất cứ câu hỏi của ai trừ khi họ quyết định khai báo như một người nhân chứng thì khi đó họ sẽ bị thẩm vấn bởi công tố viên, luật sư bào chữa, thậm chí là thẩm phán.

Công tố viên sẽ bắt đầu đặt câu hỏi với nhân chứng truy tố (Kiểm tra trực tiếp). Trước khi ra làm chứng, nhân chứng sẽ phải đọc “lời tuyên thệ” hoặc một “lời khẳng định” rằng nhân chứng sẽ làm chứng một cách chân thật 64. “Lời tuyên thệ”

được thiết lập thành mẫu đơn có tác động mạnh mẽ vào lương tâm của nhân chứng.

62 Stephen Seabrooke & John Sparack (2004), Criminal evidence & procedure, Black Stone Press limited, Reprinted.

Nguyên văn: After the opening speech (if any), the prosecution witness are called. They are examined in chief by the prosecutor, cross-examined by the defence, re-examined by the prosecutor and then the bench may ask them questions.

63 Điều 611a, Quy tắc Liên Bang về chứng cứ (Federal Rules of Evidence 2010)

64 Điều 603, Quy tắc Liên Bang về chứng cứ (Federal Rules of Evidence 2010)

Đây cũng được xem là một biện pháp mềm dẻo để đảm bảo các nhân chứng (đặc biệt là những người theo Tôn giáo, trẻ em,…) sẽ làm chứng một cách chân thật.

“Lời khẳng định” là sự cam kết làm chứng nghiêm túc và đúng sự thật. Nếu nhân chứng cố ý cho lời khai giả dối thì họ có khả năng sẽ bị kết tội khai man và bị phạt hoặc bỏ tù không quá 5 năm hoặc cả hai65.

Trong quá trình hỏi, nếu luật sư bào chữa tin rằng câu hỏi hoặc câu trả lời đó

vi phạm các quy tắc Liên Bang về chứng cứ (FRE) thì họ sẽ lập tức phản đối ngay, bên công tố có thể lập tức đưa phản biện nếu tin rằng mình không vi phạm và thẩm phán sẽ quyết định phản đối có hiệu lực hay không. Thẩm phán có thể chấp nhận sự phản đối của luật sư bằng cách cấm các câu hỏi, câu trả lời hoặc bác bỏ sự phản đối của luật sư khi xét thấy công tố viên trình bày hợp lý 66.

Sau khi công tố viên kết thúc việc hỏi của mình, luật sư sẽ có cơ hội hỏi nhân chứng, hay nói cách khác là chất vấn chéo (kiểm tra chéo) chứng cứ của của bên buộc tội. Các luật sư có thể từ chối chất vấn chéo nhân chứng truy tố, như vậy họ sẽ mất cơ hội chất vấn nhân chứng đó. Nhưng khi cần thiết, họ có thể cho gọi nhân chứng đó

lần nữa trong phần bào chữa và khi đó là trực vấn, luật sư không được đặt những câu hỏi như khi chất vấn chéo. Việc kiểm tra chéo nhân chứng có khi không góp phần trực tiếp đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án mà chỉ có ý nghĩa trong việc bồi thẩm đoàn và thẩm phán chủ tọa có nên tin tưởng hay không lời làm chứng của nhân chứng đó và có chấp nhận lời khai của nhân chứng đó trở thành chứng cứ hợp pháp hay không. Điều này rất quan trọng đối với các bên trong tố tụng. Bởi vì, nếu đó

là nhân chứng quan trọng để chứng minh tội phạm nhưng công tố viên không thể chuyển hóa thành công lời khai của nhân đó thành chứng cứ hợp pháp thì việc lập luận để buộc tội bị cáo sẽ trở nên vô cùng khó khăn và một khi công tố viên không đủ chứng cứ chứng minh thì bị cáo sẽ được tuyên vô tội. Vì vậy trong kiểm tra chéo, luật sư thường đưa ra những câu hỏi khiến nhân chứng nhầm lẫn, mất bình tĩnh và nói rằng họ không nhớ rõ, không chắc chắn hoặc có thể bắt bí nhân chứng bằng những thủ đoạn đa dạng (dạng câu hỏi thường được hỏi là: “Làm sao ông/bà biết được điều đó?”) 67. Do đó, nhân chứng tham gia phiên tòa thường chịu rất nhiều áp lực. Nếu không chuẩn bị tâm lý vững vàng, công tố viên không lường trước những phát sinh,

65 U.S. Code, title 18, part 1, chapter 79, 1621

66 Vụ State v. Johnston, 344 N.C. 596 (1996) (tòa án không cho phép lặp lại các câu hỏi); Vụ State v. Jaynes, 342 N.C. 249 (1995) (giới hạn các câu hỏi lặp đi lặp lại); vụ State v. Cook, 280 N.C. 642 (1972) (cấm các câu trả lời lặp lại)

67 Elisabeth Pelsez (2003), tlđd (10), tr.14

thì họ dễ dàng bị luật sư dẫn dắt đi theo hướng có lợi cho bên bào chữa. Bên cạnh đó, để bảo vệ nhân chứng khỏi sự tấn công quá mức, Thẩm phán chỉ cho phép thẩm vấn những vấn đề không vược quá phạm vi kiểm tra trực tiếp và liên quan đến uy tín, sự chân thật của nhân chứng. Thẩm phán cũng cho phép thẩm vấn rộng hơn nhằm làm rõ những vấn đề đã trình bày trong phần kiểm tra trực tiếp nhưng chưa được làm rõ68. Cho nên, khi thấy những câu hỏi đó không liên quan đến vụ án, hoặc những câu hỏi không phù hợp bên công tố viên sẽ có quyền phản đối và việc phản đối có hiệu quả

hay bị bác bỏ sẽ do Thẩm phán quyết định.

Ngoài ra, cách đặt câu hỏi trong chất vấn chéo sẽ khác so với cách hỏi kiểm tra của bên công tố. Đó chính là trong chất vấn chéo, luật sư có quyền được đặt những “câu hỏi dẫn dắt” (leading question)69.

“Câu hỏi dẫn đắt”: Thông thường, đó là câu hỏi mà nhân chứng phải trả lời

“có” hoặc “không”. Trong câu hỏi dẫn dắt sẽ bao hàm những yếu tố, ý định mà người đặt câu hỏi muốn người trả lời sẽ nói theo ý mình. Ví dụ, khi muốn hỏi nhân chứng làm gì, ở đâu, một câu hỏi không mang ý dẫn dắt sẽ hỏi như sau: “ngày x tháng y bạn đang ở đâu?” thì một câu hỏi mang ý dẫn dắt sẽ hỏi như sau: “ngày x tháng y bạn đang có mặt tại nhà của bị hại đúng không?”

Theo điểm c, điều 611 quy tắc chứng cứ của Liên Bang, các câu hỏi dẫn dắt không nên được áp dụng trong kiểm tra trực tiếp (kiểm tra nhân chứng mà mình đưa ra), trừ trường hợp dùng để phát triển lời khai của nhân chứng. Tòa án cho phép đặt câu hỏi dẫn dắt trong kiểm tra chéo, kiểm tra nhân chứng thù địch.

Sau khi luật sư bào chữa kết thúc kiểm tra chéo, công tố viên có quyền đặt câu hỏi bổ sung cho nhân chứng, nhưng chủ đề sẽ bị hạn chế trong phạm vi những vấn đề được đặt ra trong lúc kiểm tra chéo để làm rõ, hay chỉnh sửa những điểm quan trọng. Tương tự, luật sư có quyền đặt những câu hỏi “tái kiểm tra chéo” để phản biện những vấn đề trong lần hỏi thứ hai của công tố. Sau quá trình này, nhân chứng sẽ được tạm quay về chỗ nghỉ.

Công tố viên sẽ tuyên bố kết thúc việc chứng minh của bên buộc tội sau khi đưa ra tất cả nhân chứng, vật chứng mà anh ta cho là cần thiết để chứng minh tội phạm. Khi đó, luật sư sẽ bắt đầu phần bào chữa của mình. Thông thường, sau khi công tố viên kết thúc phần lập luận của mình. Luật sư bào chữa sẽ kiến nghị bằng miệng xin phán quyết tha bổng với lập luận rằng bên chính phủ (đại diện là công tố

68 Điều 611b, Quy tắc Liên Bang về chứng cứ (Federal Rules of Evidence 2010)

69 Điều 611c, Quy tắc Liên Bang về chứng cứ (Federal Rules of Evidence 2010)

viên) đã cung cấp chứng cứ không đầy đủ về mặt pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội. Nếu thẩm phán nhận thấy chứng cứ không đầy đủ về mặt pháp lý, kiến nghị trên sẽ được chấp thuận và vụ án sẽ kết thúc. Tuy nhiên, kiến nghị này hiếm khi được chấp nhận vì chứng cứ của bên buộc tội ở phần này hầu như lúc nào cũng đầy đủ về mặt pháp lý để có cơ sở kết án. Khi kiến nghị bị từ chối, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa của luật sư. Mặc dù, luật sư có thể từ chối trình bày lời bào chữa. Vì trong lúc đưa ra lời khai nhân chứng bên luật sư có thể vô tình củng cố lập luận của bên công tố. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng quá nhiều rủi ro và mạo hiểm nên hầu hết các luật sư luôn trình bày lời bào chữa,

Việc trình bày lý lẽ từ phía luật sư cũng tương tự như phía công tố. Đối với lý lẽ của luật sư, vật chứng thường kém phổ biến và hầu hết sẽ bằng lời khai của nhân chứng mà luật sư tin là lời khai của họ sẽ chống lại những chứng cứ của bên buộc tội hoặc có lợi cho việc bào chữa của họ. Tương tự như phần trước, công tố viên sẽ có quyền kiểm tra chéo nhân chứng, chứng cứ của bên bào chữa. Nếu Thẩm phán quyết định rằng những vật chứng, lời khai nhân chứng đã được luật sư chuyển thành chứng cứ một cách phù hợp với quy định của luật chứng cứ thì thẩm phán sẽ

chấp nhận chúng là chứng cứ và đưa ra trước bồi thẩm đoàn.

Sau khi luật sư tuyên bố kết thúc phần bào chữa của mình, bên công tố sẽ

đưa ra lập luận phản bác. Tuy nhiên, điều này không bắt buộc. Nếu đưa ra lập luận phản bác, công tố viên phải dùng những lời khai nhân chứng, vật chứng phù hợp để phản bác. Kết phúc phần phản bác của công tố, luật sư cũng có thể đưa ra lập luận phản bác. Bước lấy chứng cứ (quy trình chất vấn) đến đây sẽ kết thúc. Luật sư sẽ

một lần nữa kiến nghị bằng miệng để xin phán quyết tha bổng.

So sánh với pháp luật TTHS Việt Nam, ta nhận thấy phần lấy chứng cứ (thẩm vấn) trong phiên tòa hình sự Hoa Kỳ có những nét tương đồng với phần xét hỏi trong phiên tòa sơ thẩm hình sự Việt Nam. Hoạt động chung tại phần này đều xoay quanh việc thẩm vấn những người có liên quan đến vụ án, xem xét vật chứng.

Nhìn một cách tổng quát, tranh tụng tại phiên tòa hình sự Hoa Kỳ diễn ra mạnh mẽ

hơn so với phiên tòa hình sự Việt Nam. Phần lớn là vì Hoa Kỳ theo mô hình tố tụng tranh tụng còn Việt Nam vẫn mang đậm những đặc tính mô hình tố tụng thẩm vấn.

Chính vì vậy chúng ta không thể ngay lập tức thay đổi toàn bộ hoạt động tố tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta có thể học hỏi Hoa Kỳ những điểm khác biệt tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và

góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân:

Một phần của tài liệu Tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm nghiên cứu so sánh pháp luật tố tụng hình sự hoa kỳ và kinh nghiệm cho việt nam (Trang 48 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)