CHƯƠNG 2. TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ LIÊN BANG HOA KỲ VÀ VIỆT NAM
2.1. Vai trò của các chủ thể tham gia tranh tụng theo quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam và Hoa Kỳ
2.1.1. Vai trò của Công tố viên và kiểm sát viên
Trong xét xử vụ án hình sự Liên Bang Hoa Kỳ, chủ thể thực hiện chức năng buộc tội là các công tố viên Liên Bang (Federal prosecutors) hay còn gọi là luật sư chính phủ (Attorney for the government), có thể là: (1) Tổng chưởng lý hoặc một trợ lý ủy quyền; (2) một luật sư Liên Bang Hoa Kỳ hoặc một trợ lý ủy quyền; (3) Khi có thể áp dụng đối với các vụ án áp dụng theo Luật Guam, Tổng Chưởng lý Guam hoặc một người khác được luật Guam uỷ quyền trong vụ án đó được coi là Luật sư chính phủ; (4) Bất kỳ luật sư nào khác được luật pháp trao quyền tiến hành tố tụng theo những nguyên tắc này với tư cách một công tố viên18. Họ có quyền tự quyết định vụ án nào nên giải quyết ngoài tòa, vụ án nào sẽ được đưa ra xét xử.
Công tố viên phải luôn có mặt tại phiên toà hình sự, đại diện cho Hoa Kỳ đưa ra lời truy tố về tội danh cụ thể. Theo Mục 9-27.220, Nguyên tắc truy tố liên bang (Principles of Federal Prosecution) quy định công tố viên “bắt đầu hoặc đề xuất truy tố liên bang nếu anh ta/ cô ta tin rằng hành vi của người nào đó cấu thành tội phạm liên bang mà bằng chứng cứ được chấp nhận có thể đủ để đạt được sự kết án và một lợi ích đáng kể nào đó của Liên bang có được từ việc truy tố đó…”19. Công tố viên phải cung cấp bằng chứng để thuyết phục Bồi thẩm đoàn và thẩm phán về
18 Tố tụng hình sự Hoa kỳ, nguyên tắc 1, (b), (1).
19 Mục 9-27.220, Nguyên tắc truy tố liên bang, Sổ tay luật sư Hoa Kỳ, https://www.justice.gov/usam/usam-9- 27000-principles-federal-prosecution. Nguyên văn: “The attorney for the government should commence or recommend federal prosecution if he/she believes that the person's conduct constitutes a federal offense, that the admissible evidence will probably be sufficient to obtain and sustain a conviction, and that a substantial federal interest would be served by the prosecution”
hành vi phạm tội của bị cáo. Bằng chứng kết tội phải mạnh mẽ đến mức vược qua những nghi ngờ hợp lý. Công tố viên cần chuẩn bị nhân chứng, vật chứng cụ thể và bảo vệ lời buộc tội của mình trước những lập luận của luật sư bào chữa bằng nhiều cách: có thể kiểm tra chéo nhân chứng của luật sư bào chữa, tấn công vào uy tín của nhân chứng, công bố lời khai trong trường hợp có lý do chính đáng,...20. Tuy việc xét xử, đưa ra bản án là nhiệm vụ của Tòa án. Nhưng điều này không có nghĩa là
nhiệm vụ của công tố viên sẽ chấm dứt sau khi đưa ra lời buộc tội, hoặc lời buộc tội được chấp nhận. Các công tố viên còn có nhiệm vụ đề xuất cho Tòa về hình phạt hợp lý có thể được áp dụng đối với bị cáo sau khi bị kết tội21. Công tố viên không có bất cứ quyền hạn giám sát nào đối với toà án. Đồng thời, công tố viên phải trao cho luật sư bào chữa những thông tin hay chứng cứ có thể giúp ích cho việc bào chữa, cung cấp lời khai trước đó của các nhân chứng chính phủ22. Như vậy, về chức năng buộc tội, công tố viên Hoa Kỳ so với Kiểm sát viên Việt Nam không có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, ngoài chức năng buộc tội, Kiểm sát viên Việt Nam còn thực hành nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với cơ quan điều tra và
đối với cả tòa án được quy định tại điều 42, 267 của BLTTHS năm 2015. Sự khác nhau này xuất phát từ lịch sử hình thành và truyền thống pháp luật của hai quốc gia.
Tại Việt Nam, từ năm 1945 – 1958, cơ quan công tố chưa được tách khỏi hệ thống cơ quan Tòa Án. Hoạt động của cơ quan công tố có nhiều điểm tương đồng với viện công tố của các nước theo truyền thống pháp luật Châu âu. Năm 1959, cơ quan công tố tách ra khỏi hệ thống cơ quan tòa án, trở thành một cơ quan độc lập trực thuộc Chính Phủ. Nhiệm vụ chung của Viện Công tố là điều tra, truy tố người vi phạm pháp luật hình sự; giám sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật nhà nước trong điều tra, xét xử và thi hành án23. Đến năm 1960, trong bối cảnh nền chính trị nước Việt Nam còn non yếu, cần được củng cố, bồi đắp, đồng thời để đảm bảo pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh trên cả nước, tránh tình trạng “phép nước thua lệ làng”… Viện công tố Việt Nam trở thành Viện kiểm sát theo Hiếp pháp 1959 thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà
20 Khoản 4, Mục 9-27.720, Nguyên tắc truy tố Liên Bang, Sổ tay luật sư Hoa Kỳ, https://www.justice.gov/usam/usam-9-27000-principles-federal-prosecution.
21 Mục 9-27.730, Nguyên tắc truy tố liên bang, Sổ tay luật sư Hoa Kỳ, https://www.justice.gov/usam/usam-9- 27000-principles-federal-prosecution.
22 Mục 9-27.750, Nguyên tắc truy tố liên bang, Sổ tay luật sư Hoa Kỳ, https://www.justice.gov/usam/usam-9- 27000-principles-federal-prosecution.
23 Điều 1, Nghị định số 256-TTg ngày 01/7/1959 quy định nhiệm vụ và tổ chức của Viện Công Tố.
nước24. Sau đó, vì sự chống chéo chức năng với cơ quan thanh tra, cũng như sự quá
tải công việc. Hiến Pháp Việt Nam năm 1992 đã thu hẹp phạm vi hoạt động của VKS, bỏ đi chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà
nước, chỉ còn “Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp” cho đến ngày nay.
Cùng với sự phát triển về tư duy, khoa học pháp lý, hiện nay có quan điểm cho rằng “Công tố là một giai đoạn của hoạt động tư pháp mà VKSND lại thực hiện công tác giám sát tư pháp như vậy thì tự mình giám sát mình, cũng là tình trạng mà người ta thường nói “vừa đá bóng vừa thổi còi”25. Do đó, cần bỏ đi nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử vụ án hình sự thậm chí là cả quá trình tố tụng hình sự, Kiểm sát viên chỉ thực hành duy nhất quyền công tố. Theo đó, “Bỏ
chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát, kể cả kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động TTHS. Bởi vì, điều tra vụ án thuộc chức năng của cơ quan thực hành quyền công tố, giám đốc hoạt động xét xử của tòa án cấp dưới do tòa án cấp trên đảm nhận, giám sát thi hành án hình sự là lĩnh vực hành pháp cũng như giám sát các lĩnh vực quản lý khác đã có cơ quan thanh tra thực hiện.”26. Trong nghị quyết số 49 – NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định: “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra”. Điều này có nghĩa là dần đưa VKS trở thành Viện công tố như những năm trước năm 1960 nghĩa là chỉ thực hành quyền công tố và bỏ đi nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp. Điều này gần giống với hoạt động của Viện công tố Hoa Kỳ hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay mục tiêu của chúng ta là xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nhà nước mà ở đó coi trọng vị trí tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, phải đảm bảo Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ tốt nhất, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con người. Thì hoạt động kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của VKS tại phiên tòa xét xử hình sự càng không thể xem nhẹ, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng như hiện nay. Tham nhũng thường gắn liền với sự lạm quyền, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật nhằm trục lợi. Và phiên tòa xét xử chính là giai
24 Điều 105, Hiếp pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, năm 1959
25 Thái Vĩnh Thắng (2008), “Viện công tố thay thế viện kiểm sát nhân sẽ được tổ chức và hoạt động như thế
nào?”, Tạp chí luật học, (2)
26 Trần Văn Độ (2001), “Một số vấn đề về quyền công tố”, Tạp chí luật học, (3)
đoạn quyết định một người có tội hay không. Chính vì vậy, chủ thể thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, đảm bảo sự công bằng, khách quan và tuân thủ pháp luật phải do VKS đảm nhận. Bởi lẽ, VKS cấp dưới chịu sự lãnh đạo của VKS cấp trên và VKSND tối cao, sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước địa phương nào và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Chính vì
vậy cơ quan VKS có sự độc lập nhất định khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Việc bỏ đi chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của Viện kiểm sát là bỏ đi một cơ chế giám sát tương đối hữu hiệu chứ không đơn thuần là thay đổi chức năng của một cơ quan. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và một số quốc gia theo mô hình viện công tố khác cũng dần nhận ra khuyết điểm của kiểu mô hình này và phải tiêu tốn nhiều kinh phí, sức lực để tiến hành kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm chống lại sự tham nhũng. Như vậy, việc bỏ đi chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, VKS chỉ đơn thuần thực hiện chức năng công tố, tiến gần đến với mô hình viện công tố tương tự như của Hoa Kỳ, tuy có nhiều ưu điểm và có nhiều quan điểm đồng tình. Nhưng trong tình hình nước ta hiện nay, khi mà vấn đề tham nhũng chưa được kiểm soát tốt cũng như chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu thay thế cho viện kiểm sát thì việc chuyển viện kiểm sát thành viện công tố thuần túy vẫn chưa có sức thuyết phục. Điều cần làm trước mắt là hoàn thiện các quy định và nâng cao chất lượng hoạt động của kiểm sát viên nhằm thực hiện tốt hơn quyền công tố, chức năng buộc tội, nâng cao chất lượng tranh tụng trong các phiên tòa hình sự.
Kể từ khi BLTTHS 2003 ra đời, Kiểm sát viên đã tích cực và chủ động hơn trong các hoạt động thực hành quyền công tố. Tại Kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, Viện trưởng VKSTC khẳng định: Chất lượng, hiệu quả tranh tụng của Kiểm sát viên tại tòa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, không có trường hợp Kiểm sát viên từ chối không tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa. Điều đó được cho là đã góp phần bảo đảm phán quyết của Tòa án khách quan, chính xác, đúng sự thật, không bỏ lọt tội phạm, hạn chế các trường hợp oan sai 27. Trong công tác chuẩn bị, kiểm sát viên đã nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc các chứng cứ, tình tiết của vụ án, xây dựng đề cương xét hỏi, dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử, bản luận tội của kiểm sát viên ngày càng hoàn thiện, chủ động đối đáp và làm rõ những vấn đề mà luật sư đưa ra, thái độ nghiêm túc, chuẩn mực.
27 Báo cáo Chuyên đề “Tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên trong xét xử hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, http://www.vksndtc.gov.vn/khac-306
Tuy nhiên, một số kiểm sát viên còn mang tâm lý ngại tranh luận với luật sư bào chữa (đặc biệt là trong các vụ án có nhiều luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo), đối đáp chiếu lệ, còn lúng túng, thiếu bình tĩnh khi xuất hiện những vấn đề mới cần được làm sáng tỏ tại phiên tòa... Có trường hợp, kiểm sát viên không theo dõi và không ghi chép diễn biến việc xét hỏi hoặc khi luật sư bào chữa trình bày ý
kiến dẫn đến đối đáp không đúng hoặc không đủ. Nhưng đặc biệt nhất là tư tưởng, tâm lý “bằng mọi giá phải buộc tội” của một số kiểm sát viên. Ngay cả khi các chứng cứ, lập luận, quan điểm truy tố chưa thực sự thuyết phục, hoặc khi HĐXX yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp lại lời bào chữa của luật sư nhưng kiểm sát viên từ chối và vẫn một mực “giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố”, “Thậm chí có trường hợp họ không hề đưa ra được bất kỳ quan điểm gì thì họ vẫn nói rằng họ giữ nguyên quan điểm. Họ còn có thêm câu ‘Việc này để dành cho Hội đồng xét xử quyết định”28. Chính vì vậy mà chất lượng tranh tụng tại phiên tòa chưa cao dẫn đến tình trạng truy tố oan sai vẫn còn xảy ra. Năm 2005 – 2015 có 350 bị cáo được Tòa án xét xử tuyên không phạm tội do chưa có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm29. Vấn đề ở đây là tư tưởng của các Kiểm sát viên về vấn đề buộc tội còn quá cứng nhắc. Tại Hoa Kỳ, các Công tố viên tư tưởng rất rõ ràng về vấn đề này. Theo tiêu chuẩn của ABA, nhiệm vụ của Công tố viên là tìm kiếm công lý chứ không phải là kết tội30. Nghĩa là, nhiệm vụ của họ là đảm bảo công lý, bảo vệ cho người dân bằng cách cố gắng buộc tội kết án và trừng phạt những người thật sự vi phạm pháp luật. Họ tôn trọng công lý, tôn trọng quyền con người và tôn trọng pháp luật, ngay cả khi điều này sẽ gây khó khăn hoặc đòi hỏi họ phải hủy bỏ lời buộc tội của mình. Đó thật sự là tư tưởng tiến bộ mà kiểm sát viên cần có. Như vậy, vấn đề của Viện Kiểm sát không hoàn toàn ở quy định của pháp luật mà là tư tưởng cũng như kỹ năng chuyên môn của các Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử hình sự cần được tăng cường, bồi đắp để thực hiện tốt hơn, vững vàng hơn chức năng của mình.