2.1. Quy định pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm
2.1.1. Quy định pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn lao động cơ bản
EU đã đặt ra các tiêu chuẩn lao động tối thiểu làm cơ sở để các quốc gia thành viên quy định mức độ bảo vệ cao hơn đối với các vấn đề (i) quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, (ii) xóa bỏ lao động cưỡng bức, (iii) xóa bỏ lao động trẻ em và (iv) chấm dứt phân biệt đối xử trong lao động tương ứng với các nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc của ILO. Bên cạnh đó, vấn đề cải thiện điều kiện làm việc và lương tối thiểu của người lao động cũng được Liên minh châu Âu quy định cụ thể.
2.1.1.1. Quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể
Ban đầu, quyền này được ghi nhận tại Điều 11 và Điều 12 Hiến chương cộng đồng về các quyền xã hội cơ bản cho người lao động năm 1989. Theo Điều 11 Hiến chương cộng đồng về các quyền xã hội cơ bản cho người lao động 1989, “Người sử dụng lao động và người lao động của Cộng đồng Châu Âu liên kết để thành lập các tổ chức nghề nghiệp hoặc công đoàn do họ lựa chọn để bảo vệ lợi ích kinh tế và xã
57 Ủy ban châu Âu (2019), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Ứng xử kinh doanh có trách nhiệm và Nhân quyền & kinh doanh: Tổng quan về tiến độ” (Corporate Social Responsibility, Responsible Business Conduct, and Business & Human Rights: Overview of Progress), tr. 2.
hội của họ. Mọi người sử dụng lao động và mọi người lao động đều có quyền tự do tham gia hoặc không tham gia các tổ chức đó mà không phải chịu bất kỳ thiệt hại cá nhân hoặc nghề nghiệp nào”. Đối với quyền thương lượng tập thể, Điều 12 Hiến chương cộng đồng về các quyền xã hội cơ bản cho người lao động năm 1989 quy định “Người sử dụng lao động hoặc tổ chức của người sử dụng lao động và tổ chức của người lao động có quyền thương lượng và ký kết thỏa ước tập thể trong khuôn khổ pháp luật”.
Kế thừa các quy định trên, quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể tiếp tục được công nhận là một trong các quyền con người cơ bản tại Điều 12 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu năm 2012: “Mọi người có quyền tự do hội họp ôn hòa và tự do lập hội ở mọi cấp độ, đặc biệt trong các vấn đề chính trị, công đoàn và dân sự, điều này bao hàm quyền của mọi người được thành lập và tham gia công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình” và Điều 28 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu năm 2012: “Người lao động và người sử dụng lao động, hoặc các tổ chức tương ứng của họ, theo luật Công đoàn cũng như luật pháp và thông lệ quốc gia, có quyền đàm phán và ký kết các thỏa ước tập thể ở các cấp độ thích hợp và, trong trường hợp có xung đột lợi ích, có hành động tập thể để bảo vệ quyền lợi, bao gồm cả hành động đình công”. Các quy định này đã cụ thể hoá quy định của ILO về quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể của người lao động theo Công ước số 87: “không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình”,
“không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ”
và Công ước số 98 của ILO: “Người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ”, “có những biện pháp phù hợp với điều kiện quốc gia để khuyến khích và xúc tiến việc triển khai và sử dụng hoàn tất các thể thức thương lượng tự nguyện giữa một bên là người sử dụng lao động và các tổ chức của người sự dụng lao động với một bên là các tổ chức của người lao động”. Như vậy, pháp luật Liên minh châu Âu không ghi nhận quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể riêng trong lĩnh vực lao động mà ghi nhận quyền này là một trong các quyền con người cơ bản. Trong đó, quy định của EU có phần chi tiết hơn. Cụ thể, quyền tự do hiệp hội được thực hiện ở mọi cấp độ và lĩnh vực bao gồm cả chính trị, công đoàn và dân sự. Đối với thương lượng tập thể, quyền được “hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử” đã được
cụ thể hoá thành quyền đàm phán và ký kết các thỏa ước tập thể ở các cấp độ thích hợp và hành động tập thể để bảo vệ quyền lợi. Có thể thấy, quy định theo pháp luật của Liên minh châu Âu về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể đã tương thích và cụ thể hoá quy định của ILO, đóng vai trò là một trong các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
2.1.1.2. Lao động cưỡng bức
Về chấm dứt lao động cưỡng bức, EU luôn thúc đẩy tôn trọng nhân quyền trên toàn thế giới, chẳng hạn như các quyền liên quan đến lao động như một phần trong cam kết thúc đẩy việc làm bền vững, trong đó chống lại lao động cưỡng bức và thúc đẩy các tiêu chuẩn thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp là những ưu tiên trong chương trình nghị sự về nhân quyền của EU58. Theo đó, Điều 5 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu năm 2012 đã khẳng định “không ai bị bắt buộc làm nô lệ”, “không ai bị bắt buộc phải thực hiện lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc”. Theo pháp luật Liên minh châu Âu, loại bỏ lao động cưỡng bức và nô lệ cũng không được ghi nhận riêng trong lao động mà cũng được ghi nhận là một quyền con người cơ bản. Trong nỗ lực xóa bỏ lao động cưỡng bức, ngày 14/9/2022, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra đề xuất về Quy định của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu về việc cấm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức trên thị trường Liên minh châu Âu (Quy định về Lao động Cưỡng bức). Quy định này cho phép cơ quan hải quan và cơ quan có thẩm quyền cấm nhập khẩu và xuất khẩu từ thị trường EU cũng như buôn bán nội bộ EU các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức59. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất (proposal) và chưa có giá trị ràng buộc pháp lý.
Ngoài quy định trên, nhằm đẩy mạnh việc loại bỏ lao động cưỡng bức, Hướng dẫn thẩm định cho doanh nghiệp EU nhằm giải quyết rủi ro lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng và quá trình vận hành (Hướng dẫn thẩm định cho doanh nghiệp EU) đã được ban hành dựa trên UNGP, Hướng dẫn của OECD cho doanh nghiệp đa quốc
58 Đề xuất Quy định của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về việc cấm các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức tại thị trường Liên minh, tr. 1.
59 Herbert Smith Freehills (2023), “Quy định về Lao động cưỡng bức của Liên minh châu Âu: Đánh giá toàn diện” (The EU’s Forced Labour Regulation – A Comprehensive Assesment), thông tin có tại:
https://www.herbertsmithfreehills.com/latest-thinking/the-eus-forced-labour-regulation-–-a-comprehensive- assessment#:~:text=The%20proposed%20Forced%20Labour%20Regulation%20allows%20customs%20auth orities%20and%20competent,EU%20trade%20in%20such%20products., truy cập ngày 25/6/2023.
gia, Hướng dẫn của OECD về thẩm định thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các công ước của ILO nhằm giải thích các khía cạnh thực tế của thẩm định và cung cấp cái nhìn tổng quan về các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và thẩm định để chống lại lao động cưỡng bức60. Theo đó, hành vi kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các chính sách về nhân quyền của EU được thực hiện hiệu quả, trong đó có liên quan đến lao động61. Về khái niệm lao động cưỡng bức, Hướng dẫn thẩm định cho doanh nghiệp EU đã định nghĩa lao động cưỡng bức thông qua việc thừa nhận khái niệm này trong Công ước số 29 của ILO về lao động cưỡng bức và đưa ra các ví dụ.
Khái niệm thẩm định (due diligence) cũng được định nghĩa thống nhất và tương thích với UNGP và Hướng dẫn của OECD dành cho doanh nghiệp đa quốc gia62. Quá trình thẩm định theo Hướng dẫn thẩm định cho doanh nghiệp EU là một phạm trù thực tiễn, dựa trên hoàn cảnh của doanh nghiệp. Tham khảo khung thẩm định của OECD, quá trình thẩm định được đánh giá tính hiệu quả dựa trên quá trình thẩm định gồm 06 bước: (i) Đưa hành vi kinh doanh có trách nhiệm vào chính sách quản lý của doanh nghiệp, (ii) Xác định và đánh giá các tác động bất lợi thực tế hoặc tiềm ẩn trong hoạt động, chuỗi cung ứng và các mối quan hệ kinh doanh của công ty, (iii) Chấm dứt, phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu, (iv) Theo dõi việc thực hiện và kết quả, (v) Truyền đạt cách giải quyết các tác động và (vi) Cung cấp hoặc hợp tác khắc phục khi thích hợp63. Hướng dẫn thẩm định cho doanh nghiệp EU cung cấp các yếu tố để xem xét vấn đề lao động cưỡng bức một cách cụ thể lẫn xem xét một cách bao quát, xuyên suốt trong quá trình thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Tuy nhiên, Hướng dẫn này cung cấp hướng dẫn thực tế về việc sử dụng hiệu quả các hướng dẫn và nguyên tắc thẩm định quốc tế, tự nguyện – có thể xem là luật mềm (soft law). Tuy không tạo ra bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào cho các công ty nhưng Hướng dẫn thẩm định cho doanh nghiệp EU cũng đóng vai trò định hướng để doanh nghiệp thực hiện.
60 Ủy ban châu Âu (2021), “Hướng dẫn về thẩm định nhằm giúp các công ty EU giải quyết rủi ro lao động cưỡng bức trong hoạt động và chuỗi cung ứng của họ” (Guidance on due diligence to help EU companies to address the risk of forced labour in their operations and supply chains), tr. 2.
61 Tlđd (60), tr.1.
62 Tlđd (60), tr.3.
63 Tlđd (60), tr.4.
2.1.1.3. Lao động trẻ em
Về loại bỏ lao động trẻ em, EU theo đuổi cách tiếp cận không khoan nhượng đối với lao động trẻ em trong chính sách thương mại quốc tế của mình64. Theo đó, Điều 32 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu 2012 quy định cấm lao động trẻ em và bảo vệ người lao động trẻ tuổi. Cụ thể, việc sử dụng lao động trẻ em bị cấm và độ tuổi tối thiểu để được tiếp nhận vào làm việc không được thấp hơn độ tuổi tối thiểu được phép nghỉ học. Ngoài ra, người lao động trẻ tuổi phải được làm việc trong điều kiện phù hợp với độ tuổi, được bảo vệ khỏi bóc lột và bất kỳ việc làm nào ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, đạo đức, phát triển xã hội hoặc cản trở việc học tập của họ. Theo quy định trên, cấm lao động trẻ em và bảo vệ người lao động trẻ tuổi được ghi nhận là một quyền con người cơ bản.
Ngoài Hiến chương về các quyền cơ bản, công cụ pháp lý chính để điều chỉnh vấn đề lao động trẻ em là Chỉ thị Hội đồng 94/33/EC ngày 22/6/1994 của Hội đồng châu Âu. Chỉ thị này áp dụng cho bất kỳ người dưới 18 tuổi nào có xác lập hợp đồng lao động hoặc được có quan hệ lao động được xác định hoặc điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia thành viên65. Theo Chỉ thị Hội đồng 94/33/EC, khái niệm trẻ em và thanh niên đã được định nghĩa khái quát nhưng cũng rất cụ thể dựa vào độ tuổi. Cả 02 đối tượng này được gọi chung là người trẻ tuổi66. Điều 4 Chỉ thị này quy định các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp cần thiết để cấm lao động trẻ em nhưng cũng đề cập đến các trường hợp ngoại lệ trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao được quy định tại Điều 5 và đặt ra các tiêu chuẩn làm việc không gây hại đến sự phát triển, an toàn, cản trở quá trình học tập của trẻ em. Chỉ thị cũng đặt ra các nghĩa vụ chung của người sử dụng lao động với những yêu cầu khắt khe nhằm mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền lợi và sự phát triển bình thường của người trẻ tuổi, chẳng hạn như “phải có sự đánh giá các mối nguy hiểm của công việc ảnh hưởng đến người trẻ tuổi trước khi bắt đầu làm việc”, trong đó các mối nguy hiểm có thể kể đến bao gồm: “sự trang bị và bố trí của nơi làm việc”, “các tác nhân vật lý, sinh học, hoá học”, “hình thức, phạm vi và việc sử dụng các thiết bị làm việc, đặc biệt là các tác
64 European Parliamentary Research Service (2022), “Lao động cưỡng bức và Lao động trẻ em” (Forced Labor and Child Labor), thông tin có tại https://epthinktank.eu/2022/11/17/forced-labour-and-child- labour/#:~:text=The%20EU%20Charter%20of%20Fundamental,migrants%20in%20an%20irregular%20situa tion, truy cập ngày 01/7/2023.
65 Điều 2 Chỉ thị Hội đồng 94/33/EU.
66 Điều 3 Chỉ thị Hội đồng 94/33/EU.
nhân, máy móc, thiết bị và dụng cụ, và cách xử lý”, sự sắp xếp quy trình và tổ chức công việc”, “mức độ đào tạo và hướng dẫn cho người trẻ tuổi”67. Các quốc gia thành viên cũng được yêu cầu phải nghiêm cấm sử dụng người lao động trẻ tuổi để làm việc vượt quá khả năng thể chất hoặc tâm lý, làm việc trong môi trường độc hại, ảnh hưởng đến gen di truyền, công việc có khả năng gây tai nạn cho người trẻ tuổi68. Về thời gian làm việc và nghỉ ngơi, các quy định đều thể hiện mục đích bảo đảm sự phát triển bình thường của trẻ em và thanh niên, ví dụ giới hạn thời gian làm việc không quá 8 tiếng một ngày và không quá 40 tiếng một tuần; cấm làm việc vào ban đêm hoặc làm công việc nhất định vào ban đêm nhưng phải được giám sát bởi người lớn; được nghỉ ngơi ít nhất 14 tiếng liên tục (đối với trẻ em) và 12 tiếng liên tục (đối với thanh niên) trong vòng 24 tiếng, được nghỉ ngơi ít nhất 2 ngày mỗi tuần và khuyến khích được nghỉ ngơi liên tục, trong trường hợp đặc biệt có thể giảm bớt thời gian nghỉ ngơi cho người trẻ tuổi nhưng không được ít hơn 36 tiếng liên tục và phải bao gồm ngày Chủ nhật; được nghỉ hằng năm nhiều nhất có thể theo lịch học tại trường theo pháp luật quốc gia; được nghỉ giải lao ít nhất 30 phút đối với nếu thời gian làm việc trên 4,5 tiếng một ngày69. Một điểm nổi bật trong pháp luật EU về lao động trẻ em là đối với những công việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thì thời gian làm việc thực tế sẽ được tính vào thời gian làm việc. Theo tác giả, quy định này rất thiết thực và đáng học hỏi. Bởi lẽ, quy định cộng dồn này sẽ đảm bảo quyền lợi của người lao động trẻ tuổi, phòng tránh trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng thời gian học tập của người lao động trẻ tuổi mà yêu cầu họ phải làm việc quá thời gian làm việc tối đa.
Ngoài ra, nếu người trẻ tuổi làm việc cho nhiều người sử dụng lao động cùng lúc thì thời gian làm việc sẽ được cộng dồn70. Nhìn chung, các quy định của pháp luật EU đã quy định tương thích với Công ước số 138 của ILO về độ tuổi tối thiểu được làm việc và Công ước số 182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khi đặt ra các quy định nhằm mục đích bảo vệ và ưu tiên quyền lợi và sự phát triển của trẻ em. Các quy định hướng đến mục đích bảo vệ và ưu tiên quyền lợi của người lao động trẻ tuổi, phù hợp với nguyên tắc “lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu” (Best interest of children) theo Điều 24 Hiến
67 Điều 6 Chỉ thị Hội đồng 94/33/EU.
68 Điều 7 Chỉ thị Hội đồng 94/33/EU.
69 Điều 8, Điều 9, Điều 10 Chỉ thị Hội đồng 94/33/EU.
70 Điều 8 Chỉ thị Hội đồng 94/33/EU.
chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu 2012 và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em71.
2.1.1.4. Phân biệt đối xử trong lao động
Về xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, pháp luật EU yêu cầu các quốc gia cam kết không chỉ tôn trọng và áp dụng pháp luật EU mà phải áp dụng luật bình đẳng vào pháp luật của quốc gia mình để đảm bảo rằng tất cả các cá nhân và tổ chức cũng tôn trọng và áp dụng chúng72. Theo đó, pháp luật EU nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính, chủng tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, đặc điểm di truyền, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quan điểm chính trị hoặc bất kỳ quan điểm nào khác, tư cách thành viên của một dân tộc thiểu số, tài sản, ngày sinh, tình trạng khuyết tật, tuổi tác hoặc khuynh hướng tình dục và quốc tịch73. Bên cạnh đó, Điều 23 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu 2012 cũng quy định “sự bình đẳng về giới tính phải được đảm bảo trên mọi phương diện, bao gồm việc làm, công việc và tiền lương”.
Trong lĩnh vực lao động, Liên minh châu Âu cũng đã ban hành nhiều công cụ pháp lý để điều chỉnh vấn đề phân biệt đối xử. Chẳng hạn, Chỉ thị Hội đồng 2000/43/EC ngày 29/6/2000 về thực hiện nguyên tắc đối xử bình đẳng không phân biệt chủng tộc đã đặt ra khuôn khổ chống phân biệt đối xử về chủng tộc hoặc dân tộc, nhằm thực hiện nguyên tắc đối xử bình đẳng tại các Quốc gia Thành viên74. Theo đó, Chỉ thị này đã định nghĩa các khái niệm gồm phân biệt đối xử trực tiếp, phân biệt đối xử gián tiếp, quấy rối, hành động tích cực, ngược đãi, chia sẻ nghĩa vụ chứng minh, quyền khiếu nại và xử phạt 75. Về phạm vi, Chỉ thị này áp dụng cho tất cả mọi người bất kể là lĩnh vực công hay tư và bao gồm cả cơ quan công quyền trong nhiều lĩnh vực: điều kiện việc làm, nghề nghiệp, tuyển dụng, cơ hội thăng tiến; tiếp cận các chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề và kinh nghiệm làm việc thực tế; điều kiện lao động bao gồm chế độ trả lương và sa thải; tư cách thành viên và khả năng tham
71 Điều 3 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”.
72 European Network of Equality Bodies, “Khung pháp lý của EU” (EU Legislative Framework), thông tin có tại https://equineteurope. org/equality-in-europe/eu-legislative-framework/, truy cập ngày 10/7/2023.
73 Điều 21 Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu 2012.
74 Điều 1 Chỉ thị Hội đồng 2000/43/EC quy định về mục đích của việc ban hành Chỉ thị.
75 Điều 2 Chỉ thị Hội đồng 2000/43/EC quy định về khái niệm phân biệt đối xử.