Quy định hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng khung pháp lý Điều chỉnh thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao Động (Trang 52 - 55)

2.1. Quy định pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm

2.1.2. Quy định hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Ngoài các quy định pháp luật liên quan đến các tiêu chuẩn lao động cơ bản và liên quan đến quy định hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã ban hành Chỉ thị 2014/95/EU ngày 22/10/2014 sửa đổi Chỉ thị 2013/34/EU liên quan đến việc công bố thông tin phi tài chính và đa dạng của một số tổ chức và nhóm lớn nhất định. Năm 2011, Uỷ ban châu Âu đã thông qua một chiến lược đổi mới CSR để thúc đẩy trách nhiệm xã hội đối với từng lĩnh vực riêng lẻ và tầm chính sách như môi trường và chính sách thương mại, báo cáo minh bạch, mua sắm công và đặc biệt là Kinh doanh và Quyền con người92. Nghị viện châu Âu đã công nhận tầm quan trọng của việc công bố thông tin phi tài chính liên quan đến các vấn đề môi trường và xã hội. Liên quan đến vấn đề xã hội, thông tin được cung cấp trong báo cáo có thể liên quan đến các hành động được thực hiện để đảm bảo bình đẳng giới, việc thực hiện các công ước cơ bản về tinh thần của Tổ chức Lao động Quốc tế, điều kiện làm việc, đối thoại xã hội, tôn trọng quyền được thông tin và tư vấn của người lao động, tôn trọng quyền công đoàn, sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc và đối thoại với cộng đồng địa phương, và/hoặc các hành động được thực hiện để đảm bảo sự bảo vệ và phát triển của các cộng đồng đó dựa trên nền tảng là Nguyên tắc Hướng dẫn về Kinh doanh và Nhân quyền trong khuôn khổ “Bảo vệ, Tôn trọng và Khắc phục” của Liên hợp quốc, Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dành cho Doanh nghiệp Đa quốc gia. Cụ thể, Chỉ thị 2014/95/EU đã sửa đổi Điều 19a Chỉ thị 2013/34/EU, bổ sung nội dung yêu cầu các công ty và tổ chức có quy mô trên 500 lao động công bố báo cáo phi tài chính, bao gồm thông tin về vấn đề lao động. Nội dung chính của báo cáo bao gồm sơ lược về mô hình kinh doanh của công ty; mô tả về các chính sách mà doanh nghiệp theo đuổi liên quan đến những vấn đề đó, bao gồm các quy trình thẩm định đã thực hiện và kết quả của những chính sách đó; những rủi ro chính liên quan đến những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng gây ra tác động bất lợi trong các và cách thức quản lý những rủi ro đó, các chỉ số hiệu suất phi tài chính liên quan. Ngoài ra, nếu doanh

92 Ủy ban châu Âu (2019), tlđd (57), tr. 4.

nghiệp không theo đuổi chính sách liên quan đến các vấn đề trên thì phải giải trình rõ ràng và hợp lý.

Quy định này, theo tác giả, đã giải quyết được 2 vấn đề của thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động là nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của Nhà nước và nghĩa vụ tôn trọng quyền con người của doanh nghiệp. Đối với nghĩa vụ của Nhà nước, tuy đặt ra nghĩa vụ ban hành quy định về công bố thông tin phi tài chính liên quan đến lao động nhưng Chỉ thị không bắt buộc các quốc gia thành viên phải đặt ra một khung quy định cụ thể nào để doanh nghiệp tuân theo. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể dựa trên các khuôn khổ quốc gia, Liên minh hoặc quốc tế và chỉ rõ những khuôn khổ nào mình đã áp dụng cho báo cáo của mình. Đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp, việc công bố thông tin phi tài chính liên quan đến vấn đề lao động cũng mang những đặc điểm của thực hành kinh doanh có trách nhiệm mà UNGP đặt ra cho doanh nghiệp: công bố cam kết chính sách và kết quả, thẩm định nhân quyền, đánh giá rủi ro có thể xảy ra và trình bày cách thức giải quyết rủi ro. Mặc dù không đặt ra một hệ thống quy định mới về thực hành kinh doanh có trách nhiệm nhưng Liên minh châu Âu đã lồng ghép nội dung thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy vậy, điểm hạn chế của quy định này là quá trình thẩm định chưa được quy định chi tiết và việc công bố báo cáo phi tài chính chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn (quy mô trên 500 lao động) trong khi theo UNGP, thực hành kinh doanh có trách nhiệm cần được áp dụng cho mọi doanh nghiệp, bất kể quy mô, lĩnh vực, cơ cấu.

Xem xét mức độ ngày càng tăng của các rủi ro liên quan đến phát triển bền vững và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong Liên minh châu Âu, việc đặt ra quy định về công bố thông tin về phát triển bền vững là hợp lý. Do đó, ngày 14/12/2022, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh Châu Âu đã ban hành Chỉ thị (EU) 2022/2464 sửa đổi Chỉ thị 2013/34/EU liên quan đến Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp, áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoại trừ doanh nghiệp siêu nhỏ93. Để đảm bảo thống nhất với UNGP và Hướng dẫn thẩm định kinh doanh có trách nhiệm của OECD, quá trình thẩm định cũng đã được quy định chi tiết hơn. Theo đó, Chỉ thị (EU) 2022/2464 giải thích quá trình thẩm định là quá trình các chủ thể thực hiện xác

93 Điều 1 Chỉ thị (EU) 2022/2464.

định, giám sát, ngăn chặn, giảm thiểu, khắc phục hoặc chấm dứt các tác động bất lợi thực tế và tiềm ẩn chính liên quan đến các hoạt động của họ và xác định cách thức các doanh nghiệp giải quyết các tác động bất lợi đó. Các tác động liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp bao gồm các tác động do doanh nghiệp trực tiếp gây ra, các tác động mà doanh nghiệp đóng góp và các tác động có liên quan đến chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Cụ thể, liên quan đến nội dung quá trình thẩm định trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm đối với vấn đề lao động, quá trình thẩm định được chi tiết hoá như sau: doanh nghiệp cung cấp bản mô tả về (i) quy trình thẩm định do doanh nghiệp thực hiện liên quan đến các vấn đề về tính bền vững và, nếu có thể, phù hợp với các yêu cầu của Liên minh đối với các doanh nghiệp tiến hành quy trình thẩm định; (ii) các tác động bất lợi thực tế hoặc tiềm ẩn chính liên quan đến hoạt động của chính doanh nghiệp và chuỗi giá trị của doanh nghiệp, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ, các mối quan hệ kinh doanh và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, các hành động được thực hiện để xác định và giám sát các tác động đó cũng như các tác động bất lợi khác mà cam kết được yêu cầu xác định theo các yêu cầu khác của Liên minh về cam kết tiến hành quy trình thẩm định; (iii) bất kỳ hành động nào mà cam kết thực hiện để ngăn chặn, giảm thiểu, khắc phục hoặc chấm dứt các tác động bất lợi thực tế hoặc tiềm ẩn, và kết quả của những hành động đó94. Quy trình thẩm định liên quan đến toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp bao gồm các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ, các mối quan hệ kinh doanh và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Theo UNGP, một tác động bất lợi thực tế hoặc tiềm tàng được coi là tác động chính khi tác động đó được xếp hạng trong số những tác động lớn nhất liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp dựa trên: mức độ nghiêm trọng của tác động đối với con người hoặc môi trường; số lượng cá nhân đang hoặc có thể bị ảnh hưởng, hoặc quy mô thiệt hại đối với môi trường; và mức độ dễ dàng khắc phục tác hại, khôi phục môi trường hoặc những người bị ảnh hưởng về trạng thái trước đó.

Về tiêu chuẩn của báo cáo bền vững, các nguyên tắc và khuôn khổ quốc tế được công nhận như UNGP, Hướng dẫn của OECD cho doanh nghiệp đa quốc gia, các Tuyên bố của ILO được xem xét là một phần quan trọng. Chỉ thị (EU) 2022/2464 cũng khuyến nghị tiêu chuẩn báo cáo về phát triển bền vững cần có các nội dung bao gồm điều kiện làm việc, sự tham gia của đối tác xã hội, thương lượng tập thể, bình đẳng, không phân biệt đối xử, đa dạng và hòa nhập, và nhân quyền. Những thông tin

94 Điều 1 Chỉ thị (EU) 2022/2464.

này phải bao gồm các tác động của công việc đối với con người, kể cả người lao động và đối với sức khỏe con người. Thông tin mà các doanh nghiệp công bố về quyền con người nên bao gồm thông tin về lao động cưỡng bức và lao động trẻ em trong chuỗi giá trị nếu có liên quan. Các yêu cầu báo cáo bền vững liên quan đến lao động cưỡng bức không được miễn trừ trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc giải quyết việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất do vi phạm nhân quyền, bao gồm cả lao động cưỡng bức thông qua chính sách thương mại và các biện pháp ngoại giao.

Như vậy, Chỉ thị (EU) 2022/2464 đã mở rộng phạm vi và quy định chi tiết về phát triển bền vững nói chung và thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động nói riêng hơn Chỉ thị 2013/34/EU và Chỉ thị 2014/95/EU. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của EU trong việc quyết định chiến lược, ban hành và sửa đổi các chiến lược phù hợp với các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận và được quy định trong EVFTA nhằm thúc đẩy phát triển bền vững95.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng khung pháp lý Điều chỉnh thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao Động (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)