CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
1.1. Quyết định hình phạt- một hoạt động áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án
1.1.3. Căn cứ quyết định hình phạt- yếu tố chi phối khi quyết định hình phạt
Xuất phát từ thực tiễn trên và để đảm bảo cho Tòa án quyết định một hình phạt cu thể được chính xác, công bằng và hợp lý, Bộ luật hình sự đã quy định căn cứ quyết định hình phạt và bắt buộc Tòa án phải tuân theo. Khi quyết định hình phạt, nếu không tuân thủ các căn cứ quyết định hình phạt thì không những vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa mà còn làm cho hình phạt đã tuyên có khả năng không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc cải tạo giáo dục khó đạt được và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Chính việc tuân thủ chặt chẽ quy định về căn cứ quyết định hình phạt sẽ tạo khả năng cho Tòa án quyết định hình phạt được chính xác, hợp lý, công bằng, là cơ sở đầu tiên đảm bảo cho việc đạt được mục đích của hình phạt.
Điều 45 Bộ luật hình sự quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ quyết định hình phạt bao gồm: các quy định của Bộ luật hình sự; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo chúng tôi, căn cứ “các quy định của Bộ luật hình sự” thực chất là căn cứ mang tính hình thức, việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự nhằm tránh sự tùy tiện sự của Tòa án trong việc quyết định hình phạt. Và suy cho cùng thì việc vận dụng căn cứ “các quy định của Bộ luật hình sự”
chính là việc vận dụng các căn cứ quyết định hình phạt còn lại. Bởi lẽ, dù có cố gắng vận dụng các căn cứ quyết định hình phạt còn lại đến mức độ nào, nhưng nếu không vận dụng căn cứ “các quy định của Bộ luật hình sự” thì hình phạt đã tuyên khó có thể đạt được mục đích của hình phạt. Chỉ trên cơ sở vận dụng đúng căn cứ
“các quy định của Bộ luật hình sự” thì Tòa án mới có khả năng vận dụng đúng các căn cứ quyết định hình phạt còn lại. Do vậy, chúng tôi không đi sâu phân tích căn
cứ “các quy định của Bộ luật hình sự” mà chỉ phân tích các căn cứ mang tính nội dung, có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quyết định hình phạt gồm tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Tính nguy hiểm cho xã hội là một thuộc tính của tội phạm thể hiện ở việc gây thiệt hại hoặc tạo ra nguy cơ gây thiệt cho các quan hệ xã hội là đối tượng bảo vệ của luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được đánh giá trên hai khía cạnh là “tính chất” và “mức độ” nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Tính chất nguy hiểm cho xã hội là đặc tính về chất của tội phạm, là dấu hiệu đặc trưng của tất cả các tội phạm, có ý nghĩa cho phép phân biệt các tội phạm thuộc nhóm tội khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được xác định bởi tổng thể các dấu hiệu thuộc yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó có ý nghĩa quan trọng nhất thuộc về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị của những quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại (dấu hiệu thuộc yếu tố khách thể của tội phạm).
Những tội phạm giống nhau về tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng có thể khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về lượng của từng tội phạm cụ thể, có ý nghĩa cho phép phân biệt mức độ nguy hiểm cho xã hội giữa các tội phạm trong cùng một nhóm tội hoặc đối với các trường hợp phạm tội khác nhau trong cùng một tội phạm cụ thể.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là hai mặt thống nhất của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, chúng tồn tại không tách rời nhau và bổ sung cho nhau. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội với tư cách là thước đo của trách nhiệm hình sự nên được nhà làm luật cân nhắc và thể hiện khi quy định tội phạm, quy định chế tài và khung chế tài đối với tội phạm cụ thể. Do vậy, để áp dụng loại và mức hình phạt tương xứng với hành vi mà người phạm tội đã thực hiện, tất yếu Tòa án phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. “Hình phạt được tuyên phải là kết quả của việc cân nhắc cả tính chất nguy hiểm cho xã hội và cả mức độ nguy hiểm cho xã hội”4.
4 Trường Đại học Luật Hà Nội (2001), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.74.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do nhiều tình tiết quyết định, trong đó có các tình tiết thuộc về cấu thành tội phạm, các tình tiết thuộc về đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Để đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, Tòa án không thể dựa vào ý chí chủ quan mà phải xuất phát từ tổng thể các tình tiết khách quan mà tội phạm cụ thể đã thực hiện như: tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại; mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần; yếu tố lỗi; phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm; động cơ, mục đích thực hiện tội phạm... Nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự tuy được quy định là một căn cứ quyết định hình phạt độc lập nhưng vẫn có ảnh hưởng ở mức độ nhất định khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm.
Chỉ khi đảm bảo sự cân nhắc tổng thể các tình tiết trên (cùng với việc dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt khác) thì Tòa án mới có đầy đủ căn cứ để quyết định một loại và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội được đúng pháp luật, công bằng và hợp lý.
- Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải cân nhắc nhân thân người phạm tội Dưới gốc độ luật hình sự, nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng thể những đặc điểm riêng biệt nói lên tính cách của một con người và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Việc làm sáng tỏ các đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội không chỉ giúp Tòa án hiểu được hoàn cảnh quá khứ, hiện tại của người phạm tội, đánh giá được mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà còn biết được khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội.
Nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự ở nước ta thời gian qua, các đặc điểm nhân thân của người phạm tội có thể chia thành ba nhóm:
+ Nhóm những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như phạm tội lần đầu, phạm tội do trình độ lạc hậu, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp…
+ Nhóm những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội như có thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tự thú, đầu thú, lập công chuộc tội, quan hệ với gia đình, với cộng đồng…
+ Nhóm những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ như người phạm tội là người già, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ; người phạm tội thuộc dân tộc ít người hay thuộc gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; người phạm tội là thương binh … Việc cân nhắc các tình tiết này khi quyết định hình phạt nhằm đảm bảo cho hình phạt đã tuyên có tính thực tế cũng như phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước trong xử lý tội phạm.
Những đặc điểm thuộc về nhân thân của người phạm tội vốn không phải là một yếu tố của cấu thành tội phạm (trừ một số trường hợp Bộ luật hình sự có quy định). Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đòi hỏi Tòa án phải hiểu rõ tính chất của người phạm tội và phải đánh giá tường tận khả năng cải tạo, giáo dục họ, trên cơ sở đó đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Việc xem xét nhân thân người phạm tội khi quyết định hình phạt không phải là xem xét nhân thân nói chung nhưng cũng không phải là xem xét tất cả các đặc điểm thuộc về nhân thân mà chỉ xem xét những đặc điểm có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội cũng như liên quan đến việc đạt được mục đích của hình phạt. Chính điều này đã đặt ra yêu cầu là Tòa án cần phải cân nhắc những đặc điểm nhân thân có tính pháp lý phản ánh được mức độ nguy hiểm khác nhau của tội phạm và của người thực hiện tội phạm cũng như phản ánh được khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội. Đồng thời cũng phải cân nhắc toàn diện các đặc điểm nhân thân không mang tính chất pháp lý nhằm phục vụ các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo…
thông qua đó đạt được mục đích của hình phạt, làm cho người phạm tội thấy được sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước và sự tin tưởng của Nhà nước vào khả năng cải tạo, giáo dục của họ.
- Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự
Theo các cách hiểu phổ biến hiện nay, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết có ý nghĩa làm giảm hoặc tăng trách nhiệm hình sự trong phạm vi của một khung hình phạt cụ thể.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 46 và Điều 48 Bộ luật hình sự. Xét trong mối quan hệ tổng thể với căn cứ quyết định hình phạt thì các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đều thuộc về căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và
nhân thân người phạm tội. Tuy nhiên, luật hình sự Việt Nam vẫn quy định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là một căn cứ độc lập nhằm buộc Tòa án phải xem xét, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng như cân nhắc các đặc điểm nhân thân của người phạm tội để tránh sự tùy tiện và thiếu thống nhất khi vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự vào việc xét xử các vụ án cụ thể.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được ghi nhận chính thức trong Bộ luật hình sự dưới dạng liệt kê- tức nêu cụ thể các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự để Tòa án lựa chọn vận dụng khi quyết định hình phạt. Đây là những tình tiết đã được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta.
Tuy nhiên, đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngoài các tình tiết đã được liệt kê ở khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, luật còn cho phép “khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ trong bản án” (khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự). Quy định này là hợp lý và phù hợp với thực tiễn bởi vì trong thực tế những tình tiết giảm nhẹ rất đa dạng, phong phú nên luật hình sự không thể dự liệu hết được, đồng thời quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Đối với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, chỉ những tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Tòa án không được quyền tự xác định các tình tiết khác là tình tiết tăng nặng. Quy định này được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nhằm tránh việc lạm dụng để làm xấu đi tình trạng pháp lý của người phạm tội khi không có căn cứ xác đáng.
Nghiên cứu các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định trong Bộ luật hình sự, theo chúng tôi có thể chia thành ba nhóm:
+ Nhóm 1: Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có ảnh hưởng đáng kể đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như: phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; phạm tội do lạc hậu; phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội có tính chất côn đồ…
+ Nhóm 2: Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội như: người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại; người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt
tác hại của tội phạm; người phạm tội tự thú; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm…
+ Nhóm 3: Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội như: người phạm tội là phụ nữ có thai, người phạm tội là người già…
Việc Bộ luật hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quyết định hình phạt có ý nghĩa rất lớn về phương diện xã hội và pháp lý. Nó là một đảm bảo cho việc thực hiện nguyên tắc công bằng trong luật hình sự, là phương tiện phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt và là một trong những điều kiện cần thiết để đạt được mục đích của hình phạt. Đồng thời, làm cho công dân thấy rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng để từ đó tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Để việc vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được đúng đắn, thống nhất, góp phần hạn chế sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, theo chúng tôi, Tòa án cần phải quán triệt các điểm sau:
+ Việc cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự phải được tiến hành sau khi đã định tội danh và định khung hình phạt;
+ Một tình tiết đã được sử dụng làm dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được vận dụng làm tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự;
+ Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cụ thể không có ý nghĩa như nhau đối với mọi tội phạm và đối với mọi trường hợp phạm tội;
+ Việc đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự phải đặt trong mối quan hệ thống nhất của toàn bộ vụ án;
+ Đối với những vụ án vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì những tình tiết này không những cần được đánh giá riêng lẻ mà còn cần được đánh giá một cách toàn diện trong mối quan hệ biện chứng và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Tóm lại, việc quy định các căn cứ quyết định hình phạt trong Bộ luật hình sự có ý nghĩa quan trọng. Nó là cơ sở pháp lý để Tòa án dựa vào đó tuyên một hình phạt tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, khắc phục tình trạng tùy tiện, thiếu thống nhất khi quyết định hình phạt. Việc tuân thủ đầy đủ các căn cứ quyết định hình phạt sẽ đảm bảo cho bản án của Tòa án có tính hợp pháp, có căn cứ pháp lý và tạo khả năng đạt được mục đích của hình phạt.