Khái quát quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt thời kỳ trước khi có Bộ luật hình sự hiện hành

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự việt nam (Trang 46 - 49)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT

1.3. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt- một trường hợp đặc biệt của quyết định hình phạt

1.3.1. Khái quát quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt thời kỳ trước khi có Bộ luật hình sự hiện hành

Quyết định hình phạt là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự. Với vai trò đó, các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt luôn cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo nhiều hướng khác nhau trong đó có việc nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của các thời kỳ trước đó. Từ nhận thức trên, khi nghiên cứu quy định quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chúng ta có thể nghiên cứu sơ lược quy định của pháp luật hình sự thời kỳ trước khi có Bộ luật hình sự hiện hành.

Trong Quốc Triều Hình Luật- là một bộ luật chính thống và quan trọng nhất của triều đại nhà Lê (1428-1788) chưa quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội mà mới quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như:

- Điều 422 Chương đạo tặc quy định: “Trói người bỏ vào chỗ hiểm, bóp cổ bịt miệng mũi người cùng là chẹn cửa đốt nhà để người ta chết đều xử tội giết người. Nếu bị thương hay gãy xương thì xử nặng hơn tội đánh người bị thương hay gãy xương một bậc…”.

- Điều 436 Chương đạo tặc quy định: “Dọa nạt để lấy của thì khép vào tội ăn trộm mà giảm một bậc… Chưa lấy được của cải thì xử 60 trượng biếm 2 tư”.

Trong Hoàng Việt Luật Lệ của nhà Nguyễn (1812), quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội cũng chưa được quy định và quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt cũng chỉ quy định áp dụng cho từng trường hợp phạm tội cụ thể. Chẳng hạn như:

- Mục 1 Phần đạo tặc trung (Kiếp tù) quy định: Phàm ai cướp tù đều bị chém…. Lén cướp mà chưa được thì giảm hai bực.

- Mục 3 Phần đạo tặc trung (Thiết đạo) quy định: Phàm đã tiến hành ăn trộm, ăn cắp nhưng không lấy được đồ, phạt 50 roi, miễn xâm chữ.

Nhìn chung, ở thời kỳ này quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội chưa được đề cập. Đối với quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, tuy nhà làm luật có đề cập đến nhưng chỉ là quy định cho từng trường hợp phạm tội cụ thể, những quy định này còn mang tính riêng lẻ, thiếu tập trung, các quy định về nguyên tắc quyết định hình phạt, căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt chưa được quy định. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội chưa đạt được thừa nhận là thấp hơn so với tội phạm hoàn thành thể hiện qua việc quy định hình phạt được áp dụng cho trường hợp phạm tội chưa đạt nhẹ hơn- đây là sự tiến bộ rất lớn trong tư tưởng của những nhà lập pháp thời kỳ này.

Thời kỳ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến trước khi Bộ luật hình sự 1985 ra đời, song song với công cuộc củng cố và xây dựng đất nước, Nhà nước ta cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật để quản lý xã hội, trong đó có pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này nước ta chưa diễn ra quá trình pháp điển hóa luật hình sự, những quan hệ pháp luật hình sự phát sinh chủ yếu được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật đơn hành như pháp lệnh, sắc luật… và các báo cáo tổng kết công tác của ngành Tòa án. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cũng chưa có văn bản pháp luật hình sự nào quy định cụ thể.

Trong sắc luật số 002-SLt, ngày 18 tháng 6 năm 1957 của Chủ tịch nước quy định các trường hợp phạm pháp quả tang và các trường hợp khẩn cấp, trong

Bản tổng kết hình sự số 452/HS2, ngày 10 tháng 8 năm 1970 của Tòa án nhân dân Tối cao thì chuẩn bị phạm tội được đề cập với tính chất là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải chịu trách nhiệm hình sự, các văn bản này không quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội.

Đối với hành vi phạm tội chưa đạt, cũng tại bản tổng kết số 452/HS2 có hướng dẫn về quyết định hình phạt đối với phạm tội chưa đạt trong những trường hợp riêng lẻ như hành vi giết người chưa đạt. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt chưa được quy định thành một nguyên tắc chung mà chỉ tồn tại ở dạng hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao cho những trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn: “…Cũng vì lẽ đó, trong những trường hợp giết người chưa đạt, những trường hợp này đã gây thương tích nặng thường bị xử phạt nặng hơn những trường hợp chỉ gây thương tích nhẹ. Những trường hợp chỉ gây thương tích nhẹ thường bị xử phạt nặng hơn những trường hợp chưa gây thương tích”6.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành tựu, kinh nghiệm về lập pháp hình sự nước ta trong những văn bản hình sự đơn lẻ, với tinh thần đổi mới, ngày 17/6/1985, Quốc hội nước ta đã thông qua Bộ luật hình sự năm 1985, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1986. Đây là văn bản pháp điển hóa đầy đủ đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của nước ta kể từ năm 1945, Bộ luật hình sự năm 1985 đã trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu của Nhà nước để đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự năm 1985, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa được quy định thành một chế định độc lập trong chương quyết định hình phạt mà chỉ được quy định chung trong điều luật về chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định:

Điều 15. Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.

Người chuẩn bị phạm một tội nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

3. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng, tùy theo tính

6 Tòa án nhân dân Tối cao (1975), Hệ thống hóa luật lệ về Hình sự (tập 1), Hà Nội, tr.348.

chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Như vậy, mặc dù thừa nhận tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành là khác nhau nhưng Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ mới dừng lại ở việc nêu ra căn cứ quyết định hình phạt (khoản 3 Điều 15) mà chưa quy định mức giới hạn giảm nhẹ hình phạt áp dụng cho người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt làm cơ sở pháp lý cho việc cá thể hóa hình phạt. Điều này có nghĩa là người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt phải gánh chịu hình phạt cùng phạm vi khung chế tài mà điều luật đã quy định như đối với tội phạm hoàn thành. Đây là điều không hợp lý và là một trong những hạn chế của Bộ luật hình sự năm 1985 mà trong suốt thời gian gần mười lăm năm tồn tại với bốn lần sửa đổi, bổ sung nhưng hạn chế này vẫn không được khắc phục.

Đến Bộ luật hình sự năm 1999, quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt đã có bước phát triển rất lớn. Đó là việc chính thức ghi nhận quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt thành một chế định độc lập trong chương quyết định hình phạt (Chương VII- Điều 52 Bộ luật hình sự).

Nội dung quy định của Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 tại khoản 1 về cơ bản là sự kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1985 về căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Ngoài ra, tại khoản 2 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định cụ thể hơn mức giới hạn giảm nhẹ hình phạt áp dụng riêng cho trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án cá thể hóa hình phạt cho người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt được chính xác, công bằng và đã khắc phục được hạn chế của Bộ luật hình sự năm 1985.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự việt nam (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)