CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
1.3. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt- một trường hợp đặc biệt của quyết định hình phạt
1.3.2. Qui định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt
Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là những trường hợp phạm tội mang đặc điểm riêng của nó. Những đặc điểm riêng đó quyết định tính đặc thù của việc quyết định hình phạt áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và đã được Bộ luật hình sự nước ta ghi nhận tại Điều 52. Đó là quy định bổ sung về căn cứ quyết định hình phạt và mức giới hạn giảm nhẹ hình phạt áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
Theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, “đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng”.
Như vậy, khi quyết định hình phạt đối với người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, ngoài việc dựa vào các căn cứ chung về quyết định hình phạt (Điều 45 Bộ luật hình sự), Tòa án còn phải dựa vào căn cứ quyết định hình phạt áp dụng riêng cho trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Đó là:
- Thứ nhất, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phải căn cứ vào các điều của Bộ luật hình sự về tội phạm tương ứng.
Xuất phát từ cơ sở của trách nhiệm hình sự là chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 2 Bộ luật hình sự) nên khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, Tòa án phải căn cứ vào các quy định về tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự. Đây là căn cứ pháp lý để xác định hành vi của người có hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là có tội hay không có tội, nếu có tội thì đó là tội gì, thuộc điều khoản nào của Bộ luật hình sự để buộc họ phải gánh chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội đã thực hiện.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự, đa phần các điều luật về tội phạm cụ thể bao giờ cũng gồm khung cơ bản và có thể có một hoặc nhiều khung tăng nặng hay giảm nhẹ. Do vậy, vấn đề đặt ra là khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt thì áp dụng khung hình phạt nào ? Là khung cơ bản, khung tăng nặng hay khung giảm nhẹ khi các dấu hiệu định khung thỏa mãn. Đây là vấn đề mà trong khoa học luật hình sự hiện còn có quan điểm chưa thống nhất.
Đối với hành vi phạm tội chưa đạt, đa số các quan điểm đều thống nhất, do người tội phạm chưa đạt đã bắt đầu thực hiện tội phạm và chỉ khác với tội phạm hoàn thành là hành vi đó chưa thỏa mãn một hoặc một số dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu tội phạm cụ thể, do đó nếu hành vi phạm tội chưa đạt thỏa mãn khung hình phạt nào thì vận dụng khung hình phạt đó để quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, có quan điểm cho rằng, chỉ có thể vận dụng khung cơ bản để quyết định hình phạt7 vì hành vi chuẩn bị phạm tội chưa phải là hành vi bắt đầu thực hiện tội phạm, những hành vi này không được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm cụ thể.
Theo chúng tôi, để xác định khung hình phạt vận dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cần phải xuất phát từ những vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm và các giai đoạn thực hiện tội phạm.
Cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ khác với cấu thành tội phạm cơ bản ở chỗ ngoài các dấu hiệu định tội, chúng còn có thêm tình tiết có ý nghĩa định khung hình phạt. Nghĩa là tất cả các tội phạm thuộc loại cấu thành tội phạm nào (cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng hay cấu thành giảm nhẹ) cũng đều là sự tổng hợp của cả bốn yếu tố cấu thành tội phạm gồm khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm, giữa các loại cấu thành tội phạm chỉ khác nhau ở chỗ là có thêm dấu hiệu phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên hoặc giảm đi một cách đáng kể so với trường hợp bình thường- tức là chỉ khác nhau ở các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Và đây cũng chính là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt các giai đoạn thực hiện tội phạm.
Như vậy, các trường hợp phạm tội mặc dù thuộc cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ đều có dấu hiệu thuộc khách thể, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm tồn tại giống như tội phạm hoàn thành nhưng có thể có các dấu hiệu thuộc mặt khách quan phản ánh các mức độ thực hiện tội phạm khác nhau, phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên hoặc giảm xuống đáng kể và tình tiết phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên hoặc giảm xuống đó đều có thể có ở tất cả các giai đoạn thực hiện tội phạm.
Từ lập luận trên, theo chúng tôi, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt đều có thể có ở cấu thành tội phạm tặng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ. Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cần được hiểu là hai giai đoạn phạm tội gắn liền với tất cả những trường hợp tội phạm hoàn thành của một tội phạm cụ thể (trừ những tội phạm không có các giai đoạn thực hiện tội phạm).
Việc thừa nhận chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt tồn tại đối với các tội phạm được quy định ở cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ như trên là căn cứ vào các dấu hiệu tổng hợp của cấu
7 Dương Tuyết Miên (2007), Định tội danh và quyết định hình phạt, Nxb Lao động- xã hội, Hà Nội, tr.211.
thành tội phạm cụ thể mà thực tế hành vi của người phạm tội hướng đến chứ không phải căn cứ vào cấu thành tội phạm tương ứng với thực tế hành vi phạm tội diễn ra.
Việc xử lý như trên hoàn toàn phù hợp với lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm vì người phạm tội không mong muốn tội phạm dừng lại ở đó mà luôn mong muốn tội phạm diễn ra một cách nghiêm trọng hơn.
Ví dụ: một người chuẩn bị công cụ, phương tiện để giết nhiều người (thuốc độc để bỏ vào thức ăn, thuốc nổ để đánh bom…) nhưng do nguyên nhân khách quan nên không thực hiện tội phạm được thì cần xác định là chuẩn bị giết người thuộc khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự; nếu người đó đã thực hiện hành vi khách quan nhưng do nguyên nhân khách quan nên nạn nhân không chết hoặc chỉ chết một người cũng cần xác định là phạm tội chưa đạt theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự chứ không phải là phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Tinh thần này cũng được khẳng định tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP, ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 thể hiện ở một số nội dung hướng dẫn sau:
+ Điểm a mục 1 của Nghị quyết nêu: “… Cần chú ý là chỉ được xét xử một người chuẩn bị phạm một tội nào đó khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội phạm do cố ý và là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…
Ví dụ: Nguyễn Văn A sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội trộm cắp tài sản. Nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng Nguyễn Văn A chuẩn bị thực hiện tội trộm cắp tài sản thuộc khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì tuyên bố Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản (chuẩn bị phạm tội).
Trong trường hợp chỉ chứng minh được rằng Nguyễn Văn A sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội trộm cắp tài sản ở một nơi nào đó với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, không thể xác định được thuộc khoản nào của Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng điểm 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 17 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố Nguyễn Văn A không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản mà họ đã bị truy tố”.
+ Điểm a, mục 2 của Nghị quyết nêu: “… Cần chú ý là chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà người phạm tội không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ thuộc khoản nào của
điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì mới áp dụng khoản, điều luật tương ứng đó. Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó”.
Như vậy, nguyên tắc mà chúng tôi đề xuất không chỉ có cơ sở lý luận mà còn được sử dụng trong thực tiễn thể hiện qua nội dung hướng dẫn của Nghị quyết nói trên.
- Thứ hai, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Mọi hành vi phạm tội đều mang tính nguy hiểm cho xã hội, nhưng đó là hành vi của con người nên chịu sự chi phối của những điều kiện kinh tế, xã hội, bị quyết định bởi các tình tiết khách quan, chủ quan và nó sẽ thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau nên buộc phải cân nhắc khi quyết định hình phạt. Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phải cân nhắc trong trường hợp này là tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, được quyết định bởi các tình tiết thuộc các yếu tố cấu thành tội phạm và các tình tiết khác có liên quan như đặc điểm nhân thân người phạm tội…
- Thứ ba, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phải cân nhắc mức độ thực hiện ý định phạm tội. Đây là căn cứ mang nội dung có tính chất đặc thù của trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
Mức độ thực hiện ý định phạm tội là kết quả thực tế mà người phạm tội đã đạt được so với mục đích mà họ đặt ra. Do vậy, để xác định người phạm tội đã thực hiện ý định phạm tội đến mức độ nào cần phải làm rõ hành vi của họ đã thực hiện ở giai đoạn phạm tội nào (chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt) và tính chất của các hậu quả sắp xảy ra. Người thực hiện hành vi phạm tội ở mức độ càng tiến gần với mục đích đặt ra thì càng nguy hiểm cho xã hội hơn và hình phạt áp dụng cho họ phải nghiêm khắc hơn.
Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, trong những điều kiện khác tương đương, nếu người phạm tội đã hoàn tất công việc chuẩn bị thì bao giờ cũng gần với mục đích đặt ra hơn và do đó phải nguy hiểm cho xã hội hơn so với người chỉ mới bắt đầu các hành vi chuẩn bị. Trong cùng một mức độ thực hiện hành vi chuẩn bị
phạm tội thì hành vi của người chuẩn bị ở dạng tinh vi, xảo quyệt phải nguy hiểm cho xã hội hơn so với trường hợp chuẩn bị ở dạng đơn giản.
Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, cũng cần xác định người phạm tội thực hiện hành vi đến mức độ nào. Trong những điều kiện khác tương đương, người phạm tội chưa đạt đã thực hiện hết các hành vi khách quan mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng hậu quả chưa xảy ra phải nguy hiểm cho xã hội hơn so với người phạm tội chưa đạt chưa thực hiện hết hành vi khách quan hoặc chỉ mới thực hiện hành vi đi liền trước hành vi khách quan mô tả trong cấu thành tội phạm.
Như vậy, nếu kết quả thực tế mà người phạm tội đã đạt được càng gần với mục đích phạm tội đặt ra thì mức độ thực hiện ý định phạm tội càng cao nên hình phạt được quyết định càng phải nghiêm khắc. Trong cùng một tội phạm, với các điều kiện khác tương đương thì hành vi phạm tội chưa đạt phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn so với hành vi chuẩn bị phạm tội. Trong cùng một giai đoạn phạm tội, người chuẩn bị xong các công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm, người chuẩn bị phạm tội ở dạng tinh vi phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn so với người mới bắt đầu chuẩn bị, chuẩn bị ở dạng đơn giản; người phạm tội chưa đạt đã thực hiện xong hành vi khách quan phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn so với người chưa thực hiện xong hành vi khách quan hoặc chỉ mới thực hiện hành vi đi liền trước hành vi khách quan (có các tình tiết khác tương đương).
- Thứ tư, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phải cân nhắc những tình tiết khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Đây cũng là căn cứ mang nội dung có đặc tính riêng của trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
Những tình tiết khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng phải là những tình tiết mang tính khách quan, nằm ngoài ý thức và ý chí của người phạm tội. Các nguyên nhân này tự nó không là yếu tố làm tăng hay giảm tính nguy hiểm của hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, việc hiểu đúng đắn chúng làm cơ sở cho việc phát hiện, làm rõ hành vi phạm tội đã được tính toán đến mức độ nào, người phạm tội khi gặp những trở ngại khách quan đã cương quyết khắc phục đến đâu, dùng những phương pháp, thủ đoạn như thế nào… Tất cả những tình tiết đó đã thể hiện phần nào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và do vậy, cần phải cân nhắc khi quyết định hình phạt. Khi cân nhắc các tình tiết khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng, cần phân biệt rõ hai trường hợp:
+ Những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc tội phạm không thực hiện được đến cùng không phụ thuộc vào người phạm tội như những tình tiết ngẫu nhiên cản trở mà người phạm tội không thể thấy trước; hoàn cảnh thay đổi đột ngột; người bị hại chống trả quyết liệt, đề cao cảnh giác nên không thể tiếp tục thực hiện tội phạm được…
+ Những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc tội phạm không thực hiện được đến cùng có phụ thuộc vào người phạm tội như kế hoạch phạm tội đã dự định không phù hợp với khả năng thực hiện của người phạm tội; trong quá trình thực hiện tội phạm người phạm tội đã không thể hiện hết quyết tâm của họ; vì mất nhiều thời gian, sức lực nhưng không đạt kết quả mong nuốn nên người phạm tội không tiếp tục thực hiện tội phạm…
Cùng là những tình tiết khách quan khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng nhưng tính chất của mỗi tình tiết cụ thể cản trở việc tội phạm đi đến hoàn thành không giống nhau vì còn phải xem xét chúng có phụ thuộc vào người phạm tội hay không. Theo đó, trong các điều kiện khác tương đương thì hình phạt được quyết định cho người thực hiện tội phạm không đến cùng do những tình tiết không phụ thuộc vào người phạm tội phải cao hơn hình phạt của người thực hiện tội phạm không đến cùng do những tình tiết phụ thuộc vào họ.
Tóm lại, cùng với việc cân nhắc đầy đủ các căn cứ chung về quyết định hình phạt, khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, Tòa án phải cân nhắc, đánh giá đầy đủ, toàn diện sự ảnh hưởng của các tình tiết như đã phân tích trên- nhất là các tình tiết mang tính đặc thù như mức độ thực hiện ý định phạm tội, những tình tiết khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Thực hiện đúng điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định một hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đảm bảo sự công bằng giữa những người phạm tội với nhau và đạt được mục đích của hình phạt đã đặt ra.
Ngoài quy định về căn cứ quyết định hình phạt, Điều 52 Bộ luật hình sự còn quy định về giới hạn hình phạt áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
Xuất phát từ cơ sở lý luận là chế tài quy định trong các điều luật của Bộ luật hình sự ở phần các tội phạm là chế tài của tội phạm hoàn thành. Trong khi đó, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là những trường hợp phạm tội có mức độ thực hiện ý định phạm tội thấp hơn so với tội phạm hoàn thành nên không thể đặt phạm