CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
2.1. Thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt
2.1.2. Nhận xét thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt
Công tác xét xử ở nước ta trong những năm gần đây đã có những tiến bộ rõ rệt, chất lượng xét xử ngày càng được cải thiện. Việc nâng cao chất lượng tranh tụng, đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa kết hợp với các biện pháp nâng cao trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cho các thẩm phán được triển khai thực hiện sâu rộng theo đúng tinh thần cải cách tư pháp và trên cơ sở các quy định của pháp luật, do đó, chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên. Các Hội đồng xét xử đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, tỷ mỷ khi áp dụng pháp luật hình sự để xét xử. Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với người bị kết án đảm bảo nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Các phán quyết của Tòa án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét một cách toàn diện, khách quan các chứng cứ của vụ án. Công tác xét xử các vụ án hình sự của Tòa án trong những năm qua đã đóng góp có hiệu quả cùng cả nước đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Kết quả hoạt động xét xử của ngành Tòa án trong những năm qua được phản ánh qua đánh giá của Tòa án nhân dân Tối cao:
Việc xem xét đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật và tiến hành các hoạt động tố tụng để xác định tội danh và quyết định hình phạt, nhìn chung đúng quy định của pháp luật. Hình phạt mà Tòa án tuyên phạt đối với các bị cáo đảm bảo đúng chính sách hình sự của Nhà nước là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, lập công chuộc tội, thành khẩn khai báo, chất lượng xét xử vụ án vẫn tiếp tục được đảm bảo...
Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của Tòa án các cấp trong năm qua là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế ở mức thấp nhất việc để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật và tỷ lệ án bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của thẩm phán. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, ngành Tòa án nhân dân đã hoàn thành tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển bền vững đất nước8.
Đối với việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt như chúng tôi đã trình bày là không có số liệu thống kê hình sự chính thức nên không thể có đánh giá riêng. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá của Tòa án nhân dân Tối cao và qua kết quả khảo sát thực tế tại 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như đã phân tích trên thì có thể khẳng định, cùng với việc quyết định hình phạt nói chung, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt nói riêng cơ bản tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật hình sự. Tòa án nhân dân các cấp đã vận dụng đúng khung chế tài, xác định đúng mức giới hạn giảm nhẹ của khung hình phạt và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội đảm bảo tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, đảm bảo công bằng, chính xác và đạt được mục đích của hình phạt.
Có một số vấn đề mặc dù Bộ luật hình sự quy định chưa cụ thể, rõ ràng nhưng thực tiễn xét xử đã được Tòa án nhân dân các cấp vận dụng tốt quy định của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt như: quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật cho người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị
8 Tòa án nhân dân Tối cao (2011), Báo cáo tổng kết công tác năm 2010 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2011 của ngành Tòa án nhân dân, tr.2 và 5.
phạm tội, phạm tội chưa đạt; vận dụng đúng khung chế tài và xác định đúng mức giới hạn giảm nhẹ của khung chế tài để quyết định hình phạt.
Bên cạnh những mặt mạnh kể trên, việc vận dụng các quy định của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (chủ yếu là phạm tội chưa đạt) vẫn còn chưa thống nhất và có sai sót.
Để tìm hiểu thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, chúng tôi nghiên cứu 220 bản án hình sự sơ thẩm với 294 người bị kết án thuộc trường phạm tội chưa đạt đã thu thập được qua khảo sát thực tế. Chúng tôi đã thống kê được có 69 bản án hình sự sơ thẩm với 78 người bị kết án có sai sót khi áp dụng pháp luật để quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt, chiếm tỷ lệ 31,36% số bản án và 26,53% số bị cáo so với tổng số bản án và số bị cáo phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt đã thu thập. Các sai sót chủ yếu là do Tòa án cân nhắc không đầy đủ các căn cứ chung về quyết định hình phạt (Điều 45 Bộ luật hình sự) và căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự) cũng như việc xác định không chính xác giai đoạn thực hiện tội phạm dẫn đến việc áp dụng sai quy định của Bộ luật hình sự.
Qua tìm hiểu các bản án hình sự sơ thẩm có tội phạm thuộc trường hợp chưa đạt có sai sót thu thập được qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt có các dạng sai sót phổ biến sau:
- Thứ nhất, một số Tòa án còn nhầm lẫn trong việc phân biệt các giai đoạn thực hiện tội phạm dẫn đến việc áp dụng pháp luật sai khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nhất là việc phân biệt giai đoạn phạm tội chưa đạt với tội phạm hoàn thành.
Tìm hiểu 220 bản án hình sự sơ thẩm với 294 người bị kết án Tòa án xác định phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt thì có 13 bản án với 17 bị cáo theo chúng tôi là tội phạm hoàn thành (cướp tài sản 07 vụ- 08 bị cáo; cướp giật tài sản 06 vụ- 09 bị cáo). Tất cả các bản án có sai sót về xác định giai đoạn thực hiện tội phạm nêu trên Tòa án đều nhận định do bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản nên phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt (đã thực hiện xong hành vi khách quan mô tả trong cấu thành tội phạm). Theo chúng tôi nhận định như trên là không phù hợp với lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm và cấu thành tội phạm.
Theo lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm và cấu thành tội phạm, đối với các tội phạm có cấu thành hình thức thì hành vi cụ thể nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm thì xem là tội phạm hoàn thành mà không cần phải có hậu quả xảy ra. Đối với tội Cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự) và tội Cướp giật tài sản (Điều 136 Bộ luật hình sự) đều là những tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi khách quan mô tả trong cấu thành tội phạm thì xem là tội phạm hoàn thành mà không cần phải chiếm đoạt được tài sản như nhận định trong các bản án nói trên.
Ví dụ: V.V.L có hành vi bóp cổ chị N.T.T.T gây thương tích tỷ lệ 21% để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khi V.V.L chưa lấy được tài sản thì bị anh N.T.T phát hiện, truy đuổi và bắt giữ. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 03/2010/HSST, ngày 26/11/2010 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh H đã tuyên bố bị cáo V.V.L phạm tội “Cướp tài sản” (chưa đạt). Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 133; Điều 18; Điều 52 và điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với bị cáo V.V.L. Theo chúng tôi, hành vi phạm tội của V.V.L đã hoàn thành vì hành vi thực hiện đã thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm của tội Cướp tài sản. Vì vậy, Tòa án không thể vận dụng Điều 18 và Điều 52 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với bị cáo.
- Thứ hai, một số Tòa án thường không trích dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý là các quy định của Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Điều này đã vi phạm căn cứ “các quy định của Bộ luật hình sự” (Điều 45 Bộ luật hình sự) và “các điều của Bộ luật này về tội phạm tương ứng” (khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự) khi quyết định hình phạt. Đây là dạng sai sót phổ biến nhất của các Tòa án qua khảo sát thực tế.
Trong số 69 bản án hình sự sơ thẩm với 78 người bị kết án về tội phạm thuộc trường hợp chưa đạt có sai sót thì có 43 bản án với 50 người bị kết án có dạng sai sót này, chiếm tỷ lệ 62,32 % số bản án và 64,10 % số bị cáo so với tổng số bản án và số bị cáo có sai sót được khảo sát. Các bản án có sai sót nêu trên, mặc dù tại phần nhận định đều có nêu bị cáo phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt nhưng khi quyết định hình phạt lại không viện dẫn Điều 18 hoặc Điều 52 Bộ luật hình sự, thậm chí có những bản án không viện dẫn cả Điều 18 và Điều 52 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt.
Mặc dù phần lớn các bản án được khảo sát đều quyết định mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và trong phạm vi giới hạn khung hình phạt giảm nhẹ nhưng rõ ràng những sai sót này là vi phạm quy định của Bộ luật hình sự về căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Vấn đề này cũng đã được hướng dẫn rõ tại điểm b mục 1 và điểm c mục 2 của Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP là khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội (hoặc phạm tội chưa đạt), ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 17 (hoặc Điều 18) và các khoản 1 và 2 (hoặc 3) Điều 52 Bộ luật hình sự.
Như chúng tôi đã trình bày ở Chương 1, cấu thành tội phạm của chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là cấu thành tội phạm chưa hoàn thành. Để xác định hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là tội phạm cụ thể nào quy định trong Bộ luật hình sự đòi hỏi Tòa án phải dựa vào dấu hiệu tổng hợp của cấu thành tội phạm cụ thể với quy định chung về chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 17, Điều 18 Bộ luật hình sự) và Tòa án phải viện dẫn rõ điều, khoản của Bộ luật hình sự đã vận dụng vào trong bản án kết tội. Sẽ là không hợp lý nếu xác định hành vi cụ thể là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt mà chỉ viện dẫn điều khoản về tội phạm cụ thể, không viện dẫn Điều 17 hoặc Điều 18 Bộ luật hình sự; hoặc không áp dụng Điều 52 Bộ luật hình sự để xác định mức giới hạn khung hình phạt giảm nhẹ làm cơ sở quyết định mức hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt;
càng không hợp lý khi nhận định hành vi là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt nhưng không viện dẫn Điều 17 (hoặc Điều 18) và Điều 52 Bộ luật hình sự.
Hậu quả của việc không tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là dẫn đến một số trường hợp người phạm tội bị quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc hoặc quá nhẹ, ngoài mức giới hạn cao nhất hoặc thấp nhất mà Điều 52 của Bộ luật hình sự quy định áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Mặc dù những trường hợp này không nhiều nhưng chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án, có nguy cơ làm cho mục đích của hình phạt không đạt được và nhất là vi phạm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa về quyết định hình phạt.
Ví dụ: 1/- Tại bản án hình sự sơ thẩm số 53/2010/HSST, ngày 22/11/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh C tuyên bố bị cáo D.Q.T phạm tội “Giết người” (chưa
đạt). Áp dụng điểm đ, n khoản 1 Điều 93; Điều 18; điểm b, khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo D.Q.T mức án 19 (mười chín) năm tù.
2/- Tại bản án hình sự sơ thẩm số 68/2011/HSST, ngày 21/12/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh D tuyên bố H.N.N phạm tội “Giết người” (chưa đạt). Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; Điều 18; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo H.N.N mức án 07 (bảy) năm tù.
Theo bản án trên, cả hai bị cáo đều phạm tội “Giết người” quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trong trường hợp trên, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt và đều được áp dụng hình phạt tù có thời hạn nên theo khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự, giới hạn khung hình phạt giảm nhẹ là từ 09 năm đến 15 năm. Do không căn cứ Điều 52 Bộ luật hình sự nên khi quyết định hình phạt, Tòa án đã quyết định mức hình phạt ngoài phạm vi giới hạn mà điều luật quy định. Trong trường hợp này thì mức hình phạt tối đa Tòa án có thể áp dụng đối với bị cáo D.Q.T là 15 năm tù và mức thấp nhất Tòa án có thể áp dụng đối với bị cáo H.N.N là 09 năm tù.
- Thứ ba, Tòa án một số nơi vận dụng không đúng nội dung quy định của Điều 52 Bộ luật hình sự về mức giới hạn khung hình phạt giảm nhẹ để quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.
Đối với mức giới hạn giảm nhẹ cao nhất của khung hình phạt áp dụng cho người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt thì đa số các Tòa án đều có nhận thức đúng đắn quy định của pháp luật nhưng đối với mức giới hạn giảm nhẹ thấp nhất thì vẫn còn nhận thức khác nhau. Điều này thể hiện rõ qua việc Tòa án viện dẫn các quy định của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt cho người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt trong thực tiễn xét xử.
Như chúng tôi đã trình bày ở tiểu mục 2.1.1, trong số 294 người bị kết án về tội phạm thuộc trường hợp chưa đạt mà chúng tôi thống kê qua khảo sát thực tế, có 04 người bị kết án được quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt giảm nhẹ áp dụng cho người phạm tội chưa đạt nhưng Tòa án không viện dẫn Điều 47 Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật; có 18 người bị kết án được quyết định mức hình phạt trong phạm vi giới hạn khung hình phạt giảm nhẹ áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt nhưng Tòa án lại viện dẫn Điều 47 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt. Việc viện dẫn điều luật khác nhau như trên có thể do nhiều nguyên nhân nhưng không
loại trừ khả năng do sự nhận thức khác nhau về mức giới hạn thấp nhất của khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt.
Ví dụ: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 17/2011/HSST, ngày 18/8/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh H, tuyên bố bị cáo V.D.Q phạm tội tội “Giết người” (chưa đạt). Áp dụng điểm l khoản 1 Điều 93; Điều 18; Điều 52; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo V.D.Q 05 (năm) năm tù. Trong trường hợp trên, bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ quy định ở khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nên Tòa án không thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật. Tuy nhiên, mức hình phạt cụ thể mà Tòa án áp dụng đối với bị cáo thấp hơn mức giới hạn thấp nhất của khung hình phạt giảm nhẹ áp dụng cho người phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt (09 năm tù). Điều có thể lý giải do Tòa án hiểu quy định tại khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự là luật không giới hạn mức thấp nhất của khung hình phạt.
- Thứ tư, việc vận dụng các qui định của Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là người chưa thành niên và khi người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt được quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật còn lúng túng và chưa thống nhất.
Xuất phát từ vấn đề lý luận chung là những quy định tại Chương X của Bộ luật hình sự, trong đó có các quy định về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 72, Điều 73 và Điều 74 Bộ luật hình sự) là áp dụng cho tội phạm hoàn thành. Do vậy, vấn đề đặt ra là khi người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là người chưa thành niên thì giới hạn khung hình phạt giảm nhẹ sẽ được xác định như thế nào bởi các điều luật đều quy định mức giới hạn giảm nhẹ là so với quy định của điều luật ?
Tương tự như vậy, khi người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt được quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật (Điều 47 Bộ luật hình sự) thì khung hình phạt liền kề nhẹ hơn có được giảm nhẹ theo tỷ lệ quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự vì về lý luận, khung hình phạt liền kề nhẹ hơn mà điều luật quy định là khung hình phạt áp dụng cho tội phạm hoàn thành. Nếu áp dụng cùng phạm vi chế tài của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn thì có khả năng dẫn đến trường hợp áp dụng mức hình phạt bằng nhau cho người phạm tội ở các giai đoạn khác nhau trong điều kiện có các tình tiết khác tương đương.