III. Hợp tác thương mại trong khối ASEAN:
3.3. Lĩnh vực hải quan:
Như đã được trình bày ở trên, để thực hiện Khu vực Thương mại Tự do ASEAN, vấn đề loại bỏ các hàng rào phi thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại là rất cần thiết. Lĩnh vực hải quan đóng một vai trò trong vấn đề đó. Các nước ASEAN đã xác định việc hợp tác trong lĩnh vực hải quan là một trong những nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu AFTA của mình, do vậy ngay sau khi Hiệp định CEPT được ký kết, các nước đã tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này. Để tạo một khuôn khổ pháp lý cho hợp tác, Hiệp định ASEAN về Hợp tác Hải quan đã được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN ký kết ngày 1/3/1997 tại Phuket (Thái Lan).
1. Thực hiện thống nhất phương pháp định giá tính thuế hải quan giữa các nước ASEAN.
Hiện nay các nước thành viên ASEAN đang áp dụng các phương pháp định giá tính thuế hải quan khác nhau nên đã tạo ra một hàng rào cản trở thương mại và gây khó khăn cho việc thực hiện hiệp định về mậu dịch tự do. Do đó, các nước ASEAN đã thoả thuận hợp tác nhằm hài hoà phương pháp định giá hải quan giữa các nước thành viên và đã thống nhất áp dụng phương pháp định giá hải quan GTV của GATT từ năm 2000.
2. Thực hiện hài hoà các thủ tục hải quan.
Thủ tục hải quan là một khía cạnh quản lý quan trọng khác trong thương mại quốc tế. Ngoài những thủ tục thông quan tiêu chuẩn khác, các sản phẩm buôn bán theo chương trình CEPT còn phải đáp ứng được yêu cầu xác định rõ xuất xứ của sản phẩm đó. Như đã nói ở trên, để được hưởng ưu đãi thuế quan CEPT, một sản phẩm phải có ít nhất 40% thành phần có xuất xứ từ các nước ASEAN. Điều này được chứng nhận bằng Giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu D). Như vậy, để tạo thuận lợi cho thương mại trong ASEAN, cần phải đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan của các nước thành viên. ASEAN đã thống nhất ưu tiên thực hiện hài hoà các thủ tục hải quan trong hai lĩnh vực:
- Mẫu khai báo CEPT chung: Hàng hoá luân chuyển giữa các nước ASEAN cần phải hoàn thành 3 loại thủ tục hải quan: chứng nhận xuất xứ, thủ tục xuất khẩu và thủ tục nhập khẩu. Vì phần lớn các chi tiết trong các mẫu khai báo hải quan là giống nhau, do đó các nước ASEAN đã có sáng kiến đơn giản hoá thủ tục đối với các sản phẩm thuộc diện CEPT bằng cách gộp cả 3 mẫu này thành một Mẫu chung ASEAN CEPT (Common ASEAN CEPT Form). Hiện nay mẫu này đang trong quá trình hình thành.
- Thủ tục xuất và nhập khẩu chung: Hiện nay ASEAN đang trong quá trình đơn giản hoá các thủ tục chung. Các lĩnh vực sau đây được đặt trọng tâm để tiến hành đơn giản hoá:
+ Thủ tục nộp khai báo hàng hoá khi xuất khẩu; + Thủ tục nộp khai báo hàng hoá khi nhập khẩu; + Kiểm tra hàng hoá;
+ Cấp giấy chứng nhận xuất sứ hồi tố; + Hoàn thuế.
Việc đơn giản hoá thủ tục hải quan sẽ được tiến hành dựa trên những hướng dẫn tại Công ước Kyoto - Công ước quốc tế về thủ tục hải quan. Thủ tục hải quan sẽ được hài hoà hoá trên các nguyên tắc: rõ ràng, thống nhất, thúc đẩy tính hiệu quả và đơn giản trong quản lý hải quan.
Hải quan các nước ASEAN cũng đã thống nhất thiết lập các "hành lang xanh" (Green lanes) - cửa giải quyết thủ tục hải quan dành riêng cho các sản phẩm được nhập khẩu theo Chương trình CEPT - tại hải quan cửa khẩu của từng nước thành viên. Theo Malaysia việc thiết lập Hành lang xanh giảm được thời gian hoàn thành các thủ tục hải quan trung bình từ 9 giờ 30 phút xuống còn 3 giờ 45 phút.
3. Thực hiện áp dụng một danh mục biểu thuế hài hoà thống nhất của ASEAN.
Trong thương mại quốc tế, việc hài hoà hoá và chi tiết hoá danh mục biểu thuế nhập khẩu là rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác định đúng tên gọi của hàng hoá nhập khẩu để áp dụng đúng thuế suất.
Hiện nay, ASEAN đang xây dựng một Danh mục biểu thuế hài hoà chung ASEAN (AHTN). Danh mục biểu thuế này sẽ dựa trên phiên bản mới nhất của Hệ thống Hài hoà miêu tả và mã số hàng hoá do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) ban hành. Danh mục AHTN sẽ có tối đa là 7000 dòng thuế và sẽ bắt đầu được áp dụng vào năm 2002.