Nội dung loại bỏ hàng rào thuế quan:

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ kinh tế quốc tế docx (Trang 27 - 29)

III. Hợp tác thương mại trong khối ASEAN:

3.2.2.Nội dung loại bỏ hàng rào thuế quan:

3.2.2.1Nội dung:

Những nội dung chính trong việc loại bỏ hàng rào thuế quan của AFTA được hoạch định như sau:

- Các nước thành viên ASEAN sẽ thực hiện lịch trình cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hoá có xuất xứ ASEAN theo lộ trình trong vòng 15 năm để xuống tới 0 - 5%. Việc cắt giảm thuế bắt đầu từ ngày 1/1/1993 và hoàn thành vào ngày 1/1/ 2008.

- Tuy nhiên, trước xu hướng tự do hoá thương mại toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ và xuất phát từ nhu cầu tăng cường hợp tác phát triển của các thành viên, ASEAN đã quyết định đẩy nhanh quá trình tự do hoá thương mại trong khu vực bằng việc rút ngắn thời hạn hoàn thành AFTA. Đặc biệt, sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ VI năm 1998, thời hạn này đã được đẩy nhanh, đến ngày 1/1/2002 cho các thành viên cũ (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Brunei, sau đây gọi là ASEAN-6). Với Việt Nam thời hạn hoàn thành cắt giảm thuế quan vẫn là năm 2006.

- Phạm vi áp dụng của chương trình CEPT để thực hiện AFTA bao gồm tất cả các hàng hoá có xuất xứ ASEAN, bao gồm hàng hoá công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp chế biến. Riêng đối với nông sản chưa chế biến mang tính chất nhạy cảm tới nền kinh tế của các nước ASEAN, tới tận AEM-26 tháng 9/1994, các nước mới đưa loại sản phẩm này vào phạm vi thực hiện Chương trình CEPT với những quy định đặc biệt riêng về thời hạn bắt đầu và kết thúc cắt giảm thuế, mức thuế suất bắt đầu và khi hoàn thành cắt giảm. Các sản phẩm được xác định là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ đạo đức xã hội, bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của con người và động thực vật, bảo vệ các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử và khảo

cổ học của các nước thành viên ASEAN sẽ không được đưa vào chương trình CEPT.

3.2.2.2Các danh mục hàng hoá:

Để triển khai AFTA, các nước ASEAN phân loại các hàng hoá trong biểu thuế nhập khẩu thành 4 danh mục với lộ trình cắt giảm được xây dựng cho từng danh mục cụ thể. Nội dung và lộ trình cắt giảm thuế của từng danh mục như sau:

1. Danh mục Cắt giảm ngay (IL) gồm các sản phẩm mà các nước thành viên đã sẵn sàng cắt giảm thuế. Việc cắt giảm thuế của các sản phẩm thuộc Danh mục này được chia thành 2 lộ trình: lộ trình cắt giảm bình thường và lộ trình cắt giảm nhanh.

+ Lộ trình cắt giảm bình thường: Theo Hiệp định được ký kết, việc cắt giảm thuế xuống 0-5% sẽ được thực hiện trong vòng 15 năm, tức là từ ngày 1/1/1993 đến ngày 1/1/ 2008. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện AFTA, các nước ASEAN đã quyết định đẩy nhanh mốc thời gian này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ VI tháng 12/1998, các Nguyên thủ đã nhất trí đẩy mốc thời gian hoàn thành việc cắt giảm thuế xuống 0-5 % là tới ngày 1/1/ 2002 đối với ASEAN-6. Đối với các nước thành viên mới gia nhập ASEAN, thời hạn này chậm hơn, tới ngày 1/1/2006 cho Việt Nam, ngày 1/1/ 2008 cho Lào, Myanmar và ngày 1/1/2010 cho Campuchia.

+ Lộ trình cắt giảm nhanh: Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ IV năm 1992 đã xác định 15 nhóm mặt hàng cần cắt giảm thuế nhanh trong vòng 7 năm, đó là: dầu thực vật, hoá chất, phân bón, sản phẩm cao su, giấy và bột giấy, đồ gỗ và song mây, đá quý và đồ trang sức, xi-măng, dược phẩm, chất dẻo, các sản phẩm bằng da, hàng dệt, các sản phẩm gốm và thuỷ tinh, điện cực đồng, hàng điện tử.

2. Danh mục Loại trừ Tạm thời (TEL) là danh mục gồm các sản phẩm mà các nước chưa sẵn sàng cắt giảm thuế ngay. Theo quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng AEM-26 ngày 22-23/9/1994, danh mục này sẽ được chuyển dần sang Danh mục Cắt giảm ngay trong vòng 5 năm, kể từ ngày 1/1/ 1996 đến ngày 1/1/2000 đối với ASEAN-6.

3. Danh mục Loại trừ Hoàn toàn (GEL) là danh mục các sản phẩm sẽ không được đưa vào tham gia AFTA vì các lý do bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ đạo đức xã hội, bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của con người và động thực vật, bảo vệ các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ học.

4. Danh mục Nhạy cảm (SEL): Hiệp định CEPT khi được ký kết không bao gồm các sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến trong phạm vi của nó. Tuy nhiên, xuất phát từ nhận thức về vai trò của hàng nông sản chưa chế biến đối với phần lớn

các nước ASEAN, cũng như về số lượng các nhóm mặt hàng lớn, thuế quan nhập khẩu cao được các nước áp dụng đối với các mặt hàng nay, tại Hội nghị AEM-26 tháng 9/1994, các Bộ trưởng kinh tế đã quyết định đưa nông sản chưa chế biến vào phạm vi của Hiệp định về CEPT để thực hiện AFTA. Theo quyết định tại Hội nghị này, các sản phẩm nông sản chưa chế biến được phân loại thành ba danh mục: Danh mục Cắt giảm ngay, Danh mục Loại trừ Tạm thời và Danh mục Nhạy cảm.

Đối với hai danh mục đầu, lộ trình cắt giảm thuế sẽ thực hiện theo lộ trình chung cùng với các mặt hàng khác thuộc danh mục, tức là sẽ đạt mức thuế 0 - 5% vào năm 2002 cho các nước ASEAN-6, và năm 2006 cho Việt Nam, 2008 cho Lào và Myanmar.

Đối với các sản phẩm trong danh mục nhạy cảm, việc cắt giảm sẽ được xử lý theo cơ chế riêng. Các nước đã nhất trí về sự cần thiết phải có một thoả thuận đặc biệt đối với việc cắt giảm thuế cho Danh mục này. Tại Hội nghị Hội đồng AFTA lần thứ 9 tháng 4/1996, các nước đã nhất trí thời hạn để đưa các sản phẩm hàng hoá trong Danh mục này vào Chương trình CEPT là ngày 1/1/2010. Trên cơ sở các tiến triển từ Hội nghị này, tại Hội nghị AEM-31 tháng 9/1999, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức ký kết Nghị định thư về các Sản phẩm Nhạy cảm và Nhạy cảm cao để thể chế hoá lộ trình cắt giảm thuế quan các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm theo chương trình CEPT.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ kinh tế quốc tế docx (Trang 27 - 29)