CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ BẮT ĐẦU LẠI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
1.2. Đặc điểm và ý nghĩa của quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
1.2.1. Đặc điểm của quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
1.2.1.1. Đặc điểm về thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện Thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại khi có căn cứ quy định tại Điều 162 BLDS 2005 và thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là ngày tiếp theo ngày xảy ra sự kiện pháp lý đó. Nhưng các quy định của pháp luật hiện tại về vấn đề này không xác định rõ thời điểm phát sinh căn cứ phải là ở thời điểm nào.
Chính thời điểm xảy ra căn cứ không được minh thị tạo nên một trong những đặc điểm riêng của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Việc không ấn định cụ thể thời điểm phát sinh căn cứ cho phép suy luận thời điểm này ở khía cạnh thời hiệu khởi kiện có thể diễn ra trước khi thời hiệu khởi kiện hết và sau khi thời hiệu khởi kiện đã chấm dứt. Còn ở khía cạnh tố tụng thời điểm có thể xảy ra trước khi quá trình tố tụng bắt đầu và cũng có thể chấp nhận ngay khi quá trình tố tụng đã diễn ra. Tác giả Đỗ Văn Đại cũng từng đề cập đến vấn đề này với ý kiến không khẳng định hay phủ định thời điểm xảy ra sự kiện bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện phải tiến hành trước khi khởi kiện26.
Đặc điểm này khiến cho bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khác biệt so với các quy định có liên quan. Chẳng hạn, đối với bắt đầu thời hiệu khởi kiện quy định thời điểm xảy ra sự kiện chặt chẽ hơn, không tùy nghi vô định khi thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu thời hiệu khởi kiện diễn ra ở hai thời điểm “cố định”: một là, thời điểm chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm phạm; hai là, thời điểm xảy ra sau thời điểm quyền, lợi ích bị xâm phạm do các bên thỏa thuận27. Trong khi thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh căn cứ phải trong thời hiệu khởi kiện. Vì khi thời hiệu khởi kiện hết dù có căn cứ để không tính thời gian vào thời hiệu khởi kiện cũng không được chấp nhận, do ý nghĩa gián đoạn thời hiệu khởi kiện của căn cứ không còn.
25Khoản 2 Điều 167 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
26Đỗ Văn Đại (2014), tlđd số 4, tr.865.
27Khoản 5 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.
1.2.1.2. Đặc điểm về căn cứ của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được quy định trong BLDS là quy phạm bắt buộc tuân thủ, các bên trong quan hệ dân sự không thể thỏa thuận khác. Khi có căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu, thời gian trước khi xảy ra sự kiện không tính vào thời hiệu chung.
Theo quy định tại Điều 162 BLDS 2005 thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại trong các trường hợp sau: “Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Các bên đã tự hòa giải với nhau”.
Khoảng thời gian xảy ra trước khi có các sự kiện pháp lý không được tính vào thời hiệu khởi kiện, mà thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại từ đầu, kể từ ngày tiếp theo xảy ra sự kiện28.
Đặc điểm riêng biệt của căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là xuất hiện sự kiện minh chứng cho sự tồn tại của nghĩa vụ chưa được thực hiện xong. Sự kiện này không là quy định pháp lý có nguyên nhân do yếu tố khách quan như đối với sự kiện xảy ra không tính vào thời hiệu khởi kiện; không áp dụng thời hiệu khởi kiện do bản chất tranh chấp; hay phát sinh do yếu tố quyền lợi bị xâm phạm như quy định về thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện.
Đối với căn cứ không tính vào thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 161 BLDS 2005 phát sinh không phải bởi ý chí của các bên mà do ra những sự kiện nhất định được pháp luật quy định. Trong trường hợp này thời hiệu tạm dừng, khoảng thời gian diễn ra các sự kiện đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự như:
+ Khi có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép. Ví dụ: bị tai nạn, ốm đau, thiên tai,... Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyển, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực
28Phùng Trung Tập (2013), “Hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn, thời hiệu trong BLDS 2005”, Tạp chí Luật học, số 10, tr.41.
hiện được quyển hoặc nghĩa vụ dân sự của mình. Ví dụ: đi công tác đột xuất, thư tín bị thất lạc...
+ Người có quyền khởi kiện chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có người đại diện. Những người này không thể tự mình yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của họ, do họ là những người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có năng lực hay hạn chế năng lực hành vi dân sự, thiếu nhận thức và lý trí, không có cuộc sống kinh tế độc lập, không có đủ năng lực chủ thể để tự mình định đoạt quyền và lợi ích hợp pháp của mình và phải phụ thuộc vào người đại diện nên rất khó có thể tự mình khởi kiện…29, nên pháp luật quy định tạm ngừng thời hiệu khởi kiện, trong trường hợp họ chứng minh được không có người đại diện hợp pháp bảo vệ quyền lợi của họ.
Đối với căn cứ không áp dụng thời hiệu khởi kiện, pháp luật quy định không hẳn do nguyên nhân khách quan, cũng không phải do ý muốn chủ quan của các bên mà dựa vào đối tượng tranh chấp, sự vi phạm điều cấm của pháp luật, quy tắc đạo đức xã hội và kể cả không trung thực khi xác lập giao dịch giữa các bên. Bởi nếu đối tượng tranh chấp là quyền sở hữu tài sản; đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện30;Các giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, trái pháp luật, đạo đức xã hội thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế31. Do bản chất của đối tượng tranh chấp, sự bất tuân quy định cấm của pháp luật, quy tắc đạo đức, giả tạo như đã trình bày, thời hiệu khởi kiện không đặt ra cho những trường hợp này, cho nên sự thỏa thuận của các đương sự về thời hiệu không có giá trị.
Tương tự các nhân tố vừa nêu, đặc điểm nhân thân của chủ thể không được xét đến ở khía cạnh thời hiệu khởi kiện32.
Qua sự phân tích về đặc điểm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện với đặc điểm căn cứ của các quy định có liên quan mật thiết với bắt đầu lại thời hiệu khởi
29Lê Minh Hùng (2005), “Thời hiệu khởi kiện thừa kế - Thực trạng pháp luật và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 05, tr.48.
30Điểm b Khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011)
31Điều 136 Bộ luật Dân sự 2005.
32Khoản 4 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011): “Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu”.
kiện như: thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, không áp dụng thời hiệu khởi kiện, nhận thấy căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện phát sinh do sự kiện pháp lý dường như dựa trên ý chí hành động của các bên trong việc xác nhận thông qua các hình thức khác nhau rằng nghĩa vụ đáng lý ra đã phải được thực hiện, nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ như thỏa thuận ban đầu khi thiết lập giao dịch. Trong khi các quy định còn lại dựa vào căn cứ quy định của pháp luật phần nhiều mang tính khách quan hay bản chất của tranh chấp.
1.2.1.3.Đặc điểm về hệ quả pháp lý của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Khi đi vào phân tích các khía cạnh của quy định pháp luật bên cạnh phạm vi điều chỉnh, hiệu lực thời gian, hệ quả pháp lý là điều không thể bỏ qua. Do một trong những điều mà chủ thể của quan hệ pháp luật quan tâm nhất về quy định pháp luật là hệ quả pháp lý của nó. Bởi xét cho cùng hệ quả pháp lý là điều cuối cùng, quan trọng nhất quyết định hiệu quả điều chỉnh. Cho nên, hệ quả pháp lý của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cùng các đặc điểm về hệ quả pháp lý cần được xem xét.
Thời hiệu theo nghĩa chung nhất là căn cứ pháp lý do pháp luật quy định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Điểm khác biệt của thời hiệu so với hành vi pháp lý hoặc sự kiện pháp lý là khi một khoảng thời gian trôi qua và những điều kiện do pháp luật quy định thì hậu quả pháp lý phát sinh33, bắt đầu lại thời hiệu cũng không là ngoại lệ với những hệ quả pháp lý nhất định.
Hệ quả pháp lý của bắt đầu lại thời hiệu được dẫn chiếu suy luận dựa vào thời hiệu khởi kiện. Trước khi BLDS 2015 được thông qua ý kiến trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) về hệ quả pháp lý khi thời hiệu vẫn còn mập mờ34. Sau khi BLDS 2015 được thông qua khúc mắc về hệ quả pháp lý khi thời hiệu hết cũng chưa có đáp án rõ ràng hơn so với quy định tại BLDS 2005.
Chúng ta cần làm rõ hệ quả pháp lý khi thời hiệu khởi kiện hết mới làm bật lên được hệ quả pháp lý khi thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại. Thời hiệu khởi kiện do pháp luật quy định, các bên không có quyền thỏa thuận như thời hạn do tính bắt buộc của thời hiệu khởi kiện. Vì thế mọi sự thỏa thuận của các bên khi tham gia vào quan hệ
33Hoàng Thế Liên (Chủ biên), tlđd số 22, tr 333, 334.
34“BLDS 2005 quy định khi hết thời hiệu thì chủ thể được hưởng quyền, miễn trừ nghĩa vụ, hoặc mất quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết việc dân sự. Nhưng Dự thảo chỉ quy định chung chung là khi hết thời hiệu thì chủ thể sẽ phát sinh hậu quả pháp lý, còn hậu quả pháp lý đó là gì thì không quy định rõ mà sẽ xác định trong từng điều kiện cụ thể do luật định”. (Đỗ Văn Đại, Nguyễn Ngọc Hồng Phương (2015), tlđd số 8, tr 5).
pháp luật dân sự nhằm thay đổi thời hiệu khởi kiện hoặc cách tình thời hiệu khởi kiện đều vô hiệu. Áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện cũng mang tính bắt buộc đối với Tòa án khi xem xét giải quyết vụ án35.
Chính từ hệ quả pháp lý của hết thời hiệu khởi kiện kéo theo quyền khởi kiện cũng không còn, do vậy bắt đầu lại thời hiệu mang theo hệ quả pháp lý đặc trưng là
“tái khởi động quyền khởi kiện những tưởng đã chấm hết cũng là hệ quả bắt buộc dù các bên có mong muốn hay không (nhất là bên bị kiện)”.
Việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện dẫn đến khoảng thời xảy ra trước khi sự kiện bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không tính vào thời hiệu chung, xem như chưa tính thời hiệu. Là sự bắt đầu nhưng hệ quả pháp lý của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không hoàn toàn giống bắt đầu thời hiệu khởi kiện, dù cả hai đều có chung hệ quả về điểm khởi đầu tính thời hiệu khởi kiện. Vì bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là sự khởi đầu, nhưng cũng là sự kết thúc của khoảng thời hiệu khởi kiện đã diễn ra bằng cách “phủ nhận” thời gian tính vào thời hiệu trước đó. Trong khi đó khi sự kiện làm cho thời hiệu khởi kiện bắt đầu, mang hàm nghĩa quyền khởi kiện chính thức được khởi phát, các quyền tố tụng liên quan cũng bắt đầu từ đây và khoảng thời gian của thời hiệu chính thức được tính.
So sánh với hệ quả pháp lý của thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cũng có hệ quả riêng có của nó. Vì thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện với hệ quả pháp lý là thời hiệu khởi kiện bị tạm ngưng, nhưng khoảng thời gian xảy ra trước khi có sự kiện tạm ngừng vẫn được tính vào thời hiệu chung. Thời hiệu bị “đứng” lại như một nút thắt ngăn sự tiếp diễn của thời hiệu nhằm bảo về quyền khởi kiện của các chủ thể trong trường hợp họ không thể thực hiện quyền khởi kiện. Ví dụ: theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 58/UBTVQH10 ngày 25/8/1998 của Uỷ ban thường vụ quốc về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 và hướng dẫn tại điểm 1 mục IV Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC - VKSNDTC ngày 25/1/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội” từ ngày 1/7/1996 đến ngày 31/12/1998 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991. Do vậy, thời
35Hoàng Thế Liên (Chủ biên), tlđd số 22, tr. 334.
hiệu khởi kiện loại việc này được tính đến ngày 9/3/2003. Bắt đầu từ ngày 10/3/2003 đương sự không còn quyền khởi kiện đối với những vụ án thừa kế có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/199036.
Thời hiệu khởi kiện bị “treo” có thể ngắn hoặc dài hơn cả thời hiệu khởi kiện, tùy thuộc vào nguyên nhân làm cho thời hiệu khởi kiện được kéo dài. Nhưng sự kéo dài thời hiệu này thực chất không làm cho thời điểm tính thời hiệu khởi kiện bị dịch chuyển, mốc tính thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện không thay đổi. Còn bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo nghĩa nào đó làm cho thời hiệu khởi kiện được “kéo dài”. Do khoảng thời hiệu đã qua đi không tính vào thời hiệu khởi kiện, khi thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính lại vào ngày tiếp theo diễn ra sự kiện đắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không còn giữ nguyên thời điểm ban đầu như thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Như vậy, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện với hệ quả quyền khởi kiện bắt đầu lại, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết giải quyết tranh chấp không bị ảnh hưởng bởi thời gian qua đi trước đó. Dù thời hiệu khởi kiện được coi như là một sự suy đoán có tính mặc nhiên về ý chí của chủ thể đối với quyền lợi rằng người có quyền lợi đã từ bỏ tố quyền nếu họ không hành động trong thời hạn mà họ đã có thể thực hiện nó, khi không có bất kỳ trở ngại nào cản trở việc thực hiện quyền này37 thì chưa hẳn có thể suy đoán rằng họ đã từ bỏ quyền khởi kiện của mình giải phóng người có nghĩa vụ thoát khỏi gánh nặng về nghĩa vụ dân sự, nếu nghĩa vụ còn tồn tại, chứng minh được và bản thân người có quyền mong muốn giành lại quyền lợi chính đáng thông qua khởi kiện.
1.2.2. Ý nghĩa của bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện - Bảo đảm tính ổn định trật tự chung của xã hội:
Sự thừa nhận thời hiệu là một trong những biện pháp của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu khách quan của pháp luật là bảo đảm trật tự xã hội, công bằng xã hội38.Do đó quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đảm bảo được trật tự công cộng, quyền được an toàn, quyền được ổn định của con người. Mặt khác, ý nghĩa
36Nguyễn Minh Hằng (2009), “Yêu cầu chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện và khi di sản thừa kế có phần đã hết thời hiệu khởi kiện”, Tạp chí Viện kiểm sát, số 15.
37Trần Anh Tuấn (2011), tlđd số 1, tr.1.
38Tham khảo bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Điện trên Báo điện tử Chính phủ ngày 15/01/2015; nguồn http://baodientu.chinhphu.vn/Lay-y-kien-nhan-dan-ve-du-thao-Bo-luat-dan-su-sua-doi/Can-lam-ro-quy-dinh- ve-thoi-hieu/218290.vgp, truy cập ngày 20/5/2015.