Thực tiễn áp dụng căn cứ các bên đã tự hòa giải với nhau

Một phần của tài liệu Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự việt nam (Trang 79 - 90)

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ BẮT ĐẦU LẠI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

2.3. Thực tiễn áp dụng các căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tại Tòa án nhân dân

2.3.3 Thực tiễn áp dụng căn cứ các bên đã tự hòa giải với nhau

Thực tế không hiếm các tranh chấp các bên phải dùng biện pháp tố tụng tại Tòa án, sau khi hòa giải giữa các bên không giải quyết dứt điểm mâu thuẫn. Không hiếm trường hợp các bên đương sự viện dẫn, Tòa án sử dụng căn cứ việc các đương sự đã hòa giải để xác định lại thời hiệu khởi kiện. Trong số đó, không ít bản án, quyết định xác định lại thời hiệu khởi kiện kể từ ngày các bên lập biên bản hòa giải, nhưng không dẫn chiếu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 162 BLDS 2005. Thay vào đó căn cứ thừa nhận nghĩa vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 162 BLDS 2005 được áp dụng, dựa vào nội dung biên bản hòa giải thể hiện bên có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ. Còn căn cứ thực hiện một phần nghĩa vụ ở phạm vi các bản án, quyết định tác giả nghiên cứu không thấy Tòa án đề cập đến, mặc dù trong biên bản hòa giải giữa các bên xác nhận nghĩa vụ đã thực hiện được một phần. Như vậy, có một nghịch lý không nhỏ về áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện giữa các căn cứ, đặc biệt là căn cứ các bên đã tự hòa giải với nhau.

Ví dụ 1: Quyết định số 272/2015/QĐ – PT ngày 04/3/2015 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: “Như vậy, ngày 20/11/2013, Công ty Hoa Hồng nộp đơn khởi kiện lại đối với vụ tranh chấp nêu trên là hết thời hiệu khởi kiện. Công ty Hoa Hồng kháng cáo cho rằng vụ án nêu trên bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện kể từ ngày lập biên bản hòa giải ngày 05/8/2013 giữa Công ty Hoa Hồng và Công ty Đức Phát. Xét thấy, nội dung Biên bản hòa giải ngày 05/8/2013 thể hiện là Công ty Đức Phát không thừa nhận nghĩa vụ của Công ty Đức Phát đối với Công ty Hoa Hồng, ngược lại Công ty Đức Phát cho rằng số tiền Công ty Đức Phát trả cho Công ty Hoa Hồng nhiều hơn số tiền quy định trong hợp đồng. Vì vậy, biên bản ngày 05/8/2013

không thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định tại Điều 162 Bộ luật dân sự như Công ty Hoa Hồng đã trình bày để làm căn cứ kháng cáo. Do đó, hội đồng phiên họp quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Hoa Hồng”.

Nguyên đơn – Công ty Hoa Hồng viện dẫn biên bản hòa giải ngày 05/8/2013, để cho rằng thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại kể từ ngày 05/8/2013. Đối chiếu với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 162 BLDS 2005 ý kiến của nguyên đơn không phải không đính đáng. Vì luật quy định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại khi các bên đã tự hòa giải với nhau. Rõ ràng các bên đã tự hòa giải với nhau có lập biên bản hòa giải, nhưng Tòa án không chấp nhận căn cứ này với lý do biên bản ngày 05/8/2013 không thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định tại Điều 162 BLDS như Công ty Hoa Hồng đã trình bày để làm căn cứ kháng cáo. Vì nội dung Biên bản hòa giải ngày 05/8/2013 thể hiện Công ty Đức Phát không thừa nhận nghĩa vụ của Công ty Đức Phát đối với Công ty Hoa Hồng, ngược lại Công ty Đức Phát cho rằng số tiền Công ty Đức Phát trả cho Công ty Hoa Hồng nhiều hơn số tiền quy định trong hợp đồng. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào nội dung biên bản hòa giải để xác định thời hiệu khởi kiện cho thấy thực tiễn đi xa hơn, cụ thể hơn so với quy định của pháp luật.

Ví dụ 2: Bản án số 25/2012/DSST ngày 07/12/2012 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai100. Tòa án “căn cứ vào biên bản hòa giải và giấy cam kết cùng ngày 05/8/2011, ông Lâm đã thừa nhận toàn bộ số tiền nợ gốc theo yêu cầu của ông Hùng là 50 triệu đồng. Do vậy, theo Điều 162 Bộ luật dân sự có căn cứ để tính lại thời hiệu khởi kiện vụ án được tính lại kể từ ngày tiếp theo ngày ông Lâm nhận nợ. Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn về việc đòi nợ gốc là 50 triệu đồng và yêu cầu tính lãi là có cơ sở xem xét”.

Ví dụ 3: Bản án số 72/2014/DSST ngày 15/10/2014 của Tòa án nhân dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Hội đồng xét xử nhận định: “Đây là vụ kiện tranh chấp đòi lại tài sản giữa chị Lê Thị Diễm Ngân đối với bà Phạm Thị Ren”…Vì theo hồ sơ khởi kiện vào năm 2006 cho đến năm 2008, giữa chị Lê Thị Diễm Ngân và bà Phạm Thị Ren có hợp đồng mua bán thức ăn nuôi tôm với hình thức là chị Ngân cung cấp thức ăn cho bà Ren nuôi tôm từ lúc thả tôm cho đến khi thu hoạch xong bà Ren phải

100Đỗ Văn Đại (2014), tlđd số 4, tr.865.

thanh toán toàn bộ số tiền thức ăn mà bà đã mua. Lúc đầu, bà Ren thực hiện đầy đủ.

Đến năm 2008, chị Ngân giao thức ăn cho bà Ren, sau khi kết toán bà Ren còn nợ chị Ngân số tiền 120.000.000 đồng, dù bà Ren đã thu hoạch tôm xong. Do không thanh toán số tiền nêu trên, nhiều lần chị Ngân đến yêu cầu bà Ren hoàn trả, bà Ren hẹn nhưng không thực hiện…Tại Biên bản hòa giải ngày 14/11/2013 của Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phước bà có nêu, khi chị Ngân đến đòi tiền, bà cứ nghĩ con bà thiếu, bà có hứa với bà Ngân trả từ từ nhưng bà hỏi con bà thì con bà không thiếu, đã trả xong cho chị Ngân rồi nên bà không còn thiếu gì nữa. Phần chị Ngân cũng tại phiên tòa hôm nay có cung cấp cho Hội đồng xét xử lời dịch từ ghi âm của cuộc nói chuyện việc chi Ngân cùng chồng là anh Hiếu đến đòi tiền bà Phạm Thị Ren, sau khi nghe băng ghi âm này, bà Ren thừa nhận đây là tiếng nói của bà. Như vậy, đã khẳng định được số tiền nêu trên bà Ren chưa thanh toán cho chị Ngân mà trong cuộn băng ghi âm giữa hai bên có nêu về số tiền 120.000.000 đồng và bà Ren đã hứa để từ từ trả”.

Vụ án có căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là biên bản hòa giải ngày 14/11/2013 của Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phước, nhưng Tòa án nhân dân huyện Bình Đại không xem xét, nên cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết tranh chấp giữa chị Ngân và bà Ren là tranh chấp đòi lại tài sản chứ không phải là tranh chấp hợp đồng mua bán là không thuyết phục.

Ba bản án phân tích ở trên đều có sự kiện hòa giải giữa các bên, nhưng dường như Tòa án không quan tâm đến sự kiện này mà quan tâm đến nội dung của sự kiện.

Hòa giải giữa các bên phải đi đến kết quả thừa nhận một phần nghĩa vụ hay toàn bộ nghĩa vụ hay thể hiện nghĩa vụ đã được thực hiện một phần thì mới được Tòa án xem xét. Vậy khác nào Tòa án đang quan tâm đến việc có hay không sự thừa nhận nghĩa vụ hay xác nhận phần nghĩa vụ đã thực hiện hơn là việc các bên đã tự hòa giải. Căn cứ hòa giải chỉ là tiền đề, còn căn cứ thừa nhận nghĩa vụ mới là căn cứ chủ đạo.

- Vướng mắc:

Luật chỉ quy định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại khi các bên đã hòa giải với nhau, không cho biết nội hàm sự kiện các bên đã hòa giải với nhau như thế nào.

Dẫn đến sự tùy nghi có thể có trong sử dụng căn cứ này theo chiều hướng có lợi nhất về thời hiệu cho đương sự.Về măt lý thuyết, theo câu chữ chỉ cần các bên đã hòa giải với nhau có biên bản hòa giải, thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại kể từ

thời điểm đó. Trên thực tế, việc các bên có lập biên bản hòa giải chưa đủ điều kiện để thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại, khi nội dung biên bản hòa giải không thể hiện nghĩa vụ còn tồn tại và Tòa án đã phủ nhận sự kiện các bên đã tự hòa giải vì nội dung của nó để xét thời hiệu khởi kiện hết. Nhưng cũng chính điều này tạo nên những quan điểm trái chiều trong việc áp dụng căn cứ và thực tiễn cũng chưa thống nhất. Mặc dù, ở một khía cạnh nhất định, thực tiễn dường như “mềm dẻo” hơn so với quy định của pháp luật chấp nhận căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện xảy ra ngay cả khi Tòa án tiến hành tố tụng.

Thiết nghĩ, nhiều người sẽ cho rằng căn cứ này là chuẩn, không cần phải chỉnh sửa gì hết. Dựa vào tư duy đơn thuần logic hòa giải là sự kiện pháp lý thể hiện rõ nét nhất so với các căn cứ còn lại ở góc độ xác nhận nghĩa vụ đã thực hiện, nghĩa vụ còn lại phải thực hiện và phương thức thực hiện nghĩa vụ đối với bên có nghĩa vụ.

Trong khi bên có quyền thông qua hòa giải một lần nữa tái khẳng định sự tồn tại nghĩa vụ của bên kia, thể hiện ý chí của mình yêu cầu bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ như thế nào. Nhưng cũng chính lý do hết sức thuyết phục đó lại khiến tác giả đắn đo bởi chính những luận giải này. Hòa giải chắc chắn là sự kiện pháp lý mà ở đó cả các bên đều muốn thể hiện ý chí của mình về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Sự thể hiện đó luôn đi kèm xác nhận có hay không nghĩa vụ, nếu có thì phương thức các bên giải quyết nghĩa vụ đó. Có hai trường hợp có thể xảy ra khi các bên hòa giải như sau:

Trường hợp thứ nhất, tại cuộc hòa giải “bên có nghĩa vụ” cho rằng mình không có nghĩa vụ, nghĩa vụ không còn tồn tại, trong khi “bên có quyền” vẫn khẳng định nghĩa vụ chưa được thực hiện xong theo thỏa thuận thì sự kiện hòa giải này không là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Vì sự kiện hòa giải không hàm chứa căn cứ thể hiện sự tồn tại của nghĩa vụ, tức là có hòa giải nhưng kết quả không cho thấy “bên có nghĩa vụ” có nghĩa vụ sẽ không được chấp nhận là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, thực tiễn cũng theo hướng như vậy101;

Trường hợp thứ hai, khi các bên hòa giải bên có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ tồn tại hay thừa nhận đã thực hiện một phần nghĩa vụ với bên có quyền sự kiện hòa giải được sử dụng làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là chính xác, theo như quy định pháp luật. Nhưng việc chấp nhận sự kiện hòa giải không phải bởi bản thân

101Quyết định số 272/2015/QĐ – PT ngày 04/3/2015 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

căn cứ này mà vì nó chứa đựng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khác (thừa nhận nghĩa vụ; thực hiện một phần nghĩa vụ).

Thực tiễn tác giả nghiên cứu, Tòa án dựa vào nội dung biên bản hòa giải giữa các bên thể hiện việc thừa nhận nghĩa vụ, nghĩa vụ đã được thực hiện một phần để xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại và căn cứ áp dụng không phải là căn cứ các bên đã tự hòa giải mà là căn cứ thừa nhận một phần hay toàn bộ nghĩa vụ, căn cứ đã thực hiện một phần nghĩa vụ. Hay nói cách khác chỉ riêng bản thân sự kiện hòa giải không thể làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Hòa giải chỉ là “hình thức”

chứa đựng các căn cứ khác, chính xác hơn là một loại tài liệu chứng cứ chứng minh việc viện dẫn các căn cứ thừa nhận nghĩa vụ, căn cứ thực hiện một phần nghĩa vụ để xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại. Vậy nên quy định căn cứ các bên đã tự hòa giải với nhau là hơi “thừa”. Một căn cứ chồng chéo lên căn cứ khác, không thể hiện được bản chất của căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, không thật sự có giá trị áp dụng nên cần phải điều chỉnh.

Phân tích các bản án, quyết định và những quy định pháp luật có liên quan đến căn cứ các bên đã tự hòa giải mở ra góc nhìn toàn diện hơn về căn cứ vốn dĩ tưởng chừng đơn giản như tên gọi của nó vậy – Hòa giải. Bản thân sự kiện chưa giải quyết được vấn đề mà vấn đề cốt lõi nằm ở nội dung của sự kiện, nhưng nội dung của sự kiện lại bao hàm nội dung của các căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khác như đã trình bày. Tất yếu việc áp dụng sẽ không rõ nét căn cứ nào ra căn cứ nào. Theo tác giả, cách Tòa án đang vận dụng là hợp lý, vì nếu hòa giải mà không có nội dung liên quan đến nghĩa vụ tranh chấp thì hòa giải để làm gì. Hòa giải phải mang đến kết quả, giải pháp đối với thực hiện nghĩa vụ. Nếu không hòa giải sẽ là công cụ phương tiện để đương sự lợi dụng gây bất ổn, xáo trộn trật tự xã hội. Khi bên có nghĩa vụ giả vờ gặp gỡ hòa giải với bên có quyền, nhưng trong biên bản hòa giải bên có nghĩa vụ phủ nhận nghĩa vụ hoặc cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ thì bên có quyền không thể nào dùng sự kiện hòa giải đó để yêu cầu Tòa án tính lại thời hiệu khởi kiện.

- Kiến nghị:

Sự hợp lý của thực tiễn đặt ra câu hỏi không hề nhỏ cho lý luận, cho quy định về căn cứ các bên đã tự hòa giải. Hòa giải chung quy lại cũng là một căn cứ xác nhận nghĩa vụ giữa các bên, thể hiện nghĩa vụ đã thực hiện đến đâu và thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ còn lại. Thế nên căn cứ hòa giải chỉ là “bức bình phong” cho hai

căn cứ còn lại. Vì suy cho cùng hòa giải chỉ là sự kiện mang tính hình thức không ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện, nội dung hòa giải mới là nội dung quyết định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại hay không. Do đó, tác giả đề xuất bỏ “điểm c khoản 1 Điều 157 BLDS 2015” hay nói cách khác là loại trừ căn cứ “Các bên đã tự hòa giải với nhau”.

Kiến nghị này đã từng được đề xuất tại Tờ trình Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) ngày 02/01/2015102, nhưng BLDS 2015 đã bảo lưu quy định tại điểm c hoản 1 Điều 162 BLDS 2005, giữ nguyên không loại bỏ căn cứ. Tác giả tán thành đề xuất này và tiếp tục mạnh dạn bảo lưu quan điểm kiến nghị chấm dứt sự tồn tại của căn cứ các bên đã tự hòa giải với nhau.

Giải pháp này vừa đảm bảo tính chặt chẽ về mặt lập pháp tránh trường hợp căn cứ chồng căn cứ không biết phải áp dụng thế nào. Kiến nghị vừa bảo đảm giá trị của căn cứ được ban hành tránh tình trạng có quy định căn cứ, nhưng căn cứ không bao giờ được áp dụng do lý luận không đủ để khỏa lấp khiếm khuyết của căn cứ làm cho tính thực tiễn ứng dụng không có.

102Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi lấy ý kiến nhân dân kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Kết luận chương 2

Các căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 162 BLDS 2005, Điều 157 BLDS 2015 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017 thoạt nhìn có vẻ rõ ràng, không đánh đố về câu chữ, không mập mờ về cách áp dụng. Nhưng thực tiễn đòi hỏi nhiều hơn thế đã làm bộc lộ những nhược điểm nhất định còn tồn tại của quy định này trong cách hiểu và vận dụng. Đương sự không nắm bắt hoặc nắm bắt chưa kỹ quy định đã đành, cơ quan, người tiền hành tố tụng lắm lúc vẫn “mơ hồ”, xem căn cứ thừa nhận nghĩa vụ, nghĩa vụ thực hiện xong một phần như là cơ sở xem xét về nội dung khởi kiện hơn là hình thức tố tụng (về thời hiệu) nhiều khi đã quên đi phạm vi điều chỉnh đích thực của quy định thì thật khó lý giải. Song song đó, căn cứ thực hiện xong một phần nghĩa vụ không thấy được vận dụng trong trường hợp nghĩa vụ đã thực hiện được một phần, vì lấn cấn xác định thế nào là thực hiện xong một phần nghĩa vụ. Ngoài ra, căn cứ các bên đã tự hòa giải bị biến thể thành căn cứ thừa nhận nghĩa vụ, thực hiện một phần nghĩa vụ đã đặt ra câu hỏi về tính độc lập và giá trị điều chỉnh của căn cứ này. Sự lẫn lộn giữa các căn cứ trong áp dụng chỉ là “một phần nổi của tảng băng trôi”, bởi thời điểm xảy ra căn cứ là mốc quan trọng để tính lại thời hiệu khởi kiện chưa được pháp luật minh thị. Quan điểm về thời điểm diễn ra căn cứ còn nhiều mâu thuẫn đáng lưu ý, cơ quan tiến hành tố tụng lung túng, không nhất quán. BLDS 2015 được thông qua có những điều chỉnh nhất định, nhưng vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Ngay chính sự bổ sung căn cứ cũng không thật sự thuyết phục khi chưa giải quyết dứt điểm những đòi hỏi từ lý luận, thực tiễn.

Xuất phát từ thực tiễn áp dụng quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện còn có những vướng mắc. Về mặt kỹ thuật lập pháp, BLDS 2015 vừa được thông qua với những sửa đổi, bổ sung cũng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn và lý luận. Tác giả bằng quan điểm cá nhân thông qua tham khảo, so sánh giữa pháp luật và thực tiễn, ý kiến chuyên gia và BLDS 2015 cố gắng đưa ra kiến nghị thích hợp nhằm hoàn thiện hơn quy định hiện có, bổ sung một phần lý luận mới, nhận thức mới chuẩn xác hướng đến hạn chế tối thiểu bất cập trong sử dụng quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trên thực tế.

Một phần của tài liệu Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự việt nam (Trang 79 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)