CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ BẮT ĐẦU LẠI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
1.3. Nội dung của căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong Pháp luật dân sự Việt Nam
1.3.1. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khi bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không phải là quy định mới trong Pháp luật Việt Nam khi BLDS năm 1995 đã có quy định này40. Sự kế thừa quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi hiện nguyên vẹn từ BLDS 1995 đến BLDS 2005 phản ánh giá trị điều chỉnh, tính chuẩn mực về mặt pháp quy. Các căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện giữ nguyên không thay đổi qua hai thập kỷ như một minh chứng thuyết phục cho tính “hoàn thiện” của các căn cứ này. Điều đó không có nghĩa là không cần thêm sự điều chỉnh nào khi cả lý luận lẫn thực tiễn đang dần đặt ra yêu cầu cao hơn, phần nào được thể hiện qua sự điều chỉnh trong quy định tại Điều 157 BLDS 2015 vừa được thông qua.
Điểm a khoản 1 Điều 162 BLDS 2005 quy định “bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện” thời hiệu khởi kiện được tính lại. Sự thừa nhận hay không thừa nhận nghĩa vụ về bản chất thể hiện
40Điều 171 Bộ luật Dân sự năm 1995.
sự tồn tại hay không nghĩa vụ phải thực hiện, mang lại quyền được hành động hay không hành động của người có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ hoàn tất nghĩa vụ đó. Song quy định về thời hiệu khởi kiện lại gắn thêm hệ quả về bắt đầu lại thời hiệu cho sự thừa nhận nghĩa vụ tồn tại.
Nghĩa vụ còn, quyền yêu cầu còn là hiển nhiên, nhưng người có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ còn đồng nghĩa thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại là một hệ quả pháp lý đáng lưu ý. Vì trong trường hợp, mặc dù đã hết thời hiệu khởi kiện, nhưng người có nghĩa vụ vẫn thừa nhận nghĩa vụ của mình với người có quyền, và chỉ cần họ thừa nhận một phần nghĩa vụ là đủ để thời hiệu khởi kiện được khôi phục trở lại. Thời điểm khôi phục lại thời hiệu khởi kiện là ngày tiếp theo ngày người có nghĩa vụ thừa nhận nghĩa vụ của mình.
Đối chiếu với quy định bắt đầu thời hiệu khởi kiện, chúng tôi thấy không dễ dàng trong một số trường hợp để xác định thời hiệu bắt đầu hay bắt đầu lại. Vì “thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm; trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này”41.
Sự kiện khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thời hiệu khởi kiện bắt đầu kể từ ngày tiếp theo của ngày chấm dứt sự thỏa thuận là trường hợp có sự phân vân giữa thời hiệu khởi kiện bắt đầu hay bắt đầu lại. Vì khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ mà các bên không thực hiện ngay việc thỏa thuận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ cho đến một khoảng thời gian sau đó mới thực hiện. Nhưng thời hiệu khởi kiện đã bắt đầu tính từ khi hết hạn thực hiện thỏa thuận ban đầu giữa các bên và liên tục cho đến khi các bên có thỏa thuận khác kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ. Trong khi đó, theo quy định về căn cứ bắt đầu thời hiệu khởi kiện trên có thể suy đoán thời gian xảy ra trước đó chưa phát sinh thời hiệu khởi kiện, thời hiệu khởi kiện chưa được tính.
41Điểm c Khoản 5 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
Suy đoán này có vẻ như trùng lặp và mâu thuẫn với căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Bởi khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ và sau một khoảng thời gian các bên mới có trao đổi, xác nhận nghĩa vụ kèm theo thỏa thuận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ có thể xem là trường hợp xuất hiện căn cứ “bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện” nên thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại. Lý giải cho điều này dựa trên sự suy luận logic là không phải lúc nào sự thừa nhận nghĩa vụ đồng nghĩa với bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình, khiến cho thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại mà không phải là bắt đầu như phân tích ở trên.
Bắt đầu hay bắt đầu lại đối với trường hợp đang phân tích không có nhiều ý nghĩa xét về mặt thời hiệu khởi kiện, vì xét trên hệ quả nào đi chăng nữa thì thời hiệu khởi kiện cũng được “bắt đầu”. Tuy nhiên, trên phương diện lý luận, bắt đầu thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện không giống nhau ở một số hệ quả pháp lý. Điều này có ý nghĩa đối với việc giải thích áp dụng căn cứ, tránh gây ra sự nhầm lẫn, không tách bạch được đâu là trường hợp bắt đầu thời hiệu khởi kiện và đâu là trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.
Một khía cạnh không kém quan trong khi nhắc đến căn cứ bắt đầu lại thời hiệu nói chung, trong đó có căn cứ thừa nhận một phần hay toàn bộ nghĩa vụ nói riêng là thời điểm phát sinh căn cứ. Luật chỉ quy định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại khi có các căn cứ sau, nhưng lại không có quy định rõ ràng thời điểm phát sinh căn cứ. Xem xét Điều 162 BLDS 2005, các văn bản hướng dẫn Bộ luật này và các quy định khác có liên quan đến thời hiệu theo quy định hiện tại chưa cho phép khẳng định thời điểm phát sinh căn cứ là phải sau khi hết thời hiệu khởi kiện hay còn trong thời hiệu khởi kiện, trước hay sau khi tiến hành tố tụng. Luật quy định chưa rõ, nhưng nếu có căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện phát sinh khi thời hiệu khởi kiện vẫn còn mà xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại không phải là một lý giải thuyết phục hoàn toàn về thời hiệu, nhưng có thể xem là một lý giải hợp lý theo khuynh hướng gia tăng tối đa có thể quyền khởi kiện trên phương diện thời hiệu cho đương sự.
Sự bỏ ngỏ giới hạn thời điểm diễn ra căn cứ đã tạo nên nhiều chiều hướng lập luận. Có ý kiến cho rằng căn cứ thừa nhận nghĩa vụ chỉ được chấp nhận trước khi Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, như tác giả Hoàng Thế Liên với quan điểm:
“việc bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hay toàn bộ nghĩa vụ sau khi Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự, sẽ không áp dụng Điều 162 BLDS để tính lại thời hiệu khởi
kiện, tuy BLDS 2005 không quy định nhưng trên thực tế thì yêu cầu khởi kiện hợp lệ được Tòa án chấp nhận thụ lý cũng là căn cứ làm gián đoạn thời hiệu. Trong trường hợp đó, thời hiệu khởi kiện không được tính lại từ đầu nếu hoạt động tố tụng bị đình chỉ”42.
Tác giả Nguyễn Thị Bích Ly cũng đồng quan điểm với tác giả Hoàng Thế Liên qua nhận định “khi áp dụng các quy định tại Điều 162 BLDS 2005 cần lưu ý, trường hợp trong khoảng thời gian Tòa án thụ lý vụ án mới xuất hiện các sự kiện bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tại Điều 162 BLDS 2005 thì không áp dụng các quy định đó để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Bởi vì về mặt tố tụng trước khi Tòa án thụ lý vụ án Tòa án phải xem xét thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án không được thụ lý và phải trả lại đơn khởi kiện”43. Tác giả Đỗ Văn Đại có góc nhìn thận trọng hơn về vấn đề này, với ý kiến không khẳng định hay phủ định thời điểm xảy ra sự kiện bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện phải tiến hành trước khi khởi kiện44. Quan điểm cá nhân, tôi không hoàn toàn đồng tình với các chủ kiến trên. Vì Luật đã không hạn định thời điểm phát sinh căn cứ và quy định trong Luật tố tụng dân sự cũng không khước từ quyền khởi kiện của đương sự nếu chưa chứng minh được thời hiệu khởi kiện vẫn còn ở thời điểm nộp đơn kiện và trong khoảng thời gian tố tụng tiếp theo. Do đó, có thể cởi mở phạm vi thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong mọi thời điểm bất kể trong hay ngoài tố tụng, còn hay hết thời hiệu khởi kiện.
Từ các phân tích trên có thể kết luận: Căn cứ bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên quy định căn cứ này tạo nên sự băn khoăn trong nhận định pháp lý về thời hiệu, bên cạnh sự mập mờ về thời điểm phát sinh căn cứ, khi không quy định việc thừa nhận nghĩa vụ phải diễn ra ở thời điểm nào mới được khôi phục lại hoặc không khôi phục lại thời hiệu khởi kiện. Lý luận là thế, nhưng còn phải nghiên cứu thêm thực tiễn áp dụng căn cứ mới đánh giá được khiếm khuyết thực sự bộc lộ hay chưa? Nếu có thì bộc lộ như thế nào? và có cần thiết phải điều chỉnh hay không.