Hình thức căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Một phần của tài liệu Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự việt nam (Trang 62 - 66)

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ BẮT ĐẦU LẠI THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

2.2. Hình thức căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được ghi nhận trong BLDS, nhưng chứng cứ để chứng minh sự tồn tại của căn cứ này lại được ghi nhận trong BLTTDS. Thực tiễn áp dụng hình thức căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khá phức tạp với những hướng giải quyết trái chiều trong việc chấp nhận căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ 1: Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2015/KDTM-ST ngày 10/12/2015 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, Bản án số 04/2016/KDTM-PT ngày 09/3/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên hủy một phần bản án này do thời hiệu khởi kiện đã hết: “Xét tờ Thư xác nhận nợ, vay lập ngày 19/02/2014 do ông Lin Pen Yuan ký xác nhận số nợ mà Công ty Fu-I phải trả cho Công ty Đức Khánh tính đến ngày 31/12/2013 là 3.599.253.378 đồng, Công ty Đức Khánh căn cứ vào Điều 162 BLDS 2005 xác định thời hiệu khởi kiện vụ án này được bắt đầu lại từ ngày 20/02/2014. Tuy nhiên, theo lời trình bày của Công ty Fu-I và các chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa thấy rằng: Trong quá trình thi công các công trình, ông Lin Pen Yuan được Công ty Fu-I thuê trông coi và ký các biên bản nghiệm thu, biên bản bàn giao công trình, nhưng ông Lin Pen Yuan không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty hoặc được người có thẩm quyền của Công ty ủy quyền

đứng ra đại diện Công ty ký hợp đồng hoặc ký các văn bản giao dịch nhân danh chủ thể là Công ty Fu-I, ông Lin Pen Yuan ký xác nhận nợ trong khi chưa được sự thống nhất về các khoản nợ giữa hai công ty và không được sự ủy quyền của người có thẩm quyền trong Công ty Fu-I…Căn cứ vào Điều 145 BLDS 2005 quy định về hậu quả giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện đã có cơ sở kết luận: Văn bản ngày 19/02/2014 không làm phát sinh nghĩa vụ đối với Công ty Fu-I và không là căn cứ để xác định Công ty Fu-I thừa nhận nghĩa vụ trả nợ cho nên bản án sơ thẩm áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 162 BLDS 2005 bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Đức Khánh tranh chấp với Công ty Fu-I về hợp đồng số 03-01 ngày 01/3/2009 và hợp đồng nạo vét lòng sông ngày 27/3/2012 là không có cơ sở. Cần tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Đức Khánh về việc tranh chấp hợp đồng số 03-01 ngày 01/3/2009 và hợp đồng nạo vét lòng sông ngày 27/3/2012 với Công ty Fu-I”.

Căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đã phát sinh, nhưng cách vận dụng của Tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm khác nhau. Tòa án sơ thẩm nhận định sự thừa nhận từ người của pháp nhân về nghĩa vụ chưa thực hiện của pháp nhân là đủ cơ sở để xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại, không cần quan tâm tính pháp lý về điều kiện hình thức của căn cứ thừa nhận có bắt buộc phải do người có thẩm quyền của pháp nhân thực hiện hay không. Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện chỉ được đặt ra khi thừa nhận nghĩa vụ đó phải được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được ủy quyền hợp pháp mới có giá trị. Tòa án cấp phúc thẩm không chỉ dựa vào việc căn cứ phát sinh để nhận định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại mà kèm theo điều kiện hình thức của căn cứ. Hướng giải quyết của Tòa cấp phúc thẩm có vẻ đi xa hơn so với luật định, khi xác định đối với pháp nhân việc thừa nhận nghĩa vụ đơn thuần vẫn là chưa đủ để thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại mà phải thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân, trong khi luật không quy định về hình thức của căn cứ. Thiết nghĩ Tòa án chỉ dựa vào việc người không có thẩm quyền của pháp nhân xác nhận nghĩa vụ của pháp nhân để phủ nhận ngay quyền yêu cầu của nguyên đơn bằng việc không chấp nhận căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện mà không xem xét, đối chiếu, thẩm tra nội dung thừa nhận nghĩa vụ là chưa thật sự thuyết phục.

Tác giả không đồng tình với nhận định trên của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, vì nếu qua quá trình giải quyết vụ án xác định được việc Công ty Fu-I còn nợ Công ty Đức Khánh là 3.599.253.378 đồng thì việc ai là người thừa nhận, ông Lin Pen Yuan - người làm công hay là người đại diện hợp pháp của Công ty Fu-I không quan trọng. Tương tự như trường hợp khi đương sự nộp đơn kiện thì tài liệu, chứng cứ ban đầu cho thấy thời hiệu khởi kiện hết, Tòa án cũng không được từ chối thụ lý.

Cho nên chỉ vì hình thức căn cứ bắt đầu lại thời hiệu chưa xác định trong luật mà Tòa án đã quá cẩn trọng về thủ tục tố tụng, không xem xét về thời hiệu, bỏ qua luôn nội dung của căn cứ là chưa thật sự chuẩn xác.

Ví dụ 2: Bản án số 72/2014/DSST ngày 15/10/2014 của Tòa án nhân dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tòa án nhân dân huyện Bình Đại nhận định giữa bà Ngân và bà Ren có xác lập hợp đồng mua bán thức ăn, việc bà Ren không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán là vi phạm hợp đồng giữa các bên, bà Ngân có quyền khởi kiện thời hạn 2 năm kể từ khi có hành vi vi phạm xảy ra (suy đoán 02 năm bắt đầu từ năm 2009). Đến tháng 11/2013 bà Ren mới khởi kiện đã quá thời gian 2 năm này, bà không còn quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự nữa, mà chuyển sang tranh chấp đòi lại tài sản như Hội đồng xét xử nhận định. Tất nhiên, điều đó đúng nếu không có tình tiết khác thay đổi thời hiệu khởi kiện. Trong vụ việc này Tòa án, tuy có xem xét đến tình tiết bà Ren thừa nhận nợ bà Ngân tại Biên bản hòa giải ngày 14/11/2013 tại Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phước và cuộn băng ghi âm giữa hai bên có nêu về số tiền 120.000.000 đồng bà Ren chưa thanh toán cho chị Ngân mà trong nội dung băng ghi âm bà Ren đã hứa để từ từ trả. Nhưng Hội đồng xét xử không đánh giá ý nghĩa của chứng cứ này với thời hiệu khởi kiện trong vụ án. Nội dung biên bản hòa giải ngày 14/11/2013 đã bị bà Ren phủ nhận nên khó có thể lấy làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, tại phiên tòa bà Ren đã thừa nhận nội dung trong cuộn băng ghi âm giữa hai bên có nêu về số tiền 120.000.000 đồng bà Ren chưa thanh toán cho chị Ngân mà trong và bà Ren đã hứa để từ từ trả. Căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện đã rõ, nhưng có thể vì nội dung căn cứ được chứa đựng trong cuộn băng ghi âm không có hình thức chính thống như văn bản, hay giấy thừa nhận, biên bản hòa giải… Vì vậy, Tòa án không chấp nhận áp dụng điểm a khoản 1 Điều 162 BLDS 2005 để xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại, bà Ngân khởi kiện trong thời hạn luật định. Đồng thời xác định quan hệ tranh chấp giữa bà Ngân và bà Ren là

tranh chấp “Hợp đồng mua bán” và xem xét thêm phần lãi suất do bà Ren vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng83.

Ví dụ 3: Bản án số 15/2015/KDTM-ST ngày 15/4/2015 của Tòa án nhân dân Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. “Về yêu cầu tính lãi: Phía bị đơn không đồng ý thanh toán khoản tiền lãi; Bị đơn cho rằng tính đến ngày Công ty Miền Nam khởi kiện thì vụ án đã hết thời hiệu. Về yêu cầu này của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận định: Thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLTTDS là 02 năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, căn cứ những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện cho đến năm 2013 thì bị đơn vẫn xác nhận bằng văn bản với công văn yêu cầu hoàn trả số tiền đầu tư ban đầu của nguyên đơn. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 162 BLDS 2005 quy định: Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khi bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Do đó, bị đơn cho rằng không đồng ý trả lãi do đã hết thời hiệu khởi kiện là không phù hợp quy định pháp luật”.

Trong vụ án, Tòa án đã áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện thông qua xác nhận bằng văn bản. Không giống như hai bản án đã phân tích trước, hình thức căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong vụ án này cụ thể hơn nên việc Tòa án chấp nhận ngay căn cứ để lại thời hiệu khởi kiện là hoàn toàn dễ hiểu.

- Vướng mắc:

Hình thức căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tưởng chừng như không quan trọng, không ảnh hưởng đến việc áp dụng căn cứ, vì luật quy định khi có căn cứ sau… thì thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại. Còn căn cứ từ đâu mà có? nếu có thì ở dạng thức nào? luật không đề cập, không bắt buộc. Thực tiễn phong phú bởi căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện xuất hiện không chỉ trong những hình thức cố định, dễ nhận biết, dễ xét đoán qua nhiều hình thức, dạng thể đã khiến việc vận dụng căn cứ không giống nhau. Sự bỏ ngỏ về hình thức của quy định pháp luật không hẳn là một khiếm khuyết, bởi theo tác giả sự bỏ ngỏ này nhằm tạo thêm cơ hội và điều kiện thực hiện quyền chứng minh cho đương sự không bó buộc hình thức của căn cứ phải bằng văn bản. Nhưng thực tiễn không phải lúc nào cũng lấy tinh thần của luật làm kim chỉ nam đã làm cho quyền khởi kiện của đương sự có phần bị hạn chế.

83Khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

- Kiến nghị:

Nghiên cứu về quy định bắt đầu lại thời hiệu cho thấy kỹ thuật lập pháp về chứng cứ chứng minh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện lẫn hiệu quả vận dụng của quy định chưa cao như mong đợi. Do đó, tìm kiếm giải pháp thích hợp hoàn thiện về mặt pháp quy, hạn chế vướng mắc trong thực tiễn áp dụng là yêu cầu, thách thức không nhỏ. Từ lý luận đến việc nghiên cứu thực tiễn, tác giả đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định về chứng cứ chứng minh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện bằng hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:

“Đương sự khi viện dẫn căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định của Pháp luật dân sự được chứng minh bằng nhiều nguồn chứng cứ khác nhau được ghi nhận trong Pháp luật TTDS”.

Việc hướng dẫn thống nhất về hình thức của căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là điều kiện để xem xét áp dụng căn cứ là sự bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh và đảm bảo cho Tòa án có căn cứ pháp luật vững chắc khi áp dụng quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

Một phần của tài liệu Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự việt nam (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)