CHƯƠNG 2. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG BIỂN BÁO GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ
2.3. Đánh giá về hệ thống quản lý
2.3.1. Hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu của biển báo giao thông:
Hiện nay, kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ cho thành phố Quảng Ngãi nói chung và hệ thống biển báo an toàn giao thông nói riêng còn hạn chế, không ổn định, cụ thể:
Bảng 2.4 Thống kê nguồn kinh phí quản lý, bảo trì 04 năm từ 2013 đến 2016 ĐVT: Tỷ đồng Hạng mục quản lý, bảo trì
Năm
2013 2014 2015 2016
Hệ thống đường bộ thành
phố Quảng Ngãi 3,21 3,46 3,96 4,80
Hệ thống biển báo thành
phố Quảng Ngãi 1,27 1,08 1,44 1,02
(Nguồn theo Báo cáo kinh phí Ban Quản lý công trình công cộng)
Trên cơ sở bảng thống kê kinh phí quản lý, bảo trì thường xuyên thành phố Quảng Ngãi, chúng ta có thể nhận thấy nguồn kinh phí được cấp hàng năm còn hạn hẹp. Mặc dù, kinh phí dành cho hệ thống đường bộ trong thành phố có tăng, tuy nhiên không đáng kể, riêng kinh phí dành cho hệ thống biển báo là không ổn định; đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khắc phục sửa chữa biển báo bị hư hỏng, không đúng quy cách, điều chỉnh theo các tiêu chuẩn quốc gia mới còn hạn chế, thiếu sót.
2.3.2. Sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý chức năng.
Quan hệ dọc trong quản lý chuyên ngành: Từ Bộ giao thông vận tải đến Sở giao thông vận tải Quảng Ngãi.
Quan hệ dọc quản lý theo lãnh thổ: Từ Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đến Sở giao thông vận tải và UBND thành phố, các huyện.
Quan hệ ngang trong quản lý giao thông và vận tải đô thị: Cấp Bộ có Bộ giao thông vận tải; Bộ xây dựng, bên cạnh việc quản lý giao thông vận tải còn có Bộ Công an.
Hình 2.13. Sơ đồ hệ thống nhà nước về giao thông vận tải đô thị
Hiện nay, tâm lý của một số người dân cho rằng những biển báo bất hợp lý do cảnh sát giao thông bố trí, cố tình gây khó cho người dân. Thực chất, việc bố trí biển báo là nhiệm vụ của ngành giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ là người thực thi nhiệm vụ, xử phạt vi phạm người tham gia giao thông trên cơ sở căn cứ vào biển báo ở các tuyến đường. Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu trên các tuyến quốc lộ do Sở GTVT các địa phương quản lý, trong khi điều tiết hoạt động giao thông lại do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện, dẫn đến sự không thống nhất trong việc điều hành giao thông. Điều này cho thấy được sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn chưa chặt chẽ, việc tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để người dân được biết và nâng cao ý thức còn hạn chế. Trong các năm gần đây, một số dự án thiết kế hệ thống an toàn giao thông cho các tuyến đường, có sự tham gia góp ý kiến của các địa phương xã, phường; để dễ quản lý và giảm các chỉ tiêu số vụ tai nạn giao thông, các địa phương thường đề nghị cắm biển hạn chế tốc độ, đi chậm... tuy nhiên người tham gia giao thông thấy ức chế với tốc độ thấp, không thực hiện, dẫn tới vi phạm và bị xử phạt.
Ở các tuyến đường mới xây dựng, biển báo được cắm căn cứ đề nghị của người thiết kế, song trong giai đoạn thi công, một số đơn vị thi công cũng cắm biển để phục vụ thi công, cơ quan quản lý đường bộ chỉ tiếp nhận để quản lý, khi phát hiện bất cập mới điều chỉnh lại. Do đó, cần có một cơ quan tư vấn chuyên nghiệp vào thẩm định an toàn ở tất cả các bước của dự án, từ thiết kế kỹ thuật đến khai thác. Khi đó, tư vấn sẽ chỉ ra bất hợp lý có nguy cơ gây mất ATGT trên tuyến để điều chỉnh cho phù hợp.
Ðể sửa đổi những bất cập hiện nay, các chuyên gia ngành giao thông cho rằng, cần làm biển báo lớn hơn và để trên cao ngang đường cho lái xe dễ dàng quan sát từ xa.
Ðồng thời, ngành giao thông cần nghiên cứu, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả của hệ thống biển báo giao thông hiện nay, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế và nhu cầu của người dân. Các biển báo cũng cần theo các quy định quốc tế, tránh việc đánh đố hay "bẫy" người đi đường.
2.4. Kết luận về hệ thống biển báo giao thông đường bộ ở Việt Nam và thành phố Quảng Ngãi.
Có thể nói, sức ép giao thông hiện nay ở Việt Nam nói chung và thành phố Quảng Ngãi nói riêng ngày càng lớn, khi mà nền kinh tế ngày càng phát triển, lưu lượng các phương tiện đổ dồn về trung tâm thành phố đang có xu hướng gia tăng mạnh nhiều năm qua. Việc cắm biển báo, chỉ dẫn giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông và tránh việc người dân vi phạm luật giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi việc bố trí biển báo giao thông còn tồn tại nhiều bất cập và chưa khoa học. Biển báo cắm lộn xộn, bị chống lấn lên nhau, bị che khuất còn rất phổ biển, hệ thống biển báo còn chưa cập nhật theo tiêu chuẩn mới của quốc gia, một số biển báo được lắp đặt chưa đúng quy cách cũng như vị
trí dẫn đến báo thông tin sai lệch cho người điều khiển giao thông, gây mất an toàn giao thông, khiến người tham gia giao thông rất lúng túng và dễ vi phạm luật giao thông.
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, cần phải đưa ra các giải pháp sớm khắc phục tình trạng biển báo giao thông "ma trận" trong đô thị, phát huy hết chức năng của biển báo giao thông đường bộ và hiệu quả khai thác tuyến đường.