3.2. Các giải pháp áp dụng tại đô thị Quảng Ngãi
3.2.3. Giải pháp quản lý khai thác
3.2.3.1. Tăng cường công tác tuyên truyền:
a/ Giáo dục và tuyên truyền:
Nguyên nhân của vấn nạn TNGT vẫn là ý thức tham gia thông của người dân và của lái xe còn ở mức độ hạn chế, việc cập nhật hiệu lực các biển báo giao thông còn thưa thớt, không thường xuyên, trong khi dòng xe lưu thông trên các tất cả các tuyến đường bộ vẫn là dòng hỗn hợp với muôn vàn tiềm ẩn gây TNGT. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa
bàn Tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT.
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phải luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và tổ chức các hoạt động tham gia đảm bảo TTATGT, cấp phát tài liệu, tổ chức các cụm panô tuyên truyền, tổ chức đội hình thanh niên tuyên truyền về ATGT, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”
Báo Quảng Ngãi, các tờ báo chuyên tin tức về giao thông cần phải tăng số lượng chuyên trang, chuyên mục về trật tự ATGT và nếp sống văn hóa - văn minh đô thị đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, với nội dung: Cần làm cho người dân thấy trách nhiệm và ý thức của bản thân về bảo vệ tính mạng của chính mình, của người khác khi tham gia giao thông; nêu gương người tốt, việc tốt; tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm TTATGT và văn minh đô thị; mở diễn đàn vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông khi tham gia giao thông.
Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi cần phải tăng gấp đôi thời lượng phát sóng các chuyên mục ATGT; bổ sung phần tin về TNGT xảy ra hàng ngày trên địa bàn Tỉnh với thời lượng từ 03 đến 05 phút sau các bản tin thời sự, tin tức. Hàng ngày, điểm qua tình hình TNGT trong ngày hôm trước như số vụ, số người bị chết, số người bị thương và một số hình ảnh của các vụ TNGT nghiêm trọng. Thời gian phát chuyên mục ATGT chọn vào các giờ có đông người xem.. Về thông tin TNGT hàng ngày, do Công an TP và Công an các phường, xã có trách nhiệm cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo, đài để kịp biên tập, ghi hình nhằm kịp thời thông tin phát sóng. Thường xuyên cập nhật thông tin biển báo đường bộ kịp thời để phổ biển cho nhân dân được biết và nắm rõ.
Sở Tư pháp: Chỉ đạo Thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, phối hợp với Ban ATGT Tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh xây dựng các chương trình phổ biến pháp luật, kịp thời cập nhật các thông tin biển báo hiệu đường bộ mới nhất để nhân dân được biết và nắm rõ, nghiên cứu đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, vận động về bảo đảm TTATGT tại những khu vực công cộng đông người trên địa bàn Tỉnh bằng nhiều hình thức sinh động với chủ đề chính là vận động mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT.
Sở Giáo dục và đào tạo: Tổ chức giáo dục an toàn giao thông trong trường học, các địa điểm cộng đồng, tổ chức chiếu phim phóng sự về đề tài an toàn giao thông đường bộ để phổ biến rộng rãi và phát triển văn hóa giao thông. Xây dựng các panô tại cổng trường, để nhắc nhở học sinh và phụ huynh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông.
Thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị mình. Trong công tác kiểm điểm, đánh giá tình hình công tác định kỳ hàng tháng, hàng quý của các cơ quan, đơn vị phải đánh giá kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật giao thông đường bộ; đưa tiêu chí thực hiện Văn hóa giao thông vào nội dung thi đua ở cơ quan, đơn vị. Người lao động bị xử lý do vi phạm pháp luật giao thông quá hai lần trong năm sẽ không được xét khen thưởng hoặc xét tặng các danh hiệu thi đua trong năm vi phạm.
UBND, Ban ATGT thành phố, các huyện: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ cho nhân dân ở địa bàn dân cư (thực hiện đến tận khu dân cư, tổ dân phố, thôn). Trong công tác kiểm điểm, đánh giá tình hình của địa phương phải đánh giá kết quả của công tác tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ; đưa tiêu chí về đảm bảo TTATGT và thực hiện Văn hóa giao thông vào nội dung thi đua địa phương.
b/ Cưỡng chế về hình phạt:
Tăng cường xây dựng kế hoạch cưỡng chế, việc lập kế hoạch cũng như xác định các phương pháp và nội dung của kế hoạch cưỡng chế cần phải được xác định trên cơ sở phân tích tình hình tai nạn một cách khoa học, xác định chính xác lỗi do người lái hay không? Ngoài ra, khi xây dựng các kế hoạch cần xác định các mục tiêu rõ ràng, tổ chức thực hiện khoa học và cần xem xét yếu tố người dân ủng hộ rộng rãi cũng như thứ tự ưu tiên của các hoạt động cưỡng chế.
Tăng cường các hoạt động cưỡng chế giao thông hiệu quả, được người dân ủng hộ rộng rãi và được tổ chức tốt với các mục tiêu rõ ràng, trong đó nhấn mạnh đến sự ủng hộ của người dân. Đây cũng là một yếu tố quan trọng vì nếu không được sự ủng hộ của người dân, kết quả của công tác cưỡng chế sẽ không được như mong muốn.
Áp dụng các phương pháp và hình thức cưỡng chế mới, hiện đại có ứng dụng công nghệ như sử dụng camera, súng bắn tốc độ... Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu về vi phạm giao thông có tích hợp với hệ thống đăng ký và đăng kiểm phương tiện.
Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và cân tải trọng các phương tiện vận tải hạng hóa, xử phạt nặng các xe vượt quá tải trọng, chạy vượt quá tốc độ cho phép và tài xế sử dụng bia rượu, chất kich thích trong quá trình lái xe.
3.2.3.2. Đổi mới hệ thống quản lý:
a/ Tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng:
- Tăng cường công tác tuần tra, rà soát hệ thống an toàn giao thông nói chung và hệ thống biển báo hiệu đường bộ nói riêng, kịp thời điều chỉnh, cập nhật hệ thống biển báo phù hợp với quy định hiện hành.
- Công tác quản lý hạ tầng cần bổ sung quản lý hệ thống hạ tầng giao thông bằng hệ thống GPS và công tác tổ chức thanh lý vật tư thu hồi từ công tác duy tu sửa
chữa hệ thống hạ tầng.
b/ Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong phát triển GTVT:
- Xây dựng hệ thống dữ liệu cơ sở hạ tầng tập trung: Xây dựng Hệ thống thông tin địa lý về giao thông (Geographic Information System - gọi tắt là GIS) kết hợp hoàn thiện hệ thống dữ liệu cơ sở hạ tầng để góp phần nâng cao năng lực trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị,
- Triển khai áp dụng các quy trình quy phạm trong xây dựng, quản lý bảo trì công trình giao thông, khuyến khích áp dụng công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, xây dựng các trung tâm kiểm định, quản lý chất lượng xây lắp công trình. Cụ thể là:
+ Những tuyến đường được nâng cấp, xây dựng mới phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định mới được ban hành.
+ Tích cực và mạnh dạn áp dụng các công nghệ khoa học tiên tiến trong công tác quy hoạch hệ thống biển báo trong thành phố, ứng dụng các công nghệ mà những thành phố lớn trong cả nước đã sử dụng đạt hiệu quả tốt.
c/ Chính sách phát triển vận tải:
Quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển giao thông cần phải xác định là của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Do đó, Ủy ban Nhân dân các cấp bằng mọi cách, mọi hình thức phải phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ Quốc và các đoàn thể tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân để người dân biết và trực tiếp tham gia góp ý kiến, bàn bạc, đề xuất, kiến nghị, thực hiện tốt phương châm:“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tăng cường, phát huy vai trò của các cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng các dịch vụ giao thông, vận tải. Tăng cường tuyên truyền để khách hàng ý thức quyền lợi của mình và liên hệ, hợp tác với các cơ quan, hiệp hội chức năng khi nhận thấy bị xâm phạm quyền lợi khách hàng.
Chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng:
- Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị đầu tư vào hoạt động vận tải hành khách công cộng (về đầu tư cơ sở hạ tầng, về đầu tư phương tiện cũng như các ưu đãi về thuế, lệ phí,…)
- Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng (cải tiến dịch vụ, cải thiện môi trường khai thác, quản lý giao thông, cải thiện an toàn giao thông,…)
Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic để điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải.