Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số
1.4.1. Quan điểm của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác ĐTBD CBCC nói chung và CBCC người DTTS nói riêng, nhằm đảm bảo có một đội ngũ CBCC kế tiếp nhau, vững vàng về chính trị, tư tưởng, đủ đức, đủ tài để đảm trách có hiệu quả các công việc của Đảng, Nhà nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh
khẳng định: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ” [37, tr.5887], Người đã từng nhắc nhở: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số…; phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên, cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương tiến bộ, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay…” [37, tr.269].
Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ người DTTS. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên, đầu tư phát triển nguồn nhân lực DTTS.
Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đưa ra Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCC các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ [4].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá IX (Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 12/3/2003 về Công tác dân tộc) nêu rõ: “...thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số....” [9, tr.77).
Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ X, ra Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/02/2009 về tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, đã khẳng định: “Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về
Chiến lược cán bộ thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ nước ta có bước trưởng thành và tiến bộ về mọi mặt, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” [7].
Trong văn kiện Đại hội X, Đảng ta đã khẳng định trong thời gian vừa, công tác cán bộ có một số đổi mới về nội dung và cách làm “triển khai tương đối đồng bộ các khâu công tác cán bộ; đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Công tác luân chuyển và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý bước đầu có chuyển biến tiến bộ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và khắc phục một bước tình trạng hẩng hụt về cán bộ” [23, tr.26]. Văn kiện cũng nêu rõ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cán bộ và những quan điểm chỉ đạo xây dựng đội ngũ CBCC trong thời kỳ mới. Đảng đã đề ra các yêu cầu, nội dung cụ thể cần phải đổi mới trong công tác ĐTBD cán bộ: “Có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài; thay thế những người kém năng lực và kém phẩm chất, có khuyết điểm nghiêm trọng. Khắc phục những biểu hiện cá nhân, cục bộ, không có công tâm, nể nang, tùy tiện trong công tác cán bộ. Cụ thể và thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu của tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ” [23, tr.136-137].
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) xác định:
“Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã xác định: “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân
lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc.” [24, tr.119-120].
Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Công tác dân tộc trong tình hình mới tiếp tục khẳng định: “Chú trọng, phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số” và “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giữ vững và phát huy thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng cử tuyển, chế độ dự bị đại học, đào tạo nghề cho đối tượng người dân tộc thiểu số.
Có chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; có cơ chế chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. [6].
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhấn mạnh: “Cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số”.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đảm bảo tỉ lệ cán
bộ dân tộc thiểu số trong cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có cơ chế để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu. Quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số;
hỗ trợ nâng cao năng lực để tham gia vị trí quản lý lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị”. Bên cạnh đó, Kết luận số 65-KL/TW, cũng đã xác định một số yêu cầu, trong đó có nội dung: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số” [6].
Có thể thấy rằng, trải qua các giai đoạn cách mạng, những chủ trương của Đảng được đưa ra khi nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ CBCC người DTTS trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Đảng đã rất chú trọng đến công tác ĐTBD CBCC người DTTS thông qua các chủ trương lớn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả ĐTBD, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC nói chung và CBCC là người DTTS nói riêng, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.