Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị

Một phần của tài liệu Pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh quảng trị (Trang 55 - 60)

Chương 2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ

2.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị

2.1.2. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị

2.1.2.1. Về số lượng

Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, tính đến tháng 30/6/2019, số lượng CBCC nói chung trong toàn tỉnh là 4.327 người; CBCC người DTTS là

484 người, chiếm 11,2% CBCC trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Hướng Hóa, Ðakrông, Vĩnh Linh và Gio Linh. Trong đó:

- CBCC cấp tỉnh nói chung trong toàn tỉnh là 881 người; CBCC người DTTS cấp tỉnh là 03 người, chiếm tỷ lệ 0,3% so với tổng số CBCC cấp tỉnh trong toàn tỉnh.

- CBCC nói chung cấp huyện trong toàn tỉnh là 759 người; CBCC người DTTS cấp huyện là 19 người, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số CBCC cấp huyện trong toàn tỉnh.

- CBCC nói chung cấp xã trong toàn tỉnh là 2.687 người; CBCC người DTTS cấp xã là 462 người, chiếm tỷ lệ 17,2% so với tổng số CBCC cấp xã trong toàn tỉnh.

Từ số lượng CBCC người DTTS nói trên cho thấy: Số lượng CBCC người DTTS ít hơn nhiều so với số lượng người dân tộc Kinh; CBCC người DTTS chủ yếu là ở cấp xã, CBCC người DTTS ở cấp tỉnh và cấp huyện rất ít.

Nguồn: Thống kê số lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, tính đến tháng 30/6/2019.

2.1.2.2. Về cơ cấu

Cơ cấu CBCC người DTTS được thể hiện thông qua các mặt: Giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc, ngạch công chức.

- Về giới tính

Số lượng CBCC người DTTS là nam có 311 người, chiếm tỷ lệ 64,3% so với tổng số CBCC người DTTS trong toàn tỉnh; CBCC người DTTS là nữ có 173 người, chiếm tỷ lệ 35,7% so với tổng số CBCC người DTTS trong toàn tỉnh.

Về giới tính đã có sự chênh lệch khá lớn giữa tỷ lệ CBCC người DTTS giữa nam và nữ, trong đó: Số CBCC người DTTS là nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ (64,3% và 35,7%), điều này thể hiện rõ đặc trưng của người DTTS. Tỉnh Quảng Trị đang cố gắng nâng cao tỷ lệ CBCC người DTTS là nữ, điều này sẽ góp phần làm tốt công tác bình đẳng giới, sự tương trợ giữa các thành viên trong tổ chức.

- Về độ tuổi

+ Dưới 30 tuổi: 103 người, chiếm tỷ lệ 21,3% so với tổng số CBCC người DTTS trong toàn tỉnh.

+ Từ 31 đến 45 tuổi: 282 người, chiếm tỷ lệ 58,3% so với tổng số CBCC người DTTS trong toàn tỉnh.

+ Từ 46 đến 60 tuổi: 99 người, chiếm tỷ lệ 20,5% so với tổng số CBCC người DTTS trong toàn tỉnh.

Qua số liệu về cơ cấu độ tuổi cho thấy số lượng CBCC người DTTS tỉnh Quảng Trị từ 31 tuổi đến 45 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (58,3%). Sau đó là số lượng CBCC người DTTS dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ 21,3%, CBCC người DTTS từ 46 tuổi đến 60 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất (220,5%). Điều này thể hiện những chính sách thu hút con em người DTTS sau khi ra trường về công tác tại địa phương đã mang lại hiệu quả đáng kể. Với tỷ lệ CBCC trẻ chiếm tỷ lệ cao sẽ tạo ra được sự năng động, linh hoạt và sáng tạo trong công việc, với sức trẻ của mình họ sẽ thể hiện được sự nhiệt huyết trong nghề nghiệp. Tính ham học hỏi, khả năng thích ứng nhanh và sự sáng tạo trong công việc là đặc điểm nổi bật nhất mà đội ngũ CBCC trẻ mang lại cho tổ chức. Số lượng CBCC trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ thấp điều đó tạo nên tính ổn định trong cơ cấu của bộ máy tổ chức.

- Về thành phần dân tộc

CBCC người dân tộc Vân Kiều là 325 người, chiếm tỷ lệ 67,1%; CBCC là người dân tộc Pa Kô là 159 người, chiếm tỷ lệ 32,9%.

Tỉnh Quảng Trị có 03 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng chung sống (gồm dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô), trong đó DTTS là dân tộc Vân Kiều và Pa Cô, chiếm 12,5% dân số của tỉnh. Qua số liệu thành phần dân tộc cho thấy CBCC người dân tộc Vân Kiều chiếm tỷ lệ nhiều hơn (67,1%) so với CBCC người dân tộc Pa Cô (chỉ có 32,9%).

- Về ngạch công chức

Ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương 07 người, chiếm tỷ lệ 1,4%;

ngạch chuyên viên hoặc tương đương 119 người, chiếm tỷ lệ 24,6%; ngạch cán sự, nhân viên hoặc tương đương 358 người, chiếm tỷ lệ 74%.

Từ số liệu cơ cấu ngạch công chức cho thấy: Cơ cấu ngạch công chức của CBCC người DTTS có tới 74% CBCC hiện đang ở ngạch cán sự, nhân viên hoặc tương đương. Chỉ có 26% CBCC ở ngạch chuyên viên và chuyên viên chính. Điều này cho thấy trình độ CBCC người DTTS phần lớn chưa đáp ứng được về tiêu chuẩn và chất lượng thực thi công vụ.

Nguồn: Thống kê số lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, tính đến tháng 30/6/2019.

2.1.2.3. Về chất lượng

Chất lượng đội ngũ CBCC người DTTS được thể hiện thông qua các tiêu chí sau: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị; trình độ quản lý nhà nước; trình độ tin học.

- Trình độ chuyên môn

Thạc sĩ 03 người, chiếm tỷ lệ 0,6%; đại học 165 người, chiếm tỷ lệ 34,1%; cao đẳng 14 người, chiếm tỷ lệ 2,9%; trung cấp 217 người, chiếm tỷ lệ 44,8%; sơ cấp 85 người, chiếm tỷ lệ 17,6%.

Qua số liệu về trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC người DTTS, có thể nhận thấy rằng trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC người DTTS ở tỉnh Quảng Trị còn thấp, CBCC có trình độ thạc sĩ, đại học và cao đẳng chỉ chiếm 37,6%, có tới 62,4% CBCC có trình độ từ trung cấp trở xuống. Đây là một hạn chế rất lớn của đội ngũ CBCC người DTTS ở tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực trong việc thu hút người có trình độ cao về cơ sở công tác, đồng thời đẩy mạnh việc ĐTBD đối với CBCC người DTTS. Tuy nhiên, CBCC có trình độ trung cấp và sơ cấp có tỷ lệ khá cao, số lượng này chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã có tỷ lệ người DTTS cao. Do đó trong thời gian tới, việc ĐTBD CBCC người DTTS cần tiếp tục được quan tâm, thực hiện.

- Trình độ lý luận chính trị:

Cao cấp 32 người, chiếm tỷ lệ 6,6%; trung cấp 355 người, chiếm tỷ lệ 73,3%; sơ cấp 95 người, chiếm tỷ lệ 19,6%; chưa qua bồi dưỡng 02 người, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Trình độ lý luận chính trị là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với đội ngũ CBCC nói chung và đội ngũ CBCC người DTTS nói riêng. Trình độ lý luận chính trị sẽ giúp CBCC người DTTS có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện nhiệm vụ đúng theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, có nhận thức chính trị đúng đắn thì CBCC người DTTS mới hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Thực tế tại tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua tỉnh đã ưu tiên, cử đi bồi dưỡng lý luận chính trị cho nhiều CBCC người DTTS. Tuy nhiên, số lượng CBCC người DTTS hiện nay có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo lý luận chính trị vẫn còn nhiều, chiếm tỷ lệ 20%. Do đó, với định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC người DTTS đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại, có đầy đủ năng lực, phẩm chất, chính trị thì đòi hỏi phải nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ CBCC người DTTS.

- Trình độ quản lý nhà nước:

Đã qua bồi dưỡng 380 người, chiếm tỷ lệ 78%; chưa qua bồi dưỡng 104 người, chiếm tỷ lệ 21,5%.

Như vậy, tỷ lệ CBCC người DTTS chưa qua bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước vẫn còn nhiều, chiếm 21,5%. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc chất lượng thực thi nhiệm vụ của CBCC người DTTS.

- Trình độ tin học:

Đã qua bồi dưỡng 395 người, chiếm tỷ lệ 81,6%; chưa qua bồi dưỡng 89 người, chiếm tỷ lệ 18,4%.

Từ số liệu trên cho thấy, tỷ lệ CBCC người DTTS được bồi dưỡng về tin học chiếm tỷ lệ khá cao 81,6%; tỷ lệ CBCC người DTTS chưa qua bồi dưỡng

về tin học chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, vấn đề CBCC người DTTS đã được bồi dưỡng cấp chứng chỉ về tin học và thực tế CBCC người DTTS có sử dụng được thành thạo máy tính không cũng cần có khảo sát và đánh giá cụ thể. Với tỷ lệ 18,4% CBCC người DTTS chưa được bồi dưỡng tin học, đây là yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đối với CBCC người DTTS trong thời gian tới.

Nguồn: Thống kê số lượng cấn bộ, công chức người dân tộc thiểu số của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, tính đến tháng 30/6/2019.

Một phần của tài liệu Pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh quảng trị (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(122 trang)
w