CHƯƠNG 1: ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT
1.2. Những nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo
1.2.2. Quan niệm về Ngũ giới
“Giới” được hiểu là những điều không được vi phạm, cần tránh để bảo vệ đạo đức và nhân phẩm của một con người. Phạm trù “giới” trong đạo Phật là một phạm trù khá rộng, bao gồm các giới của người xuất gia, giới luật của tỳ kheo, tỳ kheo ni, giới luật Bồ tát của Đại thừa…Nhìn chung, tất cả các giới đó đều lấy Ngũ giới làm nền tảng , từ đó mà cụ thể hóa hoặc nâng cao lên.
Trong hệ thống giáo lý Phật giáo, Ngũ giới giữ một vị trí hết sức quan trọng, được coi là chuẩn mực cơ bản của đạo đức Phật giáo. Theo Phật giáo, đạo đức thể hiện rõ nhất chính là trong việc giữ giới. Giới là điều kiện không thể thiếu được trong quá trình tu tập của người tu hành. Đồng thời, giới còn là một phương tiện giúp cho con người vượt qua bể khổ luân hồi để vươn tới chốn giải thoát, an lạc. Chức năng của giới luật Phật giáo đó là tạo ra hạnh phúc và lợi ích thực sự cho đời sống của con người và của toàn xã hội từ cấp độ thấp nhất (là con người đúng nghĩa) cho tới cấp độ cao nhất là giải thoát tối hậu (đạt tới cõi Niết bàn).
Sở dĩ đức Phật đặt ra năm giới vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia hưởng được quả báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới. Người đã quy y là đã bước một nấc thang đầu tiên, nếu không giữ giới có nghĩa là dừng lại tại đó, không tiến bước tới nữa.
Năm giới này không những để tiến bước trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội. Đức Phật không bắt buộc người Phật tử phải tuân theo triệt để, cũng không hăm dọa nếu không tuân theo thì phải bị chịu hình phạt, có giữ giới hay không là tùy thuộc mỗi người tự liệu lấy. Đạo Phật khác với các tôn giáo khác một phần là ở điểm này. Năm giới là năm thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi.
Ngũ giới bao gồm: Không sát sinh; không trộm cướp; không tà dâm;
không nói dối; không uống rượu.
Xét về bản chất thì năm giới này là những điều răn dạy cơ bản về đạo đức cho con người dù người đó có tu Phật hay không. Việc giữ gìn các giới luật trước hết nhằm mục đích là phát huy được bản tính thiện có trong tâm mỗi người, hơn nữa diệt trừ tam nghiệp là tham, sân, si, đem đến sự trong sạch, thanh tịnh cho thân tâm người tu tập.
* Giới thứ nhất: Không sát sinh
Không sát sinh là không sát hại sự sống, không làm tổn hại đến các loài vật có sinh mạng. Đây là giới đầu tiên và cơ bản của Phật giáo bởi nền tảng đạo đức Phật giáo là sự từ bi, hướng thiện. Không sát sinh ở đây bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn như voi, ngựa, trâu, bò…, cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ, kiến… Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương, đau đớn con người và các loài. Người Phật tử cũng không bảo người khác, bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sinh các loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản.
Sự giữ giới không sát sinh nhằm mục đích bảo vệ công bằng, mọi chúng sinh đều muốn sống, mọi chúng sinh đều có Phật tính như nhau. Chúng ta coi sinh mạng mình là quý, là một của báu tuyệt đối. Nếu ai có ý định mưu hại là bản thân sẽ chống trả triệt để để bảo vệ sinh mạng. Bản thân mình đã biết quý trọng thân mạng của mình thì không có lý gì lại muốn chà đạp lên
sinh mạng người? Suy rộng ra, các loài vật cũng biết quý trọng mạng của chúng. Chẳng hạn như một con bò hay một con heo sắp bị đập đầu, thọc huyết, chúng ta thấy sự phản kháng mãnh liệt, sự đau thương cùng cực của chúng bằng những tiếng kêu gào, những cái giãy giụa mong thoát chết. Theo lẽ công bằng, đìều ta không muốn ai làm cho ta, thì ta cũng đừng làm cho người khác, hay loài khác. Phật dạy: "Ai ai cũng sợ gươm dao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết!"
Không những thế, giữ giới sát sinh còn là nuôi dưỡng lòng từ bi. Lòng từ bi của Đức Phật xem mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử sát hại sinh vật, bất cứ trong trường hợp nào. Bởi vì đang tâm giết hại sinh mạng là lòng độc ác đã cực thịnh, tâm từ bi bị bóp chết. Nhẫn tâm vô cớ giết hại một con vật, tính bạo ác không kém giết một con người. Nhẫn tâm làm cho kẻ khác hay vật khác phải giãy giụa, rên siết, quằn quại trước khi trút hơi thở cuối cùng chính là hành động tự giết lòng từ bi của mình. Người làm điều này khó có thể tu hành để thành chính quả được. Đức Khổng Tử có dạy: "Văn kỳ thanh bất nhẫn kiến kỳ thực, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử". (Nghe tiếng kêu la của con vật, không nỡ ăn thịt nó; thấy nó sống không đành thấy nó chết). Như vậy người có tâm từ bi hay lòng nhân đều sẽ không nỡ giết hại người hay loài vật.
Giữ giới sát sinh còn giúp tránh được nhân quả báo ứng, vì nợ máu sẽ phải trả bằng máu không ở kiếp này thì ở kiếp sau, như vậy nghiệp oán xoay vần không có ngày chấm dứt. Khi ta giết một người hay một con vật thì sự oán hận của người và vật đó sẽ tràn trề khó dập tắt được. Họ vì cô thế, vì yếu sức nên mới bị ta giết hại. Trong khi ấy, họ ôm lòng căm hận, chờ gặp dịp báo thù, hay con cái thân nhân họ sẽ báo thù lại. Càng tạo nghiệp sát, ta lại càng lao mình vào đau khổ. Phật dạy: "Người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi".
Đạo Phật là đạo từ bi nhằm mục đích xóa tan mọi đau khổ, đem lại sự an vui. Giới không sát sinh là một quan niệm sống nhằm con người tránh xa những điều ác, làm điều thiện, yêu thương sự sống. Nếu tất cả nhân loại trên thế giới này đều giữ đúng giới thứ nhất của Phật dạy thì chiến tranh sẽ không có, mà các nghiệp sinh tử luân hồi cũng đươc giải thoát. Một người không sát sinh thì trong lòng không bứt rứt, hối hận, thân tâm được nhẹ nhàng, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa, trong sáng.
Giới này khi đi vào cuộc sống gặp không ít khó khăn, dù vô tình hay hữu ý thật khó tránh khỏi giới sát. Chúng ta nên cố gắng giữ lấy điều cốt yếu của giới này: không được giết người, không giết hại sinh vật một cách vô lý.
Nói rộng ra, không gây chiến tranh hủy diệt con người và môi trường sống, bảo vệ hòa bình và bảo vệ môi sinh… là những điều có ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay. Ngày nay, vấn đề “cấm sát sinh” đã được nhận thức một cách sâu sắc hơn. Con người thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống của muôn loài trong đó có việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các loài động vật quý hiếm nhằm cân bằng môi trường sống, bảo vệ cuộc sống của chính con người.
* Giới thứ hai: Không trộm cướp
Giới thứ hai, không trộm cướp là không được lấy vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình khi không có sự đồng ý của người khác, dù vật đó đang tồn tại trong tự nhiên. Người Phật tử không được bày mưu kế cho người khác trộm cướp. Khi thấy người khác làm các việc trộm cướp thì phải khuyên bảo can gián. Cũng gọi là trộm cắp, khi lấy của tư hay của công, của công ty hay của nhà nước, khi cưỡng ép người ta bằng vũ lực hay quyền hành, khi dùng những thủ đoạn lừa gạt, mưu mẹo…để đoạt chiếm sở hữu, tiền bạc như quỵt nợ, giật hụi, đầu cơ tích trữ, cân non đong thiếu,…cũng như trộm cướp không khác. Tóm lại tất cả các việc gian tham, lấy của bất chính đều là trộm cướp. Như Hòa thượng Thích Minh Châu đã chỉ ra: “Thuộc phạm vi giới này, không phải chỉ là hoạt động trộm cắp lộ liễu, mà còn cả những hành vi buôn
lậu, tham nhũng, lừa đảo, lật lọng trong buôn bán để kiếm những món lời bất chính, lạm dụng chiếm đoạt của công” [7,24]. “Tham” là yếu tố đứng đầu trong “Tam độc” (Tham, Sân, Si). Chính vì vậy, ngăn ngừa lòng tham, không để nó tự do điều khiển hành vi của mình, đó là cơ sở lý luận mà Phật giáo xây dựng giới thứ hai.
Lợi ích của giới không trộm cướp là giữ được sự công bằng, bình đẳng giữa con người với con người, mỗi người đều có quyền sở hữu riêng tư, xã hội không công bằng thì khó tồn tại lâu dài được. Không trộm cướp còn thể hiện lòng từ bi, vì một người phải cực khổ để làm ra tiền nuôi thân và gia đình và dành dụm phòng khi đau yếu hoặc tuổi già. Nếu bị mất sẽ đau khổ vô cùng, tuyệt vọng có khi đi đến tự tử. Chúng ta nhiều khi cũng buồn khổ vì mất của, xét người khác cũng vậỵ Chúng ta không muốn ai trộm cướp của mình, thì cũng không nên trộm cướp của người, đó là lẽ công bằng.
Người trộm cướp, cho dù có thoát khỏi lưới pháp luật, nhưng lương tâm lúc nào cũng lo sợ, và nhân quả nghiệp báo ở kiếp sau không thể tránh khỏi. Trái lại, người không gian tham thì đời sống hiện tại được an ổn, không bị đòi hỏi, giam cầm, tù tội, đi đâu cũng được người khác tin cậy, giao phó cho mình những địa vị quan trọng. Người không gian tham thì đời sau được hưởng phước báu giàu sang, an vui và con cháu nhiều đời cũng nhờ thừa hưởng âm chất của ông bà, cha mẹ để lại mà được vinh hiển. Trong xã hội, nếu không ai có tâm gian tham, trộm cướp thì nhà không cần đóng cửa, của khỏi lo gìn giữ, vật đánh rơi không mất.
* Giới thứ ba: Không tà dâm
Không tà dâm được hiểu theo nội hàm “Duy chế tà dâm”, tức phải ngăn ngừa, hạn chế dục vọng trong một giới hạn nhất định mà xã hội cho phép.
Hành vi được gọi là “không tà dâm” trước hết phải thể hiện tính nhân sinh, phải đảm bảo về mặt pháp lý và phải đặt trong một quy phạm đạo đức xã hội nhất định. Khi vợ chồng đã được cưới hỏi đàng hoàng, có sự chứng nhận của pháp luật. Ở thực tế, không tà dâm là không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp
vợ người khác, không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình, không hãm hiếp đàn bà, con gái. Người Phật tử không được xui bảo, bày mưu cho người khác làm việc tà dâm. Trong Kinh Thánh của đạo Cơ Đốc cũng dạy: “Chớ ham muốn vợ hoặc chồng người”.
Sở dĩ đức Phật cấm tà dâm là vì những lý do sau:
- Thứ nhất, cấm tà dâm là để tôn trọng sự công bằng. Mỗi người, ai cũng muốn gia đình của mình êm ấm, hạnh phúc, vợ, chồng hòa thuận thì cớ sao lại phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, làm vấy bẩn thanh danh gia môn người, lôi kéo vợ, chồng người vào con đường dâm loạn.
- Thứ hai, không tà dâm sẽ giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình. Sẽ không có gì đau khổ hơn khi trong một gia đình mà vợ hoặc chồng có lòng dạ riêng tư, quan hệ bất chính với người khác. Khi ấy, hạnh phúc sẽ không còn nữa, vợ chồng lúc nào cũng ngờ vực nhau, không còn sự tin tưởng. Hoàn cảnh ấy không chỉ ảnh hưởng đến vợ, chồng mà còn tác động không nhỏ đến con cái.
Sống trong gia đình ấy, con cái luôn cảm thấy xấu hổ, tự ti, bị bạn bè chê bai, một số trường hợp xấu hơn là những đứa trẻ trở nên thô bạo, bất cần, không nghe lời người lớn, sa vào tệ nạn xã hội. Có thể nói, lòng chung thủy là điều kiện thiết yếu để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Vì sự tà dâm của một trong hai người mà gia đình thường xảy ra những vụ ghen tuông, cãi vã, đánh đập, có khi dẫn đến cả án mạng, gây ảnh hưởng đến cả trật tự, an toàn xã hội. Cho nên, cấm tà dâm chính là điều kiện không thể thiếu để xây dựng hạnh phúc gia đình và mang đến sự ổn định cho xã hội.
- Thứ ba, không tà dâm còn giúp con người tránh được oán thù và quả báo xấu, vì không có sự oán thù nào mãnh liệt cho bằng sự oán thù do lừa dối tình hay phụ tình gây ra. Trong Kinh Tứ Thập Nhị chương, Phật dạy:"Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay".
Thật vậy, những người ta có tâm xấu xa, mê đắm sắc dục, không sớm thì thì muộn cũng sẽ bị hại.
Ở phương diện cá nhân, như Kinh Thập Thiện nói: "Người thế gian không tà hạnh thì được hưởng bốn điều lợi sau:
- Sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn.
- Trọn đời được người kính trọng.
- Đoạn trừ được hết cả phiền luỵ khuấy nhiễu.
- Cuộc tình duyên trọn đời không ai dám xâm phạm."
Về phương diện toàn thể, nếu mọi người đều giữ giới không tà dâm thì gia đình được đầm ấm, xã hội có luân thường đạo lý, không có những sự thù hằn chết chóc vì tà dâm nữa. Những đứa con trong các gia đình hạnh phúc sẽ có một môi trường tốt để học tập và rèn luyện bản thân. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại ngày này, các vấn nạn về ma túy, mại dâm đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, nhiều người đã tìm đến hoạt động mại dâm. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự lây lan của các căn bệnh xã hội như HIV/AIDS, lậu, giang mai,…Từ thực tế này, chúng ta có thể thấy thêm được một giá trị của giới cấm tà dâm trong xã hội hiện tại, đó là giúp con người tránh được các bệnh tật nguy hiểm.
* Giới thứ tư: Không nói dối
Không nói dối được hiểu là không được “lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ”. Đây là bốn yếu tố độc do khẩu gây ra, nằm trong mười điều ảnh hưởng nguy hại đến nhân cách của con người. Trong giao tiếp, nếu vi phạm vào bốn nguyên tắc này thì đều bị cho là có hành vi nói dối. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật bảo Tôn Giả A Nan, Thị giả của Phật:
"Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ đốt cháy một đời này mà thôi, còn như nói ác sẽ đốt cháy trong vô số kiếp. Lửa chỉ đốt cháy nhà cửa, của cải của thế gian, còn lời nói ác đốt cháy bảy thứ của cải của Thánh nhân. Vì thế, này A Nan, chúng sanh họa từ trong miệng mà sinh ra, miệng lưỡi thực là búa sắc tự bổ vào mình, là cái họa để tự diệt mình".
Phật tử cần giữ giới này vì đạo Phật là đạo của sự thật nên phải tôn trọng sự thật, vì nuôi dưỡng lòng từ bi, người Phật tử phải tránh sự dối trá, lừa gạt để không gây cho người khác sợ hãi, buồn phiền, đau khổ. Đây cũng là để bảo tồn sự trung tín trong xã hội, mọi người tin cậy, đoàn kết giữ cho xã hội được ổn định, vì nếu một xã hội không ai tin ai thì mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều thất bại.
Không nói dối ở đây hàm ý không nên nói dối gây hại cho người khác, nói dối để tư lợi cá nhân. Không nói dối dù có tốt cho bản thân và người khác.
Chỉ nói lời chánh ngữ ở nơi thuận tiện, thời gian thuận tiện và mang lại kết quả tốt đẹp cho chúng sinh.Giới này cũng nói thêm rằng, trong những trường hợp vì lòng từ bi, để giúp đỡ người khác những điều tốt lành mà buộc lòng phải nói dối thì không sai phạm.
Giới không nói dối Phật khuyên sống trung thực và nói năng trung thực. Người trung thực sẽ được người khác trọng nể, tin cậy, không ai oán hận thù hằn; đi đâu cũng được người xung quanh dành cho một địa vị thân tín, niềm nở tiếp đón. Trong nghề nghiệp làm ăn, người chân thật được nhiều người tin tưởng và được giao phó cho nhiều trọng trách quý báu. Xã hội có nhiều người trung thực sẽ đoàn kết, thương yêu nhau hơn và sự nghiệp chung sẽ mau được thành tựu.
* Giới thứ năm: Không uống rượu
Giới thứ năm, không uống rượu là đòi hỏi con người phải luôn tỉnh táo để có được trí tuệ minh mẫn. Sự sáng suốt của tâm trí là điều kiện hết sức quan trọng để tự định hướng và điều khiển hành vi của mỗi con người. Rượu hay bất cứ thứ gì làm người ta say, mất hết khả năng lý trí thì không được dùng đến. Uống rượu chính là nguyên nhân gây ra bốn tội trên. Trong kinh luật Đại thừa, Tiểu thừa đều chủ trương giới rượu, đồng thời có lưu truyền một sự tích như sau: Vào thời Đức Phật Ca Diếp Ba, một người tu hành luôn trì giới thanh tịnh. Một hôm, khi vừa từ bên ngoài trở về nhà, vì quá khát nước nên ông ta đã lấy một chén rượu màu trong như nước trên bàn