Đạo đức Phật giáo góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức cho thanh niên Việt Nam

Một phần của tài liệu Đạo đức phật giáo và vai trò của nó đối với việc giáo dục (Trang 62 - 69)

CHƯƠNG 2: VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

2.2. Một số vai trò chủ yếu của đạo đức Phật giáo đối với việc giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện nay

2.2.2. Đạo đức Phật giáo góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức cho thanh niên Việt Nam

Hành vi đạo đức là sự thể hiện đạo đức của mỗi con người trên cơ sở niềm tin và lý tưởng đạo đức. Muốn có được hành vi đạo đức đúng đắn thì trước hết phải có ý thức đạo đức đúng đắn.

Hành vi đạo đức là một hành động tự giác được thúc đẩy bởi một động cơ nào đó có ý nghĩa về mặt đạo đức, nó được biểu hiện trong cách ứng xử, lối sống trong giao tiếp, trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày của mỗi người.

2.2.2.1. Đạo đức Phật giáo góp phần hoàn thiện đạo đức, nhân cách cá nhân của thanh niên

Những giá trị, chuẩn mực của đạo đức Phật giáo đã góp phần hình thành những chuẩn mực, giá trị, nguyên tắc đạo đức cho thanh niên Việt Nam

hiện nay. Trên thực tế, những chuẩn mực đạo đức mà Phật giáo đề ra không xa lạ với xã hội hiện đại mà thực sự rất cụ thể, hữu ích (Ngũ giới, Thập thiện, Tứ ân). Đạo Phật luôn hướng con người tới những giá trị nhân văn sâu sắc, lấy từ bi làm trọng tâm và quan tâm đến việc hoàn thiện đạo đức cá nhân.

Tinh thần từ bi trong Phật giáo không chỉ là hướng tới con người mà còn hướng tới vạn vật, cây cỏ.

Không giống như các tôn giáo khác, Phật giáo luôn nhấn mạnh các yếu tố làm chủ bản thân, luôn khuyên răn con người phải biết tự kiềm chế để có một nếp sống thanh bạch, khước từ dục vọng thấp hèn và nhấn mạnh đến thuyết Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo như một lẽ công bằng và khách quan của cuộc sống. Theo giáo lý Phật giáo, bản thân mỗi người sẽ tự tay tạo ra cuộc đời của mình ở kiếp sau. Vì thế, những người Phật tử thấm nhuần tư tưởng đó sẽ luôn cố gắng hướng thiện, sống nhân từ, vị tha. Tất cả những giá trị đó đã góp phần không nhỏ đối với việc giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện nay: xây dựng tâm trong, trí sáng và rèn luyện năng lực quản lý cảm xúc, kiểm soát hành vi trước tác động của ngoại cảnh, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

Trước tác động của nền kinh tế thị trường với những biểu hiện tiêu cực về đạo đức, người thanh niên cần thiết phải xây dựng cho mình tâm trong.

Người có tâm trong là người luôn trau dồi những phẩm chất tốt đẹp, ý thức được những đạo lý, giá trị nhân văn cao cả trong cuộc sống, luôn giữ cho tâm mình trong sáng, hướng thiện, từ đó khởi nguồn cho những hành động có ích.

Đạo Phật luôn nhấn mạnh đến việc đào luyện tâm hồn con người trong sạch, phê phán tham, sân, si đang trú ẩn trong mỗi người. Lòng từ bi, xót thương trước những nỗi khổ của chúng sinh có giá trị góp phần khắc phục tình trạng vô cảm với những vấn đề của xã hội của một số thanh niên hiện nay.

Một người thanh niên có nhân cách hoàn thiện sẽ không chỉ có một tấm lòng trong sáng, hướng thiện mà còn phải có một trí tuệ minh mẫn, sáng suốt.

Đạo Phật đề cao việc rèn luyện trí tuệ. Trong Tam học “Giới – Định – Tuệ”

thì “Tuệ” đóng vai trò quan trọng nhất, đây là con đường diệt khổ.Vai trò của trí tuệ là đưa đến sự giải thoát và giác ngộ, chính trí tuệ bằng sự thiền định để diệt trừ ác nghiệp, nhận rõ đúng sai, biết lắng nghe, chia sẻ, hoài nghi để sống tốt hơn. Qua những chuẩn mực đạo đức Phật giáo, thanh niên sẽ có ý thức rèn luyện về trí tuệ để trở thành những người có tri thức, kĩ năng, sáng tạo, giỏi chuyên môn, cầu thị.

Không chỉ có vậy, đạo đức Phật giáo còn góp phần rèn luyện lối sống kiên trì, nhẫn nại cho thanh niên. Sự kiên nhẫn sẽ giúp họ có thể vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để tâm hồn luôn được trong sáng, nhanh chóng loại trừ vô minh và hướng tới sự giải thoát. Ở cuộc sống hiện tại, khi mà không ít người, nhất là tầng lớp thanh niên có lối sống liều lĩnh, bất chấp tất cả, thiếu kiên nhẫn, ít khả năng chịu đựng…thì lối sống khiêm nhường, nhẫn nại của Phật giáo càng có ý nghĩa giáo dục tính cách, lối sống cho bộ phận này.

2.2.2.2. Đạo đức Phật giáo góp phần điều chỉnh hành vi của thanh niên trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Nền kinh tế thị trường cùng bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức mà xã hội cần phải quan tâm giải quyết. Nhiều người chạy theo lợi ích cá nhân mà sẵn sàng gạt bỏ những giá trị đạo đức truyền thống cũng như những chuẩn mực đạo đức mà xã hội hiện tại đặt ra.

Quan hệ giữa người với người bị đồng tiền chi phối, tất cả trở nên sòng phẳng, một thứ đạo đức vô tình, dửng dưng dần hình thành, khiến con người trở nên xa cách nhau hơn. Trong bối cảnh đó, đạo đức Phật giáo với tư tưởng đề cao tinh thần từ bi, cứu khổ đã có tác dụng định hướng cho thanh niên không chỉ để tự hoàn thiện mình mà còn góp phần điều chỉnh hành vi của họ trong các mối quan hệ xã hội sao cho phù hợp và đúng đắn.

Trước hết, đạo đức Phật giáo được thanh niên vận dụng tích cực trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, mà đầu tiên là với cha mẹ, tổ tiên. Phật giáo đề cao đạo hiếu, răn dạy con cái phải có trách nhiệm báo đáp

công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ :“(1) Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ, (2) Tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, (3) Tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống,4) Tôi sẽ bảo vệ tài sản thờ tự và (5) Tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp.” [9,542]. Lòng vị tha, hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên của thanh niên còn được thể hiện qua Lễ Vu Lan báo hiếu hằng năm. Đây chính là dịp để con cháu có điều kiện thực hành báo hiếu cha mẹ, ông bà. Từ suy nghĩ, nhận thức không muốn cha mẹ phải phiền não, con cái sẽ biết sống tốt hơn.

Tiếp đến là trong quan hệ vợ chồng, Phật giáo đề cao sự chung thủy (không tà dâm) để giữ phẩm hạnh và hạnh phúc gia đình. Vợ chồng phải luôn trung thành, thật tâm với nhau. Hiện nay,với thực trạng thanh niên Việt Nam dần quên đi những giá trị của hạnh phúc gia đình, tình trạng ly hôn đang ở con số đáng báo động thì những lời răn dặn của Đức Phật lại càng trở nên có giá trị. Một trong những hoạt động có tác dụng giáo dục đạo đức cho tầng lớp thanh niên trong mối quan hệ hôn nhân đó là tổ chức lễ Hằng Thuận. Nghi lễ này dành cho các cặp vợ chồng trước khi họ tiến hành hôn lễ để giáo dục sự thủy chung, đạo lý gia đình cho họ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

Bài học về giới không tà dâm nhằm giáo dục con người, đặc biệt là tầng lớp thanh niên một lối sống lành mạnh. Về mặt sức khỏe, bài học này rất cần thiết và mang đầy tính thời sự đó chính là thực trạng đại dịch AIDS đang trở nên phổ biến mà nguyên nhân chính là sự lây lan do lối sống bừa bãi trong quan hệ tình dục.

Trong các mối quan hệ kinh tế, giáo lý Phật giáo đề cập đến “chính mệnh”, tức là sinh sống bằng nghề nghiệp chân chính. Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh trở nên quyết liệt, con người có thể vì lợi nhuận mà bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp cả tội ác. Đức Phật khuyên mọi người kiếm sống bằng chính sức lao động, trí tuệ của mình, chứ không buôn bán gian lận, buôn bán các loại hàng hóa có hại cho sức khỏe của con người và xã hội. Mỗi người phải lao động để tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và gia đình.

Hơn ai hết, thanh niên –lực lượng lao động chủ yếu của xã hội sẽ dễ dàng tiếp thu được tư tưởng này. Rất nhiều thanh niên đã tự định hướng được kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân và bằng chính nỗ lực của mình để phát triển sự nghiệp.

Trong những năm gần đây, bằng những hoạt động cụ thể, đạo đức Phật giáo đã góp phần tích cực vào việc giáo dục lối sống cho con người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Tại nhiều ngôi chùa trong cả nước, công tác truyền tải các giá trị đạo đức Phật giáo vào trong thanh niên đang được thực hiện rất hiệu quả thông qua những câu lạc bộ “Thanh niên Phật tử”, hay các khóa tu mùa hè, khóa tu mùa Vu Lan,...dành cho học sinh, sinh viên.

Các khóa tu thường được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, từ khóa tu ngắn hạn: 1 ngày, 2-3 ngày, cho đến khóa tu dài hạn kéo dài một tuần đến một tháng. Mỗi lần như vậy lại chia thành nhiều đợt, trải dài trong năm. Hiện nay, tại các chùa có tiến hành hình thức tu học này, hầu hết đều hướng đến việc tổ chức ngắn hạn, diễn ra hàng tháng, để thuận tiện cho mọi người, nhất là những người đang phải đi làm, đều có thể thu xếp tham gia. Ở Hà Nội, các ngôi chùa như Chùa Quán Sứ, chùa Bằng A, chùa Pháp Vân, chùa Đình Quán,…là những ngôi chùa điển hình trong việc giáo dục đạo đức hiệu quả cho thanh niên hiện nay.

Những khóa tu, đạo tràng được tổ chức ngày càng nhiều, với quy mô rộng rãi, từ thành thị cho đến nông thôn. Mục đích tổ chức các khóa tu cho học sinh, sinh viên là để dạy cho thế hệ trẻ này lòng nhân ái, tính kiên nhẫn, giúp cho lớp trẻ luôn có suy nghĩ biết ơn mọi người xung quanh, biết quý trọng những gì mình đang có, nuôi dưỡng lý tưởng để trở thành một công dân có ích cho xã hội. Đến với các khóa tu, các bạn học sinh, sinh viên sẽ được nghe những bài thuyết giảng của các sư thầy về đạo lí làm người, về những lời Phật dạy cũng như bàn luận về các vấn đề nhức nhối trong xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ. Thông qua đó, những bạn trẻ sẽ có được sự thanh tịnh trong tâm hồn, giải tỏa được căng thẳng và thu nhận được nhiều tri thức

đạo đức. Bạn Nguyễn Văn A, sinh viên năm 2 trường Đại học Công đoàn chia sẻ về những trải nghiệm của mình trong khóa tu mùa hè năm 2018 tại chùa Khai Nguyên (Sơn Tây, Hà Nội): “Tại khóa tu mùa hè chúng em phải sống tách biệt hoàn toàn với những đồ vật công nghệ trong suốt một tuần, nói không với điện thoại, không mang theo tiền bạc, trang sức. Ở đó, chúng em phải sống tự lập từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, học tập và rèn luyện. Có một số bạn chưa bao giờ phải động tay đến việc giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đũa nhưng khi vào khóa tu này thì các bạn đều phải tự mình làm tất cả như các bạn khác”. Không chỉ rèn về nề nếp, tham gia các khóa tu tham gia khóa tu các bạn còn được các sư thầy giảng dạy về đạo lý trong cuộc sống, học về luật Nhân quả, lòng tôn kính Phật, tôn sư trọng đạo và những bài giảng về lịch sử quê hương đất nước, hiếu kính cha mẹ…Ngoài ra, một số chùa còn mở các chương trình rèn luyện kỹ năng sống. Các em sẽ được học về trách nhiệm của người con, sống lành mạnh, cai nghiện game, học kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng sinh tồn, vượt qua khó khăn, học võ, học hát.

Với những ý nghĩa thiết thực như vậy, hiện nay, việc mở các khóa tu tại các chùa được khá nhiều các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ. Bác Đỗ Văn N (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có một người bạn, hè năm ngoái cũng đưa con vào chùa tu. Sau một thời gian ngắn tu tại chùa, cháu sống rất tình cảm với mọi người, tính tình không còn nóng nảy, cáu gắt như trước. Vì thế, hè năm này, tôi đang có ý định cho con trai tôi tham gia một khóa tu tại chùa Bằng. Mong rằng đến với khóa tu mùa hè lần này, cháu có thể nhận thức được chính bản thân mình, bỏ chơi game và tập trung vào việc học hành hơn”.

Ở Việt Nam, khi những môn học về tâm lý, đạo đức và các kĩ năng mềm chưa được chú trọng thì việc các chùa, tự viện mở khóa tu vào mùa hè như vậy là cần thiết. Nó không chỉ giúp các bạn trẻ có một cuộc sống lành mạnh hơn mà còn hướng thiện con người ngay từ khi ở vào độ tuổi đang phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn.

Với phương châm “Đạo pháp- Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đạo đức Phật giáo đã góp phần tích cực vào các phong trào phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.

Đạo đức Phật giáo hướng thanh niên đến những công tác từ thiện với tinh thần cứu khổ, cứu nạn, lá lành đùm lá rách, cứu trợ cho đồng bào thiên tai,…Những hoạt động này nhằm điều chỉnh tính cách, lối sống , góp phần hình thành nhân cách của một con người sống có ích cho xã hội.

Không chỉ thể hiện trong quan hệ giữa con người với con người, những giá trí đạo đức Phật giáo còn được biểu hiện trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đạo Phật luôn khuyên răn con người quý trọng sự sống muôn loài, từ con người cho đến các loại động vật, côn trùng, cây cỏ. Thông qua việc tiếp thu các tư tưởng đạo Phật, con người hình thành được lối sống thân thiện với tự nhiên, hình thành những thói quen, phong tục trong đời sống hàng ngày như ăn chay, phóng sinh. Tục ăn chay xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo - vì khi đã trở về với Phật pháp, mỗi người phật tử phải thọ giới và trì giới, trong đó giới căn bản là không sát sinh mà trái lại phải thương yêu mọi loài. Thông thường, người Việt Nam, cả phật tử lẫn người không theo đạo Phật cũng theo tục lệ đặc biệt này, họ ăn chay mỗi tháng hai ngày, là ngày mùng Một và ngày Rằm mỗi tháng, có người ăn mỗi tháng bốn ngày là ngày 01, 14, 15 và 30,…Ngày nay, một bộ phận lớn những người trẻ cũng giữ thói quen ăn chay, vừa để thực hiện giáo lý Phật giáo, lại vừa giúp đảm bảo về sức khỏe. Cũng xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo phật, tục lệ bố thí và phóng sinh đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng. Đến ngày Rằm và mùng Một, người Việt thường hay mua chim, cá, rùa…để đem về chùa chú nguyện rồi đi phóng sinh.

Trong Ngũ giới, Phật giáo đề ra giới luật không uống rượu. Khi không uống rượu, con người sẽ giữ được trí tuệ minh mẫn, sáng suốt. Đặc biệt, với tầng lớp thanh niên – lực lượng nòng cốt cho sự phát triển của xã hội thì việc tránh xa rượu bia hay các chất gây nghiện là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, nếu

như trong một xã hội, lực lượng lao động chính lại rơi vào tình trạng nghiện ngập thì chắc chắn năng suất lao động của xã hội đó sẽ giảm và sẽ không thể có sự sáng tạo trong sản xuất. Do đó, khi thực hiện giới luật này, thanh niên Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ lối sống của mình vào các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu Đạo đức phật giáo và vai trò của nó đối với việc giáo dục (Trang 62 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)